Tế Hanh là một hồn thơ nổi bật trong nền thơ ca Việt Nam. Ông sở hữu một kho tàng thơ cùng một số lượng thơ lớn đặc sắc, ông luôn tìm tòi những phương pháp làm thơ độc đáo tạo ấn tượng mạnh đến bạn đọc. Một số thi phẩm ý nghĩa của ông còn được đưa vào chương trình dạy học gắn bó với nhiều thế hệ bạn đọc. Đọc thơ ông, ta càng thêm ngưỡng mộ một ngòi bút tài hoa và xuất sắc. Cùng nhau đến với tập thơ Tiếng Sóng vang danh của ông nhé!
Tiếng sóng
Tôi nói đến một vùng duyên hải
Ở miền Nam êm ái quê tôi
Chiếc tổ ấm cánh chim thường trở lại
Trên con đường vạn dặm xa khơi
Một chấm đỏ trên bản đồ nước Việt
Một chấm xanh trên bãi Thái Bình Dương
Có cát trắng, có nắng vàng, trời biếc
Có những tấm lòng chan chứa tình thương
Nơi rất thực và cũng là rất mộng
Của đời tôi yêu biển tự bao giờ
Trong giấc ngủ vẫn nghe tiếng sóng
Như tiếng lòng, giục giã những lời thơ
Tôi nói đến những con người ở đó
Những anh Dương, em Ái, chị Duyên
Đồng chí tổ viên hay anh thuỷ thủ
Những người với tôi như bến với thuyền
Những con người bình thường và vĩ đại
Những cuộc đời không tuổi không tên
Xây cái sống nơi đầu gành cuối bãi
Đôi tay trần chống chọi với thiên nhiên
Những con người lớn lên theo Cách mạng
Cả một thời nô lệ cuộn dòng trôi
Cỡi sóng gió hướng theo tay lái Đảng
Biển thuộc về những kẻ đổ mồ hôi
Những con người suốt chín năm kháng chiến
Đem máu đào giữ miếng đất thiêng liêng
Nay đứng thẳng nhìn quân thù Mỹ Diệm
Bùn sẽ tan khi ngọn thuỷ triều lên!
Những con người hoà bình ra miền Bắc
Theo lời dạy Bác Hồ xây Tổ quốc vinh quang
Cả tập đoàn long lanh như bạc rắc
Mai con tàu sẽ cập bến miền Nam
Những người ấy với tôi là ruột thịt
Trong lời thơ tôi gửi hết yêu thương
Đến những ai không quen không biết
Cũng gần tôi trong hai tiếng quê hương
Tôi thấy đời tôi gắn liền với biển
Từng cơn sóng vui, từng lượn sóng buồn
Ôi nhớ làm sao những mùa chim én!
Ôi nhớ làm sao những mùa cá chuồn!
Hồn tôi mở trong cánh buồm lộng gió
Đi, ta đi, đến những chân trời xa
Tim tôi thả neo trong bến đỗ
Về, ta về, trở lại quê nhà
Như chất mặn thấm vào khi muối đọng
Làm quên đi những vị khác trên môi
Tiếng sóng biển quê hương hay tiếng sống
Đã bao lần vang động giữa thơ tôi
Tôi nói đến trời mây, tôi nói đến
Những cánh đồng, nhà máy, những hoa chim
Nhưng muốn nói nhiều hơn về xứ biển
Như cái gì thầm kín nhất trong tim
Trong thơ tôi có câu đầy nước mắt
Nhưng tôi không chán nản đâu anh!
Khi nửa nước còn trong tay lũ giặc
Tôi cười vui dễ dãi sao đành!
Lòng miền Nam tôi chưa nói hết lời
Gửi miền Bắc hồn tôi còn tưởng vọng
Nay tôi gửi tình tôi trong Tiếng sóng
Hỡi đồng bào, đồng chí mến thân ơi!
