Tôi bắt đầu viết những dòng đầu tiên của trường ca Những người đi tới biển khi đang nằm ở những địa hình vùng chiến trường ven lộ Bốn thuộc huyện Cai Lậy(Mỹ Tho) năm 1972. Những dòng thơ ấy, về sau, trong trường ca này, lại ở  chương Ba, chương Địa hình. Và tôi cảm thấy mình đã tới biển ngay từ đó, từ những đêm thức trắng lội sình, từ giấc ngủ vội vàng ở bất cứ khoảng đất nào có thể, từ những thương mến mà tôi nhận được nơi những người nông dân Nam Bộ chất phác. Từ không khí của những ngày tháng ấy, cái không khí sau này không còn nữa.

Có những nhà thơ làm thơ để cứu giúp đồng loại, còn tôi làm thơ chỉ để tự giữ mình. Đúng vậy, thơ tôi nâng đỡ, an ủi được tôi, nhiều khi nó là cái phao để tôi bám lấy mà bơi tới những giấc mơ khác, những bờ bến khác. Nhiều khi, nó là ngọn đèn đom đóm trên ba lô người đồng đội đi trước trong những đêm hành quân xuyên rừng. Thơ đưa tôi tới biển. Biển ấy không hề đối trọng với một hạt cát là tôi. Biển ấy cưu mang những hạt cát.

Nếu không có thơ, làm sao tôi thổ lộ được.

Có một lần, sau chiến tranh, tôi ngồi tàu chợ từ Lạng Sơn về Hà Nội. Khi tàu chạy qua cầu Long Biên (gần tới ga Hàng Cỏ), tôi chợt thấy những bà mẹ gồng gánh ngồi cùng toa vụt đứng dậy trong bóng tối. Những gánh nặng trĩu trên vai. Những gương mặt khắc khổ, cam chịu và quyết liệt.

Tôi nhận ra mình đang giữa biển.

Lúc ấy, thơ tôi là chiếc neo, neo số phận tôi vào số phận những người mẹ, neo tôi vào những gánh rau nặng trĩu và rẻ tiền.

Con người, chắc hiếm khi nào có xúc cảm của tình đoàn kết, liên đới như khi cùng chung mục đích, khi cùng đi tới biển. Ở người làm thơ, cảm xúc ấy càng mãnh liệt.

Nhưng, người làm thơ nào mà không thoáng có cảm giác này: sự cô đơn hoàn toàn khi đứng trước biển. Dù anh là một hạt cát hay một quả núi, nỗi cô đơn ấy đều giống nhau.

Mỗi người làm thơ có cách hiểu riêng, cách giải thích riêng về sự thật này.

Vì khi đã tới biển thì tôi mới thật hiểu, mình cũng có thể vô ích, mình là chiếc vỏ ốc mà sóng tấp lên bãi cát. Mình nằm đó, bên cạnh tiếng kêu gào của biển, dưới mặt trời. Và khi đêm xuống, mình là một chấm bóng tối cô đặc, lắng nghe. Và gió thổi qua thân thể mình, làm bật lên những tiếng kêu không rõ, những âm thanh tiền – thức – tỉnh. Bấy giờ, con ốc là tôi lại bắt đầu một hành trình khác. Bấy giờ, con ốc cảm thấy biển bên trong lớp vỏ cứng của mình, lúc yên tĩnh, lúc cuồng loạn. Không còn gì để bám víu, con ốc ấy buộc phải tự nghe, tự tìm, tự hiểu những luồng những cơn trong thân thể mình. Trước khi nó có thể hát u u lên điều gì. Nó phải tự nghe mình, biết nghe mình, trước khi có thể nó được nghe. Con ốc nằm đó, tự đi sâu vào mình để tìm đến biển, dù “biển của một thời đã mất” (G.G. Marquez) hay biển của một thời chưa tới. Không từ chối, cũng không vội vàng mong được công nhận. Không nép mình sợ hãi, cũng không tự hào về “khả năng tù và” của mình. Vì mỗi vỏ ốc có thể là một cái tù và. Khi cái tai cũng là cái miệng, con ốc ưu tiên cho cái tai. Khi cửa vào cũng là cửa ra, con ốc mở rộng cửa vào.

Biển đã trong tôi, từ lúc nào chính tôi cũng không biết. Đó vừa là một lời mời gọi, vừa là một nguy cơ. Lời mời gọi của biển thì nhiều người đã nghe được, nhưng cái miệng của nguy cơ thì mấy ai đã nhận ra ?

Cái miệng ấy có thể đớp gọn những giấc mơ và những tham vọng của anh, không để lại một chút dấu tích. Tôi chấp nhận, cả lời mời gọi lẫn nguy cơ.

Biển đã trong tôi. Bây giờ, lại bắt đầu một hành trình khác. Lại hai nghìn cây số xuyên Trường Sơn những vùng thâm u trong con người mình, cũng rất dễ nằm lại dọc đường, rất dễ không tới được đích. Lại băng Đồng Tháp Mười những cảm xúc linh tinh hỗn độn trong bản thân mình, lần này khó đi hơn vì không có những giao liên tận tâm và can đảm dẫn đường. Tự mình phải chèo xuồng, phải định hướng giữa ngờm ngợp mênh mông trời nước. Bị chìm xuồng là chuyện bình thường.

Nhưng, biển đã trong tôi.

Khi tôi là một con ốc nhỏ bé, hỏi làm sao tôi bịt tai, tôi từ chối tiếng gọi đầy mê hoặc của biển ?

Nguồn Văn nghệ số 7/2019

Tagged: