Mỗi khi có việc ở Hà Nội tôi thường tá túc chỗ ngõ 275 đường Âu Cơ, tức Bảo tàng Văn học Việt Nam. Từ đây đến đường Sâm Cầm không xa. Đường Sâm Cầm, thật ra là tên gọi dân gian gần đây, theo nhiều ý kiến của bạn bè tôi ở Hà Nội thì nó xuất phát từ một câu trong ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội: “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi/ Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thế rồi ngay trên cái ngõ nhỏ ở Nhật Tân ấy, vào cuối năm 2015, nó đã được đặt tên là đường Trịnh Công Sơn (từ 612 – Lạc Long Quân đến ngã ba đê Âu Cơ). Qua lại đây không biết bao nhiêu lần nhưng buổi chiều mưa rây mùa đông này tôi mới thấy con đường nhỏ ấy rất Trịnh, rất bảng lảng và cũng rất cổ xưa bí ẩn.

Phàm con người ta thường quẩn quanh với những giá trị thực dụng, nó cũng có cái lý của nó, vì để mà tồn tại, nhưng khi muốn sống thực thì lại khác, cơm áo gạo tiền không thôi thì không làm nên đời sống con người. Cái bảng lảng của Trịnh, cái tài hoa đến như phù thủy ngôn ngữ của Trịnh, cái tinh tế chạm sâu của Trịnh chính là những miếng ghép cần thiết, yếu tố đủ giúp con người ta biết mình đang sống với đúng nghĩa là thân phận một con người. Có một điều thật lạ là sao Trịnh không có một bài nào thật hay về Huế, quê hương ông, mà lại là Hà Nội, hơn 600 ca khúc mê đắm lòng người, gần 10 ca khúc mê đắm dân Hà Nội nhưng không có một ca khúc nào dù chỉ là làm cho Huế nhói đau. Chẳng lẽ lại là một trường hợp tha phương ngay trên quê hương nhưng không tiện nói ra. Đời sống người Việt mình buồn nhiều hơn vui là vậy đó.

Tôi bước đi trên con đường nhỏ lạ lùng này, tóc ướt sũng lúc nào không hay. Loại mưa rây Hà Nội thật lạ, chẳng thấy mưa đâu mà vẫn ướt, tinh lắm, ngước nhìn lên trời đưa tia mắt gối vào vòm tối của lá thì họa may mới thấy hàng triệu hàng triệu hạt mịn như phấn rơi rơi, bay bay và nhìn vào những đầu rễ, những mụn da trên cây si già ven đường mới thấy những giọt nước ướt nhòe như khóe mắt người. Nó đó, thứ mưa rây làm tan nát bao con tim và cũng tạo ra nỗi nhớ đến quặn người nơi những đứa con xa xứ, cả những người đến một lần rồi không dứt ra được, rồi “để quên con tim” ở lại.

“Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu…” Những hình ảnh thân thương lắm, thân thương quá, thân thương đến nao lòng, dường như làm cho Hà Nội đẹp hơn, gần hơn, sâu hơn, ít nhất là về mặt đời sống nội tâm của con người, ít nhất là trong cái quãng lặng giữa hai chiều lao đi lao về như con thoi trong ngập ngụa đời sống phố thị, trong những ồn ào, phù hoa, giữa những lễ mễ khép nép “đi khẽ, nói nhẹ” như là sống mà không phải sống, như là mình mà không phải mình vậy. Thế đó, con đường Trịnh chiều mưa rây này chợt trở nên ướt nhèm, lem luốc giữa những phân vân, ưu tư và ngẫm ngợi của riêng tôi. Tôi đưa chân theo những điều nhớ là nhớ bởi trái tim, theo những điều quên bởi những nhắc nhớ từ khối óc… Quả thật như vậy, cái mái ngói mà Trịnh nhìn thấy “thâm nâu”, cái “mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ” chẳng phải là Trịnh đã thấy bằng trái tim đó sao?!

Đối với thế giới ngày nay, Trịnh Công Sơn đã là một cái tên viết hoa vì những ca khúc chạm thấu tim người thì chuyện đặt tên đường ở trong nước không có gì lạ. Nhưng chọn được một con đường nhỏ nhắn, cổ xưa, bảng lảng như thế này để đặt tên đường Trịnh chứng tỏ người đời cũng có tâm với ông lắm, mà dân còn đặt tên Sâm Cầm trước nữa kìa. Nói e có quá lời không, chứ tôi chưa thấy nhạc sĩ nào trên thế giới khi còn sống mà người ta đã lấy họ của mình để gọi tên một dòng nhạc như  dòng nhạc Trịnh ở Việt Nam. Sức ảnh hưởng của nghệ thuật luôn đến từ phía cái tình, luôn luôn là như vậy. Và tôi bước đi trên đường Trịnh chiều nay chợt ánh mắt dán vào những hiển hiện phía xa kia một “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”. Có những con đường càng đi lại càng thấy càng dài ra, sâu hơn và bí ẩn hơn, không hẳn là nghịch lý, chỉ đơn giản là tại… những cơn mưa rây Hà Nội.

Nguồn Văn nghệ số 48/2018

Tagged: