Vào buổi chiều mưa tuôn như trút nước, tôi ngồi thu lu trên ghế nhìn phố mà mơ đến cái hiên nhà thơ ấu. Bỗng thèm nghe tiếng rên ư ử của chú chó con rúc trong ổ rơm. Cái sân vôi lõng bõng nước. Bong bóng mưa trôi dập dềnh. Mấy chị em tôi ngồi hiên, dựa cột đoán non đoán già rằng có ngập lụt hay không.
Tôi nhìn ra cổng thấy đám nhóc con đi học về ướt như chuột. Thằng bé ấy mặc quần rách, đầu không mũ nón cắp cặp đi sau cùng. Mọi người bảo nó học giỏi. Nhà nó nghèo đến nỗi cơm trộn sắn cũng chẳng có, bữa nhịn bữa ăn… Vậy mà, hình như thằng bé ấy giờ đây đang đứng trước mặt tôi, nói cười bả lả. Tôi giật mình khi có người gọi trúng cái tên mụ thời còn bé. Đúng là em, mấy chục năm còn gì. Không rõ lý do gì em tìm tận nơi tôi sống, dù trong thực tế mấy chục năm qua, giữa chúng tôi không có bất cứ một mối quan hệ nào. Bất ngờ nhưng cũng thấy vui vui khi gặp lại một người quen cũ ở quê. Sau những xã giao nói cười ngượng nghịu, tôi mới để ý thấy em mặc bộ vest rất lịch sự, nói năng có phần trơn tru hơi thái quá, nhưng bàn tay em đã nói lên nhiều hơn. Những ngón tay thô kệch, lam lũ, kẽ móng còn bám đen nhựa rau… Nhìn cái ba lô to đùng em đeo, tôi ngờ ngợ.
Em bỏ nghề thợ xây rồi, giờ em đang đi xây dựng, thiết lập hệ thống bán hàng theo công nghệ 4.0 chị ạ. Em nói đầy tự tin. – Vậy à, thế có ổn không, bán hàng gì? Bán cho ai vậy? Tôi nghi ngờ hỏi. – Em làm cho công ty Thiên Đường chị ạ, chuyên về các mặt hàng chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Vợ em giờ cũng đẹp hơn ngày trước nhiều. Làm công việc này, em mới có cơ hội trả lại cho cô ấy tuổi thanh xuân mà em đã lấy mất.
Tôi nghe mà một phút giây nào đó thấy rưng rưng, em nói như diễn giả, biết quý trọng phụ nữ. Em có học về công nghệ không? Không chị, em có đi tập huấn bán hàng do công ty họ mở, họ hướng dẫn vài buổi là em biết ngay, giờ đâu người ta cũng nói đến công nghệ 4.0 đấy chị ạ. Em cười tỏa nắng. Tôi hỏi thăm về gia đình em ở quê, em nói qua quýt rồi bảo hồi xưa đi làm thợ xây vất vả quá, chả được bao nhiêu tiền, may thế, em gặp được công việc này mới thấy cuộc sống ý nghĩa. Đúng là công việc tốt, phù hợp với em, cứ như sinh ra để làm nó chị ạ. Vợ em trước phản đối, giờ cũng mê lắm, ngày nào cũng hăm hở đi tuyển cộng tác viên bán hàng cho công ty đấy.
Tôi định hỏi lương họ trả bao nhiêu, cẩn thận không họ lừa thì em gạt phắt. Em nói say mê về một công việc cao cả bằng những lời lẽ của một CEO thành đạt vẫn nói trên tivi, hay mạng xã hội. Em không giấu được niềm vui lần đầu được rút tiền qua thẻ ATM, điều xưa nay chưa từng có, dù em phải nhờ người ta rút hộ. Em cười vô tư, rạng rỡ. Tôi nghĩ em có việc cần gì đó mới tìm mình, nhưng không, em chỉ đến chơi một lúc thôi, và xin số điện thoại. Khi nãy, em hồ hởi nghe điện một cô gái nào đó nói về cuộc gặp gỡ với vị giám đốc công ty. Chắc em đang nhiều hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Tôi thấy tay mình quờ phải một mối lo sợ mơ hồ. Nhưng tôi không thể cất lời, không thể can gián, không thể nói thêm được gì. Em trong trang phục lịch sự, đi giày Tây, ngẩng cao đầu vui vẻ bước đi. Lát nữa, em đi trên cái xe máy wave Tàu rồi lòng ngân nga chờ đợi về một hệ thống cộng tác viên hái ra tiền mà em đang gây dựng…Tôi nhìn em mà như bị vuột mất thứ gì đó rất đáng giá.
Loáng cái, mấy phút sau khi em đi khỏi, những tin nhắn, những video quảng cáo về công ty Thiên Đường nào đó đã tràn đến điện thoại của tôi.
Tôi nhớ những cánh đồng nắng chói chang. Người quê bao đời cặm cụi đổ mồ hôi làm lụng mới có cái ăn cái mặc. Mùa lụt, cả làng nhao lên dầm mưa cứu lúa, cứu khoai. Lũ trẻ con chúng tôi hồi đó sống nhờ vào đám thóc ướt sũng được hong trên gác bếp, rang trên chảo gang rồi giã bằng cối đá. Rồi xa làng, học hành bao năm bươn trải kiếm ăn, vẫn chưa khi nào thấy mình thoát khỏi quê. Gạo, rau, hoa trái mẹ vẫn cho. Những khi buồn khổ vẫn mái ấm quê mùa che chở, dỗ dành. Em, và có thể còn nhiều người nữa, có thể sống ổn, dù không giàu ở quê với những việc đồng áng (sẽ rất tuyệt khi áp dụng công nghệ 4.0 vào làm ruộng); hoặc làm thợ xây, thợ nề gì đó rồi hạnh phúc với vợ con. Em thông minh, em cần kết nối với nhiều người để cải thiện môi trường sống ở quê… Nhưng em đã chọn con đường khác, em không yên phận ở làng. Như vậy cũng có thể nói em có khát vọng làm giàu, có khát vọng đổi thay. Nhưng sao tôi cứ lo sợ. Hình như, rất nhiều người, sau khi học cái lớp tập huấn bán hàng cấp tốc, đa cấp, khoác lên mình bộ quần áo công ty tặng, góp vốn vào quỹ chung rồi có lương (thực ra do chính tiền của mình)… là họ đã thành con người khác. Họ không nghe được gì, nhận ra điều gì ngoài việc tiếp thị, bán hàng và những ảo vọng về một đời sống doanh nhân thành đạt.
Em đi khuất vào mưa. Tôi nghĩ đến kiếp sống mượn của ve sầu. Không biết khi nào đường đời sương tan. Em có quay về quê cũ hay không… Và suốt từ hôm đó đến nay, tôi cứ nghĩ về em, nghĩ về những người quê đang ngày một rời bỏ xóm làng theo cách đúng nghĩa nhất để thập thõm bước đi trong mờ sương…
Nguồn Văn nghệ số 19/2019