Việt Nam là một đất nước anh hùng và đa dân tộc, các ca khúc của Việt Nam từ trước đến nay luôn gắn liền với bản sắc dân tộc. Nhưng ở mỗi thời kỳ, bản sắc dân tộc trông các ca khúc luôn có sự biến đổi nhất định, vậy sự biến đổi đó ra sao chúng ta cùng nhâu tìm hiểu nhé!
1. Những biến đổi của bản sắc dân tộc trong ca khúc Việt Nam trước và sau đổi mới
Khi xem xét những biến đổi của phương thức biểu hiện bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam ở hai giai đoạn trước và sau đổi mới, chúng tôi dựa trên: nhóm yếu tố cốt lõi tạo nên ca khúc và nhóm yếu tố phụ trợ cho ca khúc.
Biến đổi trong nhóm yếu tố cốt lõi tạo nên ca khúc
Đây là một tập hợp những yếu tố cấu thành ca khúc ở ngay phần sáng tác trên văn bản, bao gồm cả âm nhạc và lời ca.
Những yếu tố âm nhạc gồm: âm điệu, các dạng thang âm, điệu thức, tiết tấu và một số lối cấu trúc… Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng những yếu tố này giữa hai thời kỳ trước và sau đổi mới có những nét khác biệt như sau:
Việc sử dụng âm điệu dân ca nhạc cổ trong ca khúc mới thường đi với các phương thức như: sử dụng một đường nét của bài dân ca nào đó hoặc sử dụng những nét đặc trưng của dân ca vùng miền, tộc người hay thể loại. Như ca khúc Chị Mai xuống chợ của tác giả Lê Lan mang đường nét của bài Nhớ em yêu – dân ca Mông, Những cô gái quan họ của Phó Đức Phương mang âm điệu đặc trưng của dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Những phương thức trên đều đã được sử dụng rộng rãi từ trước đổi mới. Thời kỳ đó đã có nhiều nhạc sĩ sử dụng âm điệu của nhạc nước ngoài trong các sáng tác, như Tiểu đoàn 307 của Nguyễn Hữu Trí mang âm điệu của hành khúc phương Tây, Tình khúc số 2 của Vũ Thành An mang âm hưởng của nhiều tác phẩm âm nhạc cổ điển lãng mạn phương Tây. Sau đổi mới, cả 2 phương thức khai thác chất liệu dân ca vừa nêu vẫn còn được sử dụng, nhưng đã mờ nhạt dần. Âm điệu của các phong cách âm nhạc nước ngoài lại tiếp tục được khai thác với mức độ ngày càng đa dạng, như ca khúc Vào hạ của Đức Huy mang âm điệu âm nhạc latin; Chí phèo của Đinh Tiến Đạt lại thể hiện rõ nét âm điệu phong cách nhạc rap của Mỹ…
Về thang âm, điệu thức, cũng đã có những nét khác biệt so với giai đoạn trước. Hiện tượng sử dụng một dạng điệu thức ngũ cung thuần suốt cả bài, hoặc đan xen nhiều dạng điệu thức ngũ cung trong cùng một bài đều đã suy giảm. Trong khi đó, việc sử dụng đan xen giữa điệu thức ngũ cung với điệu thức 7 bậc của phương Tây, hoặc ngũ cung hóa các điệu thức phương Tây, không những được tiếp nối mà còn có chiều hướng gia tăng.
Trước đây, việc khai thác tiết tấu dân gian để sử dụng trong ca khúc mới đã được diễn ra khá phong phú kể cả về mức độ sử dụng cũng như dạng âm hình tiết tấu. Ví dụ như, Thanh niên vui mở đường của Đỗ Nhuận khai thác âm hình tiết tấu phụ sai, hay Em là hoa Pơ lang của Đức Minh có âm hình tiết tấu ngũ liên… Ngoài ra, những âm hình tiết tấu gắn với các nhịp điệu trong âm nhạc phương Tây đã được dùng phổ biến, như Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận gắn với âm hình tiết tấu của nhịp điệu march, hay Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh có mang âm hình của nhịp điệu waltz. Sau đổi mới, việc khai thác tiết tấu dân gian trong phần sáng tác đã có chiều hướng suy giảm, nhất là với những dạng âm hình có tính gấp gáp, thôi thúc. Trong khi đó, việc du nhập các dạng tiết tấu mới lạ của phương Tây lại có chiều hướng gia tăng, nhất là âm hình các dạng tiết tấu được cài đặt sẵn trong các nhạc khí điện tử.
Về lối cấu trúc đan xen giữa kiểu nhạc không và có tiết nhịp, lối cấu trúc này thường được sử dụng trong một số ca khúc mang bản sắc dân tộc rõ nét như Thanh niên vui mở đường của Đỗ Nhuận, Em là hoa Pơ lang của Đức Minh, Lời Bác dặn trước lúc đi xa của Trần Hoàn hay Phù Vân Yên Tử của Phó Đức Phương. Mặc dù được các nhạc sĩ quan tâm khai thác, nhưng số lượng ca khúc thuộc loại này vẫn có chiều hướng suy giảm nhẹ ở thời sau đổi mới trước số lượng áp đảo của các ca khúc viết theo những dạng cấu trúc khác ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây.