Ngoài khơi trong lộng
Họ ba người
Dương, Lâm và Cát
cuộc đời cũ bơ vơ bèo giạt
ba con người ba hòn đảo thương đau
Cách mạng về
Những mảnh ván rời nhau
cùng ghép lại thành con thuyền cỡi gió
Tình bạn ghép ba người trong một tổ
mang một tên “tổ đánh cá anh Dương”
Những buổi mai khi biển cuốn màn sương
đầu ngọn sóng ửng hồng nắng sớm
Lá cờ đỏ sao vàng bay lượn
như nói lên mình làm chủ đời mình
thuyền ra khơi chạy tới bình minh
chiếc buồm trắng cánh chim câu nắng chói
nhìn vô bến một vệt dài: hòn Dọi
phía chân trời ghi dấu quê hương
Con thuyền ru giữa biển tình thương
những làn sóng nói bao lời âu yếm
ở trên biển hay trong lòng của biển
như đứa con nằm giữa vành nôi?
Dương cúi nhìn dưới nước thấy mây trôi
cánh buồm gió lưng trời vời vợi
những đàn cá rẽ mây lướt tới
như cánh chim bay giữa từng không
cá chuồn, cá thu, cá nục, cá hồng…
những con cá vây vàng đuôi bạc vẫy
mắc vào lưới còn đành đạch nhảy
nằm trong khoang mát rượi muốn ăn tươi
Ba anh em phấn khởi ngó nhau cười
nghĩ thương cho cuộc đời thuở ấy
cá đầy biển mà mình không cái vẩy!
đồng tiền trơn chẳng chịu dính tay chai
đời đánh cá thuê như tấm lưới rách dân chài
Tưng bừng quá những khi thuyền cập bến
rừng tay vẫy. Dương mơ màng nghĩ đến
ông ngày xưa hay kể chuyện thần tiên
có rồng bay phụng múa quanh thuyền
Dương thường mơ được làm hoàng tử
xuống thuỷ cung kết duyên cùng long nữ
trong lâu đài tráng lệ của long vương
những ngọc trai lấp lánh rải trên đường
Bây giờ không có rồng có phụng
nhưng Đảng đã đem về sự sống
cho nhân dân tay lưới tay mành
cả một vùng nước biếc trời xanh…
Khi chia cá Dương nhận phần ít nhất!
cá thu này cho con Lâm
cá sòng này cho bà Cát
trán dô thêm anh cất tiếng cười ròn:
mới ngày nào cá chẳng có một con
nay mình nắm trong bàn tay cả biển
Hai mùa gió nam qua
Quân giặc đến
bóng đen sầm trên biển sáng quê hương
những chiếc tàu ăn cướp chắn ngang đường
muốn vây riết xóm làng trong đói khổ
Lưới cháy. Thuyền chìm. Máu đổ
khắp bến yên vui, khắp bãi hiền lành
mối căm thù như biển lớn mông mênh
Dân chài lưới quyết không lìa cuộc sống
bám biển giữ làng
đổi khơi thành lộng
ngày thành đêm
Ta quyết ngẩng cao đầu
sóng điên cuồng không vật nổi ta đâu!
Mùa mưa gió, mùa ở nhà sửa lưới
có tổ vẫn đi làm
Một chiều đông giục tối
càng rõ thêm tiếng sóng dội quanh nhà
tổ anh Dương rẽ sóng đẩy thuyền ra
lưới mới đan, chiếc thuyền mới đóng
ngọn đèn nhỏ lung linh điểm sống
giữa biển trời thăm thẳm một màu đen
gió rít từng cơn muốn nuốt ngọn đèn
hơi lạnh cắn da cắn thịt
Những đợt sóng từ ngoài khơi xa tít
rầm rồ vào như núi chụp thuyền con
chiếc thuyền khi chót vót đầu non
khi tụt xuống tận cùng đáy vực
biển thét, biển gầm trăm ngàn bực tức
xé không gian ra trăm mảnh rùng mình…
Tổ ba anh trong sóng gió vẫn lặng thinh
người kéo lưới người xúc lên từng vợt cá
Bỗng sóng gió bốn bề im lặng cả
biển và trời như chết giữa không gian
chiếc thuyền im mảnh gỗ đóng trên sàn
Dương vội nói: “Coi chừng! bão tới!
