Nguyễn Bính (1918-1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bảng, tỉnh Nam Định. Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, tự học ở nhà, bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi, được giải khuyến khích thơ của nhóm Tự lực văn đoàn năm 1937 với tập thơ Tâm hồn tôi. Cùng chúng tôi tìm hiểu tuyển tập thơ Nguyễn Bính cùng đôi nét về tiểu sử của nhà thơ bạn nhé!
Tổng hợp những bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Bính
Hương cố nhân
Thuở trước loài hoa chửa biết cười
Vô tình con bướm trắng sang chơi
Khác nào tôi đã sang chơi đấy
Rước bướm dừng chân. Hoa hé môi.
Từ đấy loài hoa mới biết cười
Cũng như nàng mới biết yêu tôi
Hoa yêu dấu bướm cho nên bướm
Quả quyết yêu hoa đến trọn đời.
Ai dạy nàng yêu? Có phải là
Nào ngờ hư đến thế là hoa!
Hoa đi đón rước bao nhiêu bướm
Từ bướm xuân xanh đến bướm già.
Tôi chỉ thèm yêu lấy một lần
Có người đi giữa xứ mùa xuân
Thấy con bướm trắng bay thơ thẩn
Ý hẳn đi tìm hương cố nhân.
Thư cho chị
Viết cho chị cánh thư này
Một đêm lữ thứ em say rượu cần
Nhớ người cách một mùa xuân
Hình như người đã một lần sang sông
Ồ! Say! Thương nhớ vô cùng
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị ơi!
Làm sao giấc ngủ không dài
Sao đêm không ngắn, mà trời cứ mưa ?
Làm sao em sống như thừa
Cố đem men rượu tẩm vừa lòng đau
Kể từ hai đứa thôi nhau
Em thường chả có đêm nào không say
Sao em đơn chiếc thế này ?
Sao em lại khóc như ngày chị đi …?
Ở đây còn có vui gì!
Vườn dâu xa lắm! lối về chị xa
Con đường sang xóm Trữ La
Cách một ngày ngựa, cách ba ngày đò
Lúc này em nghĩ mà lo
Cứ thương nhớ mãi thì cho hết đời!
Hôm qua có chuyến đò xuôi
Toan về Hà Nội lại thôi không về
Em trồng được một cây lê
Hẹn bốn năm nữa thì về hái hoa
Nhưng là vườn đất người ta
Mình là khách trọ một vài đêm thôi
Sáng mai có lẽ em xuôi
Nếu không đãng trí và trời không mưa
Nhưng mà khăn gói gió đưa
Lại về Hà Nội thì chưa muốn về
Đò thuê, ngày ngựa cũng thuê
Sang nhìn qua kẻ lỗi thì sang sông
Ồ! Say! Thương nhớ vô cùng
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị cho?
Nhớ người trong nắng
Hà Nội có hồ loạn tiếng ve,
Nắng dâng làm lụt cả trưa hè,
Năm xưa, một buổi đang mưa lụt
Tôi tiễn chân người sang biệt ly.
Từ buổi về đây, sầu lại sầu
Người xa vời quá, ai thương đâu!
Tôi đi ngửa mặt trên hè vắng
Xem những cành cây nó cưới nhau.
Nhớ nhung trắng xoá cả mây trời,
Trắng xoá hồn tôi, ai nhớ tôi?
Hoa cuối cùng xoan rồi rụng hết
Lấy gì phảng phất được màu môi?
Có một trai hiền, một gái xinh
Ngang qua, chừng giữa chuyện ân tình
Trai cười: “Bữa ấy mình toan giữ
Mãi dấu môi son giữa má mình…”
Cây bỗng thưa dần, bóng dãn ra
Quanh tôi chỉ thấy nắng chan hoà,
Hồn này lãng đãng trôi trong nắng
Cho được trôi về bến Trữ La!
Mùa đông đan áo
Đã quyết không… không… được một ngày
Rồi yêu mất cả buổi chiều nay
Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá!
Không biết là mưa hay nắng đây?
Lâu nay tôi thấy ở lòng tôi
Như có tơ vương đến một người
Người ấy, nhưng mà tôi chả nói
Tôi đành ngậm miệng nữa mà thôi.
