Tổng biên tập bảo tôi: “Vụ này phải giao cho cậu mới được. Đối tác lớn thì phải viết một bài lớn”.

Tôi ngạc nhiên: “Cô Hạnh viết mảng này, người vùng đó, sao không nhân chuyện này giao cho cô ấy…”

“Đi qua đêm, đàn bà đi không tiện.Thôi”.

Tổng biên tập vứt cái giấy mời ra bàn, rồi ngồi xuống cúi mặt vào tờ báo.Khi ông ấy bảo “Thôi” tức là lệnh không còn bàn cãi gì nữa.

Tôi gặp Hạnh. Phải tường thuật cho cô ta, đây là quyết định của Tổng biên tập, chứ tôi không nhảy vào ăn mất phần của cô ấy. Hạnh bảo: “Thế mà ông ấy phân công em đi làm cho thằng Quân. Nếu khánh thành nhà máy cứt thì em giấu mặt đi là phải”.

“Nhà máy gì?”

“Anh cứ về sẽ biết”.

Tôi đến thực địa thì thấy lốc nhốc là phóng viên nữ, ai cũng tươi rói, được chủ đầu tư săn sóc, cho ăn tối, sau đó cho đi làm đầu, chăm sóc da mặt, rồi rủ đi hát karaoke. Phóng viên trai thì cho đi matsa, đi ăn đêm với các đồng chí xã đoàn. Hiếm thấy chủ đầu tư nào chu đáo thế với cánh phóng viên.

Đêm, bắt đầu giờ Tý, thì chủ đầu tư làm lễ cúng thổ thần.Thày cúng mặc áo sặc sỡ, cầm con dao gõ vào thân cây soan cành cạch, rồi nói lảm nhảm.Tại sao lại là cây soan chứ không phải cây tre?Không ai biết.

Tiếng chập cheng ầm ĩ. Cùng với lời cúng Phật từ một cái loa to đại. Tôi hỏi người của Ban tổ chức: “Chúng ta cúng thổ thần, hay cúng Phật?”

Tay thanh niên nhăn răng cười: “Cúng tất. Ở đất này thần thánh phật chúa hôm nay chúng em cúng tất. Cúng thừa còn hơn bỏ sót”!

Tôi cười muốn rụng hàm. Tên “cúng thừa” nghiêm trang nói: “Đất này trước khi chủ đầu tư đến, chúng em đã bảo chỉ lành với người làng thôi, đừng lấy chỗ này, nó không nghe”.

“Anh ở đây à?”

“Vâng, chúng em xã đoàn bị huy động”

“Anh biết nhà cô Hạnh ở đâu?”

“Có.Chị Hạnh nhà báo chứ gì? Hôm nay không thấy về nhể”!

“Anh chỉ đường cho tôi đến thăm bà cụ nhà cô ấy”.

Tay xã đoàn nhìn tôi có vẻ dò xét: “Anh là bạn chị Hạnh à?”

“Đại khái thế”.

“Em… Em còn bận ở đây”.

Tôi đoán có chuyện, bèn tỉnh bơ nói: “Tôi quen cô Hạnh sơ sơ… Tiện thể đến quê cô ấy thì vào thăm hỏi, thăm thừa còn hơn bỏ sót”.

“Vậy à?”- Tay thanh niên nhìn tôi- “Anh chả cần đi đâu, sáng sớm mai người nhà chị ấy kéo đến đây ngay”.

“Sao vậy?”

“Nói thực, khu ruộng này là sở hữu của nhà chị ấy.Huyện xã phối hợp với chủ đầu tư giải tỏa rất khổ.Bây giờ họ nhà ấy vẫn kiện tụng um xùm”.

*

Giác quan thứ sáu của đám viết báo khiến tôi lặn lội vào xóm.Không khó gì tìm ra nhà của Hạnh. Đã gần mười hai giờ khuya mà nhà còn nhiều người tụ tập ở đó.Tôi vừa nhìn thấy bóng người, thì bị đập một nhát tối tăm mặt mũi.Tỉnh dậy thấy mình nằm thẳng cẳng giữa sân. Tiếng người lao xao, rậm rịch xung quanh.

“Anh đeo thẻ báo chí đến đây làm gì?”

“Cháu bạn Hạnh, cùng cơ quan Hạnh, đến thăm nhà…”

“Ôi chào, mẹ khỉ, chúng nó tưởng nhà báo của thằng Cải”.

Tôi ngồi dậy: “Cải nào?”

