Mỗi lần đứng đợi ở gác chắn, nhìn đầu tàu nhô ra, kéo còi, sầm sập lăn bánh ngang trước mặt, hiện rõ lần lượt từng ô cửa sổ và ánh mắt nhìn với theo của hành khách, những cái vẫy tay hồn nhiên của con trẻ trên tàu, tôi lại có cái cảm giác bâng khuâng của người lữ hành thèm một chuyến đi xa.
Lâu lâu không lên tàu, xuống tàu lại thấy nhớ. Đêm hôm khuya khoắt tiếng còi tầu vọng lại, vẳng xa hút về phương Nam càng da diết hơn. Thế là lần này vào thành phố Hồ Chí Minh, chú em tôi trong ấy điện ra: “Bác mua vé máy bay mà đi” tôi vẫn nhất quyết đi tàu hoả bởi háo hức một chuyến tàu cuối năm xuyên Việt. Mặc dù cuối năm nhưng chưa phải dịp Tết, người đi tàu chưa đông. Con tàu nằm duỗi dài trên đường ray bên mấy quán nước ở góc sân ga sáng trưng ánh điện, lập loè những đốm lửa đỏ khiến luồng gió bấc thổi hun hút cũng bớt đi tê tái. Tôi leo lên tàu tìm buồng, nhận số giường nằm, xếp hành lý và an toạ, chờ tàu xuất phát rời ga chính. Khách rậm rịch lên tàu, đến lượt ba vị khách ló đầu vào, rồi lục xục xếp hành lý, đu người lên giường tầng. Một bà đứng tuổi, giọng loé xoé “thượng cẳng chân” béo múp ngang trước mặt tôi, ì ạch trèo lên tầng, một lát sau đã nghe tiếng ngáy pho, pho… Một bà mẹ còn khá trẻ ôm chặt đứa con thơ ngồi bệt ngay trước mặt, dáng vẻ mệt mỏi. Sau cùng là cô gái tóc vàng, mắt xanh, mũi hếch, đeo chiếc ba lô to kềnh gần chạm khung giường bên này, ngoảnh mặt nhoẻn cười – một nụ cười rạng rỡ xinh đẹp từ phương trời Tây bất chợt… “Hê lô”, “Hế lô” chào nhau, đáp lại nhau rồi im bặt. Cô gái tóc vàng đã mải lúi húi với đống hành lý trên giường tầng. Con tàu rời khỏi thành phố nhấp nhoá quầng đèn ướt đẫm trong mưa bụi, bắt đầu tăng tốc trong đêm tối mịt mùng chỉ còn người mẹ trẻ ôm đứa con thơ nửa nằm nửa ngồi, chốc chốc lại nghe điện thoại réo chuông và cô trả lời bằng chất giọng đặc sệt miền Tây Nam bộ, lúc gắt lên, lúc lại dịu dàng phân trần như vỗ về, như tủi phận. Tôi nằm nghe câu được câu chăng, trong trạng thái nửa thức nửa ngủ, nhận thấy đây là một cuộc trốn chạy. Bất ngờ cô ta nhoài người sang tôi dí sát chiếc điện thoại đen thui vào tai tôi, giọng khẩn thiết: “Bác nói đi, có đúng là bác đang ngồi cùng tàu đó nghe!”. Tôi trả lời như cái máy: “Đúng đó, bác đang ngồi cùng toa với mẹ con con nhỏ đó…”, giọng cố át đi tiếng tàu chạy. Quả nhiên từ đó tiếng điện thoại cũng thưa thớt hơn, chỉ còn câu trả lời về sức khoẻ của đứa bé để người ở khoảng cách ngày càng cách xa yên tâm. Trong nhịp tàu lắc lư, rầm rĩ người mẹ trẻ kể tôi nghe câu chuyện về cảnh ngộ của họ. Chuyện cũng là chuyện đời thường: Một anh con trai ở mạn đồi Phú Thọ vào tận miệt vườn Nam bộ làm nghề xây dựng cho một chủ thầu. “Chàng trai dễ thương” gặp “cô gái dễ thương” người địa phương, chàng “khéo tán” quá, họ thích nhau, yêu nhau, rồi cưới nhau và có con với nhau. Hết hạn hợp đồng lại chán việc nhớ nhà, chàng trai đùng đùng đòi ra Bắc, cô vợ đành phải bồng bế con nhỏ theo ra. Sống ở miệt vườn thì đông vui quen thuộc, ăn ở trên vùng đồi thì xa lạ vắng vẻ, rét mướt, “ra đụng vào chạm” mẹ chồng, em chồng khó tính khó nết, chồng lại phải xa nhà đi làm ăn nửa năm chưa chắc đã về. Lòng cô bỗng dấy lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ Tía… Cô gái “trẻ người non dạ”, cuốn sẵn hành lý chờ thời cơ ôm con ra đường cái “bắt” xe đi tuốt xuống ga Nam Định rồi mới lên tàu. Vào được trong ga, yên trí rồi, mới gọi điện cho chồng hay tin. Cái điều “xác nhận” của tôi và tiếng tàu đêm rõ mồn một khiến chàng trai sau phút bàng hoàng hẫng hụt phần nào yên tâm rằng vợ con mình trở về Ngoại không phải lang bạt hay đi theo người nào… Tôi đoán chắc rồi thế nào anh chàng cũng sẽ “bổ” vào Nam, trên chuyến tàu xuyên Việt này, để vợ chồng trẻ ấy lại được sum họp.
