Thơ văn xuôi được hiểu là một thể thơ có hình thức trình bày là văn xuôi hay mang dáng dấp văn xuôi. Yếu tố văn xuôi xuất hiện ở đây dù chỉ với vai trò là véctơ định loại, nhằm phân biệt thể thơ này bên cạnh thơ cách luật, thơ tự do song sự hiện diện của nó thật sự đã chi phối đáng kể đến những phẩm tính của thơ, đưa đến cho thể thơ này những nét đặc trưng khá độc đáo, trong đó có thể kể đến nội dung đậm màu sắc trí tuệ của nó.
Vẻ đẹp trí tuệ vốn là phẩm chất nổi bật của thơ ca hiện đại, song thơ văn xuôi là thể thơ mang đậm nhất vẻ đẹp này. Vì hình thức linh hoạt của văn xuôi đã đưa nó vượt qua nhiều ranh giới quy phạm về vần điệu, âm luật của thơ, để có thể đứng ở địa hạt này, nó phải có sự bù đắp. Theo Phan Ngọc trong Thơ là gì?, nhà thơ từ bỏ sự gò bó bên ngoài về hình thức để chấp nhận những gò bó khác ở cấp độ cú pháp và từ vựng. Nghĩa hay thi tứ mới là vấn đề hàng đầu của thơ văn xuôi. Để khắc sâu vào ấn tượng của người đọc, khiến người ta “phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ”, các thể thơ khác nhờ vào những kết hợp âm thanh du dương, còn với thơ văn xuôi, điểm tựa nằm ở thi tứ. Nó phải mới lạ, độc đáo trong cấu tứ, phải có những liên hệ tư tưởng bất ngờ, đặc biệt khả năng đặt ra những vấn đề sâu sắc có sức ám ảnh lớn. Khả năng đặt vấn đề ở đây, có thể nói là phương thức hiệu quả để thể thơ này tồn tại trong tâm trí người đọc. Có rất nhiều bài thơ văn xuôi găm vào tâm trí người đọc bằng sự thỏa mãn khát khao về mặt trí tuệ này như: Hỏi (Giả Bình Ao), Nhà văn (R.Tagor), Nơi dựa (Nguyễn Đình Thi), Vẽ chim (Nguyễn Lương Ngọc)… Đây là những bài thơ lấp lánh vẻ đẹp trí tuệ với tứ thơ lạ, đầy bất ngờ, cách đặt vấn đề ám ảnh. Hình thức câu văn xuôi đã cho phép nó áp sát vào những câu chuyện đời thường, nhỏ nhặt, chẳng thấy gì là thơ song chiều sâu trí tuệ, sự thâm thúy thì mãi dư ba. Đơn cử như Hỏi và Nơi dựa. Hỏi của Giả Bình Ao đem lại cho người đọc sự khoái cảm về mặt trí tuệ. Những câu hỏi ngây thơ, ngộ nghĩnh, không kém phần sắc sảo đã đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác: “Mẹ ơi, mẹ bảo quả táo trên cây chín đỏ là nhờ có mặt trời. Thế thì củ cải đỏ lớn lên trong lòng đất vì sao mà đỏ?/ Mẹ ơi, mẹ bảo gà trống gáy thì trời sáng, thế sao gà trống chết rồi mà trời vẫn sáng?”.
Đằng sau những câu hỏi hồn nhiên mà sắc sảo là cái nhìn về thế giới qua đôi mắt trẻ thơ, sự thích thú trước những khám phá đầy bất ngờ của đứa trẻ. Song, đằng sau sự thích thú ấy phải chăng còn có cả sự giật mình? Đứa trẻ ở đây khát khao tìm chân lý hay trong mỗi người chúng ta đều có đứa trẻ ấy, luôn có nguy cơ bị áp đặt bởi những điều người khác cho là chân lý? Bài thơ thật ngắn gọn, dưới hình thức những câu hỏi ngây ngô thế nhưng mang chở cả những vấn đề lớn lao mang tầm triết lý sâu sắc.
