Xuống xe, thấy bến xe Đò Quan không còn xe nào chờ đón khách, người đợi xe cũng tản hết để phòng tránh máy bay Mỹ bắn phá, Ngọc xốc lại ba lô quân trang, xách hai túi nặng cắm cúi bước trở ngược quốc lộ 21. Cách bến xe gần một cây số, Ngọc dừng nghỉ dưới bóng một cây nhãn xanh tốt bên đường. Cuối xuân, nắng đã đậm, những tia nắng xiên qua vòm lá đọng thành giọt vàng sáng quanh Ngọc. Gió bắt đầu nổi, sóng lúa xanh rờn cuộn từ cánh đồng trước mặt dờn đến chỗ Ngọc ngồi. Mát quá.Đồng không bóng người, Ngọc vẫn ý tứ liếc nhìn hai bên vai rồi mở mấy khuy áo sơ mi Thanh niên xung phong, kéo rộng hai thân áo. Khuôn ngực căng đầy sau tấm áo lót dệt kim Đông – Xuân hiển hiện. Đôi mắt con gái đắm đuối nhìn hai bầu vú rắn chắc của mình.

Có tiếng ô tô vẳng đến. Tiếng xe tải nặng nề. Ngọc vội cài nhanh hàng cúc áo, khoác ba lô, đội mũ, xách túi bước rảo ra giữa đường.Xe Zin 157 lững lững trồ tới.Ngọc huơ mũ, huơ khăn. Tiếng phanh kin kít chói tai, xe Zin dừng bánh cách Ngọc chỉ vài gang tay. Khuôn mặt anh lái trẻ cau có nhô ra khỏi buồng lái:

– Cô làm cái trò gì thế?

Ngọc cười:

– Đừng cáu anh ơi.Cáu bẳn chóng già đấy.Cho em đi nhờ với.

– Xe quân sự không đi được.

– Xe bộ đội mà không chở Thanh niên xung phong sao? Thôi nào, cho em lên đi.

– Đi đâu?

– Anh đi đâu em đi đó. Nói thế thôi, cho em đi nhờ qua thành phố để lên Hà Nội.

– Xe này không ra Hà Nội.

– Vậy chứ anh đi đâu?

– Đi đâu cô hỏi làm gì? Vòng sang cửa bên kia, lên nhanh đi. Lắm chuyện!

Buồng lái cao, anh lái khó tính lại nhiệt tình kéo Ngọc lên ngồi yên vị trên ghế phụ.

– Nói để cô biết, xe tôi chưa cho các cô gái trẻ đi nhờ bao giờ. Vẫy gẫy nón cũng mặc.Tôi chỉ chở người chửa, ông già bà cả và trẻ nhỏ thôi.Hôm nay cho cô đi vì cô là Thanh niên xung phong đấy.

Anh lái trẻ làu bàu một hồi trước khi cho xe lăn bánh. Nói vậy, nhưng bữa ấy anh đã cho Ngọc đi nhờ lên tận thị xã Hòa Bình, qua cả ngày trời rong ruổi gần hai trăm cây số đường đất xóc và bụi kinh người.

Lúc bắt tay giã biệt, hai người không nghĩ rằng họ được gặp lại nhau chiều nay.