Chuyện chỉ có thế. Cho đến đêm thứ hai khi đoàn tàu sắp đến ga Sài Gòn tôi nằm ngủ mê mệt, chợt giật mình thức giấc vì một cô gái lạ đang ngủ say tít thò lò trên giường mình, một chân co, chân duỗi gác lên tận ngực tôi. Cô gái độ tuổi ba mươi, nét mặt dạn dĩ…
Ấy là chỉ có một mình tôi, chưa rơi vào trường hợp khó xử như chuyến tàu ngược Lào Cai hai vợ chồng tôi lên Sa Pa theo tua du lịch “thu gom”. Vừa lên tàu được một lát, thì hai mẹ con nhà nọ líu ríu kéo vào cùng toa giường nằm. Mẹ trẻ, con gái tuổi teen, áo đen ba lỗ, quần cộc, tóc nâu, tóc vàng hoe, cả hai mẹ con đều vô tư “lộ hàng” ăn nói thì tự nhiên, mau miệng. Mẹ nằm giường dưới, con nằm giường trên. Vợ tôi nằm giường trên, tôi nằm giường dưới. Biết ý tôi đổi vội lên tầng thượng. Qua sơ giao biết là dân thành phố Lao Cai, con gái lên Hà Nội học, mẹ theo con lên tiếp tục nghề làm đầu. Cô bé nằm giường trên vắt vẻo “buôn” điện thoại với bạn trai, cười rúc rích, đôi chân thon nhỏ trắng nuột… Mẹ nằm dưới càu nhàu luôn miệng nhắc nhở… Rồi sáng bạch tàu đến ga, cũng chả có điều gì đáng phiền lòng. Chỉ có chuyến về, gặp phải tình huống đầy kịch tính. Đêm ấy đoàn tàu xuôi Hà Nội đã kéo còi chuẩn bị rời ga, thì một đôi xồng xộc bước vào chiếm hữu nốt hai giường trống. Không chào hỏi, chợt loé lên cái nhìn dữ dằn, xăm soi, xấc lấc của cậu thanh niên xăm đầy tay, chân, lưng, ngực (nhưng với cô gái kia mặt tỉnh bơ thì lại một “điều chị”, “hai điều chị”) họ nói chuyện bô lô, ba la chốc chốc lại liếc xéo sang giường bên cạnh. Một lát sau cô gái nhảy thượng lên giường trên ngồi “dãi thẻ” đánh bài. Hai vợ chồng tôi tầng dưới tầng trên nằm im như thóc. Thỉnh thoảng lại có tiếng điện thoại réo, người ở đầu sóng bên kia hình như giọng rất hách khiến cậu này càng khúm núm, lễ phép: “Dạ, thưa chị đang về đến ga Vũ Ẻn… vẫn an toàn, khỏe mạnh, đại ca cứ yên tâm thằng em tháp từng bà chị đi đến nơi về đến chốn. Dạ, dạ… “. Tôi thầm đoán họ là ai rồi. Đêm chắc đã về khuya, các toa tàu đều chốt kín cửa, ít có bước chân của nhân viên nhà tàu rậm rịch đi lại. Tôi nằm mắt mở thao láo, ngầm trong thế thủ. Tàu đến một ga dừng, hành khách lục tục kéo xuống “bà chị” lệnh cho thằng em cùng xuống ga “kiếm cái gì ăn”. Thế là họ mất hút gần tiếng đồng hồ, tàu chạy rồi vẫn biệt tăm. Cửa vẫn để mở thông thống, tôi lo lắng nói với vợ: “Không khéo bọn này buôn bán thuốc phiện hàng cấm, thấy động bỏ của chạy lấy người. Bỏ mẹ. Khéo vợ chồng mình vạ lây, tự dưng lại tai bay vạ gió” “Anh cứ bình tĩnh”. Quả nhiên một lát sau họ đã ào ào kéo về. Tôi đon đả: “Đi đâu mà “mất hút con mẹ hàng lươn” thế, cô chú đang lo hai đứa xuống ga mải ăn uống rồi nhỡ tàu. Thôi thế này, ta có sẵn chai rượu thuốc đây, chú cháu ta ngồi nhâm nhi vài chén”. Thế là cu cậu mặt mũi tươi tỉnh, hào hứng hẳn “Ô kê, nào bố rót đi con xin vài “choác”. Sau đó thì cả toa ngủ say tít cho đến sáng tờ mờ, tàu về đến ga Hà Nội. Xuống sân ga rồi, tôi còn cẩn thận sờ lại ví và chiếc máy ảnh đút sâu trong túi một lần nữa và tươi tỉnh bảo vợ đứng đợi…
Đúng là mỗi chuyến tàu là một chuyến đi nhiều kỷ niệm khó quên.
Nguồn Văn nghệ số 50/2018