Điện Biểu Đức
Điện Biểu Đức là nơi thờ vua Thiệu Trị (1807- 1847), vị hoàng đế thứ ba của vương triều Nguyễn. Nơi đây chứa đựng những giá trị nghệ thuật tạo hình đa dạng và đặc sắc, hoa văn, kiểu thức và chất liệu trang trí ngoại thất hài hòa với cảnh quan, tạo nên vẻ đẹp có giá trị nghệ thuật cao.
Phần mái điện lợp ngói máng tráng men ngọc màu vàng (hoàng lưu ly) khiến cho cả bộ mái rực rỡ, sáng trong, thanh cao, mang dáng dấp nét kiến trúc cổ quý phái, xóa nhòa vẻ nặng nề vốn có của vật liệu công trình. Mái điện được chia làm ba tầng chồng mí lên nhau, gọi là mái chồng diêm. Kiểu mái này giúp tránh đi sự nặng nề của một tòa nhà quá lớn, đồng thời để đề cao vị thế của ngôi điện bằng cách tạo ra cảm quan về chiều cao cho tòa nhà. Các mảng tường cổ diêm và bờ nóc được đắp và chia ra những ô hộc vuông, chữ nhật đan xen nhau để đắp nổi trang trí và vẽ nề họa. Trên các bờ nóc, bờ mái còn đắp và khảm sành sứ nhiều hình tượng lân, rồng, phượng… Men pháp lam cũng được đưa vào trang trí trên các bờ mái với như đám mây ngũ sắc đỡ mặt trời, bầu thái cực, bát bửu… G. Langrand đã mô tả khá đầy đủ về lăng Thiệu Trị, đề cập đến cảnh quan và vẻ đẹp của điện Biểu Đức: “… một phong cảnh thuộc loại thuần túy An Nam, một ví dụ tuyệt vời về nghệ thuật kiến trúc của nước An Nam, một kiểu mẫu nguyên lai thực sự về sự kết hợp khung cảnh thiên nhiên với những kiến trúc đơn giản nhưng nhiều màu sắc, tất cả sự hài hòa này tạo nên cái duyên dáng của xứ Huế” (1).
Nội điện Biểu Đức được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc, chống đỡ bằng những cột gỗ lim được sơn son thếp vàng lộng lẫy và trang trí hình rồng ẩn hiện, vờn mây, một biểu tượng về sự giao thoa của trời đất nhằm tôn thêm, nhấn mạnh ý nghĩa chức năng của ngôi điện thờ phụng đặc biệt quan trọng này của lăng Thiệu Trị. Nhà trước và nhà sau của điện được nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mái vỏ cua dưới máng nước nối hai mái nhà (máng thừa lưu). Chính trần mái vỏ cua này nối với nửa trong tạo ra một không gian nội thất liên tục, thống nhất, rộng rãi. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền đã từng nhận định rằng… mái vỏ cua là một kiểu vì… đây là hình thức kiến trúc rất độc đáo của Huế” (2). Việc ứng dụng máng thừa lưu là một sáng tạo của những nghệ nhân xây dựng điện bởi việc làm này không những che kín được sự lõm xuống của nơi nối hai mái mà còn tạo nên nhịp điệu hài hòa kiến trúc.
Có thể nói, nghệ thuật trang trí cũng như kiến trúc nội thất ở điện Biểu Đức nói chung đã cho thấy nhiều điều đặc biệt đáng chú ý. Chẳng hạn như việc phân khoảng thành từng ô hộc để trang trí hoa văn xen kẽ với trên 450 ô chữ chạm khắc nhiều bài thơ có giá trị về văn học và giáo dục; những tấm gỗ được chạm trổ và sơn son thếp vàng theo lối nhất thi nhất họa, kéo dài, phủ kín và được thể hiện ở các liên ba, đối bảy. Bên cạnh những điều đặc biệt ấy còn là một số giá trị biểu cảm/nghệ thuật được thể hiện qua nhiều chất liệu trang trí khác nhau ở điện Biểu Đức – lăng Thiệu Trị.
Điện Biểu Đức là một ví dụ tiêu biểu về một công trình kiến trúc đa chất liệu, tạo ra những giá trị nghệ thuật, riêng biệt trong kiến trúc cung đình nhà Nguyễn ở Huế.
Nghệ thuật trang trí chạm khắc gỗ, sơn son thếp vàng
Có thể nhận thấy trang trí chạm khắc gỗ ở điện Biểu Đức rất phong phú và đa dạng do áp dụng linh hoạt các kỹ thuật chạm lộng, chạm bạt, tạo nét thoáng hoặc chìm, nổi, rất sinh động. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bắt gặp hầu hết mọi vật dụng như đồ thờ, tủ thờ, bàn ghế, hoành phi… và đặc biệt là những câu thơ được thể hiện trên nền gỗ được chạm khắc, trang trí tinh tế. Các nghệ nhân đã thể hiện óc sáng tạo biến hóa trong việc cách điệu hóa, tạo nên bố cục hài hòa, thích hợp và rất chặt chẽ với những ô hộc hay góc cạnh gồm nhiều kiểu thức hoa văn trang trí khác nhau. Theo đó, trong các ô hộc và diềm nội thất vách đố nối tiếp nhau hay ở trên các vì kèo, giả thủ đều được chạm khắc long lân quy phụng, bát bửu, mặt hổ phù cách điệu hoa lá, hoa lá hóa rồng, hoa cúc hóa rồng, rồng cách điệu, hoa văn mây chồng… Đó là một trong những biểu hiện về sự biến hóa sinh động và sự cách điệu tinh nhã, hài hòa trong trang trí chạm khắc gỗ, cho thấy các nghệ nhân đã đạt đến đỉnh cao của trình độ, tinh xảo, điêu luyện trong từng chi tiết. Từ mảng chạm đến độ sâu, đọng, bóng của mảng được tạo ra từ các khung nối giữa hai đòn tay với nhau, theo chiều xuôi của mái ở điện Biểu Đức, với độ nghiêng để nhận ánh sáng hắt từ ngoài vào tạo nên một khoảng không gian hút sâu ở hậu cung. Từng chi tiết đều được chọn lọc với sự dày công chạm trổ ở mỗi hạng mục trong sự hòa quyện, tạo nên một kết cấu ổn định, chặt chẽ, vững chãi đầy vẻ trang nghiêm, ấm cúng, thanh tịnh và sâu lắng.
Kỹ thuật sơn son thếp vàng được áp dụng cho một số trang trí đặc biệt bên trong điện Biểu Đức. Với kết cấu chặt chẽ của một hệ thống cột, kèo, từng mảng chạm chi tiết trên các cột đều ăn khớp với các ô hộc, trang trí hoa văn được sắp xếp bố trí trong chính điện thờ một cách rất trang nghiêm. Bên cạnh các cột phủ sơn mài thếp vàng hình rồng uốn lượn vòng quanh cột, còn có những vật trang trí như bệ chân đèn với hình mặt hổ phù cách điệu hoa lá, án thờ tủ sập, những bức hoành phi, bửu tán được sơn son đồng bộ hình thành nên một tổng thể rực rỡ. Trong nội thất, các đồ dùng như bàn ghế, sập, đồ thờ đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy và chạm trổ tinh tế, với kiểu thức trang trí lân, long, quy, phụng. Bản chất hòa sắc vàng son rực rỡ trong bài trí đã gợi lên không khí trang nghiêm ở điện Biểu Đức, đặc biệt là ngai vàng chạm rồng và bửu tán phía trên cũng được chạm khắc những cặp rồng uốn lượn uy nghi. Những chiếc khám thờ với kỹ thuật chạm lộng tinh tế, điêu luyện, gợi nên sự thành kính và thể hiện niềm tin tâm linh sâu sắc. Có thể nói, nghệ thuật sơn son thếp vàng lộng lẫy đã đi sâu vào tâm thức của con người ở chốn triều nghi.
Nghệ thuật trang trí khảm sành sứ
Các tài liệu cổ sử cho thấy, ít nhất nghệ thuật trang trí khảm sành sứ đã xuất hiện ở Đàng Trong từ TK XVII. Đến TK XIX, nghệ thuật khảm sành sứ và nề thường được sử dụng ở nhiều kiến trúc cung đình, trong đó có điện Biểu Đức. Trang trí trên bờ nóc, hai bên mái điện, với những mảnh gốm sứ được cắt gọt, tạo hình theo hình hoa lá, quả cành, linh thú cách điệu, mây lửa… nhiều màu sắc, đã được các nghệ nhân chọn lọc hết sức công phu. Bằng phương pháp gắn khảm với chất kết dính như vôi hàu, mật mía cùng phụ gia kết nhuyễn như giấy dó, dây tơ hồng, thi thoảng có màu khoáng chất trên những mặt nền trước khi khảm, những nghệ nhân tài ba đã xây dựng nên hình ảnh đậm đà tính dân tộc với màu sắc rực rỡ. Những mảnh sành sứ và thủy tinh về bản chất là những vật liệu khô cứng, song qua sự tinh tế trong tạo hình của nghệ nhân, các chất liệu này đã tạo nên những tác phẩm mang nhiều họa tiết tỉ mỉ, sinh động và lộng lẫy. Tiêu biểu, có thể kể đến hình tượng lưỡng long chầu nhật, long hồi, mặt hổ phù ở trên nóc hai bên mái điện…
Có thể nhận định, toàn bộ hoa văn trang trí khảm sành sứ ở điện Biểu Đức đều mang tính thẩm mỹ cao, kết cấu tạo hình phong phú, đa dạng, trong đó bắt gặp nhiều hình ảnh phổ biến như hình tượng rồng, cá, mặt hổ phù, tứ linh… Tất cả đã thể hiện sự dung hợp hoa văn trang trí đầy màu sắc, vô cùng lộng lẫy, góp phần tạo nên một lối kỹ thuật, nghệ thuật độc đáo cho đến ngày nay.
Nghệ thuật trang trí pháp lam
Để bảo vệ sự rực rỡ bền lâu trong sắc màu trang trí kiến trúc ngoài trời, các nghệ nhân thường sử dụng nhiều loại hình trang trí khác nhau như: khảm sành sứ, gốm tráng men, nề đắp nổi… song cao cấp hơn cả vẫn là loại hình trang trí pháp lam, phủ men, trên cốt đồng lá. Kết cấu pháp lam Huế vốn có tính chất đặc biệt là loại sản phẩm tráng men trên cốt bằng đồng, khác với pháp lam Trung Hoa đan ô hộc đồng rồi tô men đem nung với nhiệt độ cao để có màu men tươi. Trang trí pháp lam Huế từ lâu đã được xem là một loại hình trang trí độc đáo, ra đời từ thời Minh Mạng và đạt tới đỉnh cao phát triển ở thời Thiệu Trị.
Trên bờ mái điện Biểu Đức, những hình tượng hoa văn trang trí như rồng, mây xoáy, bầu thái cực được tô điểm bằng những màu men khác nhau, trong đó chủ đạo là vàng với chàm (xanh ẩn tím), đỏ với bích ngọc (lục ẩn xanh), xanh với hỏa hoàng (vàng cam), phỉ thúy (xanh ẩn lục), hổ phách (cam đỏ). Chính sự phối hợp mang tính ổn định này đã tạo nên cái riêng của hệ màu pháp lam vừa rực rỡ, lộng lẫy nhưng không chói chang, lòe loẹt. Có thể xem pháp lam là một trong những loại hình nghệ thuật trang trí độc đáo ở lăng Thiệu Trị nói chung và điện Biểu Đức nói riêng.