Một ông già xưng là Hảo, chú của Hạnh tiếp tôi: “Cải chủ tịch xã. Chú vào thăm nhà, đeo thẻ nhà báo đi đám lễ khai trương ngoài kia chứ gì? Suýt nữa chúng nó… Đèo mẹ mấy thằng thanh niên ngựa non háu đá, tao đã bảo phải từ tốn, lạt mềm buộc chặt, không biết đầu cuống gì cả.Đánh người là tội.Chú tha lỗi cho chúng nó”.

Đám thanh niên bị ông già này mắng, len lén lỉnh đi. Ông Hảo bảo: “Có chuyện phiền toái, chúng tôi có muốn thế đâu. Mất đất còn gì nữa chú”.

Tôi hỏi: “Giải tỏa đất nghe nói xã giải thích hỏi ý kiến rồi chứ?”

Ông Hảo nói: “Xã hỏi ý kiến, thì chúng tôi đã trình bày rồi. Nhưng hỏi rồi mà cứ làm thì hỏi làm gì?”

Tôi không biết nói gì cả.Ngồi im nghe.

“Đó là đống ruộng nhất đẳng điền. Họ nhà tôi cày cấy ở đó mấy trăm năm rồi. Hồi cải cách, tý nữa thì bị tịch thu, may sao ông cụ nhà tôi chỉ bị quy phú nông, mà là phú nông kháng chiến. Thóc gạo nuôi quân ở đấy. Nhà thì nuôi người trước năm năm tư, lúc nào cũng đầy chặt cán bộ bí mật. Khu ruộng ấy lúc nào cũng năng suất hơn các khu khác đến ba bốn chục phần trăm”.

Bà mẹ Hạnh nói: “Ông Hảo chả nhớ… Sau năm cải cách chả cắt cái ruộng ấy cho nhà Mõ Nhài, làm ăn không nổi, mấy đứa con tàn tật, nhà nó bảo tại đất. Rồi nó trả, ruộng lại trả về nhà mình, nhà mình làm lại chả sao”.

Tôi hỏi: “Bây giờ đất có quyết định thu hồi rồi, các bác tính sao?”

“Tính tính cái gì nữa”- Ông Hảo thở dài-“Có mất đất cũng phải làm một trận cho ra nhẽ”.

“Ra nhẽ thế nào kẻo lại chống lại chính sách của Nhà nước”.

“Chú ơi, tôi tin Nhà nước mình không thế đâu.Đây chỉ là bọn huyện, bọn xã cấu kết với tỉnh thôi.Tôi lên Trung ương hỏi rồi, việc quyết đầu tư Trung ương phân cho tỉnh”.

“Nhưng họ đã quyết rồi”.

“Quyết quyết cái gì? Sao chỗ chó ăn đá gà ăn sỏi gần đồi Húng lại không đặt nhà máy, mà cứ nhè khu nhất đẳng điền nhà tôi mà lấy. Chú ơi, ở xã ai cũng biết thằng chủ tịch Cải cay cú, mấy năm trước dồn điền đổi thửa, nó nhằm ruộng nhà tôi, gạ đổi cho đống ruộng rộng hơn ở ven sông, tôi không đổi, nó thù. Ai xã này chả biết”.

Ông Hảo buồn thảm: “Tôi bảo đám thằng Cải rồi, chỗ đó đất phong thủy là cái mắt cá chép. Cá hóa rồng. Hồi xưa còn nhiều bụi cây cứt lợn, thằng Pháp đi càn đến đấy là thất bại. Tôi bảo thằng Cải rồi, chỗ đó đất mắt rồng của làng, mất đất ấy làng lụn bại”.

“Nó bảo sao?”

“Nó bảo mê tín, nhà máy chế tạo gang thép đầu tư thì có lợi.Tôi bảo nhưng mà chỗ đó để đổ phế liệu cứt sắt là không ổn.Nó bảo tôi sợ chuyển mộ đang phát nên cố chống lại chính quyền.Tôi bảo tôi phát thì làng cũng được, làm chủ tịch mà sợ dân phát tài phát lộc, mẹ cha nhà nó”.

Đám thanh niên bê ra một vò rượu. Ông Hảo ngăn lại: “Mả cha chúng mày có nghe ông không thì đi tù cả nút. Có hơi rượu thằng Cải cho dân quân gô cổ lại, cho là mình gây sự.Chúng mày có nghe ông không?”

Ông Hảo đi tới, thẳng tay đập tan vò rượu, trong đó ngâm mấy con rắn, khiến bọn thanh niên sợ xanh mắt.

*

Tôi về khách sạn, tìm tay thanh niên xã đoàn. Cả bọn đang đánh tổ tôm gác chỗ sẽ làm lễ.Thày cúng vẫn cúng maratong.Chủ đầu tư hầu cúng, ngậm sâm sì sụp cả đêm.

Tôi chầu rìa hội tổ tôm, hỏi thằng xã đoàn: “Nghe nói đất mình vẫn còn mộ chưa giải tỏa”.

