Bùi Minh Quốc sinh ngày 3/10/1940, quê ở Mỹ Ðức, tỉnh Hà Tây. Ngay từ khi còn là học sinh trung học, ông đã sớm nổi tiếng ở miền Bắc với bài thơ Lên miền Tây. Với ngòi bút đặc sắc, những trang thơ của ông luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Hãy cùng nhau theo dõi những trang thơ vang danh của ông ngay bây giờ nhé!
Bài thơ của người qua tuổi 30
Dù không phải đứng đợi dưới gốc me già
Tóc và râu hài hoà như bài thơ Đường luật
Quần và áo phẳng phiu như tình yêu thứ nhất
Anh vẫn giữ nguyên vẹn những ý nghĩ tốt lành.
Cảm ơn những vòm me trên đường phố Sài Gòn
Nhắc nhở hoài mối tình đầu đắm đuối
Tình yêu em ơi không bao giờ luống tuổi
Dù chúng mình đã qua lứa ba mươi.
Không còn đợi em phải chuẩn bị nụ cười
Bởi nhiều bực mình hằn phía sau đuôi mắt
Không còn gặp nhau là hôn nhau thân mật
Nhưng mọi lo toan anh chia sẻ cùng em.
Không còn đợi chờ hương dạ lý mỗi đêm
Hai đứa mới thầm thì lời tình tự
Nhưng mỗi miếng anh ăn, mỗi khi anh ngủ
Đều có tay em che chở ân cần.
Không còn đợi chờ hoa cúc nở đầy sân
Anh mới rụt rè trao lá thư hò hẹn
Nhưng gặp lại môi em cười bẽn lẽn
Là trái tim anh đã nhún nhẩy xôn xao.
Và sinh nhật nếu anh không kịp cạo râu
Không tặng hoa lay-ơn lẽ nào em trách
Vì mỗi ngày yêu em riêng anh thầm nhắc
Hãy giữ vẹn nguyên những ý nghĩ tốt lành
Như buổi ban đầu em đến trong anh.
Bài thơ tháng tám
Các anh – những người Tháng Tám
Các anh đâu rồi ? thấm mệt rồi chăng ?
Các anh nghĩ gì sau nếp nhăn vầng trán
“Thế sự du du…” thật giả nhập nhằng!…
Có lẽ nào ? Có lẽ nào ? lịch sử
Lại như con thò lò trong ván bài quỉ dữ
Máu nhân dân tuôn chảy đúc ngai vàng
Bạo chúa ngồi lem lẻm tụng nhân dân ?
Ơi em gái Trường Sơn mười tám tuổi
Cùng đồng đội đêm nao truy điệu sống cho mình
Và cứ thế dấn thân vào lửa dội
Em nghĩ gì sau cặp mắt kiên trinh ?
Em nghĩ tới tương lai tươi thắm ngọt lành ?
Tương lai ấy bây giờ tôi sống dở
Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi
Tôi bước đi trên đất nước nghẹn lời
Các anh đâu rồi ?
Những người Tháng Tám
Chẳng nhẽ khoanh tay nhìn tấn trò bội phản
Dân tộc này bị vỡ nợ Tự Do ?
Dân tộc từng sống chết chẳng so đo
Quyết không làm nô lệ
Sao hôm nay Người đành cam chịu thế
Mặc thân phận mình dưới ách tà gian
“Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than…”
Câu hát cũ lòng tôi rỉ máu
Kìa em gái Trường Sơn hiện hồn về nhìn tôi đau đáu
Tháng tám ơi! Tháng Tám nước non mình
Tôi lại đi, lầm lũi cuộc hành trình
Chỉ có thế thôi! Thơ
Với cường quyền
Ðối mặt
Sống trong tôi là triệu người đã khuất
Ðang thét đòi món nợ: Tự Do!
Bài thơ về hạnh phúc
(Tưởng nhớ XQ thân yêu)
I
Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên.
Trời chiến trường không một phút bình yên
Súng nổ gấp. Anh lên đường đuổi giặc
Lấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biên
Bước truy kích đạp trăm rào gai sắc
Ôi mũi lê này hôm nay sao sáng quắc
Anh mất em như mất nửa cuộc đời
Nỗi đau anh không thể nói bằng lời
Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy
Những viên đạn quân thù bắn em, trong lòng anh sâu xoáy
Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi
Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc.
Nhưng em ạ, giây phút này chính lúc
Anh thấy lòng anh tỉnh táo lạ thường
Nhằm thẳng quân thù, mắt không giọt lệ vương
Anh nổ súng.
