Tuyển Tập Thơ Phạm Huy Thông - Những sáng tác hay nhất của Phạm Huy Thông 1

Phạm Huy Thông sinh ngày 22 tháng 11 năm 1916 tại Hà Nội trong một gia đình làm nghề kinh doanh lớn, có tinh thần dân tộc . Phạm Huy Thông là hậu duệ thế hệ thứ 24 của Phạm Ngũ Lão, và là thế hệ thứ 48 của thượng thủy tổ Phạm Tu. Quê gốc của Phạm Huy Thông ở làng Đào Xá, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Cùng chúng tôi điểm qua tuyển tập thơ Phạm Huy Thông qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Tổng hợp những bài thơ hay nhất của nhà thơ Phạm Huy Thông

1. Can thuyền vua

Ta van ngươi lui bước xuống khoang rồng,
Tâu thánh thượng cho ta vào bệ kiến.
Từ đã ba hôm, ta ngóng trông đoàn thuyền chiến,
Phò hành cung tới đậu bến sông này.
Từ đã ba hôm (ta) mong thấy bóng cờ bay,
Và mui buồm từ xa, phun sóng bạc…
Vì ai đem chiếu son, gài lưỡi mác,
Truyền, hôm nay, sớm tối, các vương hầu.
Phải đem quân về duyệt bến Đồng Dâu,
Ấn kỳ lân vẫn hay không còn nữa.
Ta cũng vứt sườn non con dao rựa,
Trói mình chờ long giá mé sông hoang.
Giữa khi, từ Kỳ Sơn tới cửa biển Đại Hoàng,
Từ sông Lư tới non Hoành mây đua lướt.
Dân phẫn uất sâu thù quân cướp nước,
Đương nghiến răng mài kiếm đợi người Mông.
Ta là đinh trai tráng đất Lạc Hồng,
Lòng đâu đứng nhìn binh vua tan vỡ.
Nhìn móng câu phũ phàng bầy mọi rợ,
Đạp bằng thành tráng lệ, tháp nguy nga.
Ta đã lang thang thăm suốt dải Hồng Hà,
Từ khi bị biếm quan đi đẵn củi.
Ta đã ngắm những làng, nương, rừng, núi,
Nơi năm xưa, kỵ mã Ngột Lương qua.
Ta đã nghe bên lửa, những ông già,
Nghẹn nước mắt hờn ôn câu chuyện cũ.
Ta đã thấy tim rên niềm thống khổ,
Và thấy luồng căm tức chuyển thần kinh…
Lòng kiêu căng bùng nổi sóng bất bình,
Mà trời ơi! Đâu phải.
Trường luyện vũ nơi tưng bừng nắng rãi,
Hia Khánh Dư chưa đặt đế bao giờ!
Đã từng phen ta quăng ngựa lướt vòng đua.
Cùng Tĩnh Quốc, cùng Chiêu Văn, cùng Hưng Đạo!
Đã từng phen ta giương cung mã não,
Ta phi tên run cắm đá bia mài.
Và, từ hôm các tướng tá thi tài,
Ai chưa biết đường đao ngươi Nhân Huệ?
Nên sáng nay, liều ngăn thuyền thánh đế,
Ta van vua cho góp mặt hội vương hầu.
Ưng cho ta dưới trướng cắp gươm hầu,
Khi, quanh án, các hoàng thân bàn việc nước.
Ưng cho ta, khi tù và hô quân vang trời rúc,
Say bơi trong máu vũng gặt đầu lâu.
Ưng cho ta, khỏi nhục nhã kiếp mày râu,
Ưng cho ta, sau dăm lần vui thú ấy.
Trường chiến thắng cát kiêu tung lộng lẫy,
Trăm thương đâm suốt ngực một chiều kia.

