Chế Lan Viên là một trong số không nhiều nhà thơ nổi tiếng nhất của phong trào Thơ mới 1930 – 1945 và sau 1945 ông vẫn được xem là một nhà thơ có vai trò mở đường và dẫn đường cho thơ ca cách mạng. Kỉ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ (1999), giới nghiên cứu văn học đã tổ chức hội thảo khoa học về Chế Lan Viên. Qua đó, một lần nữa Chế Lan Viên lại được khẳng định tài năng và sự nghiệp, được tôn vinh như một nhà thơ có tầm vóc lớn lao. Cùng chúng tôi điểm qua những tuyển tập thơ Chế Lan Viên bạn nhé!
Tổng hợp những sáng tác của nhà thơ Chế Lan Viên
1, Tiếng Hát Con Tàu
Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu
Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia
Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân
Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
Con nhớ anh con, người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con
Con nhớ em con, thằng em liên lạc
Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ
Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc
Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư
Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chi là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương
Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương
Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?
Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga
Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng
Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào
Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến
Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao
Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ
Tây Bắc ơi, ngươi là mẹ của hồn thơ
Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta
Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân
2, Người Đi Tìm Hình Của Nước
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre
Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn
Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
Lòng ta thành con rối
Cho cuộc đời giật dây
Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ
Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi
Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của Nước”
Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
Một góc quê hương nửa đời quen thuộc
Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi
Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người
Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?
Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi
Những đất tự do, những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi
Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa
Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ
Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao?
Ơi, độc lập!
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu
Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông
Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười
Bác thấy:
dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt
Ruộng theo trâu về lại với người cày
Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc
Không còn người bỏ xác bên đường ray
Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tăm tối cần lao nay hoá những anh hùng
Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lý Trần Lê
Thành nước Việt nhân dân trong mát suối
Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
Những đời thường cũng có bóng hoa che
Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc…
Tuyết Mat-xcơ-va sáng ấy lạnh trăm lần
Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt
Lênin mất rồi. Nhưng Bác chẳng dừng chân
Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai
3, Con Cò
I
Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay:
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Đăng…”
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ
“Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng…”
Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân
Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn
III
Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Ngủ đi, ngủ đi!
Cho cánh cò, cánh vạc
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi
4, Những Sợi Tơ Lòng
Tôi không muốn đất trời xoay chuyển nữa
Với tháng ngày biền biệt đuổi nhau trôi
Xuân đừng về! Hè đừng gieo ánh lửa!
Thu thôi sang! Ðông thôi lại não lòng tôi!
Quả đất chuyển giây lòng tôi rung động
Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi Hư Vô!
Tháng ngày qua, gạch Chàm đua nhau rụng
Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ!
Lửa hè đến! Nỗi căm hờn vang dậy!
Gió thu sang thấu lạnh cả hồn thơ!
Chiều đông tàn, như mai xuân lộng lẫy
Chỉ nói thêm sầu khổ với ưu tư!
Tạo hoá hỡi! Hãy trả tôi về Chiêm quốc!
Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian!
Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt!
Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn!
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!
5, Xuân
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?
– Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!
Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?
Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!
Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!
Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ!
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn
6, …Cái Vui Bây Giờ
Nắng đem chia mùa mới xuống trăm nhà
Đã tắt tiếng than cuộc đời gió thổi
Mẹ ru con bằng bài ca bộ đội
Đời quá vui nên áo vải cũng cài hoa
7, Cái Sọ Người
Này chiếc sọ người kia, mi hỡi!
Dưới làn xương mỏng mảnh của đầu mi
Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối?
Mi trông mong ao ước những điều chi?
Mi nhớ đến cảnh pháp trường ghê rợn
Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi?
Hay mi nhớ những đêm mờ rùng rợn
Hồn mi bay trong đốm lửa ma trơi?
Có tìm chăng, những chiều không tiếng gió
Của người mi thi thể rữa tan rồi?
Có tưởng lại mảnh hồn mi đau khổ
Đang lạc loài trong Cõi Chết xa xôi?
Hỡi chiếc sọ, ta vô cùng rồ dại
Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta!
Để những giọt máu đào còn đọng lại
Theo hồn ta, tuôn chảy những lời thơ
Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ!
Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô!
Để nếm lại cả một thời xưa cũ
Cả một dòng năm tháng đã trôi xa!
