Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò

                        (Xuân Diệu)

Như một lẽ công bằng, năm nay, bão lớn không vào đất Việt. Tháng chín ta, hoa lau nở trắng xóa, hết mùa bão. Người dân thở phào: Thế chứ, Chảng lẽ “bên lở lở mãi…”. Mùa thu vốn mong manh với miền Trung, giờ lại trở nên hào phóng, bình thản ban tặng hẳn hơn  sáu mươi ngày. Cuối tháng mười ta, mùa đông vẫn chập chờn đâu đó tận biên giới phía bắc, để rơi rớt những ngày chuyển mùa đẹp như mơ: Nắng vàng mật ong và gió hây hẩy khiến người ta không thể không ra đường. Bây giờ thì “ Đã nghe rét mướt…” mùa đông đến rồi. Cơn gió màu đen, lạnh, và trịch thượng cứ lừng lững tràn vào miền trung sau khi đã nhuộm tím tái cả vùng cao phía Bắc và đồng bằng bắc bộ. Không sao! Người Quảng Bình chúng tôi chờ và đón mùa đông trong tâm thế tự tin nhiều nội lực: Đã đủ cơm no áo ấm, can chi mà hốt hoảng …!

Chỉ thương về những mùa đông một thời thơ ấu xa xôi. Cơn lạnh tái tê trùm kín xóm thôn. Cá chết, đốt một đống rơm, khói không bay lên được. Trẻ con chân trần co ro lội ruộng dẫm lên đám cỏ ống nhọn như chông, đau buốt. Trâu bò đứng nhai rơm khô trong chuồng, vài ngày lại có con đổ, xã viên lao xao gọi nhau mổ thịt. Đêm, những căn nhà như cũng thu mình lại tránh gió. Trẻ con chúi vào nhau, cuộn mình trong những mảnh bao bố zặm và xót xáy. May lắm thì được cái chăn chiên đã rụng hết lông. Chăn ủ người nhưng chính người lại phải sưởi ấm cho chăn. Nhưng vẫn phải “tồn tại” và “phát triển’. Một buổi đến trường một buổi ra đồng là nhịp sống của học sinh thời ấy: Chưa biết cày thì phát bờ cuốc góc, gánh phân bón ruộng, cấy lúa, quăng má, chăn trâu, cắt cỏ. Cắt cỏ! Bây giờ đây, một ngày rét mười hai độ, ấm sực trong ba lần áo, nhìn đứa trẻ chín mười tuổi đi xe đạp điện đến trường, lòng tự hỏi: Bằng tuổi ấy, năm xưa ta đã cùng Cha chèo một chiếc thuyền ra giữa mặt phá Hạc Hải rộng mênh mông, gió thổi lộng. Dừng thuyền, cởi quần cộc, kéo áo buộc ngang ngực, bước xuống giữa làn nước lạnh như kim châm ngập ngang bụng vung liềm cắt cỏ. Đã có thanh niên đứng tim chết ngay trên đường chèo đò cỏ về. Nhưng không có cỏ thì đàn trâu có thể chết. Cuộc mưu sinh, trường học trường đời thật quyết liệt. Nhưng hề chi! Rồi chúng ta cũng lớn lên cả, thành người.

Mùa đông. Em mười bảy má hồng mắt ướt cứ dụi mái tóc vào áo quân phục người ta mà nũng nịu: -“Em không muốn anh đi!”. Không đi sao được em gái?! Phận trai thời loạn, phương Nam súng nổ, mình không đi thì ai thay mình đây! Những cơn gió lạnh mùa đông và sự kín đáo thôn nữ không ngăn được em, tóc tai xổ tung chạy theo đoàn xe của đơn vị tuyển quân đã lăn bánh, tay hươ một cái gì như chiếc khăn. Muôn năm những chiếc khăn kỷ niệm có thêu đôi chim bồ câu chụm miệng vào nhau. Ai bảo gái làng không biết hôn, không biết yêu…!?

*

Một mùa đông nữa trôi qua. Mùa đông không lạnh. Em vẩy nón sang ngang để lại bến sông những cơn gió mồ côi nhớ mùa vẫn tìm về như tự xa xưa không bao giờ lỗi hẹn. Bên này sông, tôi yên bề gia thất, Em bên kia tay bế tay bồng. Thời gian như vó câu qua cửa sổ. Dài như thế kỷ mà rồi cũng chuyển giao. Những đứa trẻ năm nao nay đã nên chú nên thím, thành ông thành bà. Lạ chưa, gặp nhau sao nón vẫn che, mắt nhìn đi nơi khác? Hay vẫn chưa quên đêm đông ấy, rét mướt hơn mọi đêm, khuất sau cây rơm vàng lừng lững như kim tự tháp, ai rúc đầu vào nách ai mà nói rằng:- “Vào chiến trường nhớ đừng chết nhé, em chờ!”

Nguồn Văn nghệ Tết 4+5+6/2019