2. Con voi già

Qua sơn lâm âm thầm và hùng vĩ,
Tắm ngày đêm trong bóng đêm huyền bí,
Cành thướt tha cùng lá chíu chít giao,
Từ ngàn thu thiếu ánh mặt trời đào;
Qua những suối đầy rêu và chậm chạp,
Từ từ chảy dưới hai hàng cây thấp,
Như con trăn-ngọc-thạch vẩy long lanh,
Cuộn mình và uốn khúc trên đá xanh;
Qua những rặng núi cao và ngạo nghễ,
Chiều chiều tắt ngọn đuốc hồng đang xế;
Những ngàn lau như sóng biển mông mênh,
Cùng heo may lên xuống và bập bềnh;
Qua những nơi mà loài người yếu ớt
Chưa hề dám, tự ngàn xưa, đặt gót,
Con Voi Già bình tĩnh lạnh lùng đi,
Mắt lừ đừ vơ vẩn nỗi sầu bi.
[…….]
Voi nhớ rằng đã quá hai mươi hạ,
Nó dẫn đàn vượt qua hàng núi đá.
Nay, như xưa, vẫn tựa con rồng lam
Cuốn chùm Sao Câu Rút ở trời Nam.
Ôi! oai linh thay quãng đời oanh liệt
Nó ngang dọc vẫy vùng trên non biếc!
Hống hách thay những buổi, sức mạnh đầy,
Nó làm chúa muôn cầm thú cỏ cây!
Nó lại nhớ, than ôi, ngày bi đát
Người bé nhỏ xấu xa và hèn nhát,
Kéo từng đàn tới những chốn nguy nga
Cướp giang sơn hùng vĩ của Voi Già.
Biết bao voi dưới trận mưa tên sắt,
Đành phó mặc đống xương tàn cho đất!
Biết bao voi bị sét của loài Người,
Ngang đầu vang lừng nổ, ngã chết tươi!
[…….]
Voi đầu đàn, trên mình tên chơm chởm,
Thua, sau một trận giao phong ghê gớm,
Đành ôm, trời đất hỡi, trái tim đau,
Mà vội vàng trốn bỏ cảnh rừng sâu!
Nó đi, đi mãi, nhưng chẳng biết
Đi đâu. Ăn uống nghỉ ngơi chẳng thiết,
Nó đi, đi cho cách biệt miền Nam,
Cách biệt loài Người tàn ác tham lam.
Đoạn, trèo lên trên cao nguyên Tây Tạng
Rồi dừng bước. Gió cuốn theo ngày tháng,
Sáng qua chiều lại, sáng lại chiều qua,
Nỗi gian truân xưa, Voi cố xoá nhoà.
[…….]
Nhưng nay Voi biết mình đà tới cõi:
Sức thiêng liêng những ngày xanh chói lói,
Như mặt trời tàn tạ buổi chiều đông,
Trong tim Voi kém rộn với kém nồng.
Voi quả quyết noi theo con đường cũ
Quay về thăm những nơi xưa đàn trú,
Nhìn lại quãng đời niên thiếu anh hào,
Rồi bỏ mình ở chốn núi non cao.
Voi đi… Bỗng dừng chân, nó đứng lại,
Vì, kìa! Nơi mà loài Voi thất bại
Giống Người! nòi Voi thua trận khi xưa!
Nơi mà nước non cao cả đổi vua!
Ấn Độ! Ấn Độ! Nước non lộng lẫy!
Đêm hè ngươi tưng bừng đẹp đẽ mấy!
Ấn Độ phì nhiêu! Ấn Độ xanh tươi!
Cảm lòng thay, những cảnh vật của ngươi!
Vụt nhớ lại trận giao phong kịch liệt,
Cất tiếng buồn, Voi kêu rên thảm thiết.
Rồi, đầu như choáng váng, dạ đê mê,
Voi như ngất ngây, phấn khởi, say mê.
[…….]
Bỗng Voi thu chút sức thừa đứng dậy,
Rồi ngẩng đầu lên sao hè lộng lẫy,
Trong khoảng đêm khuya lặng lẽ, mơ màng,
Voi buồn rầu, cất tiếng bỗng rít vang.
Tiếng kêu ầm cõi sơn lâm to lớn
Xiết bao, ôi, đắng cay và đau đớn!
Nhưng thương thay, sao bạc chẳng ai hoài,
Rừng chẳng thương thân phận kẻ lạc loài.
Mình mệt mỏi, bên sông, Voi im rít,
Nhưng tan tác vào bóng đêm mù mịt,
Biết bao tình thương nhớ, nỗi sầu bi,
Theo tiếng kêu đều thoang thoảng bay đi.
Hồn rừng thẳm, những vang cây chan chứa,
Nhắc lại tiếng tiếng Voi kêu nhiều lượt nữa
Rồi núi non và cảnh vật âm u
Lại đắm say trong giấc mộng muôn thu.
Tiếng giã từ núi cao cùng sông rộng,
Chào rừng xanh với vòm trời lồng lộng,
Gọi linh hồn hùng vĩ của loài Voi,
Voi tưởng một mình mình biết mà thôi.
Có hay đâu gió xuyên sơn lừng lẫy
Đã than lại lời than đau đớn ấy,
Đã khiến cho ở chốn mịt mùng xa,
Tấm lòng ta thổn thức, hỡi Voi Già!

3. Giấc mộng lê hoàng

Ta sẽ đưa binh Nam đi vùng vẫy
Khắp bốn phương, trời đất mịt mùng tăm
Bầu mênh mông chuyển động tiếng loa gầm
Tiếng gươm ca, tiếng trống hồi ngựa hí…
Binh Nam Quốc như hải triều kiêu hãnh
Sẽ cuốn theo cùng cát phủ, cùng mây nhanh, cùng gió mạnh,
Đỗng man di rải rác núi non Hời
Rồi, bóng khiên rợp mát bốn phương trời,
Như thác nước cao văng thân vĩ đại
Quân xông xáo tới bên bờ Thiên Trúc Hải
Và, co cương trên mảnh đất cuối cùng nhô.
Đắm say nhìn biển vỗ tới hư vô…
Song, thế giới vô biên khi cúi đầu khép nép,
Binh sĩ ta sẽ cho là đất hẹp
Ngọn trường thương không đủ chỗ tung hoành.
Vì, muốn đủ tầm xa vút cánh bằng nhanh,
Muốn sức kình được tự do ngang dọc,
Biển bao la với từng trời không góc
Cần mênh mông, cần bát ngát, cần xa xôi
Nhưng không gian chỉ cảm thấy mơ thôi.

4. Nguyễn Du

Giữa đám núi cao trên Hồng Lĩnh
Lô xô và tha thướt bóng chiều
Lụp xụp trong thung lũng tiêu điều
Lạc loài một túp lều thanh tịnh
Nguyễn Du trước cửa đang ngâm vịnh
Bỗng hồn thơ bay bổng như diều
Cụ vừa đọc hết chuyện cô Kiều
Một gái thanh lâu đời Gia Tĩnh
Trên án thư dưới ngọn đèn dầu
Nguyễn Du ngồi mài thoi mực Tàu
Chữ thoăn thoắt phủ đầy giấy trắng
Rồi khi trời đông điểm ánh vàng
Tóc râu bạc xoá nhưng trán phẳng
Cụ thấy lòng khoan khoái nhẹ nhàng.

5. Trăng rằm

Mái tranh lướt thướt ánh trăng rằm,
Bụi tre vui vẻ hát rì rầm.
Nhưng vì sao lòng ta buồn bã?
Mỗi khi ta thấy ánh trăng rằm.
Đêm nay ánh trăng rằm êm ả,
Điểm màu biếc non sông buồn bã.
Nhưng trăng rằm đẹp đẽ thâm trầm,
Sao chẳng khiến lòng ta êm ả?
Trăng rằm tung ánh sáng âm thầm,
Xuống non sông lặng lẽ thâm trầm.
Trước cảnh đẹp, sao ta buồn bã?
Và lòng ta thổn thức thâm trầm.

6. Amicvs Amicae

Tôi yêu! lần đầu tiên, hoa Tình Ái
Trong tim tôi như hé môi mời hái
Cúng lần đầu tiên tôi nghe tiếng Ly Tao
Vẳng ca ái ân với tiếng trúc xạc xào.

7. Tiếng sóng

Có nhiều sáng, gió mơ mòng dìu dặt,
Ánh bình minh vàng dịu dãi màu tươi,
Trên bể xanh, những đợt sóng tuyệt vời.
Như một bọn nhạc công miền tiên giới,
Du dương gẩy những nhịp đàn êm ái,
Sóng khoan thai vui gợn tới chân trời!
Ta ước ao, những sáng đó, có giọng ngươi.
Để thì thầm lời nước mây kiều diễm,
Bên tai người ta đắm say âu yếm.
Có nhiều trưa gay gắt, nắng tưng bừng,
Đỉnh chói loà ánh sáng như kim cương,
Những lớp sóng vang lừng và chậm chạp,
Bình tĩnh reo từng khúc hồi dồn dập.
Ta ước ao, những trưa đó, có giọng ngươi,
Để ta ca, hỡi sóng! tính khinh người,
Lòng kiêu căng không bến bờ, không giới hạn,
Với nỗi buồn gớm ghê, niềm ngao ngán
Của một trái tim đau đớn bởi điên cuồng.
Có nhiều chiều đẫm tắm bóng thê lương,
Cùng gió thảm từng hơi dài tấm tức,
Sóng rền rĩ và âm thầm thổn thức,
Tiếng buồn rầu thấm đượm cả bầu trời.
Ta ước ao, những chiều đó, có giọng ngươi.
Sóng, hỡi sóng nặng nề chiều thu tạ!
Để nắn phím lòng thiết tha, ta sẽ hoạ
Nỗi nhớ chung thường réo rắt bên tai
Với niềm tiếc thương những ngày thắm đã phai.
Có nhiều đêm đen tối như địa phủ,
Sóng dữ dội như ma thiêng kêu rú,
Đương khi trong đám tối chớp bập bùng.
Và giông gào và sấm sét đùng đùng
Hỡi sóng đêm hỗn độn lôi đình quát tháo
Cả vũ trụ như toan vùi trong trận bão!
Ta ước ao những đêm đó có giọng ngươi
Để lòng hờn căm ồ phá ra ngoài
Bằng những lời nghiến đay thần Số mệnh,
Trong vòng đau tự ngàn xưa nhất định
Bắt loài người phải lăn lộn, quay cuồng.
Không bao giờ, không bao giờ ngớt tiếng du dương,
Hỡi sóng! Đàn thần tiên muôn thu réo rắt!
Sóng lòng ta cũng không bao giờ ngớt
Tiếng mơ mòng ca nhịp buồn vui.
Cho nên ta ao ước có giọng ngươi.
Để man mác gợi khêu hồn nghệ sĩ,
Ta hoạ lại tiếng đàn tâm huyền bí.