8, Tình Ca Ban Mai
Em đi, như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết
Em về, tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc
Em ở, trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh che
Tình em như sao khuya
Rải hạt vàng chi chít
Sợ gì chim bay đi
Mang bóng chiều bay hết
Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về
Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya
Hạnh phúc trên đầu ta
Mọc sao vàng chi chít
Mai, hoa em lại về…
9, Vòng Cườm Trên Cổ Chim Cu
Con cu cườm vẫn đeo vòng cườm muôn thuở
Triệu tấn bom không thể nào làm xổ
Một hạt cườm trên cổ chim tơ
Mùa xuân thật bất ngờ
Tiếng chim sau pháo cụm pháo bầy cấp tập
Rừng cháy đen vẫn cành ra lộc
Chỗ cành xanh là chỗ chim gù.
Hồn đất nước bâng khuâng theo tiếng chim dân dã
Như chửa nghe bao giờ. Mà như đã
Nghe rồi. Tự đâu thời xa xửa xa xưa
Tự sông Thương đôi dòng, Vọng phu hoá đá
Tiếng chim như tự buổi bình Ngô, tự thuở Hai Bà
Tiếng chim như tình ái, như thơ
Ở xứ nghìn năm chiến tranh, vạn ngày trận mạc
Để yên lòng người thì con chim hát
Cho kẻ ra đi, cho kẻ đợi chờ
Bom đạn ngất trời thì đã sao đâu?
Trăm hạt cườm trên cổ chim không thiếu hạt cườm nào.
Chim cu gáy sự vật tuần hoàn theo quy luật,
Chim cu gáy thì xanh rờn cỏ mọc
Đỏ trái chín cành cao cành thấp
Thì anh lại yêu em như buổi ban đầu.
Ngày thắng trận trở về vẫn chim cu ấy gáy
Vòng cườm qua nghìn cơn lửa cháy
Tiếng gáy tưởng chừng như đã, như chưa
Như của năm nào, như của bây giờ.
10, Đêm Tàn
Ta cùng Nàng nhìn nhau không tiếng nói
Sợ lời than lay đổ cả đêm sâu
Đôi hơi thở tìm nhau trong bóng tối
Đôi linh hồn chìm đắm bể U Sầu
“- Chiêm nương ơi, cười lên đi, em hỡi!
Cho lòng anh quên một phút buồn lo!
Nhìn chi em chân trời xa vòi vọi
Nhớ chi em sầu hận nước Chàm ta?
Này, em trông một vì sao đang rụng
Hãy nghiêng mình mà tránh đi, nghe em!
Chắc có lẽ linh hồn ta lay động
Khi vội vàng trở lại nước non Chiêm”
Lời chưa dứt, bóng đêm đà vụt biến!
Tình chưa nồng, đã sắp phải phôi pha!
Trên trần gian vầng ô kia đã đến
Gỡ hồn Nàng ra khỏi mảnh hồn ta!
11, Đêm Xuân Sầu
Trời xuân vắng. Cỏ cây rên xào xạc
Bóng đêm luôn hoảng hốt mãi không thôi
Gió xuân lạnh, ngàn sâu thôi ca hát
Trăng xuân sầu, sao héo, cũng thôi cười
Trên đồi lạnh, tháp Chàm sao ủ rũ
Hay hận xưa muôn thuở vẫn chưa nguôi?
Hay lãnh đạm, Hời không về tháp cũ
Hay xuân sang. Chiêm nữ chẳng vui cười?
Bên tháp vắng, còn người thi si hỡi
Sao không lên tiếng hát đi, người ơi?
Mà buồn bã, âu sầu trong đêm tối
Người vẫn nằm há miệng đớp sao rơi?
12, Điệu Nhạc Điên Cuồng
Hầu ran nóng, lửa hồng bừng cháy mắt
Máu hồng tươi lay vỡ cả thành tim
Ðâu điệu nhạc điên cuồng ta khao khát
Chẳng vang lên tràn ngập suối träng êm?
Ðem mau đây, chiếc sọ dừa ứ huyết
Chiếc xương khô rợn trắng khí tinh anh!
Và rót mau trong hồn ta tê liệt
Những nguồn mơ rồ dại, hỡi yêu tinh!
Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ
Ta sẽ ca những giọng của Hồn Ðiên
Ðể máu cạn, hồn tàn, tim tan vỡ
Ðể trôi đi ngày tháng nặng ưu phiền!
Ðể hưởng lấy một giờ không tục lụy
Ðể uống vào một phút chết say sưa!
– Nhạc trần gian khôn vui hồn quạnh quẽ
Rượu trần gian gây nhớ vết thương xưa
13, Mồ Không
Và xương khô, và sọ dừa, và thịt nát
Và hơi âm rờn rợn của yêu tinh
Loài người đã mang đi qua mộ khác
Để lòng ta trống trải khí thiêng linh
Thôi vắng bặt từ nay bao giây phút
Mà tiếng cười ghê rợn dậy vang mồ!