Nghệ thuật hoa văn trang trí chạm khắc đá
Trong trang trí chạm khắc đá ở nghệ thuật thời Nguyễn, loại đá thanh và đá sa thạch được sử dụng phổ biến. Nhìn chung, chất liệu này có đặc điểm bền vững, chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết, ngoài ra nó còn có tính chất chịu lực nên các kiến trúc phần lớn đều sử dụng chất liệu đá trong một số bộ phận cần thiết.
Nghệ nhân chạm khắc đá thể hiện các loại tượng tròn cũng như phù điêu có bố cục đơn giản tại các bậc thềm của điện. Tất cả đều được trang trí theo phong cách đơn giản chứ không quá phức tạp với các đường nét mảnh mai, mềm mại, uyển chuyển. Điển hình, có thể nhận thấy hai bên bậc cấp các lối đi ở điện Biểu Đức, hình tượng con rồng được chạm khắc với toàn bộ chi tiết là các mảng khối lồi lõm, những xoắn ốc, nét chạm điểm gút như vân mây, bờm, vảy trên toàn thân.
Nghệ thuật trang trí nề họa, nề đắp nổi
Cùng với các chất liệu khác trong nghệ thuật trang trí, nghệ thuật nề họa đã góp phần tạo nên giá trị mỹ thuật của lăng Thiệu Trị nói chung và điện Biểu Đức nói riêng.
Nghệ thuật nề họa cũng quy vào bố cục ô hộc trong các đường cổ diêm, đường gờ mái, các góc hình của trụ, các đầu hồi và luôn có mối liên hệ gắn kết với các chất liệu khác. Trước mỗi hoa văn trang trí, nghệ nhân biết rõ chức năng của kiến trúc để đặt ra quy ước chính phụ, cũng như bố cục và màu sắc của nghệ thuật nề họa để có thể tạo ra hiệu quả nghệ thuật. Bên cạnh sự sáng tạo không ngừng nghỉ, các nghệ nhân đã tỏ ra rất chủ động trong việc biểu cảm nghệ thuật với tình cảm chân thật và có chiều sâu, theo đó dường như họ luôn dành sự tập trung cao độ cho các họa tiết hoa văn trang trí như hoa dây, lá hóa rồng, ngũ phúc, bát tiên, mặt hổ phù… Chất liệu nghệ thuật nề họa kết hợp với chất liệu nề đắp nổi đã được diễn tả sâu sắc, biểu hiện được đặc trưng chất liệu. Đặc biệt, nề họa còn được kết hợp với sứ màu làm nổi bật ở cổ diêm, hay có khi chúng còn được kết hợp với hoa lá, lá lật và cụm hoa văn kỷ hà, tạo ấn tượng thị giác sâu sắc mà một trong những ví dụ tiêu biểu chính là mặt hổ phù bằng nề họa ở hai bên mái của điện Biểu Đức.
Nghệ thuật trang trí đồ đồng
Nghệ thuật trang trí đồ đồng là một trong những mảng quan trọng tạo nên nét đặc sắc của mỹ thuật thời Nguyễn. Đó là hệ thống các sản phẩm bằng đồng đa dạng và phong phú trong trang trí nội, ngoại thất lẫn những vật dụng được chạm khắc tinh tế và có giá trị thẩm mỹ cao. Có thể bắt gặp tại điện Biểu Đức những chiếc chuông đồng, vạc, ly hương, chân đèn, con lân… được tạo tác tương đối đồ sộ, cân đối, uy nghi với những chi tiết, họa tiết hoa văn trang trí đều được tuân thủ theo nguyên tắc khắt khe. Điều này phần nào đã ghi dấu về chứng tích và quyền uy của vương triều. Một trong những ví dụ tiêu biểu chính là hình ảnh hai con lân chầu hai bên án thờ trong điện Biểu Đức với những họa tiết uốn lượn, sừng dài, thân hình, mặt lân đầy vẻ uy nghi, khí thế. Những xoắn vân mây và thân rồng lúc ẩn lúc hiện, tiết điệu trang trí không bị tách rời với nhịp chuyển hài hòa trong tổng thể trên chuông đồng. Ngoài ra, trong trang trí đồng còn có những sản phẩm thờ cúng khác, đáng chú ý là bộ lư hương được trang trí hoa văn và có sự tạo dáng độc đáo với những hình tượng sư tử, lân, hạc và đặc biệt là hình tượng rồng.
