Nhắc đến Lê Trí Dũng, người ta thường nghĩ ngay đến một họa sỹ nổi tiếng trong làng hội họa với nhiều lĩnh vực, đề tài, đặc biệt là các đề tài liên quan đến những con giáp như con ngựa, con dê… và mới đây nhất là con gà. Thậm chí đã có lúc người ta gọi ông là Họa sỹ vẽ ngựa nhiều nhất Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh tất cả những dấu ấn khá “hoành tráng: trong lĩnh vực hội họa ấy, vẫn còn một Lê Trí Dũng khác. Một Lê Trí Dũng – người lính – với biết bao hoài niệm không phai nhạt của cuộc chiến tranh mà ông đã đi qua… Vốn là một người lính từng đi qua chiến tranh, trực tiếp tham gia chiến dịch Quảng Trị khi vừa bước qua tuổi 22, dường như những năm tháng ấy đã đem lại cho ông rất nhiều trầm tích, lắng đọng. Lắng đọng trong đời thường là một bộ kỷ vật chiến tranh, một “bảo tàng” thu nhỏ về người lính ngay trong căn nhà của ông mà bạn bè vẫn thường xuyên lại qua thăm viếng, gom góp. Và lắng đọng trong tâm hồn là những tác phẩm văn chương. Cụ thể là những bài tản văn về con người, cuộc đời, và thời thế… Có lẽ chính những năm tháng chiến tranh đã đi qua nhiều khi khiến ông có những ưu tư khi ngẫm ngợi về con người và cuộc sống hôm nay, đúng như ông từng tâm sự: “Văn là người, vẽ cũng là người… Tôi vẫn đang vẽ và viết cho thỏa đam mê, nỗi nhớ và tình yêu với hội họa. Tôi đã có nhiều năm tháng rong ruổi trên đường hành quân, đi cheo leo giữa cái sống và cái chết nơi cổ thành Quảng Trị, qua những đợt B52 rải thảm mà mảnh bom bay sàn sạt quanh mình. Ra khỏi cuộc chiến khốc liệt, quay trở lại với giá vẽ, tôi hiểu cái giá phải trả để có được ngày chiến thắng… Vậy nên cho dù 50 năm nữa, 500 năm nữa, cho dù dải đất hình chữ S này có biến đổi đến đâu. Thì người lính chúng tôi vẫn tự hào vì những năm tháng chiến tranh đó. Nói cách khác, chúng tôi đã quăng toàn bộ vốn liếng cuộc đời vào cuộc chiến tranh ấy…”.
Những hòn cuội nhặt dọc đường, là tên gọi đầy khiêm tốn cho những tập tản văn + ký họa của Lê Trí Dũng, viết và vẽ thì từ lâu, nhưng gom lại thành ấn phẩm xuất bản thì mới từ năm 2006 đến nay (phần 1 và 2 xuất bản các năm 2006, 2008), và phần 3 mới phát hành năm 2013. “Tản văn của ông nặng về hoài niệm, tâm trạng dằn vặt, thao thức, ông hay triết luận bằng những câu văn hình ảnh, những mạch cảm xúc chân thật, có sức gợi sâu và xa” (nhận xét của nhà văn Sương Nguyệt Minh). Chính vì vậy mà cũng trầm tích và bền bỉ như cuội, “có những hòn cuội ký ức, mỗi hòn cuội một kỷ niệm, ông đã nhặt những hòn cuội cô đặc quá khứ ấy truyền cho chúng một cảm xúc, một câu chuyện cảm động, một triết lý nhân sinh… để rồi bày chúng trước mắt bạn đọc một cái nhìn khác của ông về chiến tranh, về thế thái nhân tình”.
TẤM LÒNG NGƯỜI LÍNH
(Bài viết về Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng, rút trong tập Những hòn cuội nhặt dọc đường, Nxb Văn học – 2013)
Trong cuộc đời ngắn ngủi mà tôi vẫn gọi đùa là chục năm của chúng ta, có những “sự cố” lạ lùng, không ngờ tới, ví như tôi là người lính có mặt trong những ngày tháng đầu tiên Sài Gòn, đi giữa đống quân trang quân cụ khổng lò như núi của địch khi tháo chạy, hít cái bầu khí sặc mùi “Sài Gòn”, ăn hủ tiếu, uống laze… sau những tháng năm “lương khô”, nằm hầm… Hứng những trận mưa chiều ào đến ào đi của cái thành phố ăn chơi hoa lệ này… Thế rồi, bỗng dưng ra quân, lấy vợ và chìm mình trong cuộc bươn chải mưu sinh đến tầm thường cả kiếp người mấy chục năm trời. Sài Gòn, cho dù thật sự đang đổi thay đến thế nào, thì trong tôi vẫn là những biệt thự lịch lãm của các tướng quân đội quốc gia trên những con phố sang trọng, vắng vẻ. Vẫn là những mảnh vườn hoang yêu dấu thơ mộng, vẫn là hàng cây thẳng tắp in trên nền trời đêm của phố Mạc Đĩnh Chi, Tú Xương… Vẫn là không khí rầm rầm của vũ trường cộng với tiếng ống bô xé trời của Honda 67…
Thế mà, bẵng đi hơn 30 năm không đến với nó, dù cho bây giờ nó không còn là thủ phủ cuối cùng của đối phương, bây giờ nó đã là máu thịt của ta, chỉ cần 2 giờ đồng hồ và hơn một triệu Việt Nam đồng là đã đến được bằng một vé bay… Thế mà, ta cứ lao vào cuộc mưu sinh, nhoáng cái đã nửa đời người…
Bây giờ thì chiếc Boing 747 mang tôi đã là hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Lý do trở lại Sài Gòn thật đơn giản: Thăm người thủ trưởng cũ, đang bị tai biến mạch máu não và những đồng đội năm xưa đang định cư ở Sài Gòn… Phi đạo lấp lánh dưới ánh mặt trời, dãy nhà mái vòm chứa máy bay năm xưa rách tung tóe dưới đạn pháo quân giải phóng. Bây giờ nằm nghiêm chỉnh. Phía ngoài sân bay, cao ốc mọc lổn nhổn, mây trắng cuồn cuộn trời xanh, nóng quá! Thế mà Hà Nội đang 12 độ, áo đơn, áo kép. Người Sài Gòn vẫn ào ào đi lại, ào ào kiếm sống, ào ào ăn nhậu y hệt những trận mưa ào đến ào đi… Xứ này hợp với những ai muốn đơn giản cuộc sống, bộc trực, thẳng băng, hen và thấp khớp!
Tượng Thánh Gióng ở Ngã 6 vẫn giơ roi đánh giặc Ân, Trần Hưng Đạo, Quốc công tiết chế vẫn chỉ tay ra bến Bạch Đằng. Nhưng dòng người cuồn cuộn ngược xuôi thì khác hẳn, “Bắc hóa” mất rồi. Như là ông trời xẻ một khúc Hà Nội ném vô Sài Gòn.
Trong những tháng năm lính tráng, tôi có gặp hai ông Chính ủy, một ông là Chính ủy Đào Xuân (người đưa tôi vô chiến trường Quảng Trị) và một ông là Chính ủy Bùi Tùng (Chính ủy Lữ đoàn xe tang 203 nơi tôi sống và chiến đấu suốt 1972 – 1973 và chính ông ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã thảo ra và bắt đại tướng quân đội Việt Nam Cộng hòa, Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng). Khi tôi vào chiến trường Gio Linh, cỏ lau bạt ngàn chen bụi cây lúp xúp, toàn bộ căn cứ quân giải phóng chìm trong lòng đất, trong những nhà hầm kiên cố, chính ủy Bùi Tùng tiếp tôi trong một căn hầm như thế, có khác chăng các căn hầm khác bởi hai thứ, một là cái cửa hầm chữ A được đan chéo bằng hai quả bom tấn của Mỹ hãy còn rõ chữ USA sơn trắng bên sườn, hai là sách! Tôi cũng không rõ chính ủy làm thế nào mà “cõng” được đống sách ấy vào