Queng… quéc… quéc…!

Tóc tôi bết  trên vai anh. Rùng mình khi nghe tiếng kêu của con chim lạ…

Vào những đêm trăng khuyết mỏng chỉ còn giống như một mảnh giấy dán lên vùng trời, người ta nghe thấy một âm thanh dài như gió, u lạnh, vang ra từ ngọn núi Thúy. Nó vừa giống như tiếng gọi, lại vừa giống như một lời than vãn, trách móc.

Tiếng kêu ấy là tiếng kêu của con chim xanh! Giọng anh khản đặc trong hơi sương mỗi lúc một dày…

Người đàn ông trở về sau cuộc chiến tranh. Ông may mắn thoát khỏi hòn tên mũi đạn. Sự may mắn của số phận đã cho ông trở về với gia đình. Ông về làng cũng vào đêm trăng khuyết mỏng như chiếc lá lúa uốn cong. Những bước chân vội vã của người lính trong đêm khuya thầm lặng.

Biết ông may mắn trở về, người trong làng kéo sang chia vui cùng gia đình. Chân tay lành lặn nhưng khuôn mặt thì bị phá hủy gần như không còn nhận ra đó là gương mặt của người. Bên mắt trái sụp xuống, sống mũi gần như không còn, nửa môi trên bị kéo lên, để lộ hàm răng gãy, mẻ nham nhở. Giọng nói biến dạng, không thành tiếng người. Bà mẹ ôm con vào lồng ngực khô. Mắt mẹ mù. Mẹ run run tay rờ lên khuôn mặt lồi sẹo đỏ lòm. Khuôn mặt đứa con trai năm xưa lên đường nhập ngũ của mẹ giờ khác quá. Mẹ sờ khắp người, chỉ còn nhận ra vệt bỏng trên bắp tay trái. Đúng là con mẹ. Mẹ khóc. Mắt khô. Tiếng nấc khan. Anh gục xuống chân mẹ. Ú ớ. Ngay cả tiếng gọi mẹ giờ cũng không cất lên nổi nữa. Chỉ còn là tiếng khùng khục trong cổ họng.

Người vợ trẻ mới cưới được vài ngày đã phải xa chồng giờ đây nhìn gương mặt chằng chịt những vết sẹo đỏ lòm của chồng thì kinh sợ, chạy về nhà mẹ đẻ. Mãi mấy hôm sau mới chịu về nhưng cứ đêm là gài then cửa, ngồi im trong buồng. Tiếng thút thít vọng ra từ khe cửa ọp ẹp. Đêm ấy và cả mấy đêm sau nữa ông ta không vào buồng. Ban ngày tránh mặt vợ ra cất vó ngoài bến sông. Ban đêm, rất khuya mới về. Bẵng đi mấy tháng vợ ông mang thai. Tuổi trẻ và tình yêu ai có lỗi? Ông sắp mâm lễ theo lời mẹ tạ ơn trời phật thương, cho dòng họ có mụn con nối dõi. Lễ cúng xong thì mẹ ông mỉm cười nhắm mắt xuôi tay.

Mẹ mất, người làng cũng không còn nhìn thấy ông ra bến sông cất vó. Người ta bảo ông bỏ làng đi biệt xứ, không về. Người ta tin là vậy. Rồi mãi sau này có người lên núi Thúy bị trượt chân ngã, được một người đàn ông không nhìn rõ mặt cứu chữa. Đến khi lên tìm để tạ ơn thì chỉ thấy nơi căn nhà nợp lá đơn sơ, ngoài vài thứ vật dụng, xoong, chảo và mấy bộ quần áo rách thì chỉ còn có một con chim xanh đậu trên nóc nhà. Con chim xanh không biết hót mà chỉ kêu queng quéc… Người ta bảo nhau đó là linh hồn của người lính năm xưa nhập vào. Anh đã khoác lên mình màu áo xanh của lính và mãi sống âm thầm như một người lính với đầy vết thương không lành lại.