Nếu Hỏi của nhà thơ Trung Quốc mang dáng dấp một câu chuyện ngụ ngôn thì Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi lại là câu chuyện rất giản dị, đời thường: “Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?/Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào/ Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kỳ lạ/ Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống”.
Bài thơ với hai mảng hình ảnh. Những sự việc, chi tiết trong từng mảng diễn ra một cách tự nhiên theo ghi nhận về một sự việc ngẫu nhiên được nhìn thấy trên đường của chủ thể trữ tình. Người đọc không thấy được ý nghĩa cụ thể cho đến khi mỗi hình ảnh được kết thúc bằng một phát hiện đầy nghịch lý: đứa con thơ là nơi dựa của người mẹ trẻ, bà cụ già là nơi dựa của người lính từng vào sinh ra tử. Sự phát hiện này cũng đem đến cho người đọc không ít bất ngờ bởi bấy lâu ta thường nghĩ nơi dựa của mỗi người là kẻ mạnh, là những người có khả năng che chở, bảo bọc cho mình. Câu chuyện tưởng chẳng có gì để nói nhưng cũng lại gợi ra bao ý nghĩa lớn lao, buộc người ta phải trăn trở. Đâu mới là lẽ sống đích thực của cuộc đời con người: sống vì người khác hay sống nhờ người khác? Thường ở những bài thơ có tứ thơ nằm ở phần kết như thế luôn mang đến cho người đọc hoặc những bất ngờ thú vị hoặc sức ám ảnh lớn. Những sự kiện xuất hiện trước đó tưởng chừng không có mối liên hệ nào nhưng khi tứ thơ bật ra thì lập tức lan tỏa, xâu chuỗi lại toàn bộ. Cái khoảnh khắc bừng ngộ của tứ thơ cũng là lúc tư tưởng, quan niệm nghệ thuật của nhà thơ trở nên sáng tỏ, bài thơ thật sự mang đến cho người đọc sự khoái cảm thẩm mỹ, cho họ được chiêm ngưỡng “một cuộc bắn pháo hoa trí tuệ ngoạn mục” (1). Ở những bài thơ có dung lượng dài, tác giả còn để cho người đọc va chạm trực tiếp với những vấn đề bề bộn, nhiều mâu thuẫn, nghịch lý của cuộc sống để họ tự nhận thức, rút ra kết luận như: Ảo ảnh (Gebơran Halin), Lưu ý (Hollo Andras), Nhà văn (R.Tagor), Khối vuông Rubic (Thanh Thảo), Đối thoại biển (Hữu Thỉnh), Nhân chứng về một cái chết (Nguyễn Quang Thiều), Thánh Gióng trở về (Đỗ Minh Tuấn)…
Sở dĩ khả năng đặt vấn đề của thơ văn xuôi thường ám ảnh, kích thích đối thoại ở người đọc bởi khi đặt yêu cầu cao về nội dung cũng có nghĩa thể thơ này đòi hỏi cao về tính trí tuệ. Trí tuệ đã giúp nhà thơ phát hiện ra những mối liên hệ nhiều chiều của cuộc sống, phát hiện khám phá ra những vấn đề nhân sinh quan trọng, từ đó, khơi gợi những suy tưởng, chiêm nghiệm nơi người đọc.
Màu sắc trí tuệ của thơ văn xuôi còn bộc lộ qua khả năng liên tưởng. Liên tưởng là cơ sở để mở rộng các quan hệ, dẫn dắt các hình ảnh, chi tiết, tạo những tương quan bất ngờ giữa các sự vật, hiện tượng. Trong sự vụt sáng của tư duy, nhà thơ có thể nhận ra những đối sánh, liên kết, tương quan mà thông thường rất khó phát hiện. Đó cũng chính là kết quả của sự vận động trí tuệ, của những phát hiện sâu sắc khi nhận thức cuộc sống ở người viết. Liên tưởng trong thơ văn xuôi thường dồi dào, phóng túng. Bởi làm thơ văn xuôi nếu không có nội lực dồi dào, không có ngôn ngữ, nhất là trường liên tưởng phong phú, sức tưởng tượng mạnh mẽ thì người viết chắc chắn sẽ đuối, sẽ rối. Những câu thơ gần như bị tước bỏ mọi chắp nối về vần điệu, lại rậm lời, có khi dài lê thê đã níu giữ người đọc cũng bằng chính những liên tưởng khác lạ, độc đáo này: “Những chiếc lá sen khô đội mưa tìm lại mùa thu đầm Vạc, những gì bỏ quên từ nửa thế kỷ đang gạt làn bụi và lá mục, lộ dần hơi sương thoang thoảng/ Tựa hồ giấc mơ xa xăm mấy chục mùa thu, lẫn trong bùn đất cỏ cây thôn dã chợt ngân lên âm thanh vang động trong trẻo trên con đường quê đơn độc vắng lặng buổi mai” (Những chiếc lá sen khô – Dương Kiều Minh).