chiến trường, liếc mắt điểm qua… Bông hồng vàng của Paulopxki, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Thơ Cyar Peetophi, Thép đã tôi thế đấy của Dostrovsky… Quái lạ! Đánh nhau chí chết, B52 rải thảm bất cứ lúc nào, gạo, muối đang báo động số 1… Ông này định đọc sách trừ cơm chắc? Trò chuyện một lúc, khi biết mẹ tôi chính là người vẫn bán sách cho ông ở Quốc Văn tổng hợp phố Tràng Tiền, Hà Nội. Ông “Ồ” lên một tiếng, vỗ vai tôi một cái thật mạnh, rồi tháo cái xanh tuya rông bên sườn có gắn khẩu K59 bóng loáng đưa tôi, bảo: “Cậu dùng nó, tôi đã có khẩu khác rồi. Từ mai xuống các Tiểu đoàn, công tác độc lập rất cần nó đấy!”. Nhận lệnh xong, cầm cái giấy giới thiệu, cái “Hộ chiếu thông hành” do ông viết tay xuống nằm vùng ở các đơn vị giáp ranh với địch, tôi bồi hồi với hình ảnh một người chỉ huy cao lớn, môi cong, cánh mũi nở, vầng trán rộng với giọng miền Trung chân thật. Bồi hồi với đống sách cao ngất trong hòm đạn pháo, bồi hồi cái tin bất ngờ là quanh đây, các đồng nghiệp của tôi đang sống và chiến đấu, trong đó có các anh: Lê Duy Ứng, Phạm Mai Châu, Hoàng Tích Minh, Nguyễn Hải Nghiêm, Trần Lê An, Trần Luân Tín… và vô số người khác, các đồng đội đó đều nhập ngũ từ mái trường Mỹ thuật 42 Yết Kiêu thân yêu, một số đã hy sinh… có những khi sống kề bên nhau mà không hề biết nhau vì khác đơn vị và phải “bí mật quận sự” như trường hợp tôi và họa sỹ Nguyễn Hải Nghiêm. Chuyện là thế này: “Sau trận đấu tăng dữ dội trước khi ký Hiệp định Paris một ngày ở Cửa Việt, thế trận ta địch xen kỹ kiểu “da báo”, tại chốt Long Quang (Thanh – Hội), ta và dịch chỉ cách nhau một con hào chống tăng rộng 3 mét, sâu ngập đầu người, khoảng cách đó làm xe tăng không vượt qua được, cách hào 200 mét là ba xe tăng T54 của ta nằm trong hầm cát, chĩa nòng pháo về đối phương, phối thuộc với một đại đội bộ binh của Sư đoàn 325, sẵn sàng chiến đầu bảo vệ chốt “họa sỹ Nguyễn Hải Nghiêm đang phiên chế trong đại đội đó. Phía ta, cắm cờ nửa xanh nửa đỏ, các ngôi sao vàng, bên kia hào là cờ vàng ba sọc… Hai bên giằng co, giữ miếng… Khoảng hai giờ sáng một đêm, đang chìm trong giấc ngủ, lính tăng nghe tiếng động có ô tô vang trời rồi dưới ánh đèn pha quét sáng trong đêm của xe tăng, một chiếc xe JEEP lao vun vút trên trảng cát, trên xe cắm cờ vàng ba sọc đỏ có hai lính cộng hòa cầm AR15 bắn loạn xạ sâu vào trận địa quân ta chừng 300 mét thì vòng lại, vượt qua đoạn nông nhất của con hào do gió cát lấp đầy, trở về căn cứ của chúng an toàn (Mãi về sau tôi mới biết đó là do bọn địch thách đố nhau, thằng nào dám phóng sâu vào 300 mét thì được thưởng chiếc đồng hồ Rado)… Và cũng mãi gần đây, chỉ nhờ một sự tình cờ, ngồi tán phét ở quán cà phê 17 Lý Nam Đế, khi tôi vô tình kể ra cái “tích” đó, Nghiêm mới ôm chầm lấy tôi: “Trời! Anh Dũng ơi, đêm hôm đó em cũng có mặt ở đó!..!”. Ôi! Tuổi trẻ gian lao! Long Quang, Phó Hội, Cửa Việt, Gio Linh, Cam Lộ… Những địa danh, ôi, biển xanh, mây trắng, cát vàng, ngổn ngang hàng trăm xác tăng địch in sẫm trên nền trời xanh với những nòng thép bị bẻ cong trong những cú húc kinh người hoặc không chịu được sức nóng của B41… Trận mạc thời trai trẻ đã in dấu quá đậm trong lòng chúng tôi, như những vết sẹo, không bao giờ phai!.