-Con chim xanh bây giờ vẫn ở trên núi Thúy… Giọng anh trầm, khản đặc bị

bủa vây bởi màn sương lạnh đang bao trùm. Trời về đêm tháng mười sương xuống buốt. Tôi kéo tay anh xiết vào eo thật chặt. Cho tan cái lạnh giá của trời khuya và cho nỗi nhớ anh dần vơi đi sau bao ngày xa cách.

Anh được nghỉ một tuần trước khi nhận nhiệm vụ chuyển lên miền núi cách nhà hàng trăm ki lô mét. Thế nghĩa là cách xa. Nghĩa là sẽ chẳng mấy khi chúng tôi lại được ngồi bên nhau gần như thế. Sương mỗi lúc xuống dày hơn…. Anh quay người, nhìn vào mắt tôi. Ánh mắt mà trong đêm sương mờ tôi vẫn cảm nhận được một luồng ấm nóng.

-Em sẽ chờ anh chứ ?

-Vâng!

-Thật không?

-Ừ mà. Em sẽ chờ…

– Dù anh có hóa thành con chim xanh?

-Không!

Tôi đưa tay lên miệng anh, ngăn một hơi thở kèm theo sự run lên của trái tim trong lồng ngực. Anh biết. Tôi còn trẻ. Trẻ như người vợ trong câu chuyện về con chim xanh của anh. Chiến tranh là tội ác. Chính nó đã cướp đi tất cả của những người lính. Khát vọng. Tình yêu và cuộc sống. Và cả bây giờ khi chiến tranh đã lùi xa chúng tôi mấy chục năm rồi sao? Khi giờ đây chúng tôi đã được yêu, được ngồi bên nhau dưới trời đêm yên bình và tĩnh lặng này? Sao lại phải cách xa đằng đẵng? Sao lại như câu chuyện về con chim khoác lên mình màu xanh của lính luôn cất tiếng kêu vọng buồn, da diết?

-Chiến tranh dù có lùi xa bao lâu đi chăng nữa thì những người lính vẫn thế

em ạ.

-Là sao?

-Là chấp nhận với những gian khổ và hy sinh. Và còn… những điều em

không hiểu được.

-….

Tôi đã yêu và chờ đợi anh gần năm năm. Có những buồn và nhớ thương nào mà tôi không hình dung ra nổi. Tôi xoay mặt anh, ghim đôi mắt anh vào ánh nhìn của mình, run rẩy hôn lên khuôn mặt đẫm sương…

Quéc… quéc… quéc…

Tiếng kêu của con chim lướt qua. Khuôn mặt người lính với những vết sẹo chằng chịt và cả tiếng ú ớ như vọng trong tiếng kêu dài da diết của con chim xanh làm tôi co người lại. Anh mở mắt. Cố tìm trong ánh mắt tôi điều gì đó. Nhưng gần như vô vọng.

-Em muốn đi tìm con chim xanh!

-Bao người tìm nhưng không thấy em ạ. Người ta chỉ nghe thấy tiếng kêu của

nó. Chưa ai thấy nó lần nào nữa…

-Chúng ta sẽ tìm thấy…

Anh chiều theo tính tò mò đến bướng bỉnh của tôi. Những ngày nghỉ ít ỏi anh đưa tôi lên núi Thúy tìm con chim xanh. Chúng tôi vạch từng tán lá, bới từng hòn đá nhỏ lăn dưới vực sâu, gần những tảng đá dựng thành vách để tìm cho được dù là một vết chân chim. Hay một cọng lông xanh mềm bay vương vất đâu đó. Nhưng chỉ nghe tiếng kêu dài da diết. Lúc trên đỉnh đầu, âm âm, lúc dưới vực sâu thăm thẳm. Vọng buồn. Càng chạy, tiếng kêu lại càng hòa trong gió, loãng vào không gian…

*

Anh hứa khi về sẽ dẫn em đi tìm con chim xanh… Chờ anh nhé! Tôi cười.

Chúng tôi chia tay nhau lúc mặt trời rọi những lớp sương mỏng tan dưới cỏ mềm. Anh đi. Vai áo lẫn vào những tán cây xanh thẫm. Tôi nhớ màu áo, gương mặt và cả ánh mắt anh trong đêm đầy sương. Tất cả rồi sẽ trôi vào trong ký ức khi những cách xa biền biệt ngăn tôi không thể hình dung ra gương mặt anh. Những cuộc điện thoại ít ỏi luôn khiến tôi thèm thuồng lẫn trách móc. Tôi ào vào đêm. Đêm huyễn hoặc ôm tôi bằng cái ôm của sương ướt lạnh. Vộc mặt mình vào nước, nước hôn lên đôi môi rát bỏng của tôi bằng cái hôn hời hợt và nhạt nhẽo. Tôi khóc. Nước mắt chẳng thể dài qua những ngày tôi sống. Nước mắt khô.

Tôi vất mình trong đống công việc bộn bề của cô phóng viên. Cùng Chinh đi đến từng ngôi làng xa nhất để viết vỏn vẹn một cái tin về gieo giống lúa mới, mô hình chăn nuôi cho năng suất cao. Và có khi tôi lao mình lên núi để chỉ thỏa nỗi tò mò về những loài hoa dại, cho những bức hình minh họa sinh động.

Chinh hay nhìn tôi bảo, đôi mắt em luôn buồn như có sương giăng. Tôi chỉ cười. Chinh có ánh nhìn khác anh. Ánh nhìn như xoáy sâu vào một thứ, một cái gì đó nhỏ nhoi lẫn trong hàng vạn cái ngổn ngang đang tồn tại trước mặt. Tôi nhớ ánh nhìn của anh. Nó vừa kiên định lại vừa ấm áp. Tôi sẽ đi qua mùa sương mù bằng những hình dung ấy?

Tôi muốn biết về ngọn núi này, về những người sống dưới chân núi Thúy. Ngọn núi mang tên của một cô gái thanh niên xung phong trong một tiểu đội rà phá bom mìn. Chỉ duy nhất cô là không tìm được xác. Chinh nhắc và đồng ý dẫn tôi đi tìm người bao năm nay tình nguyện lên canh giữ những thân cây cổ thụ trên núi. Đó là một người đàn bà tuổi đã cao sống một mình trong căn nhà hai gian nơi chân núi. Trên tường nhà treo dày bằng khen, giấy khen, những kỷ vật thời chiến tranh.

Giọng bà run run: các anh, chị có còn muốn nghe?

Những câu chuyện tưởng như chỉ có trong những trang sách mà người viết cố tình khiến người đọc hoảng sợ. Đó là câu chuyện về những tháng ngày khi mảnh đất chúng tôi đang đứng đây bị hàng ngàn quả bom đêm ngày cày xới. Xác người lẫn trong khe đá, máu tưới đỏ rễ cây.

Mái tóc bà già bạc trắng, những cọng tơ như lông ức chim. Tôi phát hiện một bên chân của bà được làm bằng nhựa, giấu trong chiếc quần ống rộng màu xanh bộ đội. Đôi mắt bà đã mờ nhưng ánh nhìn vẫn khiến người đối diện tự thu mình lại. Trên mảnh đất làng đâu cũng có những nhân chứng về chiến tranh, những di tích của chiến tranh. Trên mặt người. Trên cây. Dưới lòng đất. Và… cả trên trời nữa. Tiếng kêu queng quéc của con chim xanh loãng vào khoảng không dưới vòm xanh không một tia sáng rọi. Tôi không biết và cũng không thể viết gì về chiến tranh. Điều mà tôi không bao giờ hiểu hết. Nó chỉ còn sinh động trong tâm trí của những người đã đi qua, trong ánh mắt, giọng nói và hơi thở của bà già đang tập tễnh từng bước chân bên cạnh những thân cây xù xì. Bà bảo đó là những người bạn của bà. Xác họ đã nuôi lớn những thân cây. Linh hồn họ ở đó, trong những tán lá xanh.

Tôi nhớ anh. Nỗi nhớ giống như nỗi nhớ trong tiếng kêu của con chim lạ, da diết, khắc khoải trên đỉnh ngọn núi kia…

Con chim xanh có hay là không có?

Bà già nhìn lên vòm lá xanh…

Tiếng kêu dài da diết của con chim lạ trong đêm mưa buồn như tiếng gọi của những linh hồn chưa được về đất mẹ.

Chúng tôi đi qua những bát hương được đặt dưới những thân cây xù xì như nhân chứng còn lại duy nhất của những trận càn ác liệt. Những con người ngã xuống và nằm lại với đất. Mãi mãi. Chỉ có những thân cây vươn lên từ những nhát chém ngang người đổ gục, từ những tàn tro của những ngọn lửa đỏ hực. Từng thân cây là từng thân người đẫm máu, từng mảng thịt bị thiêu đốt như than. Tôi chạm tay mình vào thân cây. Một vết xót như dao cứa. Rùng mình. Tiếng kêu dài như gió vang trong những vòm lá… Chinh lay vai tôi như để thoát ra khỏi những linh hồn vảng vất.

-Đó chỉ là tiếng kêu của một loài chim lạ. Nó làm em sợ sao?

-Không. Nó như một tiếng khóc dài.

Chinh nhìn tôi. Tôi nhìn lên vòm lá xanh kín đặc.

Chúng tôi lại đi tìm những câu chuyện khác, những câu chuyện ít buồn hơn, những câu chuyện mà ngày mai tòa soạn có thể đăng ngay. Tên của cả hai chúng tôi dễ được chú ý. Tuổi trẻ của chúng mình không thể bị lãng quên! Chinh nói trong tiếng gió, xen lẫn một nỗi xúc động như vừa bị chứng kiến một sự lãng quên trong thinh lặng.

*

Dự án khu du lịch sinh thái gắn với du lịch về nguồn có diện tích bao trùm cả ngọn núi Thúy. Cần biến vùng đất chết thành một địa điểm của văn hóa và du lịch! Tất cả các phương tiện thông tin cần tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu và đồng thuận. Đó là kết luận của lãnh đạo trong cuộc họp giao ban báo chí. Tôi lại nhớ tới những bát hương dưới những thân cây cổ thụ. Nhớ những bước chân tập tễnh của bà già. Nhớ bí mật về con chim xanh… Tất cả rồi sẽ bị lãng quên. Chiến tranh là tội ác, là nỗi đau. Cần được quên đi để chúng ta tập trung cho xây dựng và phát triển. Giọng Chinh thì thào vào tai nghe như tiếng gió rơi xuống vực, sâu thăm thẳm…

Khi đó, ngọn núi Thúy sẽ được san phẳng, những ngôi nhà nằm dưới chân núi Thúy sẽ được di dời đi. Những thân cây kia cũng sẽ bị cưa, chặt hết. Tất cả vì một mục tiêu đưa mảnh đất anh hùng một thời trở thành một trọng điểm phát triển du lịch.

Trời đẫm sương, Chinh ngồi vào chỗ của anh. Bàn tay Chinh đặt lên vai tôi nặng và ấm.

-Con chim xanh có hay là không có?

-Rồi em sẽ biết. Khi ngọn núi này được san bằng đi…

-Vậy còn những thân cây kia?

-Tất nhiên là sẽ chặt.

-Vậy còn những linh hồn kia?

Chinh liếc một ánh mắt rất nhanh về phía tôi. Hoảng hốt.

-Chẳng có linh hồn nào cả.

-Em tin…

-Tin gì?