Nhiều bài thơ văn xuôi có thể nói là những miền liên tưởng “rộng rinh vô bờ bến”. Sự bay bổng, phóng túng của liên tưởng đã biến hiện thực nơi đó thành thế giới của cõi mơ, cõi siêu hình hay của miền suy tưởng. Một số bài thơ văn xuôi của Nguyễn Xuân Sanh, Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử hay các thi phẩm của Nguyễn Quang Thiều là những ví dụ tiêu biểu. Trong thơ văn xuôi của Nguyễn Xuân Sanh, cảm hứng thơ luôn được khởi nguồn từ một hình ảnh cụ thể song theo mạch liên tưởng của nhà thơ nó nhòe dần rồi trở thành những biểu tượng thể hiện qua những ẩn dụ độc đáo: “Mỗi khóm nhà: một chùm đời thơm ngát” (Khuya đường về); “Hồn của đất: lúa thơm” (Tháng lúa chín); “Mỗi ngày, thơ gặt đẩy nhau đi. Trên vai giấc mộng thơm vàng chảy tuôn như suối nắng” (Hết ngày)… Những liên tưởng ở đây hết sức phóng khoáng, tự nhiên. Những “khóm nhà” hay hương lúa, gánh lúa trên vai thợ gặt đã được đồng nhất với những “chùm đời thơm ngát”, “Hồn của đất” hay “giấc mộng thơm vàng chảy tuôn như suối nắng”. Từ những sự việc, hiện tượng cụ thể, qua suy tưởng của người thơ đã gợi nên bao huyền nhiệm sâu xa của đất trời, khơi gợi lòng người dạt dào cảm xúc.
Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử lại đưa người đọc đến với thế giới của cõi mơ, cõi hư ảo. Thi phẩm bắt đầu từ một cuộc chèo thuyền chơi trăng trên sông của hai chị em nhưng dưới ánh trăng huyền hoặc một đêm siêu hình, vô lượng, những nét thực, cảnh thực cứ nhòe dần, nghiêng dần sang hư ảo, cuối cùng là địa giới hay thiên giới, cảnh thực hay cảnh mộng đã không còn phân biệt trong cảm nhận của nhân vật trữ tình. Các giác quan của người thơ như đã được căng mở, “thức nhọn” để thu nhận tất cả sự huyền diệu của đêm trăng. Trăng ở đây không chỉ được đồng nhất với ánh sáng mà còn tỏa cả hương thơm (“ánh sáng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm”), còn phát ra âm thanh có khi là tiếng nhạc (“nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả”), có khi là “những tiếng kêu rên của thương nhớ xa xưa”… Dưới ánh sáng huyền ảo của trăng, sông đã trở thành một “đường trăng trải chiếu vàng” và “Động là một thứ hòn non bằng cát, trắng quá, trắng hơn da thịt của người tiên, hơn lụa bạch, hơn phẩm giá của tiết trinh”…. Họ đã đi tìm dấu tích lưu lại một vết chân của Đào Nguyên Tiên nữ, họ đối thoại cả với ả Chức chàng Ngưu. Cuối cùng, ở đỉnh điểm của cảm xúc đê mê, họ không còn biết có mình và nhận mình là ai: “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng, mà em đây cũng là trăng nữa!”. Những liên tưởng dồi dào, phóng túng, tài hoa của người thơ đã được chấp cánh bay bổng bởi hình thức những câu thơ bung thoáng, vượt thoát mọi sự ràng buộc của vần luật, của sự hạn định về số lượng âm tiết… Hiện thực trở nên mông lung, nhòa đi, cuối cùng, thành ảo giác khi chủ thể trữ tình bằng những liên tưởng bất tận đã vượt thoát hẳn nó, hướng về thế giới của riêng ông. Chơi giữa mùa trăng không chỉ là thế giới của cái đẹp, cái đẹp huyền diệu, tinh khiết mà còn là miền mơ, cõi trú mà tác giả đã dựng lên để ẩn náu, xoa dịu niềm đau hiện tại. Điều đó thể hiện qua nỗi khát khao: “Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi”, để “cái ta của tôi ra khỏi nơi giam cầm xác thịt”. Bài thơ với mạch thơ phát triển tự nhiên theo dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình, đặc biệt với những liên tưởng hết sức tài hoa, phóng túng, là một hành trình khám phá những chiều bí ẩn của thế giới từ phía người thơ, đồng thời nó cũng đưa người đọc thâm nhập cả vào cõi giới tinh thần sâu thẳm của tác giả.