“Ôi sời.còn một hai ngôi của nhà ông Hảo cố tình không bốc”.

“Không làm gì được à?”

“Ông Hảo anh hùng quân đội, cựu tỉnh ủy viên, sờ vào cũng khó lắm. Các ông tỉnh xuống làm công tác tư tưởng, ông ấy đang xem ngày tốt để chuyển đi.Nghe nói mai cũng cúng”.

“Phải cẩn thận chuyện tâm linh”.

“Chủ đầu tư ở đâu đến thì cúng.Cho cúng.Chứ chúng em ở đây biết, có khi đi cày trông thấy tiểu trật ra, xương trắng lốp, gọi mãi chả ai nhận.Chuyện đó là thường.Giờ lấy ruộng mới vẽ chuyện”.

*

Khoảng bốn giờ, tôi thấy đám tổ tôm tan, mọi người nhao nhác gọi nhau chạy ra thực địa.Tôi cũng chạy ra.Tôi biết ông Hảo đang dẫn người tiến đến.

Một đám rước khoảng ba bốn chục người.Rước trong yên lặng. Bốn thanh niên lực lưỡng khiêng kiệu, còn lại đi lặng lẽ theo sau. Nến cháy lập lòe. Không khí linh thiêng huyền ảo…

Công an xã chạy rầm rập. Chủ tịch Cải chạy ra đầu tiên, nhìn đám rước của ông Hảo, Cải hô lớn: “Dừng lại, làm trò gì đây?”

Ông Hảo vẫn bước.Đám rước tiếp tục nhằm vào chỗ đất có cổng to làm bằng những quả bóng bay.Cải hét: “Công an đâu, chặn lại. Gây rối à?”

Công an xã cầm súng trường đứng chôn chân tại chỗ.

Anh chàng xã đoàn bảo Cải: “Ông Hảo đã xin tế mộ tổ, chú đã y cho rồi cơ mà”.

Cải trợn mắt: “Xin bao giờ?”

“Xin hôm họp với xóm.Chú chả bảo tế thì cứ tế, miễn là phải chuyển mộ trước khi họ làm”.

“Vậy thì bắt chúng nó chuyển mộ đi ngay”.

“Thôi cháu không biết đâu.Đó là việc của địa chính với xã”.

Đoàn tế mộ của ông Hảo cứ lừ lừ đi vào chỗ đất đã chăng dây vải màu đỏ.Mọi người trố mắt nhìn.Chưa bao giờ tôi thấy một nghi lễ tâm linh như vậy. Vừa cổ vừa kim, giống như đám rước, lại giống đám hội hóa trang của lễ hội đường phố. Khi vừa chạm đến khu vực chăng dây, tiếng kèn trống, thanh la vang lên, thật như một đám ma.Chỉ thiếu tiếng khóc.

Lúc này thì âm thanh tạp nhạp đầy không gian.Trống phách, mõ và thanh la của hai đám cúng tế lẫn lộn vào nhau, nghe loạn xà ngầu.Người phụ cúng lớp trong lớp ngoài, ở bên ngoài không nhìn thấy bên trong làm gì.

Đại diện chủ đầu tư chạy đến nói với Cải: “Thế này còn ra thể thống gì nữa”

Cải lắc đầu ngán ngẩm: “Kệ mẹ chúng nó. Miễn là đến giờ của mình chúng nó cút xéo”.

Tay kia vẫn hậm hực, quắc mắt: “Tiền chúng tôi đưa có thiếu đâu, các anh phải trông chứ”.

Cải cũng quắc mắt: “Tiền? Tiền là cái cứt gì.Động vào chúng nó rách chuyện lắm”.

“Tiền sao lại không là gì?”

“Thôi tao tránh ra, xem chúng mày có mua được cái đất này không?”

Bỗng có một người thắt ca vat, trịnh trọng xuất hiện, quát người: “Láo, vào ngay”. Rồi quay sang Cải: “Anh tha lỗi. Nó trẻ nói sằng.Không có anh thì chúng tôi lấy đất làm sao được”.

Cải có vẻ nín nhịn, lừ lừ mắt, nói với người trịnh trọng: “Đất nhất đẳng điền của nhà nó, được phong thủy được vị trí, bóp nó thì cũng từ từ, cho nó thở hắt ra, chứ cứ bóp chặt nó vùng lên cắn càn liệu các ông lấy đất có ngon được không. Tôi bảo rồi, chúng nó hứa trước giờ chuẩn bị động thổ là rút hết”.

Người thắt cavat gật gù, gật gù: “Sống ở làng là khó lắm, tôi biết. Các cụ xưa nói, sống ở làng, sang ở nước là vì thế”.

