I. Thụy men theo bờ sông Đá Giăng ngược về phía thượng nguồn. Nắng vàng mơ dịu nhẹ. Có lẽ cái rét Nàng Bân vẫn còn dùng dằng chưa chịu dứt áo ra đi, vì thế tiết trời mới hanh hao, không gắt. Thụy vừa lững thững bước đi, vừa nghĩ ngợi lan man. Đây là khu vực giao thủy, nơi sông Trạm ở mạn nam hợp lưu với sông Tiên ở mạn đông, hình thành nên bãi đá lô nhô trải dài theo con nước đầy vơi. Người dân làng Bình Yên gọi đoạn sông này là sông Đá Giăng, gọi bãi đá có vô vàn khối đá nhỏ to và những hố nước trồi lên, nhìn từ xa không khác gì chảo cơm ghế sắn khoai khổng lồ đang sôi, là thác Lò Thung. Dưới tán lá cây lộc vừng cổ thụ có khối đá sẫm nâu trông giống hệt con trâu mộng đang nằm nhai lại. Thụy leo lên đấy ngồi ngó vu vơ. Quê anh ở bên kia sông Tiên, cách chỗ này chừng năm cây số theo đường chim bay. Không xa là mấy nhưng đây là lần đầu tiên anh đặt chân đến đây. Lò Thung quen mà lạ. Quen vì thuở bé anh thường nghe ba mẹ kể về thắng cảnh ở quê đã đi vào thơ ca, nhạc họa… Lạ vì anh đã đi cuối đất cùng trời, bây giờ ở tuổi sáu mươi, anh mới ngồi độc thoại với Lò Thung…

Khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, vắng vẻ. Bầy sẻ nâu từ đâu bay đến ríu rít sà xuống mỏm đá mang dáng hình con rái cá nhô lên giữa sông, chợt trông thấy Thụy, chúng vội vàng tung cánh lên trời cao. Thụy mỉm cười. Mỗi khối đá có hình thù khác lạ ở Lò Thung đều gắn với một câu chuyện cổ tích ly kỳ hấp dẫn. Còn thủy động ở đâu? Anh đưa mắt kiếm tìm. Thủy động nằm sâu dưới dòng nước biếc, khó nhìn thấy được. Ước gì cuối hạ để sông Đá Giăng cạn kiệt cho Thụy lần mò theo các hõm đá khám phá thủy động tạo nên những thanh âm trầm đục vào những đêm hè khuya vắng. Thụy vẫn nhớ mãi thời thơ bé. Khi vùng quê Tiên Phước nắng hạn kéo dài, cây cối héo úa, vườn tược xác xơ, tờ mờ tối nghe thấy tiếng “um… ù… m… ù… m…” vang ngân, ba anh không giấu được niềm vui, cười nói: “Thủy động Lò Thung dội nước rõ to, độ vài ba hôm nữa là trời đổ mưa”. Quả đúng y chang như vậy. Tiếng dội “um… ù… m… ù… m…” càng lớn, mưa giông càng trắng xóa đất trời. Nơi đây, theo lời ba anh lúc sinh thời, hơn trăm năm trước Thần sông báo mộng với Huỳnh Tấn Hữu, rằng Huỳnh Hanh có “chân mệnh đế vương”. Lẽ ra, Hà Bá đã bắt tội con trai ông vì dám hỗn láo với Thần sông nhưng rồi không thể, bởi cậu bé sẽ làm vua của nước Nam sau này. Thụy chỉ nhớ mang máng như thế. Bởi chuyện về con trai ông Huỳnh Tấn Hữu không hấp dẫn anh bằng những câu chuyện cổ tích do mẹ kể…

II.