Tôi quen ngậm miệng với tình xưa
Tình đã sang sông đã tới bờ
Tình đã trao tôi bao oán hận
Và đem đi cả một thuyền mơ.
Mơ có năm năm đã vội tàn,
Có nàng đan mãi áo len đen.
Có nàng áo đỏ đi qua đấy,
Hương đượm ba ngày hương chưa tan.
Mà hương đượm mãi ở hồn tôi,
Tôi biết là tôi yêu mất rồi!
Tôi biết từ đây tôi khổ lắm,
Chiều nay gió lạnh đấy, nàng ơi!
Tất cả mùa đông đan áo len
Cho người cho tất cả người quen
Còn tôi người lạ, tôi người lạ,
Có cũng nên mà không cũng nên.
Oán đã bao la, hận đã nhiều
Cớ sao tôi vẫn chả thôi yêu?
Tôi đi mãi mãi con đường ấy
Qua lại hôm nay, sáng lại chiều.
Màu tím Huế
Thôi thế là em cách biệt rồi!
Đường đi mỗi bước lại xa xôi
Tim tím rừng chiều, tim tím núi
Tim tím chiều hôm, tim tím mai
Ban chiều tim tím nhớ mong nhau
Đêm tối kìa em tím rất nhiều
Anh cúi xuống hôn màu tím giấy
Thư về em, tím nét thương đau
Mai mốt rồi đây lầm cát bụi
Anh lại đường xa trải kiếp người
Tim tím rừng chiều, tim tím núi
Chiều hôm nhiều tím thế em ơi!
Nhớ
Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
Em thử quay xem được mấy vòng
Vì chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng!
Anh ơi! Em nhớ em không nói
Nhớ cứ đầy lên cứ rối lên
Từ đấy về đây xa quá đỗi
Đường đi bằng ngựa hay bằng thuyền
Gieo thoi gieo thoi lại gieo thoi
Nhớ nhớ mong mong mãi mãi rồi
Thoi ạ làm sao thoi lại cứ
Đi về giăng mắc để trêu tôi?
Hôm qua chim khách đậu trên cành
Kêu mãi làm em cứ tưởng anh
Nội nhật hôm qua về tới bến
Ai ngờ chim khách cũng không linh!
Anh bốn mùa hoa em một bề
Anh muôn quán trọ, em thâm khuê
May còn hơn được ai sương phụ
Là nhớ người đi có thể về.
Hôn nhau lần cuối
Cầm tay anh khẽ nói:
Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối
Em về đi, anh đi …
Rồi một hai ba năm,
Danh thành anh trở lại,
Với em anh chăn tằm,
Với em anh dệt vải.
Ta sẽ là vợ chồng,
Sẽ yêu nhau mãi mãi.
Sẽ se sợi chỉ hồng,
Sẽ hát câu ân ái.
Anh và em sẽ sống
Trong một mái nhà tranh.
Lấy trúc thưa làm cổng,
Lấy tơ liễu làm mành.
Nghe lời anh em hỡi!
Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối,
Em về đi, anh đi…
Hoa với rượu
Thấy rét u tôi bọc lại mền,
Cô hàng cất rượu ủ thêm men,
Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ,
Say cả tư mùa cho khách quen.
Em nhỏ là Nhi, bạn nhỏ tôi,
Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi .
Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ,
Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi .
Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà,
Người ta bắt chước chị người ta!
Ra vườn nhặt những hoa cam rụng,
Về bỏ đầy nồi cất nước hoa .
Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy,
Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau .
Hí hửng bảo nhau: “Thơm đấy chứ,
Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu!”
Một tối nhà Nhi có giỗ thầy,
Chị Nhi cho uống rượu cay cay,
Chừng đâu chén nhỏ làm hai đứa
Mặt đỏ lên rồi chếnh choáng say .
Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài,
Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai.
Chị Nhi cứ chế làm sao ấy,
Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười.
Chị Nhi thường nói với u tôi:
“–Hai đứa, thưa bà, đến đẹp đôi!”
U tôi cười đáp ngay như thật:
“Tôi có nàng dâu giúp đỡ rồi!”