Mà hơi khóc rung dài giây gió lướt
Mà thời gian náo động cõi Hư Vô!
Hồn ma ơi! Hồn ma ơi! có nhớ
Nơi mi hằng chôn gửi hận Trần Gian?
Nơi đã khô của mi bao máu đỏ
Bao tủy nồng, nào trắng với xương tàn?
Mi có biết rồi đây trong những buổi
Mà sao sa rung chuyển đáy mồ không
Mà nắng chếch huyệt sâu um cỏ dại
Ta buồn thương, nhớ tiếc, với trông mong?
Hồn ma ơi! Trong những đêm u tối
Mi tung mây về chân trời vòi vọi
Hãy mau nghiêng cánh lại ở bên mồ
Phủ lòng ta say đắm chút hương mơ!
Lời của mồ không:
Ở đâu rồi, người nhớ mong yêu tưởng
Mà phách hồn vừa ôm ấp trong tay?
Quá xa xôi phút giây chan chứa mộng!
Vỡ tan rồi! cốc rượu ứa hơi say!
Nàng hỡi Nàng! trên tay ta là mộ trống
Trong lòng ta là huyệt bỏ, với trong hồn
Là mồ không lạnh lùng sương giá đọng
Toàn khổ đau, sầu não với lo buồn!
Hãy cho ta lúc vui trên tay khác
Một chút Thương an ủi tấm lòng đau
Như hồn ma, trong khi về mộ khác
Còn đôi hồi dừng cánh viếng mồ sâu
14, Hoa Đào Nở Sớm
Rặng đào trước ngõ em qua
Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa
Đầy vườn lộc biếc cây tơ
Năm đi chưa hết, đã ngờ xuân đâu
Bỗng dưng một đóa hoa đầu
Nghe như đất lạ năm nào gặp em
Phải rằng xê xích thời gian
Vầng dương bên ấy mọc sang bên này?
Nắng hoe. Bướm trở mình bay
Cánh non nở vội kịp ngày chào hoa
Lòng anh từ độ em qua
Hoa bay bướm dạo, cùng ta vào đời
15, Ngủ Trong Sao
Ta để xiêm lên mây, rồi nhẹ bước
Xuống dòng Ngân loà chói ánh hào quang
Sao tán loạn đua bơi trên mặt nước
Tiếng lao xao dội thấu đến cung Hằng
Rồi trần truồng, ta nằm trên điện ngọc
Hai tay cuồng vơ níu áo muôn tiên
Đầu gối lên hàng Thất tinh vừa mọc
Hồn giạt trôi về đến nước non Chiêm
Ta gặp Nàng trên một vì sao nhỏ
Ta hôn Nàng trong bóng núi mây cao
Ta ôm Nàng trong những nguồn trăng đổ
Ta ghì Nàng trong những suối trăng xao
Nàng không nói, không cười, không than thở
Theo ta về sao Đẩu ở chân trời
Trên má ta lệ Nàng đâu bỗng nhỏ
Ôm má ta, Nàng sẽ bảo đôi lời
Nhưng mà trăng! nhưng mà sao! nhưng mà gió!
Ồn ào lên, tán loạn chạy quanh ta
Phút hỗn độn qua rồi. Trời! Đau khổ!
Bóng Chiêm nương dần khuất dưới sương sa
Đêm hôm nay ngồi đây trên bờ bể
Ta lặng đếm thử bao nhiêu thế kỷ
Đã trôi trong một phút vội vàng qua
Ta lắng nghe những thế giới bao la
Tụ họp lại trong lòng muôn hột cát
Dòng tư tưởng lần trôi trong Lầm Lạc
Hồn say sưa vào khắp cõi Trời Mơ
Ai kêu ta trong cùng thẳm Hư Vô?
Ai réo gọi trong muôn sao, chới với?
– Nàng, nàng, nàng, thôi chính nàng đương mong đợi
16, Gửi Kiều cho em năm đánh Mĩ
Hai trăm năm ngày kỉ niệm Nguyễn Du
Pháo sáng đốt tên nhà của Nguyễn
Em có yên tâm để đọc Truyện Kiều
Buổi trăng lửa chếch soi tiền tuyến?
Gió mùa thu xào xạc hoa lau
Anh qua nhà của Nguyễn chả dừng lâu
Nhớ đến Nguyễn: ngước nhìn Hồng Lĩnh vậy
Bến phà Vinh bom “cắt” hai đầu…
Có ngờ đâu cồn cát trắng cây xanh
Gặp Nguyễn nơi đây trên đất Quảng Bình
Đất hỏa tuyến những chàng trai lớp bảy
Lại ngâm Kiều sau một cuộc giao tranh.