Về hưu, Thụy mới có thời gian rảnh rỗi đi chơi thác Lò Thung. Đúng là báu vật của đất trời ban cho vùng quê Tiên Phước. Nếu được đầu tư khai thác một cách bài bản thì nơi đây là một trong những điểm du lịch hút khách quanh năm. Thụy thầm nghĩ. Khi ánh nắng cuối xuân bắt đầu chói gắt, Thụy rời thác Lò Thung, vào làng Bình Yên đi dạo lang thang. Cảnh quê yên ả. Cây lá xanh tươi. Nhà cửa khang trang. Ngõ đá mọc đầy rêu đá, đẹp đến ngẩn ngơ. Thụy gặp gỡ trò chuyện với mọi người nhằm tìm hiểu thực hư về chuyện Thần sông báo mộng Huỳnh Hanh có “chân mệnh đế vương”. Ai cũng bảo, chuyện đó họ có nghe nói nhưng không rõ lắm. Thụy hoang mang. “Ở làng Thạnh Bình có cụ Sơ tuổi ngoài chín mươi nhưng vẫn còn mạnh  khỏe, minh mẫn. Cụ Sơ là bà con bên ngoại với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Chắc cụ ấy biết rõ”. Ông Chi bảo với Thụy. “Từ Bình Yên sang Thạnh Bình gần xịt, đường bê tông thoáng rộng, dễ đi…”. Ông Chi nói thêm. Có manh mối để gỡ rối, Thụy mừng như bắt được vàng. Cụ Sơ, anh không lạ. Đã có lần anh tình cờ gặp cụ ở nhà ông Huỳnh Toản – cháu gọi cụ Huỳnh Thúc Kháng bằng ông nội chú, khi tham quan nhà lưu niệm cụ Huỳnh. Vả lại, cái xóm nhỏ ở bên kia suối Thạnh Bình, anh cũng đã từng dạo chơi.

Cuối xuân. Nắng bừng lên chói gắt lúc đứng trưa rồi dịu dần. Vùng quê nhấp nhô gò đồi cây cối xanh um nên không khí mát mẻ khi xế chiều. Thụy qua nhà cụ Sơ. Lần gặp gỡ tình cờ ấy cũng đã lâu lắm rồi, không ngờ cụ Sơ vẫn nhận ra anh.

Ngắt nắm chè xanh, cụ Sơ khum hai bàn tay vò rồi cho vào ấm trà. Pha nước sôi đảo qua đảo lại vài bận “rửa chè” xong, cụ Sơ châm nước sôi đầy bình, rinh bộ ấm chén ra chiếc bàn đá kê dưới tán lá cây vú sữa ở góc sân, tiếp khách.

– Sử sách không ghi – cụ Sơ rót nước chè xanh mời Thụy – tuy nhiên, trong dân gian cứ lan truyền mãi chuyện Thần sông báo mộng cậu bé Huỳnh Hanh có “chân mệnh đé vương”.

– Tỏ tường chuyện đó chắc có nhiều người? – Thụy hỏi.

– Ôi, chỉ những ai già hú hươm như tôi mà thôi! – Cụ Sơ cười – Dưới tuổi tám mươi, ít ai còn nhớ…

– Nguyên do chiến tranh loạn lạc rồi nước nhà hòa bình thống nhất, ai cũng lo bươn chải kiếm ăn. Chừ thời đại văn minh, chuyện đời xưa đã rơi vào quên lãng mất rồi…

Cụ Sơ ngừng lời, ngồi trầm ngâm. Thụy cầm ấm trà châm vào ly cụ rồi châm vào ly mình. Nước chè xanh hãm đặc có sắc vàng ánh xanh, ngon tuyệt. Khi vị đắng chát qua đi, vị ngọt thanh đọng nơi đầu lưỡi. Anh kiên nhẫn chờ đợi. Rồi cụ Sơ cũng nhấp một ngụm trà và lên tiếng.

…Chuyện kể rằng, lúc mười một, mười hai tuổi, cậu bé Huỳnh Hanh – tên gọi hồi nhỏ của cụ Huỳnh Thúc Kháng, nổi tiếng hiếu động, thông minh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho, Huỳnh Hanh được thân phụ kèm cặp, dạy chữ thánh hiền. Cậu bé có trí nhớ tuyệt vời, chỉ liếc qua mặt chữ đã thuộc lòng ngay. Nhờ thế, cậu bé có nhiều thời gian rỗi chơi với bạn bè cùng trang lứa ở làng Thạnh Bình. Thằng Một Chỏm, thằng Hai Chỏm và thằng Ba Trái Đào rất thích Huỳnh Hanh “sổ lồng” nhập bọn với chúng. Ngồi trên lưng trâu ra đồng, lũ trẻ xóm này thường hay thách đố lũ trẻ xóm kia giải những những câu hát đố khi hô hát bài chòi. Đại loại: Một, hai, ba, bốn… rằng không/ Dấu chân ai đứng bờ sông hai người? Là con gì?; Rung rinh nước chảy qua đèo/ Bà già lụm cụm mua heo cưới chồng/ Cưới rồi chồng bỏ chồng đi/ Bà già lụm cụm tiếc vì con heo… Là trái gì?([1]) Có Huỳnh Hanh tham gia, những câu hát đố kiểu ấy, cậu bé trả lời ngay. Hẳn nhiên là trúng chóc, không sai! Hơn thế nữa, Huỳnh Hanh còn ứng khẩu những câu hát đố khiến lũ trẻ xóm kia phải tịt ngòi, chấp nhận thua cuộc và buộc phải đi lùa trâu cho lũ trẻ xóm này khi chiều buông… Thằng Một Chỏm có một chỏm tóc trên cái đầu trọc lóc. Thằng Hai Chỏm có hai chỏm tóc chừa dài ở hai bên “gáo dừa”. Thằng Ba Trái Đào có ba chỏm tóc ở hai bên tai và trên đỉnh đầu. Cả ba ngưỡng mộ Huỳnh Hanh, tôn làm “sư phụ”.