Thuở ấy làm sao thật thái bình,
Trai hiền bạn với gái đồng trinh.
Đời say men rượu thơm hoa rụng,
Tràn những thơ ngây, ngập cảm tình.
Ấy thế mà rồi cách biệt nhau,
Nhà Nhi không biết chuyển đi đâu .
Mình tôi giời bắt làm thi sĩ,
Mẹ mất khi chưa bạc mái đầu.
Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh,
Tôi đi dan díu với kinh thành.
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới,
Chuốc mãi men say rượu ái tình.
Rượu ái tình kia thành thuốc độc,
Vườn trần theo bướm phấn hương bay.
Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc,
Hoa hết thơm rồi rượu hết say.
Trăm sầu nghìn tủi mình tôi chịu,
Ba bốn năm rồi năm sáu năm.
Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại,
Men nồng gạo nếp nước hoa cam.
Xa lắm rồi Nhi! Muộn lắm rồi,
Bẽ bàng lắm lắm nữa Nhi ơi!
Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ,
Mộng ngát duyên lành cũng bỏ tôi.
Chắc ở nơi nào dưới mái tranh,
Chị em Nhi vẫn sốn yên lành.
Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán,
Hồn vẫn trong và mộng vẫn trinh.
Ngày xưa con bé Nhi còn đẹp,
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì.
Tháng tháng mươi mười lăm buổi chợ,
Cho người thiên hạ phải say Nhi.
Xóm chị em Nhi ở mấy nhà?
Bến đò đông vắng? Chợ gần xa?
Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ?
Vườn có trồng cam có nở hoa?
Mơ tưởng vu vơ lòng dối lòng,
Thực ra có phải thế này không.
Chị Nhi đã lấy chồng năm trước,
Nhi đến năm sau lại lấy chồng?
Ước gì trên bước đường lưu lạc,
Một buổi chiều nào lạnh gió mưa,
Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ,
Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa.
Ngồi bên lò rượu đêm hôm đó,
Nhi rót đưa tôi nước rượu đầu.
Nhắc lại ngày xưa mà thẹn lại,
Ngậm ngùi hai đứa uống chung nhau.
Tôi kể: “U tôi đã mất rồi,
Cửa nhà còn có một mình tôi …”
Nhi rằng: “Ngày trước u thường nói
Hai đứa mình trông đến đẹp đôi …”
“Chị em mới lấy chồng năm trước,
Chồng chị trồng cam ở mé sông.
Em ở mình đây nhà trống trải,
Trăng vàng đầy ngõ gió mênh mông …”
Như truyện Tương Như và Trác Thị
Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng.
Tôi với em Nhi kết vợ chồng.
Rượu cất kỹ ngon, men ủ khéo,
Say người thiên hạ lại say nhau .
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị,
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu.
Chao ôi! Là mộng hay là thực?
Là thực hay là mộng bấy lâu?
Hai đứa sống bằng hoa với rượu,
Sống vào trời đất, sống cho nhau.
Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi,
Hoa thừa rượu ế, ấy tình tôi.
Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng,
Gặp lại nhau chi muộn lắm rồi.
Lỡ bước sang ngang
Em ơi! em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây
Rượu hồng em uống cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng
Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ
Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em
Đêm qua là trắng ba đêm
Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn
Một vai gánh lấy giang san…
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương
Mắt quầng tóc rối tơ vương
Em còn cho chị lược gương làm gì!
Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu
Cách mấy mươi con sông sâu
Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh
Cũng là thôi cũng là đành
Sang sông lỡ bước riêng mình chị sao?
Tuổi son nhạt thắm phai đào
Đầy thuyền hận, có biết bao nhiêu người!
Em đừng khóc nữa em ơi!
Dẫu sao thì sự đã rồi, nghe em!
Một đi bảy nổi ba chìm
Trăm cay nghìn đắng con tim héo dần
Dù em thương chị mười phần
Cũng không ngăn nổi một lần chị đi
Chị tôi nước mắt đằm đìa
Chào hai họ để đi về nhà ai
Mẹ trông theo, mẹ thở dài
Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran
Tôi ra đứng tận đầu làng
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa…
Trời mưa ướt áo làm gì?
Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng
Người ta pháo đỏ rượu hồng
Mà trên hồn chị một vòng hoa tang
Lần đầu chị bước sang ngang
Tuổi son sông nước đò giang chưa tường
Ở nhà em nhớ mẹ thương
Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ
Mẹ ngồi bên cửi xe tơ
Thời thường nhắc: “- Chị mày giờ ra sao?”
Chị bây giờ… nói thế nào?
Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang
Chị từ lỡ bước sang ngang
Trời dông bão giữa tràng giang lật thuyền
Xuôi dòng nước chảy liên miên
Đưa thân thế chị tới miền đau thương
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu mà duyên không về
Nhưng em ơi! một đêm hè
Hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn
Dừng chân trên bến sông buồn
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang
Đoái thương thân chị lỡ làng
Đoái thương phận chị dở dang những ngày
Rồi… rồi chị nói sao đây?
Em ơi! nói nhỏ câu này với em…
Thế rồi máu trở về tim
Duyên làm lành chị duyên tìm về môi
Chị nay lòng ấm lại rồi
Mối tình chết đã có người hồi sinh
Chị từ dan díu với tình
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng
Tim ai khắc một chữ “nàng”
Mà tim chị một chữ “chàng” khắc theo
Nhưng yêu chỉ để mà yêu
Chị còn dám ước một điều gì hơn
Một lầm hai lỡ keo sơn
Mong gì gắn lại phím đờn ngang cung
Rồi đêm kia lệ ròng ròng
Tiễn đưa người ấy sang sông, chị về
Tháng ngày qua cửa buồng the
Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa
Úp mặt vào hai bàn tay
Chị tôi khóc suốt ba ngày ba đêm
– Đã đành máu trở về tim
Nhưng khôn buộc nổi cánh chim giang hồ
Người đi xây dựng cơ đồ
Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân
Người đi khoác áo phong trần
Chị về may áo liệm dần nhớ thương
Hồn trinh ôm chặt chân giường
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây
Năm xưa đêm ấy giường này
Nghiến răng nhắm mắt cau mày… cực chưa?
Thế là tàn một giấc mơ
Thế là cả một bài thơ não nùng
Tuổi son má đỏ môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi
Đêm qua mưa gió đầy giời
Mà trong hồn chị có người đi qua
Em về thương lấy mẹ già
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã ngang sông đắm đò.
Chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Mưa xuân
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Ðoài hát tối nay”
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!
Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Ðoài cách có một thôi đê
Thôn Ðoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em
Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!
Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya
Em giận hờn anh cho đến sáng
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì
“- Thưa u họ hát…” rồi em thấy
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ chèo Ðặng đi ngang ngõ
Ðể mẹ em rằng hát tối nay?
Tương tư
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy cho tình xa xôi…
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
Ghen
Cô nhân tình bé của tôi ơi!
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ…
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi.
Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai,
Đừng hôn, dù thấy cánh hoa tươi,
Đừng ôm gối chiếc, đêm nay ngủ…
Đừng tắm chiều nay, biển lắm người.
Tôi muốn mùi thơm của nước hoa,
Mà cô thường xức, chẳng bay xa,
Chẳng làm ngây ngất người qua lại,
Dẫu chỉ qua đường, khách lại qua.
Tôi muốn những đêm đông giá lạnh
Chiêm bao đừng lẩn quất bên cô
Bằng không, tôi muốn cô đừng gặp
Một trẻ trai nào, trong giấc mơ.
Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ.
Đừng làm ẩm áo khách chưa quen.
Chân cô in vết trên đường bụi
Chẳng bước chân nào được dẫm lên.
Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi,
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi
Và nghĩa là cô là tất cả.
Cô là tất cả của riêng tôi!
Những bóng người trên sân ga
Những cuộc chia lìa khởi từ đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.
Có lần tôi thấy hai cô gái
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.
Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở sân toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
Tôi đã từng chờ những chuyến xe
Đã từng đưa đón kẻ đi về
Sao nhà ga ấy sân ga ấy
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?
Cô hái mơ
Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? Đường thì xa
Mà cái thoi ngày như sắp tắt
Hay cô ở lại về cùng ta?
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương
Cô hái mơ ơi!