Bốn phía ruộng đồng mái rạ bờ tre
Trận địa nằm man mác giữa hương quê…
Thơ dân tộc lẫn màu nâu dân dã
Nên câu Kiều đồng vọng, họ còn nghe.
Đêm thắng giặc Bảo Ninh, mẹ Suốt ngâm Kiều
Mẹ dám đâu quên cái thuở khổ nghèo
Nhà ai đó lẩy Kiều, câu được, mất
Mẹ nấp gốc dừa, nước mắt tràn theo
“Thuyền ai thấp thoáng”… Đất trời quê ta
Nhật Lệ sông dài, đò mẹ lại qua
Câu thơ Nguyễn cũng góp phần chống Mĩ
Một mái chèo trong lửa đạn xông pha.
Hai trăm năm… ờ nhỉ… hai trăm năm
Thuở vui buồn… Kiều sống giữa lòng dân
Xưa tiếng võng ru hời đêm lạnh giá
Nay cỏ mềm xanh nõn tận trời xuân.
Đất nước mình còn nghèo lắm, hỡi em yêu
Cho đến giọt lệ cha ông cũng còn có ích với ta nhiều…
Dẫu súng đạn ngặng đường ra hỏa tuyến
Đi đường dài, em giữ Truyện Kiều theo.
17, Cành đào Nguyễn Huệ
Hẳn nhớ Thăng Long,hẳn nhớ đào?
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu?
Đào phi theo ngựa về cung nhé!
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào.
18, Nhớ Em Nơi Huyện Nhỏ
em đi về Kiến Xương
mùa này mưa bão lắm
phòng anh mờ hơi sương
nhớ em nhu nhớ nắng
chiều nay ốm một mình
vắng em ngồi bên cạnh
ngọn gío đùa trêu anh
cửa khép rồi vẫn đánh
đường xa trăm cây số
ngỡ có em về đó
đắp chăn dày cho anh
và đứng nhìn anh ngủ
rồi lại đi Thái Bình
về Kiến Xương huyện nhỏ
để lại trời bên cửa
một màu xanh xanh xanh
(Hoa Ngày Thường-Chim Bào Bão)
Tiểu sử nhà thơ Chế Lan Viên
Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1920 (tức ngày 9 tháng 9 năm Canh Thân) tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành chung (THCS hay cấp II hiện nay) thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Có thể xem Quy Nhơn, Bình Định là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ.
Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của “Trường Thơ Loạn”. Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là “Bàn thành tứ hữu” của Bình Định.
Năm 1939, ông ra học tại Hà Nội. Sau đó Chế Lan Viên vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942, ông cho ra đời tập văn Vàng sao, tập thơ triết luận về đời với màu sắc siêu hình, huyền bí.
Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, rồi ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh. Thời kỳ này, Chế Lan Viên viết bài và làm biên tập cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến. Phong cách thơ của ông giai đoạn này cũng chuyển dần về trường phái hiện thực. Tháng 7 năm 1949, trong chiến dịch Tà Cơn-đường 9 (Quảng Trị), Chế Lan Viên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo Văn học. Từ năm 1956 đến năm 1958, ông công tác ở phòng văn nghệ, Ban tuyên huấn trung ương và đến cuối năm 1958 trở lại làm biên tập tuần báo Văn học (sau là báo Văn nghệ). Từ năm 1963 ông là ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam, ủy viên ban thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Ông cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa IV, V và VI, ủy viên Ban văn hóa – giáo dục của quốc hội.
Sau 1975, ông vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 (tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Tỵ) tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, thọ 68 tuổi.
Ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (1996).
Con gái ông, bà Phan Thị Vàng Anh, cũng là một nhà văn nổi tiếng.
Phong cách của Chế Lan Viên
Con đường thơ của Chế Lan Viên “trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ”, thậm chí có một thời gian dài im lặng (1945-1958).
Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa “trường thơ loạn”: “kinh dị, thần bí, bế tắc của thời Điêu tàn với xương, máu, sọ người, với những cảnh đổ nát, với tháp Chàm”. Những tháp Chàm “điêu tàn” là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của Chế Lan Viên. Qua những phế tích đổ nát và không kém phần kinh dị trong thơ Chế Lan Viên, ta thấy ẩn hiện hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son, cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ.
Sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã “đến với cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần ánh sáng của cách mạng”, và có những thay đổi rõ rệt. Trong thời kì 1960-1975, thơ Chế Lan Viên vươn tới khuynh hướng sử thi hào hùng, chất chính luận, đậm tính thời sự. Sau năm 1975, “thơ Chế Lan Viên dần trở về đời sống thế sự và những trăn trở của cái “tôi” trong sự phức tạp, đa diện và vĩnh hằng của đời sống”.