hạ buồm xuống! tiến gần hòn Dọi!
nếu thuyền chìm, ôm ván bơi vào…”
Cắt lời anh những trận gió ào ào
như tất cả rừng cây đổ xuống
biển muốn vỡ, bốn phương trời sấm động
tia chớp loè rạch mặt đêm đen
và cơn mưa trận lụt thuỷ triều lên
những ngọn sóng như trăm ngàn thác đổ
nhận chìm thuyền…
Khi mặt trời vừa ló
cơn bão qua cùng bóng tối ban đêm
thuyền bà con lo lắng đổ đi tìm
chiếc buồm rách lênh bênh trên sóng nổi
Bỗng tiếng kêu từ hang sâu hòn Dọi
thuyền ghé vào
còn lại chỉ mình Dương
khắp thân mình rớm máu những vết thương
Trời lại xanh. Như một niềm mong đợi
ánh sáng nhảy trên mái nhà rạ mới
vết thương lành kéo một lớp da non
bạn mất đi nhưng tình bạn vẫn còn
Dương lại xin chi bộ
cho anh vào một tổ
chiếc thuyền thơm gỗ mới ánh mặt trời
chờ một ngày từ lộng lại ra khơi
Cái chết của em Ái
Ái lớn lên giữa trời xanh cát trắng
da ngăm ngăm như một làn nước mặn
miệng cười vui mặt biển ánh trăng nghiêng
Khi Ái vào tiểu đội thiếu niên
cuộc kháng chiến cũng vào hồi quyết liệt
Trong một trận chống càn cha giặc giết
anh nhập đoàn thuỷ thủ. Với hai em
Ái chiều bến mai sông giúp đỡ mẹ hiền
con cá đầu ghềnh, mẻ tôm cuối bãi
bà con hỏi đến bao giờ gả Ái?
mẹ thường đùa:
chờ thắng lợi
Một hôm
trời chưa sáng sương lan tràn mặt biển
Ái một mình mò ngao gỡ hến
giỏ nặng trĩu tay Ái sắp sửa về nhà
mẹ sẽ mừng… em sẽ đón… Bỗng hiện ra
một lũ người mặt mày hung ác
chúng đổ cả hến ngao giơ súng nạt:
“đứng im! chúng ông bắn nát đầu!
lưới ở đâu? mau chỉ! lưới ở đâu?”