8. Đường tình ái

Ta không còn là đứa trẻ ngây thơ,
Không biết gì, ngoài sách vở, thuở xưa.
Không! Tim ta đã bắt đầu rung động,
Và, sáng vắng, canh tàn, đã mơ mộng
Những phút thần tiên chan chứa nỗi yêu đương.
Con đường tình chói lọi ánh hào quang,
Như giục giã thi nhân mau đặt gót.
Lòng say sưa, ta vừa toan dấn bước,
Bỗng bao người đường nọ đã từng qua,
Níu áo ta và lên tiếng thiết tha:
– Kẻ niên thiếu điên cuồng, dại dột!
Chân chúng ta còn rành rành in lốt.
Ngươi há không trông thấy rõ ràng ghi
Mau dừng chân! Đứng lại! Đừng đi!
Vì muốn đổi, ôi! lấy một giây ân ái,
Phải bao ngày lòng xót xa tê tái,
Và phải, suốt đời, ôm hận trong lòng đau!
Ta trả lời những kẻ ấy:
                    – Mặc dầu!
Ta quyết sẽ xông pha đường tình ái,
Sẽ dấn bước mà đi, đi mãi mãi,
Dù lối đi, than ôi! là một lối đoạn trường!
Thà một giây say đắm bến yêu đương,
Rồi, trọn đời, trong lòng đau thương tiếc
Những ngày thắm đã trôi đi biền biệt,
Còn hơn là phải sống, kiếp cỏ cây!
Một cuộc đời trưởng giả, không đắm say!
Ngàn liễu, nơi xa, trong sương hồng chìm đắm.
Ta đứng yên, thả tầm đôi mắt ngắm
Con đường dài, sực nức hương hồng tươi,
Quanh co đi và lẩn khúc cuối trời.
Lòng ngây ngất ta lên đường sán lạn,
Tìm tri âm trong khoảng trời vô hạn.
Nhưng đường không vẫn yên lặng như tờ.
Ta vẫn đi, vẫn dạo gót giang hồ:
Trời tình ái vẫn âm thầm hiu quạnh
Và đường thẳm, ta xa trông, buồn lạnh.
Thân trơ vơ, kinh hãi, ta quay đầu…
Nhưng mịt mùng, lối cũ nay còn đâu?

9. Hương xuân

Cảnh vật thôi trong sương mờ lẩn dáng
Vàng anh trên cành liễu thiết tha than
Trong vườn xanh một nụ hồng như pha ráng
Và, từng đàn, bướm rỡn trên dàn hoa
Nhưng, rồi đây, dưới bầu trời chói lọi
Tưng bừng và điềm tĩnh, lửa hè nung
Rồi, ảm đạm, thu về cùng mây tối
Rồi đông sang với gió bấc lạnh lùng
Đông qua. Cùng hoa thắm, lá tươi, xuân đã lại
Nhưng em! Xuân em tươi thắm được mấy lần?
Vậy thì, ngày xanh mau đắm say tình ái
Để tim em rồi mãi đượm hương xuân

10. Chiều hôm qua (I)

Chiều hôm qua dạo bước bên hồ,
Đang bâng khuâng tìm một vần thơ.
Tôi bỗng gặp ba cô thiếu nữ,
Làn tóc huyền theo gió phất phơ.
Vì chưng tôi là giống đa tình,
Mà ba cô đó cực kỳ xinh,
Tôi bèn hái ba bông hồng tía
Soi dài trên mặt nước rung rinh.
Rồi tôi mê mải, đắm say lòng,
Tươi cười bước lại dưới gốc thông,
Là nơi ba cô cùng nhau đứng,
Tặng mỗi cô em một đoá hồng.
Yếm âu, tôi nói: – Hỡi ba nàng!
Vì đâu mặt ngọc ánh mơ màng?
Vì đâu tấc dạ nhường tê tái,
Với bể lòng nhường sóng mang mang?
Phải chăng thiếu nữ thấy gió chiều
Vuốt ve làn sóng tóc yêu kiều,
Tưởng ngón tay tình quân mơn trớn?
Có phải chăng là các cô yêu?
Ba nàng thiếu nữ miệng mỉm cười,
Đồng thanh thỏ thẻ trả lời tôi:
– Chính vì yêu chúng em ngây ngất,
Hỡi tình quân của chúng em ơi!
Chúng em đây khi đã yêu ai,
Thì người mây nước phải miệt mài
Trong vòng ân ái không bờ bến,
Và lòng say đắm sướng vui hoài.
Mà tình quân hỡi! có hay chăng
Tim chúng em rung động vì chàng?
Chúng em yêu anh, chàng thi sĩ
Công danh, phú quý, chẳng bao màng.
Tôi yên lặng đứng ngắm ba cô
Môi xinh tươi với mắt mơ hồ,
Với tấm thân dịu dàng, tha thướt,
Như ba cây liễu đứng bên hồ.
Một cô uyển chuyển lại bảo tôi:
– Hỡi tình quân của chúng em ơi!
Em là Ngày Xanh, là Tuổi Trẻ
Là mùa xuân chói lói của người.
Ai chẳng vì em thổn thức lòng
Khắp trong bầu vũ trụ mơ mòng?
Vì, ngàn thu, em son, em trẻ,
Với ngàn thu, em đẹp tựa hồng.
Một cô em nữa cất tiếng oanh:
– Em là Sức Mạnh của ngày xanh,
Chính em khiến lòng chàng phấn khởi
Khi chàng nhìn gió cuốn mây nhanh.
Chính em, những buổi sáng xanh tươi,
Khiến chàng bồng bột mến yêu đời,
Khiến chàng lắm lúc như điên dại,
Chúm môi thổi sáo với ca vui.
Còn cô kia, lanh lảnh giọng vàng,
Tươi cười, say đắm bảo tôi rằng:
– Họ tên em hỏi chàng có biết,
Tình lang yêu dấu! Hỡi tình lang?
Sung sướng thay là kẻ có duyên
Được em mơn trớn với chung thuyền!
Vì người đã khiến lòng em chuyển
Mơ màng luôn sống giấc mộng huyền!
Mà kẻ em đây đã rẫy ruồng,
Xót xa, đau khổ đủ mọi đường.
Vì tên em là lòng Quyến Luyến
Là tình Ân Ái, nỗi Yêu Thương.
Rồi ba cô thiếu nữ đắm say
Nói: – Tình quân hỡi! chúng em đây
Vì tình quân tâm hồn ngơ ngẩn,
Vì tình quân tấc dạ ngất ngây!
Rồi ba cô thiếu nữ lả lơi
Cầm tay nhau nhảy múa quanh tôi,
Yểu điệu, êm đềm như đàn bướm
Dịu dàng bay trong bóng thông tươi.
Chiều hôm qua, dạo bước bên hồ,
Đang bâng khuâng tìm một vần thơ.
Tôi bỗng gặp ba cô thiếu nữ,
Làn tóc huyền theo gió phất phơ.
Vì thế, cho nên từ chiều qua,
Lúc nào tôi cũng mải mê ca,
Là vì tấm lòng tôi rung động
Như đìu hiu hơi gió ngân nga.