Chả giả lời nhau lấy một lời
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi…
Cô lái đò
Xuân đã đem mong nhớ trở về,
Lòng cô gái ở bến sông kia.
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước,
Trên bến cùng ai đã nặng thề.
Nhưng rồi người khách tình xuân ấy,
Đi biệt không về… với bến sông.
Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi,
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông…
Xuân này đến nữa đã ba xuân,
Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần.
Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi,
Cô đành lỗi ước với tình quân.
Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong,
Cô lái đò kia đi lấy chồng.
Vắng bóng cô em từ dạo ấy,
Để buồn cho những khách sang sông…
Viếng hồn trinh nữ
Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh,
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ.
Tôi thấy quanh tôi và tất cả,
Kinh thành Hà Nội chít khăn sô.
Nước mắt chạy quanh, tình thắt lại,
Giờ đây tôi khóc một người về!
Giờ đây tôi thấy hồn cay đắng,
Như có ai mời chén biệt ly!
Sáng nay vô số lá vàng rơi,
Người gái trinh kia đã chết rồi!
Có một chiếc xe màu trắng đục,
Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi.
Đem đi một chiếc quan tài trắng,
Và những vòng hoa trắng lạnh người.
Theo bước, những người khăn áo trắng,
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.
Để đưa nàng đến nghĩa trang này,
Nàng đến đây rồi ở lại đây.
Ờ nhỉ, hôm nay là mấy nhỉ?
Suốt đời tôi nhớ mãi hôm nay.
Sáng nay sau một cơn mưa lớn,
Hà Nội bừng lên những nắng vàng.
Có những cô nàng trinh trắng lắm,
Buồn rầu theo vết bánh xe tang.
Từ nay xa cách mãi mà thôi!
Tìm thấy làm sao được bóng người.
Vừa mới hôm nào còn thẹn thẹn.
Tay cầm sáp đỏ đặt lên môi.
Chiếc áo màu xanh tựa nước hồ,
Nàng vừa may với gió đầu thu.
Gió thu còn lại bao nhiêu gió,
Chiếc áo giờ đây bạc dưới mồ.
*
Chắc hẳn những đêm như đêm qua,
Nàng còn xây mộng giữa chăn hoa.
– Chăn hoa ướp một trời xuân sắc –
Đến tận tàn canh rộn tiếng gà.
Chắc hẳn những đêm như đêm kia,
Nửa đêm lành lạnh gió thu về.
Nàng còn thao thức ôm cho chặt,
Chiếc gối bông mềm giữa giấc mê…
Nhưng sáng hôm nay nàng lặng im,
Máu đào ngừng lại ở nơi tim.
Mẹ già xé vội khăn tang trắng,
Quấn vội lên đầu mấy đứa em.
Người mẹ già kia tuổi đã nhiều,
Đã từng đau khổ biết bao nhiêu.
Mà nay lại khóc thêm lần nữa,
Nước mắt còn đâu buổi xế chiều.
Những đứa em kia chưa khóc ai,
Mà nay đã khóc một người rồi.
Mà nay trên những môi non ấy,
Chả được bao giờ gọi: “Chị ơi!”
*
Nàng đã qua đời để tối nay,
Có chàng đi hứng gió heo may,
Bên hồ để mặc mưa rơi ướt,
Đếm mãi bâng quơ những dấu giày.
Người ấy hình như có biết nàng,
Có lần toan tính chuyện sang ngang.
Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bé,
Vội cắm nghìn thu ở suối vàng.
Có gì vừa mất ở đâu đây?
Lòng thấy mềm như rượu quá say.
Hốt hoảng chàng tìm trong bóng tối:
Bàn tay lại nắm phải bàn tay.
*
Chỉ một vài hôm nữa, thế rồi,
(Người ta thương nhớ có ngần thôi)
Người ta nhắc đến tên nàng để
Kể chuyện nàng như kể chuyện vui.
Tôi với nàng đây không biết nhau,
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.
Hôn nhau lần cuối
Cầm tay, anh khẽ nói:
– Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối,
Em về đi, anh đi.
Rồi một, hai, ba năm,
Danh thành anh trở lại.
