Tôi trở lại làng quê Thạch Trị có đền thờ Miếu Ao những ngày tháng 7 nóng như đổ lửa. Tôi sinh ra là một vùng biển; nhưng những năm tháng tuổi thơ của tôi lại gắn bó với ruộng đồng – những năm chiến tranh ấy bọn trẻ chúng tôi đi sơ tán vào những xóm thôn có bờ tre làng bao quanh như một tấm lá chắn. Tre vấn vít vào nhau, đan bện vào nhau; tre ngãn xuống làm hầm chứ O, chữ A, những đoạn giao thông hào mang hình chữ L thước thợ. Tôi đội mũ rơm, mang trên mình chiếc áo giáp hình chiếc mâm thau cũng bằng rơm.

Buổi tối nhà đông người lại chia nhau đi ngủ ở các hầm hàng xóm. Hồi ấy chúng tôi xuýt xoa với những củ khoai nướng hôi hổi khói. Và, thật kỳ lạ sao những đứa trẻ tròn ủng như củ khoai ấy học giỏi lạ thường – chỉ có lo học và lo tránh bom máy bay; cái đói là thường trực nhưng không bao giờ nghĩ đến cái ăn; cái mặc lại càng không nghĩ tới; áo của anh nhường lại cho em vá chằng, vá đụp. Không ai biết cái lợi nhuận cá nhân được tính bằng đồng tiền; máu xường còn chẳng tiếc, nhà cửa dỡ ra làm đường. Bà mẹ nhận tờ giấy báo tử của con vừa rưng rưng khóc sưng mí mắt, khóc thầm lặng, nước mắt chảy vào trong làm tan ra cục băng nơi tim mẹ, mẹ lại tự hào với bà con lối xóm. Mẹ kể nhiều cái thằng con của mẹ bơi lội như con rái cá, đen nhẻm như trát tro trát trấu; nhảy choi choi như cào cào, châu chấu suốt ngày, chưa thấy người đã nghe tiếng hát nghêu ngao với cái giọng vừa mới vỡ giọng đồng, giọng ruộng; có cả âm trầm của phù sa sâu lắng, có những âm bổng vắt võng những cánh diều. Con mẹ giờ chỉ còn kỷ niệm như mây, như khói. Những đám mây cuộn lên phía chân trời trong ráng đỏ, đám mây mang hình người hút thuốc phút chốc mở xoè thành hoa huệ trắng trong – con mẹ cũng trắng trong, chưa một lần trong đời nắm bàn tay con gái, chưa một lần ấp úng một tiếng “yêu”. Con mẹ chỉ ngửi thấy lần hương bồ kết đêm về đã thổn thức, chỉ thấy một thoáng áo trắng mềm mại trong sương đã se se lòng. Giờ con mẹ nằm lại trên dải Trường Sơn như một con đê trên bán đảo, đầu gối lên những cánh đồng duỗi chân xuống biển. Con mẹ đã thành bất tử.

Trong những năm tháng chiến tranh đó, bọn trẻ chúng tôi thường hay được tập hợp nhau lại ở chốn đông người khi làm lễ truy điệu những người con của làng: Con trai, con gái – anh bộ đội giải phóng và cô thanh niên xung phong. Lễ truy điệu thường được tổ chức ở nhà kho hợp tác, xung quanh có những đường giao thông hào chạy dọc chạy ngang như những đường chỉ trong lòng bàn tay. Và các bác ở Uỷ ban xã tập trung khoảng gần chục giấy báo tử mới làm lễ một lần. Những đêm ấy tôi thường thẫn thờ đứng một mình trên những con đường bờ vùng, bờ thửa đẫm sương nghe tiếng ếch tiếng nhái hoà tấu khúc tưởng niệm; và thỉnh thoảng trên nền trời một vài vì sao sa xuống mất hút vào thăm thẳm lúa. Trong làng thêm một người góa bụa. Mùa gặt thiếu đi một tay liềm. Hội hát vắng đi một tiếng sáo. Và, lũ trẻ chúng tôi cũng thường hay tụ họp với nhau trong những buổi xem phim. Màn ảnh rộng của phim nối với buồng chiếu một dải vải đen rộng khoảng hơn hai mét để tránh ánh sáng hắt ra. Và mắt xem phim nhưng tai lại nghe ngóng tiếng kẻng của dân quân canh gác đầu thôn để chạy xuống hầm khi có tiếng máy bay giặc ì ầm vọng đến. Những đội chiếu bóng lưu động đi hết làng này đến xóm khác. Tất cả máy chiếu máy nổ đều được chất lên những chiếc xe đạp thồ có cái chân chống bằng tre; và lũ trẻ xúm lại đẩy xe băng qua những hố bom còn sặc sụa mùi khói, qua những ô ruộng mới gặt xong, rơm rạ quấn vào nan hoa, đôi dép lốp lún sâu vào bùn ruộng; và tôi, đến bây giờ vẫn không thể nào quên được giọng cô gái thuyết minh ngày ấy. Một giọng nói trời cho trong vắt, diễn cảm, lúc tâm tình thủ thỉ, lúc nén lại căm hờn, lúc hào hứng lôi cuốn. Cái giọng ấy phải là của đồng, của ruộng, uống nước giếng làng, hát khúc ví dặm dân ca của làng: khúc hát ví mênh mang như sông như nước bỗng thay đổi tiết tấu như núi, như đồi. Lạ thay, cái giọng thuyết minh ấy đã át đi tiếng bom, tiếng đạn. Lũ trẻ chúng tôi cứ thế lớn lên với những truyền thuyết huyền thoại, những hiện thực dữ dằn, những chân trời khát vọng cứ được mở ra. Văn hóa lãng đã bắt đầu từ đó. Có gì thiêng liêng và cội rễ từng cây đa làng thả những chòm râu cổ thụ, đền miếu thờ Thành hoàng làng, đến am thờ Thánh mẫu. Trong trí nhớ của tôi còn nguyên cả lá cờ đuôi nheo, tiếng kèn, tiếng trống; những kiệu, những gánh, những tích chèo, tích tuồng; những mũ áo, cân đai, những đôi hài nhuộm phẩm xanh, phẩm đỏ. Chao ôi, tiếng “O”, tiếng “Cậu”, tiếng “Chú”, tiếng “Dì” rồi đến cả tên làng cũng một thủa nhọc nhằn: sông thì sông Cụt, cầu thì cầu Cày, và lạ thay lại có cả… Miếu Ao. Thật kỳ lạ, nước ao không bao giờ cạn. Cây cối xung quanh miếu đều ngả bóng về ao. Cả khu Miếu Ao nổi lên như một hòn đảo xanh, cư ngụ một chiếc nôi xanh của một mái nhà xanh cho những bầy chim, bầy cò, đến mùa về đậu trắng. Mới biết cái mạch sống tiềm tàng, cái mạch văn hóa tiềm ẩn của cha ông ta sâu lắng thật, trong sáng thật. Thờ cả chiếc ao làng. Giữa những ngày hè nóng bỏng khi mà các ao, hồ, sông, suối của miền gió Lào cát nóng của cái vùng “chảo lửa túi mưa” đều cạn kiệt, đều phơi đáy, đều nứt nẻ, đều phỏng rộp thì ở Miếu Ao nước vẫn trong văn vắt. Cái nguồn mạch ấy chảy từ đâu; nguồn mạch sữa mẹ chảy từ đâu mà trong những ngày nắng hạn này vẫn chắt chiu cho con bú. Tôi đã có những đêm trắng thao thức trên chiếc chõng tre mà anh bạn làm thơ đã dành cho tôi ngủ bên cạnh những vạt lúa ram ráp đang thời kỳ làm đòng mà sữa lúa thì khô kiệt vì không có nước. Nhìn lên vòm trời khô rang vắt kiệt nước cả những vì sao như những ánh mắt nhìn nhức nhối – và, những đêm ấy tôi nghe rõ cả những tiếng gàu không ngủ bền bỉ từ những mương, những máng ở hồ Kẻ Gỗ dẫn về. Dòng nước len lỏi dồn tụ khát khao được rẽ nhánh rẽ tầng như những cái cây nằm phủ phục trên đất toả bộ rễ nước của mình nuôi lúa, nuôi người như những động mạch, tĩnh mạch li ti trên da thịt người đang bốc hơi, đang xanh xao, đang phù thủng, đang nhăn nheo, đang trăn trở. Và cái cơ thể cường tráng ấy đã hồi sinh từ những tiếng gàu, tiếng đồng bền bỉ, kiên nhẫn như loài chim gõ kiến. Chao ôi! Cái tiếng gàu lúc khoan, lúc nhặt, lúc đầy, lúc vơi, lúc căng, lúc chùng đã tát cạn cả đêm trắng bơ phờ trên khuôn mặt người, những đêm ấy, khuôn mặt tôi đẫm sương, trên lá lúa đẫm sương, sương hay giọt mồ hôi của người, sương bay hay nước mắt của trời, sương hay hơi nước của Miếu Ao; sương hay giọt sữa lúa rơi đọng xuống kết tụ thành chiếc thuyền trấu chở những ngày vất vả nhọc nhằn ấy qua những bậc ruộng khô ải đến cỏ cũng thành rơm để đến ngày mùa gặt hái; và khi cả vạt ruộng gặt xong tôi thấy trải dài một tấm lưới mà mỗi gốc rạ là một mắt lưới, một mắt sao.

Có một dạo trước khi bước vào nghề văn, trước khi đi học viết văn, tôi một thời lang thang như một gã trắc ẩn ham chơi với chiếc máy ảnh Liên Xô Ze-nhit cũ kỹ để chụp ảnh chân dung của những người già phóng to. Ảnh đen trắng cớ 18x 24cm lồng trong khung kính treo trang trọng trong nhà, và khi đã trở thành người thiên cổ thì tấm ảnh đó quý giá biết nhường nào dược đặt trên bàn thờ nghiêm trang nghi ngút khói hương. Tôi còn nhớ một bà mẹ già sống độc thân đã đi chợ bán cả yến lúa để mong có tấm ảnh lưu lại. Thế nhưng cũng có những nhà của ăn của để đàng hoàng, con cái sung túc đến tấm ảnh của bố mẹ mất đi cũng không có, phải lấy chứng minh nhân dân ra chụp lại. Khi về buồng tối rửa phim phóng to tôi không làm sao xóa được cái dấu triện nổi ẩn vào ảnh trong chứng minh thư, càng phóng to càng cộm lên nhức mắt. Tôi còn nhớ cái cảnh vui vẻ hồn nhiên như con trẻ của các cụ tóc bạc răng long, còng cả lưng, giục nhau, mượn nhau áo mới, khăn mới và tất cả đều bỏm bẻm nhai trầu. Để khuôn mặt mình hồng hào hơn, khoẻ hơn, trẻ hơn – các cụ bảo thế. Và, tất cả nhìn vào ống kính đượm buồn sâu thăm thẳm, trải nhiều chất chứa bao gian nan nhọc nhằn. Tôi bảo: – Cụ tươi lên một chút; nhưng nụ cười miễn cưỡng héo hon ấy vẫn ám ảnh mãi trong tôi nỗi vất vả “một nắng hai sương” của những người làm ra hạt lúa, làm ra câu hát dân ca, làm ra sự tích huyền thoại. Ôi cái tình người mộc mạc của người dân quê tôi sao mà đằm thắm thế, đến nỗi một người mẹ ra thành phố thăm con vẫn mang đậm nét quê quê mà thật thương, thật quý. Lên thang chẳng dám bước dài – Vào khu tập thể thấy ai cũng chào. Lối sống cộng đồng, chia sẻ ấy không thể phai nhạt đi được trong cuộc sống óo thị hóa, thị trường hóa như miếng trầu càng nhai, càng đậm, càng ấm, càng say. Những lúc có điều gì buồn phiền trong cuộc sống xô bồ ở cơ quan, tôi lại “trốn âu lo, tìm lại cánh đồng”, cánh đồng tuổi thơ của tôi gieo mà chưa bao giờ gặt – cánh đồng lưu giữ bảo tồn và lay thức những ký ức đẹp đẽ của một đời người, của nhiều đời người. Tôi nhớ đến câu thơ của anh bạn nhà nông có chi tiết rất hay: Những người nông dân đuổi chim ăn lúa bằng những hình thù bù nhìn khoác chiếc áo tơi đã rách và lợp lên cái vại đựng cà, đựng nhút bằng những chiếc nón cời gãy vành vẹo vọ, mới biết sự gìn giữ, nâng niu những sản phẩm làm từ đồng, từ ruộng quý biết nhường nào.

Thời gian sẽ trôi đi và không bao giờ trở lại, đời người sẽ hao đi theo năm tháng. Nhưng cánh đồng không bao giờ có tuổi, tiếng sáo diều không bao giờ có tuổi, cánh đồng càng ngày càng đầy ắp phù sa, càng tươi tốt mỡ màng do tay người chăm bón; tiếng sáo diều càng ngày càng trong vắt bởi vòm trời càng cao càng rộng bớt đi những áng mây mù. Nhưng tiếng đồng thì bắt đầu có tuổi từ tiếng gho khan của lồng ngực người già, tiếng gàu đầy vơi, níu kéo trong những đêm trắng không ngủ để chống chọi với một thiên nhiên khắc nghiệt: Một EN-NI-NÔ thời tiết của văn minh xô bồ. May thay thời tiết của nên “văn hóa cộng đồng – làng xã” đã cân bằng lại sự mất sinh thái của môi trường công nghiệp ấy.

Nguồn Văn nghệ số 27/2019