Như mọi lần, trưa hè hôm ấy, Huỳnh Hanh cùng đám bạn trong làng kéo nhau ra sông Đá Giăng. Đến thác Lò Thung, bọn trẻ chia phe chơi trốn tìm, đánh trận giả rồi nhào xuống dòng nước mát hụp lặn, té nước vào nhau, cười đùa ỏm tỏi. Chơi chán những trò chơi con trẻ ở quê, Huỳnh Hanh rủ đám bạn lên đoạn sông phía trên thác Lò Thung thi bơi lặn, xem đứa nào lặn sâu nhất, bơi xa nhất. Bọn trẻ đồng tình hưởng ứng. Như những con rái cá, bọn trẻ thi nhau trổ tài bơi lặn. Chợt thằng Hai Chỏm ngoi lên mặt nước trông thấy cái bè chuối từ đâu đó phía thượng nguồn lững lờ trôi xuống. Trên bè, ngoài hương đèn, còn có một con gà luộc, một đĩa muối gạo, một đĩa trái cây, một bó hoa vậy, mười hai đĩa xôi vang, mười hai chén cháo hoa… Tất cả những thứ ấy được bày biện trên những mảnh lá chuối, những chiếc lá đa. Thằng Ba Trái Đào tỏ ra hiểu biết, nói: “Ai đó cúng Hà Bá…”. Thằng Một Chỏm bụng đói cồn cào, nuốt nước miếng nói: “Giá như xơi được lúc này thì hay biết mấy!”. Thằng Hai Chỏm vội xua tay: “Mày đừng có xúi bậy! Của Thần sông, lấy ăn, ổng vặn họng chết tươi…”. Huỳnh Hanh cười: “Sợ gì? Thần sông chỉ hưởng hơi thôi! Với lại, tại sao Thần sông lại chọn đúng thời điểm chúng ta đói bụng mà đẩy bè chuối đựng đầy thức ăn tới? Thần sông không đẩy bè chuối trôi theo sông Đá Giăng sớm hơn hoặc muộn hơn là có ý muốn cho chúng ta xơi…”. “Phỉ phui cái mồm mày! Báng bổ, vô lễ với Thần sông, ổng nổi giận là mất mạng như chơi…”. Thằng Một Chỏm nói.

Rồi cả bọn kéo nhau tới ngồi ở phiến đá to rộng dưới bóng cây bứa xanh um. Bỏ ngoài tai những lời khuyên can của đám bạn trong làng, Huỳnh Hanh lôi chiếc bè chuối chất đầy phẩm vật cúng Hà Bá lại gần mỏm đá nhô ra sát bờ sông, ngồi đánh chén ngon lành.

Uống nước chè xanh hãm đặc, cụ Sơ trở nên hoạt bát, kể chuyện sôi nổi hẳn lên. Thụy ngồi im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng anh hỏi một vài câu để làm rõ những tình tiết ly kỳ hấp dẫn.