Hội diễn “Tiếng hát át tiếng bom” phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của tuổi trẻ tỉnh Hòa Bình do Tỉnh đoàn thanh niên và Ty Văn hóa phối hợp tổ chức chính là duyên cớ cho họ tái ngộ. Vở chèo “Trả phép” của đội văn nghệ đơn vị Thanh niên xung phong M112 là tiết mục cuối cùng của Hội diễn. Dàn nhạc tấu lên bản xẩm xoan rộn rã.Hai cánh màn nhung từ từ mở. Ngọc hồi hộp đứng khuất bên cánh gà theo dõi diễn viên của mình. Anh chị em diễn có hồn lắm, hát hay, múa đẹp. Ba mươi phút dần trôi với những va đập khá gay gắt trong quan hệ gia đình do cách nhìn nhận thời cuộc của mỗi người, được biểu đạt qua các lớp lang và các làn điệu chèo đồng bằng Bắc Bộ, đem đến phong vị mới cho một hội diễn miền núi. Vì vậy, khi cánh màn nhung đỏ vừa che khuất hoạt tượng cảnh tiễn biệt người lính trẻ lên đường trả phép để cùng đồng đội vào Nam chiến đấu, thì hội trường hội diễn dào dạt tiếng vỗ tay, và rất đông bạn diễn các đơn vị ào lên sân khấu bắt tay chúc mừng đội văn nghệ của Ngọc. Đang như thế, chợt Ban tổ chức Hội diễn gọi loa thông báo một tin quan trọng: Một đơn vị bộ đội luyện quân trên địa bàn cử tốp ca khúc xin được tham gia một số tiết mục với Hội diễn trước khi đơn vị hành quân đi B!

Ngọc và cả hội diễn chìm trong xúc động khi hai bản đồng ca “Bước chân trên dải Trường Sơn” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối và “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi!” của nhạc sĩ Huy Du vang lên trầm hùng từ giọng ca của mười người lính trẻ. Riêng Ngọc, cùng với niềm xúc động, cô ngờ ngợ và rồi mừng rỡ nhận ra gương mặt người lính đứng giữa hàng thứ nhất dàn đồng ca, nhất là khi anh tách khỏi hàng bước lên hai bước lĩnh xướng đoạn mở đầu, khi ca khúc “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi!” được hát lại lần thứ hai.

– Anh Kiên!

– Ôi, Ngọc!

Chàng lái xe Zin 157 và cô Thanh niên xung phong đi nhờ xe từ bến Đò Quan – Nam Định, lên tận thị xã Hòa Bình bữa nào chạy lao đến với nhau ngay bên liếp nứa đan lóng mốt của hội trường Hội diễn. Hai người xiết chặt vai nhau, miệng cười, mắt cười. Và chàng trai sôi nổi:

– Giờ thế này nhé, anh phải lái xe đưa ngay anh em về đơn vị. Ừ, anh báo cáo Ban tổ chức rồi, bọn anh phải về liên hoan chia tay bà con địa phương, không ở đây vui liên hoan cùng hội diễn được. Tiếc lắm, mà đành chịu. Hẹn em thế này: mười giờ anh quay lại. Gặp em ở đâu nhỉ?Ngã ba chân Cun?Được hả?Em đứng bên phải đầu đường về thị xã?Rồi rồi.Nhớ nhé.Đúng mười giờ anh có mặt ở đó.Thôi, anh đi đây. Tạm biệt!

*

*        *

Bây giờ họ đã ngồi với nhau trong buồng lái chiếc Zin 157. Cũng dưới tán cây bàng bên hè phố thị xã Hòa Bình, gần ngã ba rẽ ra bến đò sang phố Đúng, như đêm trước hôm hai người chia tay sau gần hai trăm cây số đường trường vừa xóc vừa bụi, mệt bã người, mấy tháng trước.

Hôm ấy, đến thị xã Phủ Lý, Kiên đánh tay lái cho xe qua cầu Quế sang đất huyện Kim Bảng. Anh đi tiếp về Chợ Dầu, sang Cầu Dậm, từ đó xe gập ghềnh bò ra Miếu Môn lấy hàng. Chất đầy hàng lên thùng xong, Kiên và Ngọc đưa xe ra Xuân Mai, theo đường 6 lên thị xã Hòa Bình. Chiếc Zin 157 bò lên đến đỉnh dốc Kẽm thì trời tối hẳn, Kiên bật đèn Cốt cho xe đi trong đêm, phòng máy bay Mỹ đánh phá. Thị xã Hòa Bình vắng teo, thỉnh thoảng mới gặp bóng người đi lặng lẽ bên hè phố. Kiên cho xe dừng dưới tán cây bàng, quay sang cô bạn đường mới quen trong ngày:

– Giờ Ngọc về đâu?