11. Ngày xuân

Đào mới nở rải hương thơm mát
Khắp vườn hoa lộng lẫy màu hồng
Phật phờ làn khói giữa chiều đông
Trúc cao thỉnh thoảng du dương hát
Kìa! Em hỡi! gió xuân dào dạt
Đưa cánh hoa tản mát trên không
Xa xa, trên cát trắng như bông
Lờ mờ lan chút sương vàng nhạt
Nhưng, hoa tươi mấy lúc lả lơi
Bó ngày xuân mấy lúc rã rời?
Vậy thì, hoà nhịp cùng tiếng trúc
Em ơi! Em khá bồng trầm ca
Cũng như là đôi trái tim ta
Ái tình ca cùng hoà một khúc.

12. Thu

Bóng chiều rơi.
              Đôi ta, từng bước một,
Cùng lặng lẽ dưới trời thu dạo gót.
Bên bờ hồ hiu quạnh, gió nhu mì
Lướt bay qua tấm thảm cỏ xanh rì,
Lấm tấm điểm những hạt sương bằng bạc,
Như vui vẻ thì thầm lời mây nước,
Vài khóm lau già chốc chốc reo,
Nhẹ nhàng đưa trên mặt nước trong veo,
Heo may uốn cụm hoa bèo nghiêng ngả
Lá úa vàng, từng đàn, bay lả tả,
Như thướt tha một đàn bướm dịu dàng
Cùng hơi thu man mác vội tạt ngang.
Em bỗng dừng chân: rồi, buồn bã,
Lim dim mắt ngắm thu êm ả,
Anh đắm mê nhìn cặp mắt em
Và anh tưởng chừng không khí êm đềm
Dưới trời thu cao rộng,
Với tình yêu mơ mộng
Trong tim xanh.
Cùng chan hoà trong cặp mắt long lanh.

13. Gió đêm xuân

– Trên trời lam
Le lói bó hoa sao
Gió dạt dào
Lay bóng trăng trên cành lá thông chàm.
– Trông làn mây
Chan chứa những sao vàng
Đang mơ màng
Trên đỉnh thông xanh biếc thướt tha bay!
– Tắm bóng đêm,
Chim lặng tiếng vui ca
Để đôi ta
Nghe gió xuân khoan nhặt tiếng êm đềm.
– Ôi! du dương
Và réo rắt xiết bao
Tiếng thì thào
Của gió xuân khuyên nhủ nỗi yêu đương!
– Gió ngân nga!
Mau cất tiếng âm trầm,
Để thì thầm
Cùng non sông bát ngát nỗi lòng ta!
– Cứ thờ ơ
Mà cuốn thẳng, gió trời!
Ta van ngươi
Mặc cho đôi ta lặng lẽ say sưa!