-Tin vào câu chuyện về con chim lạ. Cũng như tin vào câu chuyện về ngọn

núi Thúy của những người làng.

-Rồi em sẽ có câu trả lời.

-….

Sương lạnh buốt vai. Chinh không đủ kiên nhẫn đợi tôi về. Tôi ngồi lại, nghe trong hơi thở ẩm ướt giọng anh trầm khàn, hòa lẫn trong tiếng gió xạc xào của cao nguyên lạnh giá. Lâu lắm rồi không nghe tiếng anh.

Những con số nhảy nhót trong đầu. Tôi nhấn gọi. Vẫn là những tiếng tút dài. Thứ âm thanh lạnh lẽo trong đêm, quẳng nỗi nhớ vào những hố sâu chống rỗng, chênh vênh và vỡ vụn.

Con chim xanh có hay là không có?

*

Công tác di dời được triển khai nhanh. Núi Thúy bị san phẳng hay để nguyên hiện trạng là cuộc tranh cãi và bàn luận trong nhiều cuộc họp. Núi Thúy là điểm nhấn để thu hút du khách đến tham quan. Không được phá bỏ. Nhưng tiếng con chim lạ khắc khoải và da diết trên ngọn núi thì khiến người ta lo ngại. Làm thế nào để giữ nguyên được ngọn núi nhưng tiếng kêu buồn, da diết kia không còn nữa là việc được đem ra bàn luận và tìm cách giải quyết. Và giải pháp cuối cùng là giăng bẫy để bắt con chim xanh. Những mảnh lưới được giăng lên những lùm cây, chằng chịt như những chiếc võng vô hình. Những mắt lưới như muôn vàn con mắt lấp lóa, đỏ hỏn trong nắng lửa vây bủa. Tôi rùng mình hình dung ra đôi mắt xanh, loang loáng máu của con chim giãy dụa trong vô vọng. Người ta sẽ mang nó đi đâu? Những nhúm lông màu xanh như màu xanh áo lính sẽ khô đặc màu than đen đặc, khét lèn lẹt. Máu sẽ tưới ướt những gốc cây già…

Không có con chim nào bị mắc lưới. Tiếng queng quéc càng thảm thiết, khắc khoải trong không gian ám đặc của sự bủa vây và săn bắt. Trong những đêm sương lạnh buốt vai tôi vẫn cố ngồi chờ để nghe được tiếng kêu khắc khoải, da diết ấy. Để biết rằng vẫn có một con chim xanh đang bay trong khoảng không, nhắc tôi nhớ về anh.

Chinh ngỏ lời yêu tôi trong buổi chiều xao xác gió. Sống là không chờ đợi em ạ. Làm vợ anh nhé! Tôi đã chờ câu nói đó từ lâu. Từ rất lâu. Lâu đến độ tôi đã quên đi những ngày mình đã trải qua và những ngày đang tới với tình yêu giấu vào trong sâu thẳm nơi cao nguyên phía anh và nơi tôi im lặng. Như lời giải thích về con chim xanh và tiếng kêu than của nó.

Queng… quéc… quéc!

Tôi ngước lên bầu trời ngăn một tiếng giật mình. Chinh đặt tay lên vai tôi. Hoảng hốt khi bắt gặp trong đôi mắt tôi cái nhìn gần như đựng cả ánh chiều.

Sao em khóc?

Anh ấy đã hứa sẽ trở về. Dù có hóa thành con chim xanh…

Chinh nén một tiếng thở dài. Thủng thẳng đi vào ánh chiều đang xuống dần.