Với em, anh chăn tằm,
Với em, anh dệt vải.
Ta sẽ là vợ chồng.
Sẽ yêu nhau mãi mãi.
Sẽ se sợi chỉ hồng,
Sẽ hát câu ân ái.
Anh và em sẽ sống,
Trong một mái nhà tranh.
Lấy trúc thưa làm cổng,
Lấy tơ liễu làm mành.
Nghe lời anh, em hỡi!
Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối,
Em về đi, anh đi…
Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Nguyễn Bính
Nguyễn Bính (tên thật là Nguyễn Trọng Bính; 1918–1966) là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc.
Nguyễn Bính sinh ngày 13-2-1918, tức mồng ba Tết năm Mậu Ngọ với tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Cha Nguyễn Bính tên là Nguyễn Đạo Bình, làm nghề dạy học, còn mẹ ông là bà Bùi Thị Miện, con gái một gia đình khá giả. Ông bà sinh được ba người con trai là Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường), Nguyễn Ngọc Thụ và Nguyễn Bính.
Bà Miện bị rắn độc cắn rồi mất năm 1918, lúc đó bà mới 24 tuổi. Để lại cho ông Bình ba đứa con thơ, khi đó Nguyễn Mạnh Phác mới sáu tuổi, Nguyễn Ngọc Thụ ba tuổi và Nguyễn Bính mới sinh được ba tháng.
Bà cả Giần là chị ruột của mẹ Nguyễn Bính, nhà bà lại giàu có, nên bà cùng ông Bùi Trình Khiêm là cậu ruột của Nguyễn Bính và là cha của nhà văn Bùi Hạnh Cẩn, đón ba anh em Nguyễn Bính về nuôi cho ăn học. Nguyễn Bính làm thơ từ thuở bé, được cậu Khiêm khen hay nên được cưng
Trúc Đường thi đỗ thành trung (đíp-lôm) vào loại giỏi ở Hà Nội, rồi dạy học trong một trường tư thục ở Hà Đông, Trúc Đường bắt đầu viết văn và làm thơ. Ông đón Nguyễn Bính lên và truyền đạt cho Nguyễn Bính văn học Pháp. Cuộc đời của Nguyễn Bính gắn bó Với Trúc Đường cả về văn chương và đời sống.
Tiểu sử sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Bính
Bài thơ của ông được đăng báo đầu tiên là bài Cô hái mơ. Năm 1937 Nguyễn Bính gửi tập thơ Tâm hồn tôi tới dự thi và đã được giải khuyến khích của nhóm Tự lực văn đoàn. Họa sĩ Nguyệt Hồ nhớ lại: Tôi quen Nguyễn Bính từ khi anh chưa có tiếng tăm gì, ngày ngày ôm tập thơ đến làm quen với các tòa soạn báo. Tôi thích thơ anh và đã giới thiệu anh với Lê Tràng Kiều, chủ bút Tiểu thuyết Thứ Năm, đã đăng bài “Cô hái mơ”, bài thơ đầu tiên của anh đăng báo. Tôi khuyên anh gửi thơ dự thi, và anh đã chiếm giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn… chúng tôi thân nhau từ đó, khoảng 1936-1940, quãng đầu đời thơ của anh.
Từ năm 1940, Nguyễn Bính bắt đầu nổi tiếng với số lượng thơ khá dày, đề tài phong phú, trong đó chủ yếu là thơ tình. Cũng trong năm này Trúc Đường chuyển ra Hà Nội ở và đang viết truyện dài Nhan sắc, Nguyễn Bính tỏ ý muốn đi Huế tìm đề tài sáng tác. Trúc Đường tán thành nhưng không có tiền, ông đã cho Nguyễn Bính chiếc máy ảnh và về quê bán dãy thềm đá xanh (vật báu duy nhất của gia đình) đưa tất cả số tiền cho Nguyễn Bính.
Vào Huế Nguyễn Bính Gửi thơ ra cho Trúc Đường đọc trước, rồi đăng báo sau. Cuối năm 1941, đầu năm 1942, Trúc Đường nhận được nhiều bài thơ của Nguyễn Bính trong đó có: Xuân tha hương và Oan nghiệt. Sau đó Nguyễn Bính lại trở về Hà Nội, rồi lại đi vào Sài Gòn.
