Vũ Đình Liên, là một nhà thơ, nhà giáo nhân dân Việt Nam. Bài thơ Ông Đồ của ông được một nhà phê bình văn học xem là một trong mười bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới. Cùng chúng tôi điểm qua tuyển tập thơ Vũ Đình Liên qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Tổng hợp những bài thơ hay của nhà thơ Vũ Đình Liên
1.Bảy mươi ba tuổi hối hận
Bảy mươi ba tuổi
Dạy học, làm thơ
Đôi mắt đã tối
Mái đầu bạc phơ!
Công cha còn nợ
Nghĩa mẹ chưa đền
Nước, Đời, vẫn đó
Hai gánh còn nguyên.
Chỉ mừng một điều
Bổng lộc quyền lợi
Hưởng chẳng bao nhiêu
Cùng dân no đói.
Còn chút hơi tàn
Có tâm, không lực
Ngoảnh nhìn giang san
Thẹn cùng Trời Đất
Nhớ công ơn Bác
Khó nuốt miếng cơm
Khôn nhắm đôi mắt
Hối hận thơ tuôn
Ngày xưa Đời, Hối
Còn sống dưới mồ
“Nghĩa nhân” Nguyễn Trãi
Bốt-le “thương thơ”
Cũng tuổi bảy ba
Đọc thơ “Tự cảnh”
Xót lòng người xưa
Khơi sâu hối hận
Mấy lời Tự Răn
Mấy vần Tự Hận
Khôn hết ăn năn
Gửi cùng trò, bạn
Cho nhẹ mối hận
Cho khuây nỗi buồn
Thày, chưa tròn phận
Thơ, chẳng nên hồn.
2. Hạnh Phúc
Năm nay đào lại nở
Mừng hội Đảng, hội Dân
Bút ông đồ lại hoạ
Những nét chữ đẹp thâm
Cờ biển ngập phố phường
Cánh đào bay thắm đỏ
Như cả ngàn mùa xuân
Nở hoa trên mỗi chữ
Người trẻ lại, già qua
Nghe mực gieo giấy hát
Nhìn ông đồ, nhà thơ
Rỡ ràng một khuôn mặt
Thấy trong lòng say sưa
Dừng chân không muốn bước
Nghe đọc những vần thơ
Ngợi khen những nét bút
Xuân Cộng hoà Xã hội
Mai, đào, tươi thắm hoa
Một nguồn hạnh phúc mới
Trào ngọn bút, dòng thơ.
3. Hồn xưa
Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay
“Như khêu gợi nỗi niềm thương tiếc”
Những cảnh và những người đã chết
Tự bao giờ, còn phảng phất đâu đây!
Nhớ những nàng thiếu nữ thơ ngây,
Thướt tha như liễu, buồn như gợi.
Ngày ngày thoa phấn tô son đợi,
khách văn nhân đang mải hội rồng mây.
Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay
Như khêu gợi nỗi niềm thương tiếc
Những cảnh và những người đã chết
Tự bao giờ, mà nay biết tìm đâu?
Những cảnh xưa rực rỡ muôn màu
Mà êm ả, tưng bừng, mà bé nhỏ
Đẹp như bức tranh hay như bài thơ cổ
Những người xưa yên lặng, nhẹ nhàng
Với những điều ước vọng mơ màng
Mà bây giờ chúng ta không còn nữa!
Nhưng biết tìm đâu những cảnh xưa người cũ:
Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay?
4. Lòng ta là những hành lang quách cũ
Dậy đi thôi con thuyền nằm dưới bến,
Vì đêm nay ta lại căng buồm đi
Mái chèo mơ để bâng khuâng trôi đến
Một phương trời mây lọc bóng trăng khuya
Gió không thổi, nước sông trôi giá lạnh
Thuyền đi trong bóng tối luỹ thành xưa
Trên chòi cao, từ ngàn năm sực tỉnh
Trong trăng khuya bỗng vẳng tiếng loa mơ
Từ ngàn năm cả hồn xưa sực tỉnh
Tiếng loa vang giây lát động trăng khuya
Nhưng giây lát lại rơi im hiu quạnh
Cả hồn xưa im lặng trong trăng khuya
Trôi đi thuyền! cứ trôi đi xa nữa
Vỗ trăng khuya bơi mãi! cánh chèo mơ
Lòng ta là những hàng thành quách cũ
Từ ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.