Em gái thấy căm thù hơn khiếp sợ
trong trí óc ngây thơ em còn nhớ:
vườn nát giầy đinh
lưới cháy, thuyền chìm
bãi cát dài chưa ráo máu cha em
hàng dừa xanh hôm nay còn bốc khói
biển đầy cá mà dân làng nhịn đói
Ánh nắng đầu tiên nhìn em như cặp mắt thiết tha
bảo phải trả thù, phải giết lũ yêu ma
Ái biết có mìn chôn trên động Gió
liền bảo chúng lưới thường đem dấu đó
Bọn giặc phân công
một đứa giữ xuồng
một đứa giữ em
còn tất cả xăm xăm về phía động
Lòng em Ái xôn xao muôn đợt sóng
Ôi quê hương! mối tình tha thiết
cả một đời gắn chặt với quê hương
Trong giây phút sắp cùng nhau vĩnh biệt
càng thấy lòng luyến tiếc yêu thương
Thương cha chết nửa thân mình cháy sém
mắt trừng trừng chưa trối lại một câu
Anh ra đi khi trời đầy chim én
thắng lợi về anh chẳng gặp em đâu
Thương mẹ goá suốt một đời tần tảo
gắng nuôi con nơi cuối bãi đầu ghềnh
Các em dại tuy bữa cơm bữa cháo
vẫn vui đùa tiếng hát long lanh
Thương bè bạn đội thiếu niên cứu quốc
tập đánh Tây trên bãi chiều chiều
Thương cán bộ những đêm dài thức suốt
quyết giữ làng giữ biển thân yêu
Thương bụi chuối, hàng dừa bóng toả
cái giếng đầu làng nước lọc như gương
Thương con cá con tôm – Thương tất cả
Quê hương ơi! vĩnh biệt quê hương…
Một tiếng nổ xé trời, tung bay bụi cát
Bọn giặc thét lên những tiếng thét điên cuồng
mấy thằng còn lại vội chuồn
bắn Ái chết, thây nằm trên bãi biển
Tiếng sóng gầm vang
hoà trong tiếng kẻng
Dân làng ra
mặt biển dâng lên
Tấm thân trẻ nổi bập bềnh trên sóng
những sợi tóc như sợi rong nước mọng
mặt còn tươi tựa mảnh san hô
máu láng lai đỏ thắm ven bờ…
Người thuỷ thủ và con chim én
Người thuỷ thủ
Nhìn mặt trời sắp tắt
thấy lòng mình biển cháy mênh mông
ngày mai đây
ngày chiến đấu sau cùng
các anh sẽ về miền Nam yêu quý
dâng kháng chiến lòng các anh và vũ khí
hay các anh sẽ tự nhận chìm tàu
quyết không rơi vào tay quân cá mập kia đâu
Bóng đêm xuống
nối liền trời với biển
bỗng anh thấy một con chim én
bay vội vàng
sà xuống đậu vai anh
Ơi con chim!
đem lại biết bao tình
Thấy chim đói anh mớm cơm
chim mệt
anh nựng trong lòng phủ áo nâng niu
Chim ơi chim! từ bờ Tổ quốc thân yêu
em bay đến cho lòng ta ấm áp
em không đậu trên tàu giặc Pháp
em là chim nhưng em biết căm thù
Trong lòng người thuỷ thủ tựa nôi ru
con chim én từng hồi kêu chiếp chiếp
người thuỷ thủ thấy nằm trong mộng đẹp
Ôi con chim
như bàn tay ve vuốt mẹ hiền
như má vợ thơm tho ngày mới cưới
như đầu con rúc vào lòng mát rượi
Chim ơi chim!
đời ta cũng như em
ta sống giữa trời cao và biển rộng
ta muốn sống một cuộc đời đáng sống
mai về bờ Tổ quốc thân yêu
em nhớ nói:
Các anh còn chiến đấu
các anh sẽ về miền Nam yêu dấu
nếu không, các anh sẽ tự nhận chìm tàu
Quyết không rơi vào tay quân thù cá mập kia đâu!
Một trời sao lấp lánh trên đầu
bao bọc chim con và người thuỷ thủ
nằm bên nhau thân tình trong giấc ngủ
Mặt trời lên tuôn ánh sáng muôn màu
tàu giặc Pháp cũng tiến gần thêm nữa
con chim én như biết mình sắp sửa
ra đi
chớp cánh vẫy chào
kêu chiếp chiếp những lời từ giã
chim bay đi
nhưng kìa chim trở lại
vòng ba vòng lưu luyến sắp xa nhau
rồi bay thẳng
hướng chân trời tha thiết
Ngày hôm đó
những người thuỷ thủ Việt Nam cương quyết
nhận chìm tàu
Họ bị bắt – Tù binh
Năm năm sau
trong thắng lợi hoà bình
ra miền Bắc anh lại về với biển
Đứng trên tàu nhìn trời nước bao la
trời của ta và biển của ta
người thuỷ thủ nhớ những ngày kháng chiến
đáp lòng anh một bầy chim én
báo tin xuân bay lượn giữa từng không
Chị Duyên anh Hải
Đêm khủng khiếp trong những đêm khủng khiếp
Nếp bãi biển xóm nghèo thiêm thiếp
bóng tối hãi hùng như lưới bủa âm u
gió rung cây hay bước động quân thù
Tiếng sóng thét, tiếng sóng gầm, bốn bề tiếng sóng
Nhớ quê hương những ngày ấm nóng
khi con chim tu hú gọi mùa hè
tiếng sóng bên thềm như chẳng có ai nghe
như hoà lẫn trong mái chèo nhịp nước
Đời lao động tưng bừng theo điệu hát
ánh đuốc thâu đêm mờ cả trăng sao
gió đưa thơm mùi cá nướng ngạt ngào
những vảy cá rải trên đường lấp lánh
Thế mà nay bốn bề vắng lạnh!