– Anh cho em xuống chỗ ngã ba ra bến đò.

– Ngã ba kia rồi. Nhưng đêm tối thế này, liệu có còn đò?

– Có lẽ còn anh ạ.

– Sau đó, Ngọc vào Tu Lý?

– Vâng. Anh Kiên cũng biết vùng trong đó?

– Biết chứ. Tôi là dân thổ công ở đây mà.Nhưng Ngọc này, Ngọc định đi vào Tu Lý ngay tối nay?Không được đâu, con gái đi đêm đường rừng nguy hiểm lắm. Hay thế này đi: ta tìm chút gì ăn, rồi nghỉ. Sáng mai hãy chia tay. Như thế vừa lại sức, vừa an toàn. Được không?

Ngọc nhằn nhằn môi. Có qua đò, vào đến xóm Máy bên kia cũng phải tìm một nhà nào đấy bên đường mà nghỉ nhờ, sớm mai mới đi tiếp. Như vậy, nghỉ bên này tiện hơn. Có điều…

– Ngọc tính sao?

– Dạ… nếu nghỉ như anh bàn, thì liệu có tìm được nhà trọ?…

– Sao phải tìm nhà trọ?

– Không tìm nhà trọ thì phải ở đâu?

– Nghỉ trên xe không được sao?

– Nghỉ trên xe?

– Chứ sao. Ca bin xe thênh thang, Ngọc không thấy à?

– Cả anh và em ngủ trong ca bin này?

– Ngọc ngại? Bộ đội với Thanh niên xung phong mà ngại? Được, vậy thì thế này: Ngọc ngủ trong ca bin, tôi lên ngủ trên thùng hàng, xong chưa?

Hai người ăn hết nắm cơm tẻ và nửa gói cơm nếp. Cơm mẹ Ngọc nắm nhuyễn, cắt chấm muối vừng, cả hai suốt ngày ruổi rong xe xóc nên đói ngấu, ăn rất ngon miệng. Ăn xong, tu mấy hớp nước chè đường đựng trong bi đông, Kiên bảo Ngọc soi đèn pin cho anh bật bạt để lên thùng hàng. Ánh đèn ba pin Trung Quốc soi tỏ những hòm hàng xếp kín mít lên tận nóc bạt. Thấy sáng, muỗi theo nhau bay ra.

– Thôi anh Kiên, đừng tháo bạt nữa. Hàng xếp thế kia, anh ngủ vào đâu?

– Nhưng…

– Anh phải ngủ để mai còn lái tiếp chứ. Anh chằng bạt lại rồi lên ca bin mà nghỉ.

– Lên ca bin? Lúc nãy Ngọc bảo…

– Thì bây giờ em bảo anh lên đó ngủ, được chưa?

Hai người quay lại ca bin xe. Sau mấy câu đối đáp, cả hai bảo nhau cùng nhắm mắt. Lúc họ tỉnh giấc, ánh mặt trời chiếu chói kính xe từ bao giờ…

Vậy đấy, một đêm ngủ ngồi trên ca bin xe, cả hai cùng ngon giấc sau thoáng lương vương nghi ngại của Ngọc. Cảm ơn đêm ngủ ngồi! Cảm ơn đêm ngủ ngồi lắm lắm!

Hai tiếng reo vui trong tâm tưởng khiến Ngọc nhẹ lòng, nhìn sang Kiên. Anh vừa tắt công tắc xe, đang bâng khuâng nhìn ngọn đèn nhỏ phía xa qua kính chắn gió, hai bàn tay đặt hờ lên vô lăng.

– Anh nghĩ gì vậy?

-…

– Anh Kiên! Anh nghĩ gì mà ngây ra thế?

– Ngọc có nhìn thấy ngọn đèn nhỏ kia không?

– Có. Nhưng sao ạ?

– Một ông nhà thơ đã viết rất hay về những ngọn đèn đó.

