Tôi ngồi cạnh bà mỗi khi đi học về. Ngồi nhìn bà đâm xuống nhấc lên từng mũi kim với đường chỉ thẳng và nhỏ rồi hỏi hết câu nọ câu kia. Bà ơi sao bà không phải đeo kính? Khi già rồi thì mắt quá lóa cháu ạ. Thế nào là mắt quá lóa hả bà? Bà ơi ai dạy mà biết may aó cho cháu?… Cháu hỏi nhiều thế. Yên cho bà khâu nốt kẻo cháu không có áo mới mặc tết đâu. Ngồi yên vậy. Ngồi nhìn thôi vậy… Bà ơi tết là được mặc áo mới ư? Sao tết lại phải mắc áo mới?…

Vậy đấy, bà thì khâu mà tôi cứ hỏi liên tục. Bà có mắng đâu vì bà đón tôi ngày mẹ sinh ra, bà chăm mỗi ngày. Bà là cả tuổi thơ của tôi mà. Bà bảo đón năm mới thì cái gì cũng phải sạch, phải mới.

Còn lâu nữa, cả tháng nữa mới tết nhưng để làm mới mọi thứ cho tết đã bắt đầu.

Nhà không thể mới thì quét mạng nhện, quét vôi mới, sơn lại cửa màu mới. Vui thật đấy. Những ngày cuối năm nhà như một công trường. Người lớn cứ nhộn nhịp nhộn nhịp. Bà cắt đặt mọi việc trong nhà. Chẳng cứ con cháu, kể cả ông nữa cũng gật gù nghe theo. Ông bảo bà là chủ nhà đấy cháu nghe chưa? Ông cười, mắt ông hấp háy. Nào lau bàn thờ, đánh bóng đỉnh đồng và tất cả đồ bày trên bàn thờ sạch sẽ. Việc này thấy ông và bố làm hì hùi. Bà và mẹ thì giở tủ bát đĩa để dùng khi cõ bàn ra rửa úp rổ đầy sân cho khô. Cả mấy cái nồi nữa cũng được cọ rửa, cầm vào không nhọ tay. Tính bà sạch sẽ, tỉ mỉ – sạch như li như lau. Thế mà lại tung hết ra lau dọn cho ba ngày tết. Nhớ mãi, nhà đun bếp lò mùn cưa (Chả biết bây giờ còn ai đun không nhỉ?). Cái lò sắt bé, để cái chai vào rồi nhồi mùn cưa cho chặt, xong rút chai ra nhóm củi từ cửa lò cho bén mùm cưa thế là từ từ đun. Đun mùn là có khói, là đen nồi rồi. Vậy mà nồi phải sạch trắng xung quanh. Đít nồi có đen cầm vào cũng không dược nhọ tay. Xưa ấy mà, rửa bát bằng xơ mướp (quả mướp để già, ruột thành xơ), cọ nồi bằng xơ mướp hay xơ dừa. Để không phải rửa nồi tôi chừa cơm lại dù có thể ăn cố cho hết. Mãi rồi bà biết. Bà lẳng lặng vơ cơm ra bát rồi mang nồi ra cho tôi. Mọi thứ trong nhà sạch tươm đón tết. Rồi một sáng chủ nhật ngủ dậy muộn thấy nhà thiếu người. Mẹ bảo rằng ông bà về quê dọn mộ các cụ, quét vôi lại các ngôi mộ. Nhiều việc cần làm mới vậy ư? Trong cái đầu bé tí của tôi ngày ấy cái chữ mới cho tết lớn dần theo thời gian.  Đến hè đường, hàng cây bên đường ngày sát tết cả nhà, cả phố cùng ra nhận vôi quét trắng vỉa hè, gốc cây.

Rồi bà xách chiếc làn to đi chợ sắm tết. Cái ngày xưa ấy làm gì có túi nylon. Hồi bé xíu tôi chả biết túi ấy là gì. Bà đi chợ. Sáng nào bà chẳng đi chợ. Nhà gần chợ Hôm nên bà dậy sớm đi chợ Hôm. Mà gọi là gần thôi chứ đi bộ cũng xa lắm. Như bây giờ thì xe máy phóng vèo chỉ mươi phút. Bà của một thời đã cũ rất cũ chỉ quen đi bộ. Mẹ của một thời cũng cũ nhưng mới hơn. Xa chút là mẹ đi xe tay, đi xích lô. Bà chỉ mặc áo cánh thôi. Áo cánh bà may lấy. Áo dài bà cũng cắt rồi ngồi khâu kì cụi. Từ khi giải phóng Thủ đô, những người đàn không mặc sáo dài nữa, bà cũng không mặc áo dài nữa. Bà chẳng cho tôi theo đi chợ bao giờ. Năn nỉ. Năn nỉ. Thế là lần đi chợ tết năm ấy tôi được theo, cũng xách cái làn bé theo. Lần đầu tiên theo bà, lần đầu tiên được đi tàu điện sướng lắm. Đêm nằm cạnh bà tay nắm chặt tay bà. Ngủ cứ giật mình. Sợ lắm. Sợ mai tính dậy bà đi chợ sớm còn đâu. Sắm tết mà, khi sắm tết là bà đi chợ Mơ. Hà Nội của bà tôi đâu có hàng hóa bày khắp phố mà mua sắm ào ào. Túm vào làn, hai bà cháu lên phố Huế để đi tàu điện xuống chợ Mơ. Lần đầu tiên theo bà, lần đầu tiên được đi tàu điện sướng lắm. Ngồi ghế cứ ngó nghiêng…