bóng thiên nhiên nuốt chửng bóng con người
tiếng sóng miên man như lấp mặt cuộc đời
đêm tối mịt tận đáy hồn xâm chiếm
Chỉ đau nhói ánh đèn pin Mỹ Diệm
loé trong đêm như mắt cú rình mò
cả xóm nghèo ôm ngực giữa cơn ho
Tiếng sóng thét, tiếng sóng gầm, bốn bề tiếng sóng
Ngôi chùa vắng im lìm cửa đóng
trên bàn thờ mấy tượng Phật khoanh tay
bọn Quốc gia trong tiệc rượu no say
máu be bét một thân người cuối góc
treo khắp vách, đường xanh kẻ sọc
những chiếc bao như nấm mả chôn người
Giữa căn nhà: miếng sắt đỏ nung sôi
những cùm kẹp còn tanh mùi thịt sống
Cái mặt lợn trong hình tên “Tổng thống”
híp mắt hằn thù như bảo lũ tay sai:
lấy máu nhiều thêm để tao nhuộm ngày mai…
Hải dần tỉnh… mơ màng qua sóng biển
sống lại trong anh những ngày kháng chiến:
Anh đã cùng các bạn giữ quê hương
như bầy con săn sóc mẹ bên giường
bãi cát trắng không hề in bóng giặc
Nhớ em Ái hy sinh khi bị bắt
nhớ anh Dương trong bão biển không lùi
nhớ nục cười đồng chí bí thư
hai lần cầm tay anh nhắc:
“tôi ra miền Bắc
anh ở lại thôn nhà
hứa cùng nhau xứng đáng với quê ta”
Hải bỗng nghe tận cùng da thịt nát
như thấm tràn một luồng nước mát
ngực muốn vỡ ra trăm quả núi đè lên
mắt mở trừng sao chỉ thấy đêm đen?
sao bốn phía không còn không khí nữa?
nghìn kim đâm?
Hải thở chẳng ra hơi
Em Duyên ơi! em ở lại trên đời
em ở lại nuôi con
Anh chết mất!
Căn nhà nhỏ quỳ trên bãi cát
gió mắc vào tấm lưới rách tả tơi
Duyên ôm con tựa cột ngó ra trời
chồng bị bắt, mất còn chẳng biết!
tiếng sóng vỗ vang từ cõi chết
Hoà bình gì mà mới có hai năm
cả xóm thôn tan nát như bằm:
người bị đánh, người bị tù, người bị giết
Cơn đói vây quanh cùng bóng chết
những chiếc bao sòng sọc đường xanh
như bóng ma trên nước nổi lềnh bềnh
sóng xô đẩy những thây người tan rã
dân ở biển mà ghê mùi vị cá!