– Vâng. Nhà thơ Chính Hữu.

– Phải rồi, nhà thơ Chính Hữu. Ông viết rằng:

Trên đường ta đi đánh giặc

Dù về Nam hay ta lên Bắc

Ở đâu

Cũng gặp

Những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu

– Ôi, những vần thơ thật tuyệt!

Ngọc khẽ xuýt xoa. Vì thơ hay và cũng còn vì giọng đọc tâm huyết. Thơ và giọng đọc thơ khiến Ngọc bỗng thấy gai gai lạnh trong người. Còn Kiên, anh vẫn đăm đắm nhìn ngọn đèn phía xa và lại cất giọng trầm nho nhỏ đọc tiếp những câu thơ Chính Hữu:

Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt

Như những tâm hồn không bao giờ tắt

Như miền Nam

Hai mươi năm không đêm nào ngủ được

Như cả nước

Với miền Nam đêm nào cũng thức

Soi cho ta đi đánh trận trường kỳ…

Từ lúc nào, Ngọc đã nghiêng dần người sang phía Kiên, tựa dần đầu vào vai anh, khe khẽ đọc thơ theo anh. Cũng từ lúc nào, cánh tay phải của Kiên nhẹ nhàng quàng ôm vai Ngọc, níu dần níu dần cô vào với anh. Câu thơ cuối cùng của “Ngọn đèn đứng gác” đan vào lặng vắng cũng là lúc cô gái tựa hẳn đầu và vai vào chàng trai.Lâu, rất lâu. Rồi chàng trai thầm thào:

– Đêm mai anh và đồng đội sẽ hành quân cùng những ngọn đèn đứng gác như thế…

Không thấy cô gái nói gì.Chàng trai rời ngọn đèn xa quay lại nhìn cô.Trên gương mặt mờ ảo ánh đèn, đôi mắt to đen đã bắt đầu thân thuộc với anh đang ứa ra hai giọt nước mắt.Một thoáng nhíu mày, cuối cùng anh cúi xuống nhè nhẹ ấp môi mình vào đôi mắt ướt. Như có sức hút bất thần, cô gái bỗng choàng ôm ngang người chàng trai riết mạnh cùng tiếng thốt gọi âu yếm:

– Anh!… Anh Kiên!…

Đáp lại lời yêu, đôi môi chàng trai trượt xuôi nhanh trên gương mặt nhòe ướt của cô gái cho đến khi bị đôi môi mỏng của cô hút chặt.Sức hút bật ra tiếng động nghe tựa như tiếng chuột gọi bạn tình trong đêm, và những hơi thở hậm hụi hậm hụi. Cơ thể người con gái bỗng dưng yếu đuối, đôi tay cô rời ra không còn ôm ngang người chàng trai được nữa. Cả người cô nóng hổi như đang lên cơn sốt, mềm oặt ra đến mức chỉ một cử động nhẹ của cánh tay con trai đã khiến cô đổ ngửa nửa người trên đùi chàng. Những ngón tay trai lấn bấn mở khuy áo. Bàn tay cô gái vội nắm những ngón tay ấy, nửa giữ nửa không. Khuôn ngực tròn đầy được dịp hiện ra mờ trắng. Một vệt sáng mỏng manh của ngọn đèn phía xa chợt lọt qua kính xe dọi ngang khuôn ngực, soi tỏ hai bầu vú trinh nữ mẩy căng như gai gạo. Rất nhanh, đôi vú đẹp bị khuôn mặt người trai trùm lấp…

– Ôi… anh…

Tiếng cô gái rên lên khe khẽ. Những ngón tay cô đan giữ mái tóc đang ấp trên ngực mình.

– Kìa… anh… đừng… đừng… đừng…

Ấy là lúc bàn tay trai ngất ngây xoa nắn, vuốt ve cái bụng tròn ấm và cái eo con ong của cô gái, rồi bất thần những ngón tay nhiệt thành của bàn tay ấy rối rít lần tìm và toan cởi bỏ hai khuy quần quân phục bên hông cô.