5. Lũy tre xanh
Lữ khách bao năm xa vời quê cũ
Bỗng chạnh lòng nhớ tới luỹ tre xưa
Văng vẳng trong mơ tiếng sáo dật dờ
Lồng trong gió như tiếng tơ trầm bổng
Tiếng kẽo kẹt trong đêm khuya hiu quạnh
Vờn trong sương vương điệu nhạc u buồn
Hoà âm cùng tiếng gọi của ễnh ương
Thoảng trong gío âm hồn muôn ngàn kiếp
Có những lúc mưa nguồn tuôn như trút
Luỹ tre xanh oằn oại thật thê lương
Cành lá tả tơi trông thật u buồn
Như cố đứng trong tang thương vạn cổ
Cũng có lúc luỹ tre xưa bật khóc
Lại bật cười giữa vận nước điêu linh
Thăm thẳm tâm tư bầy tỏ chân tình
Nào ai thấu nỗi buồn hằng u uất
6. Mùa xuân cộng sản
Một cây đào muôn thuở
Năm, bốn mùa nở hoa
Một ông đồ bất tử
Tay với bút không già
Hoa tươi màu sông núi
Chữ thấm tình bốn phương
Cành đào và câu đối
Ngàn đời Tết Việt Nam
Nghiên bút xưa vẫn đợi
Từ ngàn năm bài thơ
Từ ngàn năm câu đối
Đảng sáng tác bây giờ
Nghệ sĩ với “ông đồ”
Tình nước non vô tận
Như Đảng với Bác Hồ
Hương Đất Trời Cộng sản
Năm, năm, đào lại nở
Vui người mới, hồn xưa
Một mùa xuân bất tử
Tươi nét hoạ, lời ca.
7. Nhớ Cao bá Quát
Tiếng dế kêu dưới đất
Sao lấp lánh trên giời
Trong đêm xưa dầy đặc
Ai thao thức canh dài
Thân người như giun dế
Lòng người tựa trăng sao
Ai xưa mài thơ để
Mỗi vần thành mũi dao
Ngâm thơ cho sao rụng
Cho tiếng dế vút cao
Cho giun quằn sóng lượn
Sông bể nổi ba đào
Đêm nay nằm không ngủ
Thương người xưa lệ trào
Cả trăm năm quá khứ
Trằn trọc nặng chiêm bao.
8. Ông đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
9. Thân tàn ma dại
– Tôi muốn hát những bài ca thắm thiết
Như những tiếng kêu than của người đói rét
Trong đêm đông mưa gió lạnh lùng
Khắp bốn bề yên lặng vắng không?
– Tôi muốn rủ những trẻ con côi cút
Không chốn nương thân, không người chăm chút
Suốt đêm khuya đợi mẹ mãi không về,
Ngủ đã say, còn thổn thức trong cơn mê
– Tôi muốn an ủi những người nghèo khổ,
Thiểu não bơ vơ, không họ hàng nhà cửa.
*
Hoạ lời ca, tôi muốn được cây đàn
Điệu xa đưa, không đêm thắm, ái ân,
Mà duy có giọng thiết tha, nức nở,
Như tiếng người oán hờn than thở.
*
Tôi sẽ gảy những khúc não nuột, ai bi
Như mối thương tâm u uất tê mê
Tiếng buồn bực sợi dây buông thong thả.
Như hàng lệ tối tăm thầm rơi trên má
Của lão ông đôi mắt đục ngầu
Đôi mắt trơ nhìn những cảnh đâu đâu.
Tôi sẽ gọi bạn lầm than, đói khát
Đến chung quanh để nghe tôi đàn hát
Quên hết những nỗi oán hờn đau khổ từ xưa
Nghe thấy tiếng đàn họ yên lặng ngẩn ngơ
Vì lời hát với tiếng đàn đều nhắn nhủ
Và tả rõ, vỗ về cuộc đời tân khổ.
Rồi hết cả bầy rách rưới đui mù,
Từ ông lão già cho đến đứa trẻ thơ
Dứt tiếng hát đều kêu lên cảm khái.
“Anh là thi sĩ của những người thân tàn, ma dại”.