Tiếng kêu của con chim vọng trên đầu, dải khắp không gian tôi đang đứng. Những tia sáng cuối ngày thu về phía quầng rực lửa. Rồi chìm dần xuống đường chân trời giữa hai nửa mênh mông nước và xám xịt của những đám mây. Những bông may lặng trong khoảng không chìm nghỉm của gió. Tôi lắng nghe những âm thanh rớt lại từ rất xa. Tiếng queng quéc kéo dài của con chim lạ như một tiếng kêu gào thảm thiết. Vừa đáng sợ lại vừa đáng thương. Tôi nghe tiếng anh khản và trầm “Anh sẽ trở về bên em. Ngay cả khi là con chim xanh…”

***

Tin từ đơn vị báo về… Anh bị thương nặng đang phải điều trị tại bệnh viện. Tôi bỏ dở loạt bài tuyên truyền cho dự án. Bỏ mặc Chinh với lời can ngăn mùa này Cao nguyên lạnh.

Những bông hoa vàng rực không làm bớt đi cái lạnh nơi vùng núi Cao nguyên dày đá. Xe tưởng như quăng tôi xuống những phiến đá nhọn hoắt, xám ngắt trong giá buốt. “Anh sẽ về bên em. Dù có hóa thành con chim xanh”. Câu nói của anh khiến tôi hoảng sợ. Tôi đã xa tiếng kêu da diết và khắc khoải ấy. Vậy mà sao? Có lẽ nào? Những câu hỏi khiến tôi không khỏi rùng mình. Càng đi càng lạnh. Càng đi nỗi hoang mang trong tôi càng lớn thêm lên. Tín hiệu sóng điện thoại biến mất. Đó là lí do những cuộc điện thoại của chúng tôi luôn bị ngắt quãng? Biết nói gì với anh. Lại càng không thể khóc trên vai anh được nữa. Tôi kéo khăn che bớt lạnh.

Đồn biên phòng nằm tít trên ngọn núi cao, mùa đông mây sà ngang mặt, sương lạnh buốt. Mỗi lần tuần tra các anh phải nai nịt cho thật chắc, vừa đảm bảo không bị lạnh lại vừa đảm bảo quân trang gọn gàng, di chuyển thuận tiện với địa hình nhiều đá và nhiều dốc.

Cậu lính trẻ đưa tôi lên bệnh viện. Anh nằm đó, giữa những trắng toát, trong căn phòng nhỏ của một bệnh viện nằm cheo leo trên núi đá cao nguyên. Sương hay mây trùng trình ngoài ô cửa. Cứ như tôi chỉ bật cánh cửa nhỏ kia ra là mây sẽ tràn vào, vây lấy anh. Gió không có, chỉ có mây mà sao buốt lạnh. Hai tay tôi trở nên lập cập khi chạm vào anh. Tôi không còn nhận ra anh nữa. Mới có mấy tháng xa nhau mà nhìn anh gầy đi nhiều quá. Hai gò má đen sạm, hố mắt trũng xuống. Anh lính trẻ bảo với tôi, anh bị mất máu nhiều. Đường tuần tra cách xa bệnh viện, lại là đường rừng lên đưa anh tới bệnh viện cũng phải mất nửa ngày.

Anh bị tấn công trong một lần vây bắt nhóm người vượt biên trái phép, buôn bán ma túy. Trong số tội phạm thì tội phạm buôn ma túy qua đường biên trái phép cực kỳ liều mạng. Anh cùng đồng đội đã bắt gọn bọn chúng sau nhiều ngày theo dõi. Có một người hy sinh. Anh và một đồng đội bị thương nặng. Tôi cố giữ nhịp tim và cái rùng mình khi chỉ hình dung ra băng qua cả một đoạn đường đá kia thôi đã thấy chân mình bỏng rát. Đá. Sương lạnh. Vậy mà… Giữa tiết trời này, giữa cánh rừng cheo leo đá và vực thẳm hằng ngày anh phải tuần tra. Phải đối mặt với biết bao hiểm nguy rình rập. Có thể nào? Chiến tranh đã lùi xa bao nhiêu năm rồi. Vậy mà sao? Tôi vòng tay, cố ôm anh thật chặt, mà không thể. Tôi khóc. Nhìn khắp người anh là băng, gạc, trắng toát. Máu rỉ ra từ nơi cánh tay. Đôi cánh tay chở che và ôm trọn tôi giữa mịt mù sương. Đôi cánh tay… cánh của con chim soải cánh giữa vùng trời xanh thăm thẳm…

Anh mở mắt. Ánh nhìn chạm vào tôi. Rát bỏng. Rồi lặng im…

Con chim xanh có hay là không có?