Bọn Quốc gia còn hăm doạ láng giềng
không người nào được giúp mẹ con Duyên
Đôi vú mẹ, con ơi, dòng sữa cạn!
một hạt gạo cõng hai ba củ sắn
chị nhìn con ốm yếu xanh xao
và miếng cơm mắc nghẹn nuốt không vào…
Duyên ngủ thiếp như nhánh cây mệt mỏi
trong giấc mơ Duyên thấy mình với Hải
dắt nhau đi trên bãi biển hoà bình
lần đầu tiên không tiếng súng chiến tranh
chỉ khúc hát nhân dân chài lưới
Hai vợ chồng đi như ngày mới cưới
Duyên buộc vào nón chiếc quai nhung
chồng vừa mua sau buổi lễ ăn mừng
lần đầu tiên chị mang áo trắng
Hai vợ chồng đi từ chiều còn nắng
đến đầu hôm mặt biển trăng lên
mái tóc Duyên đen nhánh xoã trong đêm
thuyền gối sóng chập chờn trôi đến xứ
không còn nỗi khổ nghèo, không còn quân quỷ dữ…
Bỗng cất lên tiếng gọi: ba! ba!
Duyên giật mình cúi xuống nựng con thơ
tiếng sóng vẫn bốn bề ào ạt…
Nhưng hình ảnh thân yêu như nến thắp
dắt dìu Duyên từng bước giữa đêm đen
chuyền sức cho Duyên chống lũ đê hèn…
Sao mặt biển sáng nay tối lại?
sấp mặt trời những chiếc thuyền quay lái?
tiếng kêu thất thanh đạp sóng bay vào:
“Đồng bào ơi! chúng giết! hỡi đồng bào!
chúng giết chết, đồng bào ơi! anh Hải!”
Cả thôn xóm rùng rùng ra chật bãi
Duyên ôm con như pho tượng đứng nhìn
mặt mày chồng vết máu hãy còn in
ngực nát bét
Một cụ già lên tiếng:
“Tôi đứng mũi bỗng nghe tay lưới chuyển
liền kéo lên – một chiếc bao xanh
máu nhuộm bầm
vội mở thấy thây anh
cổ trẹo buộc vào tảng đá
thịt sưng tím nước thấm vào sắp rã…
Chị Duyên ơi! trời chẳng phụ người hiền
nên chúng tôi vớt được anh lên
anh ở với bà con, nghe anh Hải!
Ngày hôm ấy
mặc bọn Diệm cản ngăn
cả dân chài bỏ việc
sóng dâng lên những lời thương tiếc
Ôi! mối tình bóng tối muốn chia tan
tình nhân dân đất nước giữ vẹn toàn
Trên biên giới cõi đời và cõi chết
Chung bến chung lòng
Có chàng trai vai ngang như bến rộng
ngực cây xuân tràn trề nhựa sống
Có cô gái mày thanh như lằn nước ven sông
bước đi vui trong gió biển mặn nồng
Họ gặp nhau lúc nào không nhớ rõ
họ chỉ nhớ một ngày đầy nắng gió
Cùng đứng nhìn mặt biển chiếc thuyền xa
theo gió bay vào một khúc dân ca:
Cá biển cá bầy
con cá nhà này
là con cá nục
cắt ra nhiều khúc
là con cá chình
trai gái rập rình
là con cá ve
Yên ấn chân lên cát giục đi về:
“Có câu hát dõi theo mình rồi đó!”
Thuỷ nhìn thấy má Yên ráng đỏ:
“câu hát kia chỉ những kẻ rập rình
ta gặp nhau giữa khoảng biển trời xanh
có lén lút gì đâu em ngại”
Bỗng ngọn gió đầu thu đem nhớ tới
nhìn chân trời Thuỷ nghĩ: đã hai năm
sao cái ngày thống nhất vẫn xa xăm?