II
Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra
Cho đến ngày cất bước đi xa
Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt.
Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt
Bao giốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói tới những điều em định viết
Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép
Con sông Giàng gầm réo miên man
Nước lũ về… Trang giấy nhỏ mưa chan
Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…
Nhớ chăng em, ngày mở màn chiến dịch Đông Xuân
Em lên đường phơi phới bước chân
B.52 bom nghìn tấn dội
Kìa dáng em băng rường bước vội
Vẫn nụ cười tươi tắn ấy trên môi.
Thôn 6 Bình Dương bãi cát sóng dồi
Nắng long lanh trong mắt người bám biển
Giặc mới lui càn khi em vừa đến
Bà mẹ già kể chuyện chặn xe tăng
Quanh những bờ dương bị giặc san bằng
Đã lại mở những chiến hào gai góc
Những em bé, dưới mưa bom, vẫn đi làm đi học
Những vồng khoai ruộng lúa vẫn xanh tràn
Trong một góc vườn cháy khét lửa Na-pan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…
Như chồi biếc gặp mưa xuân, như chim én say trời
Em mải mê, đi giữa bao người
Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hà, Xuyên Phú…
Những mảnh đất anh hùng quyến rũ
Phút giây đầu đã ràng buộc đời em
Như tự lọt lòng từng biết mấy thân quen
Em nhỏ giao liên, mẹ hiền trụ bám
Cô du kích dịu dàng dũng cảm
Sông Thu Bồn hằng xao động tâm tư
Có tiếng hò như thực như hư
Em đã đến, tắm mình trong sóng nước
Sông kể em nghe chuyện đôi bờ thủa trước
Em mở mắt nhìn kinh ngạc những làng thôn
Và kêu lên khi được thấy cội nguồn
Mỗi sự tích trên đất này thắng Mỹ.
Em đã gặp bao anh hùng dũng sĩ
Đã cùng họ sẻ chia
Cọng rau lang bên miệng hố bom đìa
Phút căng thẳng khi vòng vây giặc siết
Nỗi thống khổ ngút ngàn không kể hết
Của một thời nô lệ đau thương
Em lớn lên bên họ can trường
Giữa bom gào đạn réo
Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo
Những con người như ánh sáng lung linh
Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình
Để làm nên buổi mai đầy nắng
Em bối rối, em sững sờ đứng lặng
Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên
Thức dậy bao điều mới mẻ trong em
Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…
III
Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.
Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống
Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Em trong anh là mùa xuân náo động
Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu.
Báo động
Tiếng thơ ai hiu hắt
Suốt đêm ngày sầu than
Nhiễm hồn ai èo oặt
Tuổi xuân sớm lụi tàn
Nghe âm âm trời đất
Thơ ngũ liên đổ dồn
Căn bệnh AIDS tâm hồn
Ðang giết mòn dân tộc!
Bên cột mốc
Tim thắt lại trong buổi chiều lúa non
Bản Nùng xa khói bếp
Hoa phượng đỏ đầy trời xứ Lạng
Đỏ lên từng tấc đất tôi thương
Máu đồng đội đỏ cho màu hoa ấy
Ôi màu khói màu hoa tự bao giờ cứ vậy
Dù ai để ý hay không
Sao lòng ta run rẩy
Tiếng xe ngựa qua cầu Kỳ Lừa
Lóc cóc dưới chiều mưa
Tấm bạt rách trên mui gió lật
Che mái đầu mấy người đàn bà
Nói những chuyện cuốc cày mua bán
Em bé Nùng ngồi trong quang mẹ gánh đi sơ tán
Như chính tôi thuở nào
Mắt em nhìn thăm thẳm làm sao!
Thăm thẳm một đời bao thứ giặc
Chưa giặc nào như giặc này
Quân ăn cướp quân phản trắc
Đã từng vào nhà ta
Như một người bạn thân một người đồng chí
Thăm hỏi vợ ta
Bồng bế con ta
Siết tay ta rất chặt
Cùng nhau ngồi ở góc phòng kia
Quanh bộ bàn ghế trúc
Bữa ăn tươi có nem rán bún bò
Bánh bao nhân thập cẩm…
Nhưng phút chốc bỗng tan tành tổ ấm
Ta đâu có thể ngờ
Phút chốc đã tan tành tổ ấm
Cái tổ ấm vừa nhen sau cuộc chiến tranh dài
Chính bàn tay đã cùng ta chúc rượu
Lại đến đây bắn pháo giật mìn.
Ta xin hiến đời ta làm cột mốc
Phân rõ ranh giới này
Người cộng sản và lũ bạo chúa giương cờ cộng sản
Đứng trên Thiên An Môn hô những lời cách mạng
Được tụng niệm như kinh
Đánh cắp niềm tin của triệu người lao động ngay lành
Ta xin hiến đời ta làm cột mốc
Mẹ Việt Nam cắm chắc ở nơi này
Gan góc
Thẳng ngay
Đến cái chết cũng chẳng hòng đánh bật
Ôi màu hoa lặng lẽ đỏ trong chiều
Lặng lẽ nói tình yêu
Những người lính đêm ngày trên điểm tựa.
Bi kịch hót
Tưởng bay ngàn dặm thơ
Hoá vòng vo nhảy nhót
Giữa cái lồng rất to
Tự đan bằng tiếng hót.
Cảm tác nhân đọc bài “Với người thả diều trên quảng trường Thiên An Môn” của Dương Kỳ Anh
Diều bay lên bay lên
Thiên An Cửa an nhiên
Ngắm diều lên diều lên
Lòng thơ đâu có yên
Thơ không quên không quên
Đời không quên không quên
Đêm quảng trường ngập máu
Diều cứ lên cứ lên
Ngai kia vẫn bạo quyền
Dong diều là xích máu
Xe tăng nghiến đêm đêm
Trên niềm bay đau đáu.
Cảm tác trong đêm Đà Lạt nhân đọc di cảo thơ “Bánh vẽ” của Chế Lan Viên
Mấy thi sĩ thế kỷ này nhồm nhoàm nhai bánh vẽ
Mà thương vay những thế kỷ vắng anh hùng
Họ thầm biết trên đầu mình có kẻ
Tay vẽ bánh cho người, mồm nhai thứ thiệt ung dung
Anh ngồi nhấm lai rai, dẫu biết thừa bánh vẽ
Bởi sợ bị đưa ra khỏi bữa tiệc linh đình
Cái bữa tiệc tù mù mà nức lòng đáo để
Chúc tụng tía lia và ăn uống thật tình
Cốt một chỗ ngồi thôi để có ngày được nhai thứ thiệt
Mà kiên trì nhai bánh vẽ rã quai hàm
Thứ thiệt mãi xa vời, chỉ rất gần là cái chết
Cái chết này là chết thật hay oan?
Tôi rùng mình đọc bài thơ “Bánh vẽ”
Mỗi chữ tạc lên cột số dặm đời
Thể phách đã an hoà cùng đất mẹ
Tinh anh còn lạnh buốt suốt thời tôi.
Cay đắng thay…
Cái guồng máy nhục mạ con người
Mang bộ mặt hiền lành của người cuốc đất
Ù lì quay
Quay
Thao thao bài đạo đức
Liệu mấy ai còn ngây ?
Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này.
Câu vè chợt lượm
Gậy ông này đập lưng ông
Mồm thì giảng đạo tay lòng thòng vơ
Mặt lì nên chẳng biết dơ
Lời lời đanh thép gậy giờ đập lưng
Nào ai khảo nào ai xưng
Nào ai xới đất mà tung cả đời.
Chào sông Trà
Tặng Thanh Thảo
Chào sông Trà
Cao Bá Quát tái sinh
tuốt gươm thơ
vua chúa giật mình
Sông Trà sông Trà
sôi sục tự nguồn thấu tận Hoàng Sa
xanh cuộn ngang trời sóng dậy hồn ta…
Chiến tranh và hoà bình
I.
Các đồng chí đêm nay ta xuất kích
Chúng tôi đã sẵn sàng
Họ lao về phía địch
Cả đại đội ra đi
Không một ai trở về
II.
Các đồng chí, đêm nay ta dzui dzẻ
Hé hé!
Mau các em đang chờ
Hơ hơ!
Loáng thoáng phố phường đoàn xe “đầy tớ”.
Chiều mưa thịt chó
Rưng rức mưa rây chiều thịt chó
Chén rượu tri âm lạc túy hồn
Nhìn nhau râu tóc ngầu sương gió
Ly choang cười ngạo những khờ khôn.
Bùi Minh Quốc là một nhà thơ sở hữu một phong cách thơ đặc sắc, những vần thơ của ông đi sâu vào tâm hồn bạn đọc. Mời các bạn đón xem phần 2 vào một ngày không xa.