Mây đen vần vũ, mưa, vẫn mưa, mưa cứ dầm dề ngày này qua ngày khác. Tôi nằm cuộn tròn trong chăn ấm như con tằm nằm trong kén, thò đầu ra ngắm từng chùm bong bóng trôi nổi rồi vỡ oà trên sân, lòng thấp thỏm, đợi chờ. Bố tôi bắc thang tre lên gác bếp lấy cái nơm đã bám đầy bồ hóng xuống. Mẹ tôi mang nồi, mang chậu ra hứng những chỗ dột, mưa từ trên mái cọ cũ kỹ nhỏ xuống từng giọt, từng giọt, tong tong. Mẹ quay ra nói với bố trong tiếng mưa ào ạt: “Thằng Khủ lớn rồi, nó muốn đi theo!”. Thế là bố tôi cầm dao chạy lên búi tre sau nhà chặt lấy một cây tre già vàng óng rồi cặm cụi chẻ chẻ, vót vót, đan cho tôi một cái nơm mới nho nhỏ, xinh xinh. Mùa cá vật đã bắt đầu.

Sau những cơn mưa dài triền miên, hồ Thác Bà nước dâng lên ngùn ngụt. Ở chỗ có nhiều bụi cỏ, nước xâm xấp hoặc chỗ có nước mới từ các khe, các suối đổ xuống, cá thi nhau lên đẻ trứng. Nhiều nhất là cá chép, đuôi vàng choé, sống lưng nhô lên cả mặt nước, có con nặng những bảy, tám cân. Sau là cá dưng, cá diếc từng đôi, từng đôi một bám theo nhau lên đập nước ầm ầm.

Tôi vác nơm theo bố khi trời còn tối mịt, lúc này chưa nhìn thấy cá, hễ cứ thấy tiếng quẫy nước ở đâu là bố tôi lao tới, đánh rầm. Tôi cũng cò rò theo sau bố như một tay nghề thực thụ. Bỗng một con cá ở đâu lao tới đâm khịch vào chân tôi, làm tôi chới với suýt ngã; bố tôi hét: “Cá đấy!”. Tôi vung nơm đánh rào và đè cả người lên. Con cá đã nằm gọn trong nơm, vùng vẫy khua nước loạn xị, tôi hét vang trời, sướng mê! Đó là con cá đầu tiên và cũng là con cá lớn nhất tôi bắt được, nó nặng bảy cân. Khi mổ thịt, bố cắt cái đuôi vàng choé xoè ra như cái quạt bảo tôi mang ra dán lên cột nhà sàn để làm kỷ niệm.

Mùa cá vật, cái lu lớn đặt trên thích nước nhà tôi lúc nào cũng đầy ắp cá, để mẹ tôi đi chợ xa, đôi dậu trên vai kĩu kịt, trưa về, tối đến lại cùng nhau quây quần bên mâm cơm có nồi cá bung ấm sực. Cứ mỗi lần nhìn cái đuôi cá dán trên cột nhà hay nhìn trời đổ cơn mưa, tôi lại nhớ cảm giác sướng rơn khi bắt được một con cá, và mong sao mùa cá vật lại về.

Mùa cá vật vẫn trở về trong nỗi mong chờ của cư dân ven hồ Thác Bà nhưng cá thì cứ vắng bóng dần, mà nếu có, cá cũng chẳng vào nổi đến bờ để đẻ trứng vì lưới to, lưới nhỏ giăng như trận đồ bát quái rồi kích điện, lưới vét, đánh mìn… chỉ còn lũ tép dầu tí xíu là mặc nhiên đớp vào chân người nhồn nhột. Có lẽ cá thà đẻ trứng bừa ở ngoài chứ chẳng dám vào bờ vì quanh bờ hồ đèn sáng nhiều như sao đêm. Xe máy ra tận đấy để chở cá đi cho sớm.

Tạnh mưa, tôi vác nơm ra bờ hồ chờ. Mặt nước lặng thinh. Đợi mãi chẳng thấy tăm tích con cá nào, tôi khua nước ào ào rồi nhảy ùm ùm, hét lớn: “H…ú… cá vật rồi, à lối! Nhiều quá!…”. Lập tức ánh đèn pin từ bốn phía hướng vào chỗ tôi, tiếng bước chân rầm rập tiến lại mong vớ được con cá nào để bù lại cái công đã thức căng mắt suốt đêm dài. Tôi lẳng lặng lủi nhanh về nhà, còn nghe rất rõ tiếng làu bàu phía sau lưng: “Mẹ cha thằng nào giễu!..”.

Tôi vác nơm về nhà, bố hỏi: “Được cá không con?”. Tôi lắc đầu, bố buông một tiếng thở dài. Mưa, vẫn mưa, bố tôi ngồi bên bàn nước, lặng im nhìn ra bầu trời mịt mùng mưa gió. Tôi biết bố đang sống lại những mùa cá vật năm xưa mà giờ đã đi vào dĩ vãng.

Mùa cá vật năm xưa đã đi qua trong tiếc nuối…

Nguồn Văn nghệ số 16/2019