bọn Mỹ Diệm cố tình chia đất nước
nghe sóng gọi nhiều đêm không ngủ được
người con trai ngực nở vai ngang
đôi lúc buông dài những tiếng thở than:
biển Nghệ An sao vắng cá
gió ở đây sao lộng quá
ở đây lưới mỏng không quen
nỗi buồn anh thổi lạnh cả lòng em
Yên to nhỏ:
Anh thường nói với em về Quảng Ngãi
đất anh hùng sinh du kích Ba Tơ
trong kháng chiến từ núi đồng sông bãi
không cho quân giặc Pháp chiếm bao giờ
Quê hương của ông Đồng, ông Chánh
khắp mọi người kính trọng thương yêu
sông Trà Khúc như cánh tay khoẻ mạnh
đất cỗi cằn cũng hoá đất phì nhiêu
Em chưa đến nhưng đã yêu Quảng Ngãi
yêu quê anh những bà mẹ dịu hiền
trong kháng chiến những anh Dương em Ái
từ hoà bình những anh Hải chị Duyên
Anh thường bảo quê anh như thế đấy
giống quê em trời nước một màu xanh
Ngày thống nhất về với anh em sẽ thấy
biển trời em chẳng khác biển trời anh
Thuỷ đón những lời người bạn gái
như gió thổi lòng anh thắm lại
Dọc bờ xanh một giải phi lao
giọt mồ hôi trên cát đọng thành sao
Nắng trên bãi song song hai chiếc bóng
vai gánh cá mà lòng vang tiếng sóng
Ngày tháng đi nhanh
Yên nhìn ra thấy cuộc sống chung quanh
tiến lên mau hơn cả tấm lòng mình
xưa bãi vắng nay cửa nhà san sát
từ một tổ sản xuất
năm đồng chí miền Nam
nay hàng trăm anh em trong sáu tập đoàn
đang rầm rộ trên con đường hợp tác
Yên như rợn trước khoảng trời bát ngát
mối tình riêng bé nhỏ sẽ ra sao?
nỗi khổ xưa còn lởn vởn chiêm bao
chút hạnh phúc vầng trăng mới hé
Biết lòng Yên trước cuộc đời tập thể
như con thuyền ngại sóng lúc ra khơi
Thuỷ khuyên nhủ:
Em có nhớ đời chúng ta ngày trước
Bắc hay Nam cùng một kiếp đoạ đày
đi đánh cá thuê sống nhờ bọt nước
tưởng bao giờ thấy được cảnh ngày nay
Khi anh đến em còn mang áo vá
đôi vai gầy gánh cá sang sông
nay em sắp đoàn viên hợp tác xã
lớp bình dân em học ánh trăng lồng
Nơi ta ở mai đầy tràn ánh điện
máy phát thanh báo thời tiết kịp thời
ta biết trước bão giông trên mặt biển
vững con thuyền ta lướt sóng ra khơi
Những con tàu nắng ngời hy vọng
nối bến quê anh cùng bến quê em
ta sẽ hát bài ca tiếng sóng
đạp quân thù chìm ngập dưới bùn đen
Và một đêm
hợp tác xã miền Nam liên hoan thắng lợi
Thuỷ và Yên trong căn phòng mới cưới
những sợi trăng dệt cùng sợi phi lao
câu hát trước đây theo gió lại bay vào
cá biển cá bầy…
theo lời trai dỗ
mang gói thẳng dông
bỏ mẹ theo chồng
là con bạc má
Câu ca dao hay cặp mắt ai nhìn?
Thuỷ nói đùa như để thử lòng Yên:
“Em không bỏ mẹ
em chỉ bỏ lối làm ăn riêng rẽ”
Yên đùa theo:
“em chẳng phải theo chồng
em cùng anh xây hợp tác xã thành công”
Ngay từ khi mới xuất hiện, Tế Hanh đã mang tâm trạng, giọng thơ riêng, tha thiết, đằm thắm, tinh tế và đặc biệt là những tình cảm hết sức chân thành, hồn nhiên. Tế Hanh không chỉ cảm nhận cuộc sống với lòng chân thực và cách nhìn bình dị, mà cũng luôn có ý thức phát hiện cái thi vị ở đối tượng miêu tả.