Phong cách thơ Chế Lan Viên rất rõ nét và độc đáo. Thơ ông là sức mạnh trí tuệ được biểu hiện trong khuynh hướng suy tưởng – triết lý. “chất suy tưởng triết lý mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa” Khai thác triệt để các tương quan đối lập. Và nổi bật nhất là năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, độc đáo nhiều ý nghĩa biểu tượng.
Các bút danh của Chế Lan Viên
Ngoài bút danh Chế Lan Viên (được hiểu là tác giả tự nhận mình là bông hoa lan trong khu vườn nhà họ Chế- dòng họ vua chúa của dân tộc Chăm ở nước Chiêm Thành xưa) nổi tiếng, trong bài giới thiệu tập tiểu luận Những bước đường tư tưởng của tôi của Xuân Diệu, đăng trên báo Văn học tháng 9 năm 1958, ông ký bút danh Thạch Hãn (tên một con sông tỉnh Quảng Trị quê ông). Nhiều bài báo in trên báo Thống Nhất, xuất bản ở Hà Nội trước tháng 5 năm 1975, ông cũng ký bằng bút danh này.
Từ năm 1959 đến năm 1963, trong thời gian làm biên tập báo Văn học, phụ trách chuyên mục Nói chuyện văn thơ, trả lời bạn đọc, ông ký bút danh Chàng Văn. Năm 1961, Nhà xuất bản Văn học đã cho xuất bản hai tập Vào nghề và Nói chuyện văn thơ của tác giả Chàng Văn.
Trong mục Nụ cười xuân trên báo Văn học, Chế Lan Viên có hai bài viết ngắn là Ngô bói Kiều và Lý luận Đờ Gôn ký tên Oah (tức Hoan).
Tác phẩm chính của Chế Lan Viên
Thơ
Điêu tàn (1937), 37 bài thơ
Gửi các anh (1954), 13 bài thơ
Ánh sáng và phù sa (1960), 70 bài thơ
Hoa ngày thường – Chim báo bão (1967), 49 bài thơ
Những bài thơ đánh giặc (1972)
Đối thoại mới (1973), 64 bài thơ
Ngày vĩ đại (1976)
Hoa trước lăng Người (1976), 12 bài thơ
Dải đất vùng trời (1976)
Hái theo mùa (1977), 75 bài thơ
Hoa trên đá I,II (1984 – 1988), 15 và 16 bài thơ
Tuyển tập thơ Chế Lan Viên (tập I, 1985 tập II, 1990)
Ta gửi cho mình (1986)
Di cảo thơ I, II, III (1992, 1993, 1995)
Tuyển tập thơ chọn lọc
Văn
Vàng sao (1942)
Thăm Trung Quốc (bút ký, 1963)
Những ngày nổi giận (bút ký, 1966)
Bác về quê ta (tạp văn, 1972)
Giờ của đô thành (bút ký, 1977)
Nàng tiên trên mặt đất (1985)
Tiểu luận phê bình
Kinh nghiệm tổ chức sáng tác (1952)
Nói chuyện thơ văn (1960)
Vào nghề (1962)
Phê bình văn học (1962)
Suy nghĩ và bình luận (1971)
Bay theo đường bay dân tộc đang bay (1976)
Nghĩ cạnh dòng thơ (1981)
Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1981)
Ngoại vi thơ (1987)
Nàng và tôi (1992)
Thành Tựu của nhà thơ Chế Lan Viên
“‘Chế Lan Viên là nhà thơ luôn có sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Ông luôn biết kế thừa, phát huy những tinh hoa của nền văn chương và nhân loại để mang lại cho tác phẩm của mình một vẻ đẹp riêng. Ông có sự nhận thức sâu sắc về chức năng của văn chương và sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ đối với cuộc sống.[cần dẫn nguồn]
“Thành tựu nghệ thuật Chế Lan Viên đã đạt được trong quá trình sáng tạo chính là những đóng góp lớn lao đối với sự phát triển của thơ ca Việt Nam nói riêng và văn chương Việt Nam nói chung.”
“Thành tựu nghệ thuật Chế Lan Viên đã đạt được trong quá trình sáng tạo chính là những đóng góp lớn lao đối với sự phát triển của thơ ca Việt Nam nói riêng và văn chương Việt Nam nói chung.”
Trên đây là những thông tin liên quan đến nhà thơ Chế Lan Viên do tapchivannghe.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn về nhà thơ Chế Lan Viên bạn nhé!