…Ăn bằng hết con gà giò luộc và mấy đĩa xôi vang trên bè chuối, Huỳnh Hanh vuốt cái bụng no căng cười sảng khoái. Thằng Một Chỏm, thằng Hai Chỏm, thằng Ba Trái Đào và bọn trẻ con làng Thạnh Bình thèm nhểu nước miếng nhưng sợ Hà Bá bắt tội đành ngoảnh mặt ngó lơ. Không có đứa nào dám xơi, Huỳnh Hanh đẩy bè chuối ra thả trôi lững lờ theo sông Đá Giăng. Trời trưa nắng chang chang. Cả bọn rời khỏi thác Lò Thung, đứa nào về nhà đứa nấy. Tối hôm ấy, như thường lệ, ông Huỳnh Tấn Hữu ngồi ở bộ trường kỷ, lấy que tre khêu tiêm đĩa đèn dầu trảu cháy sáng lên để đọc sách thánh hiền. Chưa tới chín giờ đêm mà ông đã thấy buồn ngủ, hai mắt cứ díp lại. “Quái, tại sao hôm nay mình lại thế này?”. Ông băn khoăn tự hỏi. Rồi ông bước ra sân đi dạo. Cơn buồn ngủ vẫn bám đeo dai dẳng, ông vào nhà ngả lưng trên bộ phản ngựa làm bằng gỗ mít đã sậm màu cánh gián. Chẳng mấy chốc ông chìm sâu vào giấc ngủ. Và trong mơ ông nhìn thấy một cụ già mặc đồ trắng toát, râu tóc cũng bạc phơ, tay cầm cây phất trần, trách móc: “Ngươi có con mà không biết dạy dỗ để hắn dám hỗn láo với ta!”. Huỳnh Tấn Hữu sảng hồn, thưa: “Cụ nói thằng Huỳnh Hanh? Cháu nó hiếu động song biết giữ nếp nhà, cả làng Thạnh Bình ai cũng thương quý cháu…”. Cụ già trắng toát cả cười: “Trưa hôm qua hắn phá hết lễ vật người đời cúng tế ta. Lẽ ra, hắn phải mất mạng vì phạm tội tày trời. Nhưng hắn là người có chân mệnh đế vương, sau này sẽ làm vua nước Nam, ta bất lực không làm gì được! Ta là Thần sông Đá Giăng. Ta báo cho ngươi biết điều đó, liệu mà dạy dỗ hắn nên người”. Dứt lời, cụ già trắng toát phẩy cây phất trần, biến mất.

Giật mình tỉnh giấc, ông Huỳnh Tấn Hữu nửa tin nửa ngờ, có thật Thần sông báo mộng hay là do mình nghĩ ngợi về thời cuộc, về nhân tình thế thái mà sinh mộng mị? Ông mở cánh cửa gỗ khép hờ bước ra sân. Đâu đó có tiếng gà eo óc gáy sang canh. Ánh trăng hạ huyền soi sáng khắp làng Thạnh Bình. Đỉnh núi Sơn Ve cao vời vợi chìm trong sương trắng. Ông băn khoăn lo lắng. Đứng mãi ngoài sân trong đêm khuya vắng, e cảm lạnh nên ông vào nhà. Thắp đĩa đèn dầu trảu nơi bộ trường kỷ, ông bước đến gần bộ phản ngựa phía bên tả, lặng lẽ ngắm nhìn Huỳnh Hanh. Cậu bé nằm ngửa, giăng tay giăng chân, ngủ say chẳng hay biết gì. Thằng bé có khuôn mặt chữ điền, lưỡng quyền nhô cao. Có tướng mạo như thế, thằng bé lớn lên, nhất định sẽ là người giàu ý chí và nghị lực, khó khăn khổ cực bao nhiêu cũng không gục ngã. Ông Huỳnh Tấn Hữu ngắm nhìn con trai thêm một lát nữa rồi quay lại bộ phản ngựa phía bên hữu nằm gác tay lên trán nghĩ ngợi gần xa. Hôm sau, ông gọi Huỳnh Hanh đến ngồi đối diện với mình nơi bộ trường kỷ. Ông hỏi: “Trưa hôm qua con đi chơi ở đâu, làm những gì?”. Cậu bé tái mặt rồi nhanh như cắt lấy lại bình tĩnh: “Dạ thưa! Con theo đám bạn trong làng ra sông Đá Giăng tắm…”.  Cậu bé nhìn cha và biết không thể giấu giếm được cái tội ăn đồ cúng thả trôi trên sông. Cậu bé thuật lại mọi chuyện. Ông Huỳnh Tấn Hữu nhìn con trai. Thần sông báo mộng đêm qua là đúng, không sai! “Từ rày trở đi con phải chăm đèn sách hơn nữa. Lêu lổng chẳng những không nên người, mà con gây ra những điều thất lễ với thần linh. Con nhớ rõ chưa?”. Huỳnh Hanh biết lỗi, cúi đầu lí nhí: “Dạ!”.

– Quả nhiên lời Thần sông báo mộng linh ứng sau hơn năm mươi năm – cụ Sơ nói.

– Và lời tiên đoán của thân phụ cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng hoàn toàn chính xác – Thụy góp lời.

Hai người – một già một trẻ, lại luận bàn về về cuộc đời cụ Huỳnh Thúc Kháng sau khi đỗ Tiến sĩ Hán học. Thấm thía nỗi nhục mất nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng với cụ Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp thực hiện chuyến nam du, kêu gọi sĩ phu tỉnh ngộ, từ bỏ lối học từ chương để làm quan sống kiếp tôi đòi. Bài phú Lương ngọc danh sơn do Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm chung tại trường thi Bình Định, ký tên Đào Mộng Giác đã gây tiếng vang lớn trong giới sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ. Thực dân Pháp và chính quyền Nam triều theo dõi cụ và những người đồng chí hướng với cụ từ đấy. Năm 1908, nhân phong trào kháng sưu cự thuế nổ ra ở quê nhà Quảng Nam rồi nhanh chóng lan khắp Trung kỳ, thực dân Pháp khép tội cụ Huỳnh “thông với người bội ước”([2]), khởi xướng thuyết dân quyền, bắt đày ra đảo Côn Lôn. Mười ba năm sống chốn lao tù – địa ngục trần gian, cụ Huỳnh vẫn không nao núng tinh thần. Mãn hạn tù, cụ Huỳnh ứng cử Viện Dân biểu Trung kỳ, giữ chức Viện trưởng một thời gian, cụ nhận ra đó là dân chủ giả hiệu nên từ bỏ để làm báo Tiếng Dân với hy vọng “dù không nói được những điều muốn nói thì cũng không nói những điều người ta buộc phải nói”. Rồi Cách mạng 8.1945 bùng lên. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Cụ Huỳnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia chính phủ của nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ đầu tiên ở Đông Nam Á.

“Là người cương trực, quyết đoán, cụ Huỳnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi Người đi Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau năm 1946. Lúc bấy giờ thù trong giặc ngoài hùa nhau đánh phá khắp nơi…”. Thụy nói. “Thời gian nắm giữ trọng trách ấy, cụ Huỳnh đã vận dụng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng “dĩ bất biến ứng vạn biến” một cách tài tình”. Cụ Sơ bảo. “Nếu không có chỉ lệnh “hốt sạch, nhốt sạch” những kẻ phản loạn của cụ Huỳnh, biết đâu biến cố ở phố Ôn Như Hầu lại rẽ sang một hướng khác? Và ai dám chắc nhà nước dân chủ cộng hòa sẽ như thế nào? Càng ngẫm nghĩ, càng thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh quả là người có con mắt xanh…”. Cụ Sơ nói thêm. Công lao của cụ Huỳnh rất lớn. Năm 1947, trên đường đi kinh lý miền Trung, cụ Huỳnh tạ thế tại Quảng Ngãi. Hay tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi quốc dân đồng bào, có đoạn: “Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”. Mong ước ấy của cụ Huỳnh giờ đây đã trở thành hiện thực. Và làng Thạnh Bình xưa – xã Tiên Cảnh hôm nay, người dân chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới để có một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Vùng quê sơn cước khi ngày dần tắt nắng, tiếng chim cu gù đồng vọng khắp nơi. Lời báo mộng của Thần sông Đá Giăng và sự linh ứng sau hơn nửa thế kỷ đi qua khiến Thụy cứ mãi nghĩ suy. “Hình sông thế núi Thạnh Bình có những nét khác biệt với các vùng quê khác. Vì thế, làng Thạnh Bình đã sản sinh ra lắm bậc kiệt hiệt? Như Lê Vĩnh Khanh, Lê Vĩnh Huy, Lê Quý Liên, Lê Triêm, Lê Luyện, Lê Liễn…”. Cụ Sơ bảo. Thú thực, điều đó Thụy không rõ, anh chỉ biết rằng, những nhân vật ấy đã đi vào lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc qua các phong trào Đông du, Nghĩa hội, bạo động cách mạng vào những năm đầu thế kỷ XX…

Cuối đông 2018