10. Thủy chung
Năm nay đào lại nở
Chật đường chợ hàng hoa
Từ đáy sâu quá khứ
Ông đồ lại hiện ra
Sáng nay mưa chớm lạnh
Nắng nằm trên giấy hồng
Một đám người ngồi cạnh
Có nhà thơ ngồi cùng
Tôi xin đôi câu đối
Cụ rọc tờ giấy điều
Bàn tay xưa viết nối
Những nét chữ thân yêu
Bài thơ “Ông Đồ” mới
Dưới bút cụ nở ra
Tôi chân thành chép lại
Đánh dấu một mùa hoa
Chỉ thêm lời ghi chú
Vần thơ xưa, thơ nay
Thuỷ chung một lòng cũ
Dù vui buồn đổi thay.
11. Từ muôn năm cũ
Yên lặng đi theo dõi chân thành cao
Bóng tinh kỳ trong sương sa buồn rũ!
Hỡi những chiến binh từ muôn năm cũ
Bây giờ đi chinh phục cõi bờ đâu?
Giống anh hùng tự ngàn xưa đã chết!
Thì bây giờ còn chinh chiến với ai
Trống không mời, chiêng im, ngựa không thét
Vùng trời xa, yên lặng vắng tăm hơi
Lần bóng dãy thành cao đi mãi mãi
Âm thầm mang mối hận không ngày nguôi
Vì những thuở oai phong không trở lại!
Nên lặng mơ giấc mộng đỏ xa xôi:
Dãy thành rêu kéo dài trên bờ cỏ
Nỗi oan hờn quá khứ với ngàn sau
Hỡi những chiến binh từ muôn năm cũ!
Bây giờ đi chinh phục cõi mơ đâu!
12. Vịnh Cao Bá Quát
Cứu dân mộng lớn dẫu tan tành
Khí kiếm, thần thơ động sử xanh!
Khóc mướn, thương vay, từng ruột não
Giận thay, căm hộ, những hồn đanh!
Lòng soi mơ ước, trào dông bể
Dạ cháy mưu toan, ngút lửa thành
Thắng, bại, anh hùng, không cứ luận
Mỹ Lương một trận, tử mà sinh!
Khí kiếm, thần thơ động sử xanh!
Khóc mướn, thương vay, từng ruột não
Giận thay, căm hộ, những hồn đanh!
Lòng soi mơ ước, trào dông bể
Dạ cháy mưu toan, ngút lửa thành
Thắng, bại, anh hùng, không cứ luận
Mỹ Lương một trận, tử mà sinh!
Đôi nét tiểu sử của nhà thơ Vũ Đình Liên
Vũ Đình Liên (12 tháng 11 năm 1913 – 18 tháng 1 năm 1996), là một nhà thơ, nhà giáo nhân dân Việt Nam. Bài thơ Ông Đồ của ông được một nhà phê bình văn học xem là một trong mười bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới.
Tiểu sử nhà thơ Vũ Đình Liên
Vũ Đình Liên sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Ông đỗ tú tài năm 1932, từng dạy học ở các trường: Trường tư thục Thăng Long, Trường Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức để kiếm sống. Ông học thêm trường Luật đỗ bằng cử nhân, về sau vào làm công chức ở Nha Thương chính (còn gọi là sở Đoan) Hà Nội.
Năm 1936, ông được biết đến với bài thơ “Ông đồ” đăng trên báo Tinh Hoa
Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia giảng dạy nhiều năm và từng là chủ nhiệm khoa tiếng Pháp của Đại học Quốc gia Hà Nội [1].Vũ Đình Liên còn là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào Thơ mới.
Ngoài thơ ông còn hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học và dịch thuật. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam
Tác phẩm của nhà thơ Vũ Đình Liên
Một số bài thơ: Ông đồ, Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Luỹ tre xanh, Người đàn bà điên ga Lưu xá…
Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (cùng Nhóm Lê Quý Đôn – 1957) [2]
Nguyễn Đình Chiểu (1957)
Thơ Baudelaire (dịch – 1995)
Nhận xét về nhà thơ Vũ Đình Liên
Mặc dù được biết đến trong phong trào Thơ mới nhưng Vũ Đình Liên chưa xuất bản một tập thơ nào. Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh, lúc Hoài Thanh làm cuốn Thi nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên viết “Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa”. Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên hạ mình quá đáng, nhưng ông cũng hiểu nỗi đau của Vũ Đình Liên .
Trên đây là những thông tin liên quan đến nhà thơ Vũ Đình Liên do tapchivannghe.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn về nhà thơ Vũ Đình Liên bạn nhé!