14. Một giấc mơ

Một hôm, ta bỗng gặp một nữ lang
Một nữ lang ta chưa từng quen biết.
Rồi ta yêu nàng, nàng yêu ta tha thiết,
Tuy cả hai đều chẳng nói một câu
Để tỏ lòng âu yếm, mến thương nhau.
Ta còn nhớ: nàng còn son, còn trẻ,
Có nhan sắc mặn mà và diễm lệ
Như những nàng thiếu nữ trong văn thơ:
Mày cong môi thắm, mắt ngây thơ
Và trong trẻo như hồ thu êm phẳng.
Nàng yên lặng ngồi bên ta yên lặng
Và mắt nàng như ôm ấp tấm lòng ta.
Nàng là ai? Ta không rõ. Cửa nhà?
Ta không hay. Họ tên? Ta không biết.
Nhưng nàng yêu ta, ta yêu nàng tha thiết.
Rồi, ôm đàn, nàng gẩy khúc tình ca.
Rồi lòng ta như mê đắm, như say sưa
Vì đâu nàng xuống lên cùng một nhịp
Với thanh âm trong lòng ta rộn rịp;
Vì lòng ta, chưa kẻ hiểu tới nay,
Nàng trông qua, như một khối pha lê.
Nhưng dịu dàng, lời đàn còn dìu dặt,
Lay rèm lụa, một hơi thu hiu hắt
Ta bàng hoàng bừng mắt bỗng tinh mơ.
Niềm ân ái chưa được biết bao giờ,
Ta vừa biết phút giây trong giấc mộng,
Mà mộng nọ, than ôi! còn đâu bóng!
Ta gục đầu thổn thức nhớ điệu đàn
Và âm thầm thương tiếc bóng đêm tan.

15. Liễu trong sương

Trong sương mờ
Liễu bơ phờ
Bơ phờ cành lá,
Tấm thân, ẻo lả,
Liễu đợi chờ,
Trong sương mờ,
Bâng khuâng, tê tái,
Đàn nhạn mãi mãi
Đi chẳng về,
Ta ước gì,
Bơ phờ như liễu
Còng lưng mềm yếu
Trong sương mờ,
Ta được chờ
Đàn ngày êm ái
Bay đi chẳng lại!
Được vẩn vơ,
Vẩn vơ chờ
Những ngày ngây ngất
Thoảng bay đi mất
Như liễu chờ.
Trong sương mờ,
Ngày xuân rực rỡ,
Tưng bừng, hớn hở,
Lá lê thê,
Nhạn quay về!

16. Vỏ ốc

Mau quàng lên cổ dải san mùi!
Rồi, cùng anh rong chơi bờ bể,
Xem vừng ô lặn, bạn lòng ơi!
Gió chiều, vi vút từng hơi nhẹ,
Trên sông hoa êm ái lướt bay.
Cát mênh mang thấm màu chiều xế.
Em ơi! Cầm lấy vỏ ốc này
Vén làn tóc hương thơm ngào ngạt,
Nghe anh em hãy đặt vào tai.
Tiếng sóng xôn xao bể bạc
Từ ngàn thu vang động âm thầm
Như vỏ ốc chứa chan nhịp hát.
Cũng chứa chan bao tiếng thâm trầm,
Như vỏ ốc, trái tim anh cũng
Là cây đàn phảng phất thanh âm.
Lời ân ái trăm năm vang động.

17. Mơ màng

Trời mù mịt. Cảnh nước non rực rỡ
Như lặng chìm trong bóng đêm buồn bã.
Mặt trời sáng, trên không xanh chói lọi,
Phải nhường chỗ cho chùm sao le lói.
Giấc mộng huyền Tình Ái trong lòng ta,
Như vừng ô, giây phút, bỗng trôi qua.
Lúc vừa rồi rực rỡ bao màu tươi
Mà nay đâu chẳng thấy chút tăm hơi!
Nhưng bóng tối tuy trùm qua trời vóc,
Trong khoảnh khắc, mặt trời rồi lại mọc,
Và ánh sáng lại tưng bùng đốt cháy
Đất xanh tươi với vòm trời lộng lẫy.
Nhưng, giấc mơ Tình Ái khi bay tan,
Lòng cô đơn là một đống tro tàn.
Vì, mặt trời Tình Ái đã lặn rồi,
Thì đừng chờ nó mọc nữa, tim ôi!

18. Mơ màng

Trời mù mịt. Cảnh nước non rực rỡ
Như lặng chìm trong bóng đêm buồn bã.
Mặt trời sáng, trên không xanh chói lọi,
Phải nhường chỗ cho chùm sao le lói.
Giấc mộng huyền Tình Ái trong lòng ta,
Như vừng ô, giây phút, bỗng trôi qua.
Lúc vừa rồi rực rỡ bao màu tươi
Mà nay đâu chẳng thấy chút tăm hơi!
Nhưng bóng tối tuy trùm qua trời vóc,
Trong khoảnh khắc, mặt trời rồi lại mọc,
Và ánh sáng lại tưng bùng đốt cháy
Đất xanh tươi với vòm trời lộng lẫy.
Nhưng, giấc mơ Tình Ái khi bay tan,
Lòng cô đơn là một đống tro tàn.
Vì, mặt trời Tình Ái đã lặn rồi,
Thì đừng chờ nó mọc nữa, tim ôi!

19. Tình không

Chiều qua ta hát trên đồi,
Chờ tình nương vẳng hoạ lời ái ân.
Gầm trời, không một tiếng vang.
Ngoài lời gió réo trong hàng lau thưa.
Chiều nay, ta hát trên đồi,
Chờ tình nương vẳng hoạ lời ái ân.
Âm thầm gió gió cuốn lưng trời,
Nhưng, ôi! Vẫn bặt tiếng người nước mây!
Chiều mai, ta hát trên đồi,
Chờ tình nương vẳng hoạ lời ái ân.
Chiều mai, gió thốc hàng tùng…
Ta đành ôm khối tình không trọn đời.