– Không được!… em bảo… không được… m…à…

Cùng với tiếng van nài, bàn tay cô gái giữ chặt những ngón tay trai không cho nó động cựa. Sau vài giây cựa quậy, những ngón tay trai hờn dỗi nằm yên trong lòng bàn tay cô.

Tiếp đó là giây phút yên lặng. Buồng lái xe Zin phập phồng những nhịp thở bồi hồi.

Cô gái là người gỡ bỏ sự chìm lắng có phần nặng nề ấy. Cô gượng nhẹ nâng mái đầu và bàn tay chàng trai đang ấp iu trên người cô, lặng lẽ ngồi dậy, lặng lẽ cặp lại mái tóc. Đến lượt chàng trai ngồi thẳng lên tựa ngửa đầu vào thành ghế lái, mắt nhắm nghiền, hai tay buông đúng chỗ cô gái vừa ngả mình.

Cô gái cặp xong tóc thì chàng trai lên tiếng:

– Ngọc!… Anh… xin lỗi… em…

Vừa nghe hết câu, cô gái xoay nhanh người lại, hai bàn tay cô bưng đỡ lấy khuôn mặt chàng trai nâng lên kéo áp vào mặt mình. Và, giọng cô nghèn nghẹn:

– Không, anh không có lỗi gì… Em hiểu mà… Và… em yêu anh… thương anh… Thương lắm!… Nhưng… mai anh phải đi B… em thì còn ba năm nghĩa vụ Thanh niên xung phong… không cho phép anh à…

– Anh hiểu rồi.

– Vậy nên chúng mình đành…

– Anh hiểu mà…

– Hãy nhớ đêm sông Đà này, anh nhé. Nhớ, để sau này tìm lại nhau…

Cùng với lời hẹn là những cái hôn như mưa như gió của hai người trong gió lộng sông Đà, đêm mùa hè năm 1968.

*

Năm nối năm chầm chậm trôi đi. Cô Ngọc chiến sĩ Thanh niên xung phong ngày nào, giờ đã thành nhà văn Phan Thị Ngọc – Tổng biên tập một tờ báo có uy tín.

Một chiều thứ bảy, từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội, Ngọc đi thẳng về tòa soạn. Đẩy cửa phòng làm việc của mình, thấy cuộn giấy bị cánh cửa gạt văng trên nền nhà, chị vội nhặt lên.

Cuộn giấy đề gửi Tổng biên tập có một bài phóng sự, một thư ngắn của tác giả và một tấm ảnh. Mắt Phan Thị Ngọc nhìn như hút lấy gương mặt người đàn ông tóc rậm, để râu quai nón, đứng chống cuốc bên cây ngọc lan sum suê hoa lá trong tấm ảnh.

Đêm ấy, dù vừa đi xa về rất mệt nhưng Ngọc không sao ngủ được. Hình ảnh người đàn ông đứng chống cuốc bên cây ngọc lan và lời lẽ trong thư của người phóng viên tập sự cứ nối nhau day trở tâm trí chị. Đôi mắt đăm đắm buồn của người đàn ông để râu tóc rậm cứ như xăm soi muốn hỏi Ngọc điều gì. Và, mấy dòng thư của cậu phóng viên trẻ cũng ám ảnh, không cho Ngọc được yên. Một người lính vào Nam chiến đấu từ cuối những năm 60 thế kỷ trước, bắn cháy đến mười ba máy bay lên thẳng của  Mỹ – Ngụy, chỉ chịu buông súng vì bị thương nặng ngay trên cửa ngõ Sài Gòn trước ngày 30-4-1975, mà nay gần như bị cuộc đời lãng quên, phải sống lặng lẽ ở một góc rừng xa vắng vì không còn một người ruột thịt. Một thân phận như thế được phản ánh trong Phóng sự, lại không được in, vì người duyệt bài sợ đụng chạm. “Viết thế chẳng hóa ra bảo Đảng và Nhà nước quá ư vô tâm với người lính thời hậu chiến?”.Giời ạ, quan điểm dùng bài vở như thế thì đúng là nên cho vị ấy nghỉ hưu được rồi.

Sớm hôm sau, Phan Thị Ngọc tìm lên góc rừng xa vắng ấy theo địa chỉ ghi cuối thư của người phóng viên. Chị muốn trực tiếp thẩm tra tính chân thật của bài Phóng sự, nhưng cái chính chị muốn được gặp người đàn ông có đôi mắt ẩn chứa nhiều sự đời mà chị đã nhìn, đã đọc.Nhưng, chị đã chậm chân.Những đồi cây đang giao cành xanh lá có chủ mới rồi. Người thương binh chỉ còn tay trái đã thay người đàn ông trong ảnh quản lý khu rừng trồng này được một tuần lễ. Đứng trước cây ngọc lan không có người đàn ông chống cuốc, Ngọc cố giấu nỗi buồn tê tái.

Tiễn Ngọc ra về, người chủ mới của khu rừng trao cho Ngọc một hòm gỗ nhỏ đóng bằng gỗ lát hoa nổi vân rất đẹp, với một đề nghị: chị hãy tìm đến chỗ nào có kỷ niệm thiêng liêng của đời chị mới mở xem những quà tặng trong hòm.

Nơi có kỷ niệm thiêng liêng? Ngẫm lại âm sắc và nét mặt nghiêm trang của người thương binh chỉ còn một tay lúc nói lời đề nghị, Ngọc nhíu mày hồi lâu. Và chị quyết định tìm về nơi ấy – dưới tán bàng gần ngã ba rẽ ra bến đò sang phố Đúng xưa.

Đêm xuống đã lúc lâu, Ngọc bật ngọn đèn trên trần xe, hồi hộp mở khóa hòm gỗ lát. Hiện ra trước mắt chị là mảnh lụa đỏ thắm phủ kín mặt hòm. Lật bỏ mảnh lụa, thấy bộ quân phục may bằng vải Tô Châu. Hai phù hiệu chiến sĩ lái xe sáng đỏ ve áo sơ mi người lính như phát ra hai luồng điện phóng vào mặt Ngọc khiến toàn thân chị bủn rủn, vội tựa lưng vào thành ghế xe. Nhắm nghiền mắt ngồi lặng lúc lâu, Ngọc mới run run chuyển bộ quân phục đặt khẽ khàng lên tấm lụa vừa trải trên ghế xe. Thì, trời ơi, hơn chục huân – huy chương các loại nằm ngay ngắn, lặng phắc nơi đáy hòm, cùng một kẹp giấy đã vàng ố, chỉ tờ giấy kẹp trên cùng là còn mới. Đó là mấy dòng thư gửi cho Ngọc.

Ngọc thương yêu!

Anh gửi lại em những kỷ vật này, nếu có ngày em tìm đến anh. Với anh, nó chẳng còn ý nghĩa gì, nhưng với em, mấy thứ đây để em yên tâm rằng: đã có những tháng năm tuổi trẻ em yêu thương một người lính xứng đáng. Nếu có lần nào đó em từng trách anh, rằng sao không tìm em, thì xin em đọc tờ chứng thương kẹp sau cùng sẽ rõ.Chào em!

Mắt Ngọc nhòe nước. Chị lật nhanh kẹp giấy để tìm đọc nội dung chứng thương như thư dặn. Dòng kết luận ngắn gọn của bác sĩ khiến Ngọc ôm mặt nấc lên:

“Do bị thương, mất khả năng sinh con!”.

Tiếng nức nở cố nén của người phụ nữ dường như khiến dòng sông Đà động lòng, gió sông bỗng lộng lên trong đêm làm cho tán bàng xòa bóng trên xe chị ngả nghiêng rầu rĩ hệt như cái đêm chia tay hai người ngồi trong ca bin xe Zin 157 năm nào!

Nguồn Văn nghệ số 38/2018