Với Nguyễn Quang Thiều, kẻ được mệnh danh làm thơ “bằng đôi mắt của ký ức và trí tưởng tượng” (2), chỉ căn cứ vào điều đó thôi cũng đủ biết nội lực tưởng tượng, khả năng liên tưởng của anh. Thơ của Nguyễn Quang Thiều, nói như Nguyễn Đăng Điệp đã “thoát ly mô hình phản ánh hiện thực”, là hiện thực của tinh thần, thứ hiện thực đã được khúc xạ, nhào nặn qua suy cảm, suy tưởng của nhà thơ. Liên tưởng trong thơ vì thế, dù bay bổng đậm chất huyền ảo và cả sự kỳ dị (“Những ngọn bí đen không lá bò kín vầng trán hói của cơn mê”) hay hướng về sự việc thực hữu, cảm giác thực thể (“Những chiếc dặm trên vai họ như vầng trăng khuyết vớt từ bùn lên/ Những cái giỏ bên hông như những cái đầu trọc lắc lư theo nhịp bước”), cũng chính là thế giới tinh thần của tác giả. Trong Bài ca những con chim đêm, Nhân chứng một cái chết hay Những quả đồi ban mai… đầy những hình ảnh kỳ dị, hãi hùng nhưng chính những hình ảnh ấy đã mách bảo với người đọc nỗi trăn trở, bất an thường trực của người thơ về một thế giới đang từng ngày bị hủy diệt, về những tâm hồn đang bị xơ cứng, tha hóa nặng nề, một thế giới đã đánh mất sự bình yên. Hình tượng người phụ nữ chìm trong suy tưởng, nỗi thương cảm của cái nhìn nồng hậu, những phát hiện mang đầy tính nhân bản nên dẫu có méo mó đến nghịch dị thì cũng chỉ để tăng sức ám ảnh, sự day trở tâm tư người đọc nhiều hơn.
Mặc dù thuộc phẩm chất chung của thơ nhưng thơ văn xuôi đòi hỏi tính trí tuệ cao. Nó được xem như một sự bù đắp cho những khiếm khuyết đối với đặc trưng thể loại là thơ mà nó thuộc về. Mặt khác, chính điều được xem là khiếm khuyết lại nâng đỡ tích cực cho nó, giúp nó có thể đào sâu hay bay bổng, đưa người đọc vào thế giới lãng mạn đắm say hay nhiều suy tư, trăn trở. Điều đó đã làm nên vẻ đẹp đậm màu sắc trí tuệ của thể thơ này.
_______________
1. Nguyễn Văn Hoa, Nguyễn Ngọc Thiện, Tuyển tập thơ văn xuôi (Việt Nam và nước ngoài), Nxb Văn học, Hà Nội, 1997, tr.651.
2. Đăng Điệp, Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2012, tr.164.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018
Tác giả : NGUYỄN THỊ CHÍNH