20. Có lẽ nào

Mà sao bóng bạn tuyệt mù?
Muốn tìm nào biết vân du ngả nào.
Cô K.L
Có lẽ nào tiếng đàn ta trầm bổng
Bao đêm trường tha thướt trong vùng sương,
Không khiến được một trái tim mơ mộng
Cùng tim ta thổn thức nỗi cảm thương!
Có lẽ nào tới cuối trời xa rộng,
Tiếng đàn ta cùng gió mát xa đưa,
Không khiến được một giây lòng rung động
Và một trái tim đồng điệu say sưa!
Có lẽ nào lòng ta khoan nhặt,
Chỉ âm thầm réo rắt với hàng dương,
Không êm đềm ca, không dìu dặt,
Trong tim hồng một thiếu nữ yêu đương.
Nhưng, không! Vì, man mác với hơi đêm man mác.
Một nhịp đàn hưởng ứng chốn xa xôi.
Nhưng… lời ân ái mơ màng, trời bát ngát,
Biết đâu tìm kẻ nghệ sĩ, than ôi!

21. Cành liễu bên hồ

Ánh trăng biếc lọc qua rừng rậm,
Khiến rừng sâu lấm tấm mảnh ngà,
Chập chùng núi tím nơi xa,
Canh dương êm ái thướt tha mặt hồ.
Qua sông mạnh, núi cao, rừng rộng,
Ta xông pha tìm bóng tình nương,
Than ôi! Trời nước mênh mang
Trong không gian rộng biết nàng nơi mô?
Ngang trời thẫm, lẻ loi, chiếc nhạn.
Âm thầm kêu gọi bạn nơi xa,
Lạnh lùng, gió cuốn. Hững hờ,
Trên cao một đám mây mờ bay qua.
Nhưng… ai để tóc bay trước gió?
Ai bâng khuâng đứng đó đợi chờ?
Ôi! sung sướng! Chính người xa xưa!
Chính nàng lặng đứng thiết tha bên hồ!
Ta vội vã mau chân, rảo bước
Băng lại gần làn nước trăng soi…
Nhưng ta chỉ thấy, than ôi!
Trên hồ cành liễu lả lơi in hình.

22. Tiếng ái ân

Lời thiếu nữ:
Em không muốn mơ màng trong cảnh mộng,
Nhìn trăng lên sương tỏa với mây trôi,
Nghe đàn chiều nơi đầu dây trầm bổng
Vẳng đưa sang theo hơi gió xa xôi.
Em không muốn du chân bên hồ vắng
Ngắm vừng ô xa phai ánh dần dần.
Em không muốn trông hoàng hôn yên lặng,
Lặng ngồi nghe như vang tiếng ái ân…
Vì, than ôi, tiếng ái ân đằm thắm
Chỉ chờ khi em thơ thẩn bên rèm,
Ngắm mây vẩn trên không gian thăm thẳm,
Là êm đềm réo rắt bên tai em!
Em sợ nghe, khi chiều tàn đêm hết
Vẳng bên tai tiếng gọi của ái ân,
Là vì rằng lòng yêu đương tha thiết
Em đã trao tất cả cho tình quân.
Em đã thiết tha trao, tình quân hỡi!
Lòng yêu đương tha thiết trong tay ai
Mà vì đâu bao ngày em mong đợi,
Luyến phòng văn, ai nỡ lặng yên hoài…
Em quyết không bao giờ thèm tưởng tới
Kẻ khi xưa em mong đợi ngày đêm
Và bao phen lòng kiêu căng sôi nổi,
Em bắt lòng khinh kẻ đã khinh em!
Nhưng, luôn luôn, tiếng đàn chiều van vỉ,
Sương lam tan, mây thắm, liễu yêu kiều
Như khuyên em chớ vì ai bỏ phí
Ngày xuân xanh, nhan sắc với tình yêu.
Muôn ngày xưa trong ngày xuân rực rỡ
Em cố yêu kẻ khác… nhưng than ôi!
Không bao giờ em yêu ai được nữa;
Không bao giờ được nữa, tình quân ôi!
Cho nên đã bao ngày, em không muốn
Nhìn liễu xanh mơn trớn nước rung rinh,
Nhìn mây êm nơi xa xa nhẹ cuốn
Như mang qua tiếng gọi của ái tình.

Đôi nét tiểu sử của nhà thơ Phạm Huy Thông

Phạm Huy Thông sinh ngày 22 tháng 11 năm 1916 tại Hà Nội trong một gia đình làm nghề kinh doanh lớn, có tinh thần dân tộc . Phạm Huy Thông là hậu duệ thế hệ thứ 24 của Phạm Ngũ Lão, và là thế hệ thứ 48 của thượng thủy tổ Phạm Tu. Quê gốc của Phạm Huy Thông ở làng Đào Xá, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
Cha ông là nhà tư sản Phạm Chân Hưng, chủ hiệu vàng Chân Hưng là (quê gốc Hưng Yên), người giàu có tiếng ở phố Hàng Bạc trước Cách mạng Tháng Tám. chủ tờ báo Nông – Công – Thương, chủ tịch khu Đông Kinh Nghĩa Thục (bao gồm phố Hàng Bạc và nhiều khu phố lân cận), chủ tịch Tuần lễ vàng đầu tháng 9-1945 do Hồ Chí Minh phát động.

