Trải qua nhiều thời kỳ, từ thời Lý (1009 – 1225), Trần (1226 – 1400), Hồ (1400 – 1407), Hậu Lê (1427 – 1788) cho đến thời Nguyễn (1802 – 1945), rồng luôn được xem là biểu tượng quyền uy của nhà vua, sức mạnh của triều đại. Chính vì vậy, hình tượng rồng luôn có những biến đổi phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ, ý nghĩa biểu trưng cho vương quyền của mỗi thời đại. Dưới thời Nguyễn, lăng của các vị vua chúa nói chung, đặc biệt, lăng vua Thiệu Trị nói riêng, hình tượng rồng thể hiện vẻ đẹp uy nghiêm, ý nghĩa huyền diệu đặc trưng của biểu tượng, tạo nên những giá trị thẩm mỹ, lịch sử và nghệ thuật đặc sắc.

Lăng vua Thiệu Trị là một công trình quan trọng trong hệ thống kiến trúc cung đình, lăng tẩm của các vua triều Nguyễn với nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, trang trí. Trị vì ngai vàng 7 năm (1841-1847), vua Thiệu Trị lâm bệnh, qua đời khi mới 41 tuổi. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, nhà vua dặn lại “đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao chân núi cận tiện, để dân binh dễ làm công việc” (1). Lăng được xây dựng tách riêng thành hai tiểu khuôn viên đặt sóng đôi trên núi Thuận Đạo, phía Nam Hương Thủy. Tác giả G.Langrand có dẫn lại: “Theo địa bàn địa lý Trung Hoa, lăng này nằm hướng thìn, có hơi chếch về cung tốn, như thế đầu lăng quay về hướng tuất, có hơi chếch về cung kiền (càn)” (2). Hướng này được hưởng mọi ảnh hưởng tốt của ngũ hành, âm dương, đất và trời, nước và núi, đem lại một cuộc sống vĩnh tồn, thịnh vượng. Đây là hướng rất ít được dùng trong lăng tẩm các vua triều Nguyễn.

Bên cạnh lăng vua Thiệu Trị chếch về phía trước còn có lăng Hiếu Đông (bà Hồ Thị Hoa) – mẹ của vua, phía sau là Xương Thọ lăng (bà Từ Dũ) – vợ vua và các ngôi mộ con của vua Thiệu Trị đã mất từ lúc còn nhỏ (tảo thương). Kiến trúc lăng Thiệu Trị là sự kết hợp, chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng Gia Long, lăng Minh Mạng. Tuy nhiên, lăng Thiệu Trị không xây la thành như lăng Minh Mạng. Phần lăng nằm ở bên phải, phía trước có hồ Nhuận Trạch thông với hồ Điện ở trước khu tẩm qua một hệ thống cống ngầm, nối với hồ Ngưng Thúy ở trước Bửu Thành, các cầu bằng đá, nghi môn, nghê đồng… tạo thế chi huyền thủy đầy triết lý phong thủy, chảy quanh co. Hai hàng tượng đá ở hai bên tả hữu của sân chầu tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc, tạo hình trang trí tượng nửa đầu TK XIX. Tiếp đến là bi đình, với bia Thánh Đức Thành Công và lầu Đức Hinh được xây dựng trên một đồi cong dạng mai rùa, bên phải và bên trái lầu Đức Hinh có hai trụ biểu xây bằng vôi gạch để biểu dương công đức, uy lực của nhà vua. Bắc qua Bửu Thành là ba chiếc cầu đá, chiếc ở giữa gọi là cầu Chánh Trung Kiều, phía đông và phía tây là Đông Hòa Kiều, Tây Định Kiều. Bên cạnh khu lăng là khu vực điện thờ cách nhau 100m về bên trái. Qua Nghi môn bằng đá cẩm thạch, bước lên ba bậc tam cấp dẫn lối đi vào khu vực điện Biểu Đức với hai bên bậc cấp được chạm khắc nhiều kiểu thức rồng, to nhỏ tùy thuộc vào kiến trúc của lăng. Trong chính điện có các công trình phụ như tả, hữu phối điện; tả, hữu tùng viện, quây quần xung quanh điện Biểu Đức, làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm cũng như tạo nên vẻ hài hòa cho tổng thể cảnh quan lăng Thiệu Trị.

Sau gần hai thế kỷ tồn tại, trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhất là giai đoạn từ 1945 đến nay, lăng vua Thiệu Trị mặc dù đã bị hư hỏng nặng song chất liệu đá vẫn bảo tồn được nhiều biểu tượng, kiểu thức trang trí về rồng ở sân chầu, nhà bia, trước Hồng Trạch Môn, điện Biểu Đức… Lầu Đức Hinh tuy bị tàn phá, hư hỏng toàn bộ kiến trúc nhưng các kiểu thức rồng bằng đá ở các bậc thềm 4 hướng hiện vẫn còn tồn tại, giữ được giá trị chạm khắc tinh xảo, xung quanh hình tượng rồng được thể hiện trên từng khối đá với những hình dáng, kiểu thức phong phú.

Hình tượng rồng ở lăng Thiệu Trị không chỉ được chạm khắc trang trí trên những khối đá mà còn được thể hiện ở nhiều chất liệu khác nhau như đồng, đắp nổi, nề vữa, nề họa, pháp lam, chạm khắc gỗ, sơn son thiếp vàng… luôn được đặt ở vị trí trung tâm, chủ đạo trong quần thể lăng với nhiều kiểu thức trang trí khác nhau: lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nhật, long hồi, long ẩn vân, hoa lá hóa rồng, long lân khế hội, rồng cách điệu hoa văn mây chồng xoắn nhiều lớp… cùng một số hình thức biểu đạt, kết hợp trang trí hay tả thực. Nhìn chung, rồng tại lăng Thiệu Trị có những đặc điểm đúng như Cadiere đã viết “…những cái sừng, những con mắt sáng rực, những vây bao toàn thân, một loại bờm với chòm râu nhỏ ở cằm, những móng nhọn bén và một cái đuôi xoáy trôn ốc”… (3).

Rồng tả thực gắn với các bậc cấp ở giữa, đây chính là lối đi chỉ dành cho vua. Rồng cách điệu hoa văn mây chồng, gắn các bậc cấp hai bên, để các văn võ bá quan đi lại. Các kiểu thức đó được lặp lại nhiều ở sâu chầu, nhà bia, lầu Đức Hinh… Kiểu thức rồng ở đây chủ yếu được nghệ nhân chạm khắc trên đá sa thạch, đá Thanh. Xét trên góc độ biến thể kiến trúc, rồng là một hình tượng đặc biệt, một linh vật đứng hàng đầu trong tứ linh (long – lân – quy – phụng) với khá nhiều cách thức biểu hiện khác nhau. Tại lăng vua Thiệu Trị, rồng được thể hiện với nhiều kiểu khác nhau, sinh động đến từng đường nét, bố cục, hoa văn. Tại nhà bia có những bậc thềm chạm rồng thuần nhất với cấu trúc rồng kiểu long ẩn, phổ biến trong mỹ thuật thời Nguyễn. Tuy nhiên, rồng ở đây đã có độ nhấn, độ chuyển nét, khối đậm đặc hơn những con rồng thời Gia Long, Minh Mạng, nền nã hơn những con rồng của thời sau.

Con rồng thời Nguyễn được các nghệ nhân tập trung tư tưởng, mỹ cảm để diễn tả sức mạnh chế ngự của vương quyền. Mặt khác, hình tượng rồng thể hiện vẻ đẹp uy nghiêm, ý nghĩa huyền diệu đặc trưng của biểu tượng. Hình tượng rồng thời Nguyễn được diễn tả: “Rồng Huế, thường không nhiều khúc, thân uốn lúc dài ngắn, to nhỏ không nhất định mà tùy thuộc vào từng bộ phận của kiến trúc hay hiện vật có sự hiện diện của nó” (4). Điều này có thể được nhận thấy rõ qua trang trí lăng Thiệu Trị với sự phong phú kiểu thức, đa dạng về chất liệu. Ngoài ra, có thể bắt gặp rồng trên các pano, pháp lam ở tam quan bằng đá trước hồ Nhuận Trạch; rồng khảm sành sứ cách điệu lối chữ triện vuông góc ở trên bình phong; rồng nề họa, nề đắp nổi tại đầu hồi bi đình, nhà bia, điện Biểu Đức và các công trình khác; chất liệu bằng đồng, gang ở lư hương khu tẩm điện; hoa lá hóa rồng bằng chất liệu gỗ chạm hoa văn dây hóa rồng ở tam quan điện Biểu Đức và nhiều hình rồng biến thể, rồng hóa từ hoa lá quả cành được sơn son thiếp vàng lộng lẫy trong nội thất ở điện này.

Hình tượng rồng thời Nguyễn nói chung, lăng vua Thiệu Trị nói riêng có thêm những điểm khác biệt như: sừng dài có chạc vòng cung, mắt lồi dữ dằn hơn, râu và bờm căng đầy, vây lưng chạy dài suốt thân mình, móng rồng sắc nhọn, hai chân trước ôm lấy quả cầu mô phỏng theo hoa văn mai rùa, đuôi xoáy trôn ốc loa tròn đầy vẻ chế ngự tâm lý và đe dọa. Vẩy rồng được diễn tả rõ ràng, dày đặc hơn các con rồng thời kỳ trước. Rồng cách điệu chủ yếu ở hoa văn mây chồng nhiều lớp, nhưng không hề mất đi vẽ uy nghiêm. Những hình tượng đó dễ dàng bắt gặp trong quần thể lăng Thiệu Trị.