Tranh gương
Cho tới nay, tranh gương còn lại ở nội điện được xem là một loại hình trang trí khá đặc biệt ở điện Biểu Đức. Những bức tranh gương được đóng khung chạm thếp vàng treo trên các cột phía trước điện đã làm nổi bật cả không gian điện thờ. Nhìn chung, mỗi bức tranh gương đều có nét độc đáo, gợi cảm về màu sắc và nội dung. Chúng có thể được nhìn từ nhiều chiều và trong đó có lúc lại lóe lên chút thần bí hấp dẫn mà không phải ai cũng hiểu và cảm nhận được. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ được nhiều cổ vật xưa như các bộ tràng kỷ, đồ dùng bằng pháp lam gồm chén bát, bầu, lọ, bình cổ… Tất cả đều gợi nên một cảm quan về sự trường tồn, dường như chưa bao giờ bị lãng quên.
Chúng ta biết rằng, nghệ thuật tạo hình trang trí với các yếu tố hợp thành hoa văn phải tuân theo những quy tắc về đối xứng và nhịp điệu. Có thể nói, hoa văn trang trí sơn son thếp vàng ở điện Biểu Đức đã đạt đỉnh cao về sự tạo dáng và chạm khảm, đặc biệt là kỹ thuật sơn son thếp vàng trên đồ gỗ quý đã được xem là tuyệt đỉnh của sự tinh xảo. Không khó để có thể nhận ra những giá trị riêng, dấu ấn tạo hình độc đáo với những hoa văn trang trí hiện vẫn còn được lưu giữ khá đầy đủ, phong phú trong nhiều cấp độ tạo hình, thẩm mỹ khác nhau ở điện Biểu Đức, góp phần quan trọng tạo nên những giá trị mỹ thuật thời Nguyễn. Mọi vật dụng trong ở điện Biểu Đức đều có sự bố trí hài hòa, thích hợp với khung cảnh chung và trong tương quan với các vật phẩm xung quanh. Thoạt nhìn, chúng ta có cảm giác về sự đa dạng và khi đi sâu khảo sát từng họa tiết, mảng chạm phụ thếp vàng, từng cấu trúc, càng thấy rõ được sự tinh xảo, thống nhất hài hòa, quán xuyến chung trong từng tổ hợp hoa văn trang trí, kết cấu cũng như trong tổng thể, toát lên vẻ tôn kính trong tâm thức của người đương thời.
Có thể nhận định, dưới thời Thiệu Trị, một phong cách nghệ thuật trang trí độc đáo, riêng biệt xét cả về mặt hình thức, ý nghĩa cũng như tư tưởng nghệ thuật của thời đại này đã được định hình. Thông qua nghiên cứu nghệ thuật trang trí ở điện Biểu Đức, chúng ta nhận thấy còn có những khoảng trống khoa học, đòi hỏi cần tiếp tục đào sâu tìm hiểu hơn nữa trong việc xác định phong cách nghệ thuật thời Thiệu Trị, trong tư cách là một bộ phận quan trọng của tổng thể nghệ thuật triều Nguyễn.
______________
1. G. Langrand, Lăng Thiệu Trị, in trong Những người bạn cố đô Huế – B.A.V.H, tập XXVI.1939, Nxb Thuận Hóa, 2012, tr.21.
2. Trần Lâm Biền, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa dân tộc, 2000, tr.124.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 – 2018
Tác giả : NGUYỄN VŨ LÂN