Tôi theo hai ông đi về phía đám nhà ông Hảo. Kiệu đã hạ.Đám quây lại một góc khu đất đã chăng dây, bên cạnh là mấy thứ cuốc xẻng, dụng cụ để chuẩn bị cho lễ động thổ.

Thày cúng của đám nhà ông Hảo khá trẻ, mặc áo thụng, tay cầm roi nhảy như điệu cưỡi ngựa, đám thanh niên nhảy xung quanh y hệt nhảy disco. Ông Cải và ông chủ đầu tư cavat đứng trố mắt nhìn một lúc, Cải nói: “Đéo biết chúng nó cúng theo trường phái nào”.

Hai ông bỏ đi xa. Đám nhảy loạn xạ ngày càng đông, lại lên kiệu chạy vòng quanh, hò reo ầm ĩ, sau đó kiệu hạ đúng vào chỗ cuốc xẻng đã thắt nơ của chủ đầu tư. Sau đó mọi người dàn lớp lang, nổi nhạc tế, xếp hàng tiến lùi nhịp nhàng. Đám thanh niên lấy vài bạt trùm kín kiệu và đống cuốc xẻng.

Tôi hỏi ông Hảo: “Tế lễ truyền thống ở làng này đấy ạ?”

Ông Hảo: “Hôm nay mới làm thế”.

“Thế là thế nào ạ?”

“Biết chết liền”.

Tôi xem đồng hồ: Năm giờ sáng, buồn ngủ ngáp rách mồm.

“Các bác tế lễ đến bao giờ?”

“Cách động thổ của họ hai mươi phút là chúng tớ chuồn”.

Tôi đi ngủ.

*

Có tiếng hát ầm ĩ, tôi mở mắt đã bảy giờ rưỡi, vội ba chân bốn cẳng chạy ra thực địa.Quan khách đã đầy đủ.Cổng chào có gái chân dài chào khách, sân khấu có ca sĩ đang hát.Quan khách gắn bông hoa đỏ vào ngực đi trên thảm đỏ.Thật là một lễ động thổ hoàng tráng.

Tôi chưa đi đến nơi, còn cách mấy bước chân, thì bất ngờ thấy đám động thổ chộn rộn lên, rồi như ong bị động tổ, mọi người ngơ ngác, có nhiều người chạy ra ngoài. Có tiếng loa:

“Xin dừng một phút. Xin tạm dừng để Ban tổ chức khắc phục sự cố”… Đám lễ vẫn nhốn nháo.

Ông Cải mắt long lên gắt bọn xã đoàn: “Đã bảo phải trông chừng, mẹ kiếp chúng nó làm lễ cúng thổ thần đổi hết mẹ nó cuốc rồi”.

Định thần một  lúc, tôi mới hiểu thế là lễ động thổ coi như hỏng. Tôi còn vướng bận mãi hình ảnh các quan khách lục tục ra về, chủ đầu tư khóc hông hốc, thày cúng của chủ đầu tư lắc đầu quầy quậy vội vã lên xe.

Tôi nộp Tổng biên tập phong bì nguyên một trăm đô đi dự khởi công về, vò đầu bứt tai: “Thưa anh, vụ này vỡ, em giơ tay hàng”.

“Nó mua quảng cáo rất nặng, hay là cậu viết một bài ký lâm ly ủng hộ nó?”

“Vâng ạ”

Nói “vâng ạ” nhưng tôi không viết vì ông ấy chưa nói “Thôi”.Tổng biên tập cũng không hỏi lại. Nghe nói dự án ấy bị treo.

Hôm nọ Hạnh bảo tôi: “Chú Hảo bảo mời anh về chơi. Vụ này chú quyết cày cấy ở đất ấy”.

“Trả đất cho chú em rồi à?”

“Trả đâu mà trả.Động thổ bằng cuốc cán gỗ thì gãy là phải. Cứ để đất trống đấy thì chú em cứ cấy thôi”.

“Tại chú Hảo cúng thổ thần, được phù hộ chứ gì?”

Hạnh mới cười cười kể: “Hôm đó em đến đó tò mò xem lễ.  Cuốc xẻng buộc nơ được đưa lên.Một hàng mười một quan khách đứng nghiêm, đội mũ bảo hộ trong đó có ông Cải, chuẩn bị động thổ.Rồi các quan khách vung cuốc lên.Tất cả chết lặng, rồi tiếng ồ lên như sấm rền. Có đến chín cái cán cuốc gãy rời ra”.

Tôi mới nhớ lại đám cúng thổ thần của ông Hảo, cái đám cứ nhè chỗ để cuốc xẻng chuẩn bị động thổ mà hạ kiệu.Thổ thần thiêng thật.Biết chết liền.

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2019