Tiểu sử nhà thơ Phạm Huy Thông

Ngay từ nhỏ ông đã tỏ ra là một người có trí thông minh. Mới 16 tuổi ông đã nổi tiếng tiên phong của phong trào Thơ mới, điển hình là bài Tiếng địch sông Ô. Song thơ ca không phải là niềm đam mê duy nhất.
Năm 21 tuổi, ông đỗ cử nhân Luật tại Viện Đại học Đông Dương.
Năm 1937, ông sang Pháp tiếp tục theo học chương trình đào tạo trên đại học các ngành Sử, Địa, Luật, Kinh tế, Chính trị.
Năm 26 tuổi, ông lần lượt thi đỗ Tiến sĩ Luật và Thạc sĩ sử địa tại Pháp. Năm 31 tuổi, ông được phong Giáo sư giữ chức Uỷ viên hội đồng giáo dục tối cao của Pháp
Năm 1946 tại Paris, ông được chọn giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở hội nghị Fontainebleau. Chính những ngày được gần gũi Hồ Chí Minh ông đã chọn cho mình con đường mà Hồ Chí Minh đang đi.
Năm 1949, ông gia nhập Đảng cộng sản Pháp. Năm 1953, ông gia nhập Đảng Lao động Việt Nam.
Năm 1952, ông phụ trách tổ chức Việt kiều hải ngoại. Cũng trong năm đó ông bị trục xuất khỏi Pháp về Sài gòn.
Đầu năm 1955, ông bị chính quyền Pháp đưa về quản thúc tại Hải Phòng.
Sau khi thoát khỏi nhà tù ông đảm nhiệm cương vị hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1956-1966), Viện trưởng Viện Khảo cổ học (1967-1988), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại biểu Quốc hội khóa II, III.
Trong phong trào chống Nhân văn – Giai phẩm, Phạm Huy Thông cũng có bài viết phê phán nhà triết học Trần Đức Thảo.
Năm 1987, ông được bầu Viện sĩ nước ngoài Viện hàn lâm Khoa học Cộng hoà Dân chủ Đức.
Ông mất vào ngày 21 tháng 6 năm 1988 tại Hà Nội. Cái chết của ông khá đột ngột, gây bất ngờ với bè bạn.[5]
Phạm Huy Thông đã thể hiện là một người đặc biệt có tài về tổ chức và kinh nghiệm lãnh đaọ. Thể hiện khi ông lãnh đạo Viện Nghiên cứu khảo cổ học nghiên cứu thành công đề tài “Thời đại các Vua Hùng dựng nước”, “Khảo cổ học 10 thế kỷ sau công nguyên”, “Khảo cổ học với văn minh thời Trần”… Góp phần làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia có nền khảo cổ học mạnh tại Đông Nam Á. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ, được nhắc đến trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân.
Theo GS Phan Huy Lê, Phạm Huy Thông là một nhà trí thức uyên bác và tài hoa trên nhiều lĩnh vực, từ thi ca đến luật học, sử học, khảo cổ học, nhưng hình như niềm đam mê suốt đời của ông là lịch sử và chất sử thấm vào ông trên tất cả các sáng tác, nghiên cứu và hoạt động xã hội.
Năm 2000, ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình nghiên cứu khảo cổ (Con Moong, trống đồng Đông Sơn và 4 bài dẫn luận thời đại Hùng Vương). Tên ông được đặt cho một con đường vòng quanh hồ Ngọc Khánh tại Hà Nội[3] và con đường mới đẹp nhất (có cả quảng trường) tại quận Gò Vấp TP. Hồ Chí Minh.

Tác phẩm của nhà thơ Phạm Huy Thông

Thơ:
Tiếng địch sông Ô (1936)
Con voi già
Anh-Nga (1936)
Tiếng sóng (1934)
Yêu-đương :(1934)
Sử học, Khảo cổ học
Thời đại các Vua Hùng dựng nước
Khảo cổ học 10 thế kỷ sau công nguyên
Khảo cổ học với văn minh thời Trần.

Những thành tựu của nhà thơ Phạm Huy Thông

Thành tựu riêng biệt, đặc trưng của Phạm Huy Thông là giọng anh hùng ca trong các bài thơ dài lấy điển tích lịch sử. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ cho rằng: Giáo sư, Viện sĩ Phạm Huy Thông là nhà thơ, nhà sử học, nhà khoa học, nhà yêu nước và hoạt động xã hội. Ở lĩnh vực nào ông cũng có đóng góp quan trọng. Ngay từ khi còn rất trẻ, học tập tại Pháp ông đã giành được nhiều thành tích đáng tự hào.
Trên đây là những thông tin liên quan đến nhà thơ Phạm Huy Thông do tapchivannghe.com đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn về nhà thơ nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *