Trong thang máy tòa nhà tôi ở, tôi hay gặp một viên phi công người Âu, có hỏi rồi nhưng chẳng nhớ quốc tịch, vào giờ sáng hoặc chiều. Ông ta cao lớn, tóc nâu, râu quai nón, rất dễ nhận ra nhờ trang phục sơ mi trắng, quần tím than, cầu vai với phù hiệu hàng không. Trong lúc chờ cửa thang máy mở ra, hoặc vài phút đi lên đi xuống, chúng tôi hay trao đổi vài điều. Tôi hỏi ông ta tại sao chọn Việt Nam để làm việc? Ông ta hỏi tôi tại sao muốn làm một nhà văn? Tôi hỏi ông ta có thích tết Việt không? Ông ta lại hỏi tôi thích điều gì nhất ở Hà Nội? Toàn những chuyện ba lăng nhăng chả đâu vào đâu. Nhưng một trong số những lần đó, tôi buột miệng: Tôi thích nhất Hà Nội, vì nó có bốn mùa.

Quả thực, tôi thích Hà Nội với bốn mùa của nó.

Tôi tin rằng, thời tiết có khả năng chi phối tâm trạng con người. Nóng nực quá khiến người ta hay cáu kỉnh; rét mướt quá khiến người ta thấy uể oải, mỏi mệt, lười nhác. Tôi sợ mùa đông nhất, vì tôi luôn cảm thấy là tôi mặc bao nhiêu cũng không đủ ấm. Cái lạnh ngấm vào tận xương. Thật thế. Nó có thể ngấm vào tận xương. Những ngón tay tê buốt không gõ nổi máy tính. Má lạnh cứng, mất cảm giác. Tóc dựng lên. Chân không biết có còn ở trong giày hay không. Da khô tới nỗi chỉ rình nứt toác ra như vỏ một củ khoai luộc… Mùa hè thì sao? Tất cả đều ngược lại. Người phình nở ra. Mồ hôi như tắm. Uống nước liên tục mà không hết khát. Những mảng da cháy nắng tối thui. Trời không một ngọn gió, và ve thì kêu nhức nhối muốn nhũn cả não…

Thời tiết cực đoan thế, mà vẫn bảo thích bốn mùa thì chẳng phải là phi lý hay sao? Không phi lý, bởi vì mỗi khi ở giữa mùa hè, thường thì người ta sẽ nhớ mùa đông lắm. Đối phó với mùa đông, chỉ cần nhiều áo quần thôi. Và người ta nhớ nhung cái lạnh lẽo buốt giá ấy đến tha thiết. Cả một ngày cảm thấy sự nhễ nhại nó bủa vây mình, trùm phủ lấy mình, tự dưng nghĩ tới cơn gió lạnh thổi qua mặt, và mình bất giác phải so vai vào, rụt cổ lại, giấu mặt mình trong một chiếc khăn len rất to, rất mềm, rất ấm, rất thơm. Thật là dễ chịu. Xét cho cùng, thì việc chúng ta sống mỗi ngày, dù vui vẻ háo hức hay ủ ê ngán ngẩm, đều là tiến dần hơn tới nghĩa trang mà thôi. Đơn giản cực kì. Đi qua một ngày là bước thêm một bước, là rút ngắn lại cái khoảng cách tới nơi mà cả loài người trên thế gian này đều gặp nhau. Có thể không phải lần đầu tiên, nhưng là lần cuối cùng, và là mãi mãi. Điều đó chẳng có gì tệ hại. Con gái tôi, khi nó mới bốn tuổi, khi đang ăn một bữa cơm tự dưng thấy con dừng ăn, tôi hỏi tại sao. Con bé nói: Con không ăn nữa đâu. Từ nay con sẽ ăn rất ít. Tại sao chứ? Con không muốn lớn đâu. Khi con lớn thì mẹ sẽ già đi. Mẹ già thì mẹ sẽ chết. Con buồn lắm. Nói xong thì nước mắt đã chảy ra lã chã. Đấy là lập luận của một bé gái bốn tuổi. Trong khi người này lớn lên thì người kia già đi. Hay nói cách khác là, tôi già đi là để con cái lớn lên. Và tư duy bốn tuổi chỉ có thể dừng ở chỗ: Nếu con không lớn lên thì mẹ sẽ không già đi. Con sẽ dừng thời gian này lại.

Sau này, khi gặp những chuyện khó khăn, rất khó khăn, tôi đã ngã nhoài ra rồi lại đứng dậy. Tôi có thể cứ nằm ở đấy, ở cái nơi mà tôi đã nhoài ra thẳng đuỗn và cạn kiệt ấy, nếu như tôi không cảm thấy là trên đời này đang còn có những người rất cần mình. Cần mình khỏe khoắn, vững chãi, an yên như một cái cây to. Ý nghĩ ấy khiến tôi bò dậy.

Bò dậy và đi qua hết những mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông tiếp theo.

Thiên nhiên kì diệu nhất ở chỗ, đã luôn sắp đặt những khoảng không gian, thời gian, mùa, thời tiết đan xen rất hài hòa. Khi chúng ta đã quá mệt mỏi với mùa đông, cạn kiệt sinh lực vì phải chống chọi với giá rét ghê người thì mùa xuân ngọt lịm, căng nhức, phơi phới tràn tới. Khi ta phình nở hết mức, những tế bào mỡ trương ra và bít kín các lỗ chân lông, sắp vỡ ra bung bét, thì mùa thu hiển hiện ngay trước mặt. Vươn tay là chạm tới. Sẽ thế nào, cả thể chất và tư duy, nếu như quanh năm ngày tháng, suốt đời, chỉ ở trong một kiểu thời tiết mặc định như phần cứng của máy tính, không hề suy suyển? Tôi có cảm giác, kiểu thời tiết như thế sẽ khiến cho cảm xúc của con người ta cùn mòn đi, trở nên ì trệ, chai lì. Tất nhiên, có thể thực tế chẳng phải thế. Là do tôi tưởng tượng mà thôi.

Nhưng rõ ràng, có những sự thay đổi theo chu kì, và rồi lặp lại y như năm trước, mùa trước, là lý do khiến tôi cảm thấy những gì cũ xưa khó mất đi hơn. Giống như facebook, một trong những tính năng thú vị nhất của nó là “Ngày này năm xưa”. Nó khiến cho người ta dù có đãng trí đến đâu cũng “tự dưng” nhớ ra ngày này một năm trước, năm bảy năm trước, mình đang làm gì, ở đâu, với ai, cảm xúc lúc đó thế nào…

Sự trở lại của mỗi mùa trong năm, đôi khi, nó gợi ra những liên tưởng kì lạ về một phần đời nào đó đã trôi qua sau lưng.

Mùa đông ở miền núi thường đến sớm. Cái khoảng giữa của mùa hè và mùa đông, tức là mùa thu ấy, thường rất hẹp. Cảm giác như sự hiện diện của mùa thu có khi chỉ kéo dài khoảng mười ngày, hoặc nửa tháng. Những cơn gió heo may ùa tới từ cuối tháng chín, đầu tháng mười, sau khi bọn trẻ vào năm học mới chưa lâu. Tôi luôn nhớ những ngày ấy. Đêm bắt đầu cảm thấy hơi khó ngủ bởi tấm chăn dường như mỏng đi. Mẹ tôi sẽ nói giữa những cơn gió đang lạt sạt bên ngoài hiên nhà, rằng nếu ngày mai có nắng thì sẽ phải mang mấy cái chăn ra phơi.

Thuở ấy, mùa đông thì chỉ có chăn bông. Là những cái lõi bông mà vào cuối mùa hè vài ông thợ bật bông từ miền xuôi lên rong ruổi khắp làng và hỏi xem nhà nào cần bật lại thì sẽ bật cho đầy đặn lên. Bông bay lả tả, bám cả lên tường. Không phải năm nào cũng bật, vài năm mới một lần. Và để cho những cái lõi bông ấy phồng lên thì mẹ mang ra phơi. Chỉ phơi thôi. Không ai giặt lõi chăn bông bao giờ. Nước mà ngấm vào, sức người nào vắt nổi, phơi nổi, hong đến bao giờ cho khô?

Nắng lên, mẹ giăng đủ ba bốn cái lõi chăn bông lên dây phơi, lên hàng rào. Chỉ cần một ngày nắng to, khô ráo, thì những cái lõi bông ấy thơm tho vô cùng. Cái mùi thơm của lõi chăn bông được nắng ấy, giờ tôi vẫn nhớ. Tối mẹ sẽ lồng những cái lõi vào vỏ. Vỏ thì đã được giặt từ trước đó. Tôi chờ mong những cơn gió về, mong nó mạnh hơn, tôi sẽ mở cửa sổ ra. Phải đủ lạnh thì đắp chăn bông mới thật là tuyệt.

Đêm lạnh trước, tiếp sau cái lạnh sẽ lan tới ban ngày. Không còn mặc áo mỏng được nữa. Phải mặc thêm áo. Hai áo, ba áo. Sau rốt là mặc những tấm áo dày, thật dày. Những tấm áo cất trong tủ từ mùa đông năm trước.

Những tấm áo của mùa đông năm trước.

Khi tôi viết đến đây, trái tim tôi đập những nhịp bất thường. Tôi đã từng ví việc gặp lại một điều đặc biệt trong đời, ở vào cái lúc mà tôi không thể ngờ tới, kì diệu thay, lại giống như việc lấy từ trong tủ ra một chiếc áo mà mẹ tôi đã cất từ mùa đông năm ngoái. Phơi phóng thơm tho, mềm mại, ấm áp, quen thuộc và vừa vặn. Thật là vừa vặn. Tôi mặc tấm áo ấy vào, và cảm thấy tôi đang là chính tôi đây.  Cái áo này cũng chính là nó đây. Nó là của mẹ dành cho tôi, của cuộc đời dành cho tôi, với tất cả những tha thiết, ấm áp, dịu ngọt, bao dung, hào phóng.

Tất nhiên, hết mùa đông thì mẹ tôi lại phơi phóng thật kĩ những tấm chăn, cất đi. Nhưng tấm áo này thì tôi không muốn cất đi nữa. Tôi đã cất nó đi quá lâu, quá kĩ, ở tận góc trong cùng của cái tủ gỗ màu cánh gián, với hai tay nắm đã mòn đi vì thời gian. Tôi thậm chí đã xin mẹ một viên băng phiến, nhét xuống dưới đáy.

Thời gian, rốt cuộc cũng làm được những điều mà nếu như ta quên đi việc đang tiến tới cái đích cuối cùng, thì nó thật tuyệt diệu. Đôi khi, thật khó tin. Đôi khi, vượt ra ngoài giới hạn của sự tưởng tượng.

Mùa nối mùa, năm nối năm, thập kỉ nối thập kỉ, cuộc đời đủ dài để tôi có thể hiểu được rằng có hay không có gì, thực ra chỉ là do cách mình nghĩ về nó mà thôi.

Nguồn Văn nghệ số 3/2019