Chợ phiên, chợ tết đông quá. Ở thủ đô mà đâu phải về quê mới có hương vị tết quê. Phiên chợ giáp tết, hàng quê từ các làng ven nội thành đổ về. Cứ la liệt. Cứ tứ tung. Nhộn nhạo lắm mà chẳng chen lấn gì đâu. Bà ơi, ngày thường có chợ thế này không? Có chợ phiên cũng nhiều hàng nhưng phiên chợ tết mới đông đúc vậy. Bà mang cái làn to, mua nhiều thứ, mỗi thứ một ít. Bà cho tôi ôm cuộn lá dong có cả bó lạt nữa. Nhẹ mà lại to. Thế là cứ ôm khư khư. Nhiều quá. Bà ơi nhiều thế này hai bà cháu mình mang về làm sao? Về được đi xính lô. Xích lô ngay cổng chợ. Xích lô chở về tận nhà. Ngồi xích lô với chất đống hàng tết thích thật. Tự nhiên thấy mình lớn, mình oai lắm. Đi chợ sắm tết mà. Về đến cổng, cả nhà ra đón, xuýt xoa – hai bà cháu mua nhiều thế! Con gái mẹ giỏi thế! Con gái mẹ lớn rồi! Năm mới còn cả tuần nữa mà sao đã thấy mới tràn ngập rồi. Mình lớn rồi ư năm mới ơi!

Bao giờ nhà mình mua hoa cho ngày tết hả mẹ? Xa xỉ lắm. Chả bao giờ nhà tôi cắm hoa. Ngày tuần bà chỉ mua gói hoa về thắp hương. Thích cái bà hàng hoa với gánh hoa đong đưa lắm. Trên là mẹt bày các loại hoa sắp xếp màu sắc thật đẹp. Chùm bông sói, bông ngâu li ti. Những bông hồng quế cánh mỏng. Những bông ngọc lan, hoàng lan nuột nà. Bà nhặt nhón tay. Bà bán hàng nhặt nhẹ nhàng theo lời bà chọn. Hương thơm từ gánh hoa nhè nhè. Gánh hàng hoa giờ ở đâu rồi? Nó theo bà tôi, theo bà gánh hàng hoa xa lắm. Mua hoa tết theo mẹ lên phố Hàng Lược. Mẹ cho đi chơi đấy. Đi ngắm hoa thôi con gái nhé. Có lay ơn thật đẹp. Mẹ bảo nhiều tiền không mua. Hành dãy chậu quất. Chắc cũng nhiều tiền – chả dám hỏi. Đi dọc phố lên rồi quay lại. Mẹ mua bó thược dược còn đang chơm chớm hoa, mấy cành hoa vi ô lét tim tím. Hoa tết xưa rất xưa lưu mãi thời bao cấp. Hoa cúc bông to lắm. Mẹ bảo đấy là cúc đại đóa. Con cứ xem đi. Đây là bích đào. Đây là đào phai. Đây là đào thế. Người sành chơi là mua đào phai đào thế. Nhà mình mua đào gì hả mẹ? Nhà mình ư. Bó đào cành để  cắm bàn thờ. Mấy túm quất bày mâm ngũ quả. Túm vào tay mẹ len trong chợ. Không hỏi mẹ nữa, tôi đã đủ lớn để hiểu nhà tết nhà mình chỉ có hoa vậy thôi…

Đã khác nhiều tết xưa và nay nhưng năm mới đến vẫn cần có nhiều cái mới. “Phú quý sinh lễ nghĩa” Xưa tết mới có áo mới. Nay cần hay không cần thích thì mua, tết lại mua áo mới. Xưa quét dọn nhà thôi. Nay sửa nhà, sửa cửa, mua đồ dùng mới… Năm mới cứ nao nức mới. Đã khác nhiều theo thời gian và nặng về hình thức vật chất nhưng phong tục vẫn còn đó. Đồng tiền mừng tuổi vẫn phải là tiền mới dù lì xì nay phong bao cũng nặng nhẹ theo đối tượng quan hệ. Và còn nữa cái lời chúc mừng năm mới vẫn đó – an khang thịnh vượng… thêm “lộc vào như nước lộc ra nhỏ giọt”. Và năm mới mong bao điều mới cho bản thân, cho gia đình, cho tất cả cuộc đời này đang chờ đón mỗi chúng ta.

Nguồn Văn nghệ 4+5+6/2019

Tagged: