Thời điểm này, trời đất vật vã chuyển mùa. Ban ngày nắng nóng như rang, những cơn giông ào đến bất chợt rồi mất hút, càng làm cho thời tiết thêm oi ả. Nhưng dường như sự đỏng đảnh của thiên nhiên cũng không ngăn được niềm vui lan tỏa trong tâm hồn con người. Đường phố đâu đâu cũng ngập sắc cờ hoa. Siêu thị, nhà hàng, chợ… đông vui, tấp nập hơn. Một tuần nghỉ lễ đang chờ đón mọi người, mọi gia đình…

Suốt tháng tư, tràn ngập ti vi là những thước phim tài liệu sống động, ghi lại thời khắc lịch sử huy hoàng: Đại quân ta từ 5 hướng như thác lũ tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hình ảnh người chiến sĩ giải phóng tay cầm lá cờ chạy bộ để cắm lên nóc dinh Độc lập được phát đi phát lại nhiều lần. Rồi niềm vui tột đỉnh òa vỡ khi cha mẹ, con cái, anh chị em, bạn bè, đồng đội gặp gỡ, ôm, hôn nhau, mừng rơi nước mắt.…Mình ngỡ đã thuộc làu những hình ảnh đó rồi. Vậy mà mỗi lần xem lại, vẫn thấy nghẹn lòng …

44 năm. Trong ký ức mình vẫn tươi nguyên hình ảnh những công nhân lái máy cày nông trường Đồng Giao trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975. Họ là người Kinh, BaNa, Ê Đê, Vân Kiều… con em miền Nam tập kết, được nuôi dưỡng ấp ủ trong tình yêu thương của đồng bào Miền Bắc. Các anh vui mừng, hân hoan ôm nhau nhảy múa, hò hét, ca cải lương, khóc, cười như trong cơn say. Mà say là phải. Bởi chiến thắng 30/4/1975 chấm dứt những năm tháng đằng đẵng xa quê hương, xa cha mẹ, anh em bạn bè của họ. Chấm dứt 30 năm chiến tranh với những chia ly, hy sinh, mất mát không gì đo đếm được của cả dân tộc. Chỉ có say trong niềm hạnh phúc vô biên khi cánh cửa hòa bình độc lập dân tộc đã mở toang, nhà thơ Tố Hữu mới thốt lên được những lời thơ tự đáy lòng “Ôi buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp. Bác Hồ ơi, toàn thắng về ta. Chúng con đến xanh ngời ánh thép. Thành phố tên Người rực rỡ cờ hoa” (Toàn thắng về ta- Tố Hữu). Mình cũng tự hào vì được tận mắt chứng kiến giây phút “Ba mươi năm nay mới gặp nhau. Vui sao nước mắt lại trào…” (Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh- Xuân Hồng).

Nhớ lần đầu tiên đi tàu Thống nhất vào miền Nam, qua sông Bến Hải mình ngó qua cửa sổ tàu để ngắm những địa danh thân thương mà nhiều lần đã nghe đài Hà Nội nhắc đến khi báo tin chiến thắng. Gần 1 giờ sáng, xuống ga Bình Triệu. Đường phố Sài Gòn hiện lên với những dãy đèn cao áp mờ ảo trong sương. Về Biên Hòa, mình ngỡ ngàng thấy trước cửa nhà máy A 42 ngổn ngang hàng rào kẽm gai, Đài kỷ niệm khuất chìm trong một rừng cỏ dại. Thị xã nhỏ bé chỉ có một trục đường chính với các nhánh nhỏ tỏa ra hình xương cá như còn nóng bỏng trận pháo kích dữ dội của quân giải phóng vào Sân bay năm nào…

44 năm. Con đường ngập trong cỏ dại và dây thép gai giờ là Đại lộ Nguyễn Ái Quốc khang trang, đẹp đẽ. Khu nhà ổ chuột bám cheo leo ven sông Đồng Nai đã nhường chỗ cho công viên bờ sông xinh đẹp. Những cây cầu duyên dáng bắc qua sông đánh thức những vùng đất còn ngủ yên, làm bừng lên sức sống mới.

Mình hiểu, đâu đó vẫn còn những người chưa gạt bỏ được hết mặc cảm, thiên kiến cá nhân trong ngày vui kỷ niệm Bắc Nam sum họp một nhà. Nhưng bên cạnh niềm vui lớn lao của cả dân tộc, những lăn tăn cá nhân thật nhỏ bé và nhạt nhòa. Có một điều hết sức cao cả, thiêng liêng chúng ta đã cùng nhau làm được, đó là hòa hợp dân tộc. Mình cảm động khi phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói, hơn 40 năm qua ai chưa về quê hương một lần thì xin hãy trở về. Về để nhìn thấy quê hương mỗi ngày một thay da đổi thịt, để cảm nhận được làm dân một đất nước hòa bình, tự do, độc lập là qúy giá cỡ nào. Để có được điều thiêng liêng ấy, dân tộc ta đã chấp nhận hy sinh xương máu suốt 30 năm. Và thật hạnh phúc khi ngày 30/4, bè bạn quốc tế cùng hàng triệu con cháu Vua Hùng trên khắp thế giới đã cùng về Việt Nam, chia vui ngày non sông thống nhất. Càng tự hào lại càng thấy mình phải nỗ lực, làm nhiều việc hơn, sống tử tế hơn, để không hổ thẹn với những người đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập dân tộc. ..Tháng 4 như dấu son trong ký ức mỗi người. Hẹn gặp lại nhé, tháng tư …

Nguồn Văn nghệ số 17.18/2019