Đêm ấy, tôi ngồi bên anh. Trong hơi sương lạnh của núi rừng. Đồng đội bên anh, thay anh chăm cả bữa ăn cho tôi. Nếu không lên thăm anh lần này thì tôi không thể hình dung ra nổi cuộc sống mà từng ngày anh trải qua. Tuổi trẻ. Không thể để trôi vào quên lãng? Anh đã để tuổi trẻ bị lãng quên nơi núi rừng heo hút với những chiến công thầm lặng. Hay tôi đã phút giây nào đó một lần nghĩ như thế sao?

Anh cười. Trong sự gồng mình của cơn đau, của những nỗi buồn nơi trái tim nén chặt.

“Về đi em!”

“Em sẽ về cùng anh. Chúng mình sẽ đi tìm con chim xanh… Có một dự án và người ta muốn bắt nó. Muốn xóa đi tiếng kêu dài da diết và đau khổ của nó”.

“Em còn sợ tiếng kêu đó nữa không ?”

“Không! Em không còn sợ nữa…”

Tôi nép mình vào vồng ngực anh. Bé bỏng. Hương rừng tràn vào ô cửa. Thoang thoảng mùi lá và mùi nhựa quả. Xanh thẫm. Xanh như sắc của khoảng trời biên giới trong ngày nắng dịu. Những tia nắng rọi trên đỉnh những tảng đá khiến chúng phơi mình, lấp lánh. Dưới kia, những chiếc váy xòe xanh, đỏ đủng đỉnh trên lưng ngựa. Những bông hoa lách mình trong đá nở hoa. Trên mảnh đất này đâu cũng có dấu tích của những cuộc chiến tranh. Nhưng đâu cũng có sự hồi sinh và sức mạnh diệu kỳ. Cao nguyên buổi sớm bình yên và tươi đẹp. Cậu lính trẻ kết thúc tuần tra buổi tối tranh thủ vớt sóng gọi điện thoại về nhà trên đỉnh Đồn. Hình như cậu gọi cho người yêu. Đây đó lảnh lót tiếng chim hót vang trong khoảng trời xanh đầy gió. Tôi thoáng nghe một tiếng nói dịu dàng “Em sẽ chờ anh, như một cánh chim trở về”.

Dự án được triển khai với mục tiêu giữ nguyên hiện trạng ngọn núi Thúy như một chứng nhân lịch sử của vùng. Bà già tập tễnh đi đến từng gốc cây, đốt một nắm hương, chia ra cắm xuống từng gốc cây. Khói hương bay là là trên những chiếc lá khô, phả lên mặt đất ẩm thứ mùi vừa xa xưa lại vừa nồng ấm. Tán cây lao xao, những chiếc lá xanh cuống quýt trong gió. Bà cúi mặt, những cọng tóc tơ như lông ức chim bám trên gương mặt lấm tấm những đốm tàn nhang. Tôi ngước nhìn lên vòm lá, xanh thẫm một khoảng, không lọt sắc nắng vàng mà sao ấm áp. Những linh hồn sẽ ở mãi đây, trên mảnh đất này, trong vòm lá kia. Những linh hồn không bị lãng quên. Họ sống mãi, trên chính mảnh đất, vùng trời này. Và cả trong trái tim của những người đang sống.

Chúng tôi bước dưới tán lá rì rào trong gió. Ngước nhìn một cánh chim soải cánh trên vùng trời xanh thẳm. Và tiếng hót thôi không còn vọng buồn, khắc khoải.

Tiếng hót vang trời của con chim xanh…

Nguồn Văn nghệ số 51/2018