Trên các bờ nóc, bờ mái được gắn ghép nhiều kiểu thức rồng khác nhau như lưỡng long, hổ phù, long hồi. Lưỡng long, chủ yếu là các mái, gờ mái Đại Hồng Môn, bi đình, Tả Hữu phối điện. Lưỡng long và hổ phù (biến thể từ mây lửa): Bi đình, điện Biểu Đức. Lưỡng long chầu bầu thái cực đặt giữa đỉnh mái các công trình quan trọng như nhà bia, điện Biểu Đức. Lưỡng long chầu nhật, đặt giữa đỉnh mái Đại Hồng Môn, trán bia và đế bia, trong trang trí dạng nhất thi nhất họa tại nhiều nơi khác. Hổ phù ở đầu hồi, cổng, bình phong, tủ thờ, điện Biểu Đức và các công trình phụ khác. Long hồi có mặt ở khắp mọi nơi, chủ yếu trên gờ mái các công trình của lăng.

Hình tượng rồng chạm hoa văn biến hóa tinh tế, thuần nhã nhất ở rồng trang trí tại bia Thánh Đức Thần Công do chính vua Tự Đức sau khi lên ngôi đã cho soạn thảo với 2500 chữ. Nhìn chung, trang trí trên bia tuân thủ theo nguyên tắc đăng đối trục với hình ảnh chủ đạo là lưỡng long chầu nhật, long ẩn vân, mây cuộn lớp, hình sóng nước, hoa dây và kiểu thức đường diềm hoa văn cánh phượng chuyển động theo trục ngang. Đó là những biến thể từ hoa văn cánh sen cách điệu chủ đạo, làm mờ hóa các góc nhọn đúng với nguyên lý tạo hình thời Nguyễn. Các kiểu thức mặt rồng ngang được sử dụng khá nhiều trên các công trình kiến trúc, đó là kiểu đầu rồng trang trí chính diện với góc nhìn đăng đối. Nhiều kiểu thức mặt rồng được diễn tả làm nổi bật cả một đầu mái, trán bia có khi còn kết hợp với hoa lá, lá lật. Tác giả Trần Lâm Biền đã từng nhận định về kiểu thức hổ phù trang trí đặc sắc: “Linh vật hổ phù được gắn một câu chuyện khuấy biển sữa trong cuộc đấu tranh giữa thần và quỷ… Từ ý nghĩa không nuốt đuợc mặt trăng (nguyệt thực một phần) sẽ được mùa lớn, hình tượng hổ phù trở thành biểu tuợng của sự no đủ” (5). Với những ý nghĩa sâu xa về triết lý sống, phồn thực, khát vọng viên mãn, trường thọ, mặt hổ phù đã trở thành biểu tượng của sức mạnh trường tồn, sự chế ngự cái ác. Hình mặt rồng hổ phù ở đầu hồi, trán bia đã tạo nên các mảng trang trí chính, trang trí phụ, được nhắc lại rất chặt chẽ và có sự tính toán, phân bố hợp lý và sinh động. Tính trang trí thuần chất ở kiểu thức mặt rồng ngang thể hiện rất rõ trong chất liệu đá Thanh tại nhà bia hay chất liệu nề vữa trên các đầu hồi mái của bi đình và điện Biểu Đức. Tuy nhiên, sự phong phú của các biến thể hổ phù ở trang trí lăng Thiệu Trị lại gợi nên những vẻ đẹp thuần khiết đối với khát vọng chinh phục tự nhiên của con người và ý chí của một triều đại về sự phát triển hưng thịnh của đất nước.

Các kiểu thức rồng ở lăng vua Thiệu Trị không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện sự quyền uy, sức mạnh của nhà vua. Kiểu thức rồng thường được sử dụng tại những công trình quan trọng: các đỉnh mái, bậc thềm tạo sự uy nghi, thể hiện rõ vũ trụ quan và nhân sinh quan của người đương thời. Nhìn chung, “các môtip thể hiện trên trang trí Huế, đại bộ phận đều mang biểu tượng cát tường, những ước vọng xuất phát từ nền văn hóa phương Đông” (6). Rồng được trang trí đa dạng, biến hóa. Sự biến hóa của kiểu thức rồng đã thể hiện tài nghệ trang trí, sự khéo léo trong tạo hình của nghệ nhân, những con người tài hoa từ khắp các làng xã của đất nước được triệu tập về kinh đô làm việc theo phường thợ. Các nghệ nhân cung đình đã Việt hóa những kiểu thức trang trí một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo làm cho mỗi hình tượng rồng ở lăng Thiệu Trị trở nên sống động, phong phú. Trong quần thể lăng vua Thiệu Trị, hình tượng rồng đã thể hiện những giá trị nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo, riêng biệt, hấp dẫn và mới lạ, tạo nên vẻ đẹp không chỉ của nghệ thuật trang trí ở lăng này mà còn là những giá trị tiêu biểu của cả quần thể di tích lăng Thiệu Trị.

_____________

1. Phan Thuận An, Lăng tẩm Huế một kỳ quan, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2015, tr.41.

2. G.Langrand, Lăng Thiệu Trị, Những người bạn cố đô Huế, BAVH, tập XXVI.1939, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2012, tr.15.

3. Cacdiere, Mỹ thuật Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998, tr.199.

4. Nguyễn Tiến Cảnh, Mỹ thuật Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Viện Mỹ thuật, Hà Nội, 1992, tr.59.

5. Trần Lâm Biền, Một con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.307.

6. Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr.176.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 – 2018

Tác giả : NGUYỄN VŨ LÂN