Giờ đây, tôi đang ngồi bên chính ủy Bùi Tùng, cạnh ông là chiếc xe lăn, ngoài kia là mảnh vườn hoang yêu dấu có vô vàn giống cây lạ mà ông yêu thích, tâm sự với chúng mỗi ngày… Kể từ ngày ông bị tai biến trước thời điểm xảy ra “sự cố” lật lại sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975, có lẽ do bất ngờ và do tuổi tác nên não bộ bị tổn thương! Kể cũng lạ! Người bị tai biến trí nhớ mất đi rất nhanh, hầu như dễ quêm, thậm chí không nhận ra người thân cạnh mình, nhưng ông lại là trường hợp đặc biệt, Khi tôi áy náy hỏi về hiện trạng bệnh tình của ông và sự phẫn nộ của ông với những người đã gây nên hiện trạng này, anh Bùi Hải con trai ông (cũng là một người lính) nói: “Bố em thật kỳ lạ, chính những chuyện gần đây, kể cả “sự kiện” gây nên bệnh tật của bố em, bố em quên hết!. Nhưng những kỷ niệm xa xưa ở chiến trường, những đồng đội cũ thì cụ lại nhớ như in mới lạ, các bác sĩ cũng ngạc nhiên…”. Quả thật, lúc tôi bước vô nhà, hỏi to: “Thủ trưởng, nhớ ai không?” Ông ngồi dậy trên giường bệnh: “Dũng đấy à!”. Ôi! 28 năm rồi, chiếc xanh tuyu rông Mỹ tôi vẫn giữ, các lỗ kim loại trên thắt lung đó đã han gỉ, nhưng người đồng đội mặc áo xanh Tô Châu ngày ấy gặp nhau giờ sao đến nông nỗi này? Hàn huyên rất lâu, tôi còn nối máy cho ông tâm sự với anh Hữu Thỉnh. Trước khi về, tôi biếu ông gói trà Thái Nguyên và cuốn sách, ông tặng lại tôi 2 đĩa CD về đơn vị xe tăng ông húc tung cổng Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975… Tôi ra về trong trạng thái băn khoăn, ngày tháng thoi đưa, liệu nắng gió Sài Gòn có nâng đỡ ông khỏe hơn không? Cầu mong như thế, tôi cũng nghe nói, vô đây sống lâu hơn 10 tuổi vì không phải chịu rét, còn tôi muốn ông lâu hơn 20 tuổi, tôi cũng mong các đồng đội khác của tôi đang sống ở Sài Gòn này như thế… Hôm nay là 22 tháng 12 năm 2009, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chẳng lẽ mọi sự trên đời “lập trình” sẵn như thế ư? Nhưng tôi vẫn phải về Hà Nội nơi có nhiều người thân, niềm vui, hạnh phúc, cùng những tai ương, đau khổ… mà tôi đang phải “trả nợ” trong kiếp làm người đã được “lập trình” trong số phận của tôi…
Sáng ngày 2 tháng 2 năm 2010, điện thoại tôi reo vang. Đầu dây kia, là một số máy lạ. Tiếng một người con gái: “Thưa anh, em mời anh sáng ngày 4 tháng 2 năm 2010 tới dự lễ sinh nhật của ba em là Đại tá Bùi Tùng tại Dinh Độc Lập, em là con gái của bố Bùi Tùng đây…”. Ủa! Chính ủy còn con gái nữa? Tôi bảo: “Tôi đã ra Hà Nội rồi và không biết ngày nào vô!” – “Ồ! Em tưởng anh định cư ở Sài Gòn… Em tên là Quỳnh Hoa sống tại Kiep (Ucraina). Em về Việt Nam để lo tổ chức lễ sinh nhật cho bố em rồi lại bay sang…”. Trời! Thật là một ý tưởng đặc biệt sinh nhật cho đại tá Bùi Tùng tại Dinh Độc Lập! Không thể có gì độc đáo và ý nghĩa hơn. Tôi chúc lễ sinh nhật được long trọng và thành công, long tự hào về hậu duệ của chính ủy. Dù không có mặt ngày 4 tháng 2 năm 2010 tại Dinh Độc Lập nhưng trong tôi vẫn mường tượng ra đồng đội tấp nập ôm hoa đến mừng chính ủy đang ngồi trên xe lăn. Tôi vẫn mường tượng ra bãi cỏ xanh và đài phun nước trước Dinh nơi đó ngổn ngang những chiếc T54 lúc 2 giờ chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi vẫn mường tượng ra lúc đứng trên Dinh Độc Lập phóng tầm mắt nhìn Sài Gòn, nơi có con đường Hồng Thập Tự rầm rập những chiếc xe tăng sứt sẹo tiến vào cổng Dinh. Nơi có hang rào đổ vỡ do chiếc 843 của anh Bùi Quang Thận húc vào. Cú húc đầu tiên và tôi cũng mường tượng ra cờ và hoa đang tràn ra đường phố Sài Gòn trong tiếng đạn pháo hỗn loạn trong trận chống trả cuối cùng của đối phương…
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2017