Lần chia tay cuối cùng với Trúc Đường là vào năm 1943, đến năm 1945 tin tức thưa dần. Năm 1946 thì mất liên lạc hẳn. Trong thời gian này Nguyễn Bính đã gặp nhà thơ Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông cư ngụ trong nhà Kiên Giang. Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ Độ Về Đây,…
Nhiều người ở Nam Bộ hồi đó biết chuyện gọi Nguyễn Bính là có chí khí của một sĩ phu yêu nước.
Năm 1947 Nguyễn Bính đi theo Việt Minh, việc này được Bảo Định Giang nhớ lại: Tôi không nhớ rõ cuối 1947 hay đầu năm 1948, khoảng 3 giờ chiều, em bé giúp việc cho tôi chạy vào nơi tôi làm việc bảo: “Có một người xưng là Nguyễn Bính đến đây muốn gặp chú”… Trên thực tế, Nguyễn Bính đã gia nhập đội ngũ Vệ quốc đoàn từ 3 giờ chiều hôm đó vì Bộ Tư lệnh là đồng chí Trần Văn Trà và đồng chí Nguyễn Văn Vịnh đã chấp nhận yêu cầu của tôi ngay ngày hôm sau. Chẳng những chấp nhận mà các đồng chí còn dặn tôi: “đối đãi đàng hoàng, chăm sóc chu đáo tác giả Lỡ bước sang ngang”
Nhưng theo lời giới thiệu của Đỗ Đình Thọ trong tập Thơ tình Nguyễn Bính, xuất bản năm 1991 thì Nguyễn Bính đã đến với cách mạng khá sớm – ngay từ 1945 trước ngày khởi nghĩa tháng tám.
Một thời gian sau, nhờ sự mai mối của ông Lê Duẩn, ông kết hôn với bà Nguyễn Hồng Châu (một cán bộ Việt Minh), ông sinh một con gái với bà này, đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Sau đó ông lại kết hôn với bà Mai Thị Mới, ở ấp Hương Mai, xã Khánh Lâm, huyện U Minh và lại sinh một con gái được đặt tên là Nguyễn Hương Mai. Trong thời gian này máy bay Pháp lượn vòng từ đập đá dài theo kênh Chắc Băng xuống Thới Bình, rải truyền đơn kêu gọi đích danh tác giả “Lỡ bước sang ngang” – Nguyễn Bính “quay về với chính nghĩa Quốc gia để được trọng đãi”.
Những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Bính
Trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ… Ông sáng tác rất mạnh, viết rất đều và sống hết mình cho sự nghiệp thi ca. Ông được đông đảo độc giả công nhận như một trong các nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.: Một số tác phẩm:
Qua nhà (Yêu đương 1936)
Những bóng người trên sân ga (Thơ 1937)
Cô hái mơ (Thơ 1939)
Tương tư
Chân quê (Thơ 1940)
Lỡ bước sang ngang (Thơ 1940), 34 bài
Tâm hồn tôi (Thơ 1940), 23 bài
Hương cố nhân (Thơ 1941)
Hồn trinh nữ (Thơ 1958)
Một nghìn cửa sổ (Thơ 1941)
Sao chẳng về đây (Thơ 1941)
Người con gái ở lầu hoa (Thơ 1942), 24 bài
Mười hai bến nước (Thơ 1942), 12 bài
Mây tần (Thơ 1942), 9 bài
Bóng giai nhân (Kịch Thơ 1942)
Truyện Tỳ Bà (Truyện Thơ 1942)
Ông lão mài gươm (Thơ 1947)
Chiến dịch mùa xuân (Thơ, 1949)
Đồng Tháp Mười (Thơ 1955)
Trả ta về (Thơ 1955)
Gửi người vợ miền Nam (Thơ 1955)
Trong bóng cờ bay (Truyện Thơ 1957)
Nước giếng thơi (Thơ 1957)
Tiếng trống đêm xuân (Truyện Thơ 1958)
Tình nghĩa đôi ta (Thơ 1960)
Cô Son (Chèo cổ 1961)
Đêm sao sáng (Thơ 1962)
Người lái đò sông Vỹ (Chèo 1964)
Ngoài những tác phẩm kể trên, còn một số bài thơ viết trong năm 1964, 1965 và 1966 chưa kịp xuất bản.
Trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ… Ông sáng tác rất mạnh, viết rất đều và sống hết mình cho sự nghiệp thi ca. Ông được đông đảo độc giả công nhận như một trong các nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.: Một số tác phẩm:
Qua nhà (Yêu đương 1936)
Những bóng người trên sân ga (Thơ 1937)
Cô hái mơ (Thơ 1939)
Tương tư
Chân quê (Thơ 1940)
Lỡ bước sang ngang (Thơ 1940), 34 bài
Tâm hồn tôi (Thơ 1940), 23 bài
Hương cố nhân (Thơ 1941)
Hồn trinh nữ (Thơ 1958)
Một nghìn cửa sổ (Thơ 1941)
Sao chẳng về đây (Thơ 1941)
Người con gái ở lầu hoa (Thơ 1942), 24 bài
Mười hai bến nước (Thơ 1942), 12 bài
Mây tần (Thơ 1942), 9 bài
Bóng giai nhân (Kịch Thơ 1942)
Truyện Tỳ Bà (Truyện Thơ 1942)
Ông lão mài gươm (Thơ 1947)
Chiến dịch mùa xuân (Thơ, 1949)
Đồng Tháp Mười (Thơ 1955)
Trả ta về (Thơ 1955)
Gửi người vợ miền Nam (Thơ 1955)
Trong bóng cờ bay (Truyện Thơ 1957)
Nước giếng thơi (Thơ 1957)
Tiếng trống đêm xuân (Truyện Thơ 1958)
Tình nghĩa đôi ta (Thơ 1960)
Cô Son (Chèo cổ 1961)
Đêm sao sáng (Thơ 1962)
Người lái đò sông Vỹ (Chèo 1964)
Ngoài những tác phẩm kể trên, còn một số bài thơ viết trong năm 1964, 1965 và 1966 chưa kịp xuất bản.
Những bài thơ phổ nhạc
Thơ Nguyễn Bính có nhiều bài được phổ nhạc và cũng có nhiều nhạc sĩ phổ nhạc cho thơ của ông:
Tiểu đoàn 307 được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc
Người hàng xóm được Anh Bằng phổ thành ca khúc Bướm Trắng
Cô hái mơ được Phạm Duy phổ nhạc
Lỡ bước sang ngang được Song Ngọc phổ nhạc
Nhạc xuân được Đức Quỳnh phổ nhạc
Thời trước được Văn Phụng phổ nhạc thành bài Trăng sáng vườn chè
Ghen được Trọng Khương phổ nhạc
Gái xuân được Từ Vũ phổ nhạc
Cô lái đò được Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc
Chân quê được Minh Quang phổ nhạc
Nụ tầm xuân được Phạm Duy phổ nhạc
Mưa xuân được Huy Thục phổ nhạc
Chân quê
Thơ Nguyễn Bính có nhiều bài được phổ nhạc và cũng có nhiều nhạc sĩ phổ nhạc cho thơ của ông:
Tiểu đoàn 307 được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc
Người hàng xóm được Anh Bằng phổ thành ca khúc Bướm Trắng
Cô hái mơ được Phạm Duy phổ nhạc
Lỡ bước sang ngang được Song Ngọc phổ nhạc
Nhạc xuân được Đức Quỳnh phổ nhạc
Thời trước được Văn Phụng phổ nhạc thành bài Trăng sáng vườn chè
Ghen được Trọng Khương phổ nhạc
Gái xuân được Từ Vũ phổ nhạc
Cô lái đò được Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc
Chân quê được Minh Quang phổ nhạc
Nụ tầm xuân được Phạm Duy phổ nhạc
Mưa xuân được Huy Thục phổ nhạc
Chân quê.
Trên đây là những bài thơ hay nhất của nhà thơ Nguyễn Bính và đôi nét về tiểu sử nhà thơ do tapchivannghe.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức thú vị và mới hơn về nhà thơ Nguyễn Bính bạn nhé!