Bên cạnh âm nhạc, phương thức biểu hiện bản sắc dân tộc trong khía cạnh lời ca được thể hiện bởi thủ pháp ca từ trong dân ca và hình tượng văn học dân gian dân tộc trong ca từ.
Dân ca nước ta rất phong phú về các dạng thủ pháp làm cho ca từ thích ứng với giai điệu hay làm tăng hình tượng nghệ thuật, đó là việc sử dụng hư từ, từ điệp, đảo từ, thêm từ phụ… Điều này thực ra đã được quan tâm từ trước đổi mới. Tuy nhiên, sau đổi mới, việc sử dụng các thủ pháp ca từ theo dân ca đã gia tăng trong cả mức độ và tần suất sử dụng. Trong đó, các dạng hư từ ngày càng phong phú, như í a trong Bà tôi của Nguyễn Vĩnh Tiến, Thành phố miền quan họ của Nguyễn Cường; ồ ê a trong Ôi quê tôi của Lê Minh Sơn. Thủ pháp điệp cũng ngày càng đa dạng, cụm từ quanh co được điệp lại 4 lần trong Bà tôi, í a điệp lại 5 lần trong Thành phố miền quan họ. Bên cạnh đó, việc sử dụng từ phụ cũng được sử dụng nhiều, như ru hời, hời ru trong Đất nước lời ru của Văn Thành Nho, ấy mấy trong Sợi nhớ sợi thương của Phan Huỳnh Điểu…
Hình tượng văn học dân gian dân tộc trong ca từ, từ lâu đã được khai thác ở nhiều góc độ. Có thể từ đời sống dân gian, ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, truyền thuyết, thậm chí cả từ hình tượng văn học trong các bài dân ca. Tuy nhiên, ở thời kỳ đổi mới, những phương thức trên đã có những biến đổi so với trước đây. Đó là sự xuất hiện của các yếu tố mới, như Guốc mộc của Lưu Thiên Hương hay Cặp ba lá của Lê Minh Sơn lấy cảm hứng từ những đồ dùng trong đời sống thường ngày; Phở của nhóm Gạt tàn đầy lấy cảm hứng từ các món ăn; Chuồn chuồn ớt của Lê Minh Sơn thì ẩn chứa hình tượng của những câu ca dao; Qua lới nọ Hạ Long của Trương Ngọc Ninh, Cây đa quán dốc của Quang Vinh lấy ý tưởng từ những bài dân ca; Lời ru Âu Lạc của Nguyễn Minh Sơn chứa truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ; Đám cưới chuột của nhóm Gạt tàn đầy thì lấy cảm hứng từ tranh dân gian…
Như vậy, có thể nhận định một cách tổng quát về những biến đổi của phương thức biểu hiện bản sắc dân tộc trong nhóm yếu tố cốt lõi như sau:
Thứ nhất, các yếu tố âm nhạc biến đổi đi theo xu hướng suy giảm và mất đi, các yếu tố ngoài âm nhạc biến đổi đi theo xu hướng gia tăng và xuất hiện mới. Trong một chuyên khảo trước đây (1), tác giả đã so sánh về tỷ lệ sử dụng yếu tố dân gian trong các ca khúc ở hai thời kỳ trước và sau đổi mới.
Các yếu tố dân gian được khai thác |
Tỷ lệ tính theo tổng số ca khúc đã được khảo sát |
|
Ca khúc trước đổi mới (khảo sát 319 bài) |
Ca khúc thời đổi mới (khảo sát 322 bài) |
|
Thang âm, điệu thức dân gian cổ truyền |
206/319 (64,57%) |
91/322 (28,26%) |
Âm điệu dân gian |
217/319 (68,02%) |
98/322 (30,43%) |
Tiết tấu dân gian |
13/319 (4,07%) |
07/322 (2,17%) |
Lối cấu trúc đan xen giữa kiểu nhạc không và có tiết nhịp |
21/319 (6,58%) |
11/322 (3,41%) |
Thủ pháp ca từ dân gian |
127/319 (39,81%) |
150/322 (46,58%) |
Các số liệu trên đã phản ánh xu hướng biến đổi của các yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc ngay trong nhóm yếu tố cốt lõi tạo nên ca khúc ở thời đổi mới so với trước. Theo đó, những biến đổi này chủ yếu theo hướng suy giảm, chỉ riêng thủ pháp ca từ dân gian có nhỉnh hơn thời trước đổi mới.
Thứ hai, việc sử dụng những yếu tố du nhập từ nước ngoài được biến đổi theo hướng gia tăng, xuất hiện một số phong cách âm nhạc thịnh hành trên thế giới nhưng còn mới với công chúng Việt Nam.
Biến đổi trong nhóm yếu tố phụ trợ cho ca khúc
Một ca khúc chỉ thực sự hoàn thiện khi đặt trong mối quan hệ mật thiết với phần nhạc đệm và biểu diễn, góp phần đưa ca khúc đến với công chúng. Đó là các yếu tố phụ trợ. Phương thức biểu hiện bản sắc dân tộc trong nhóm này biến đổi ở cả khía cạnh phụ trợ bằng âm nhạc và ngoài âm nhạc.
Trong các yếu tố phụ trợ bằng âm nhạc, sự biến đổi thể hiện qua các xu hướng sau:
Về hòa âm đệm, tiếp thu các dạng cấu trúc hợp âm phương Tây từ các giai đoạn trước đổi mới. Tuy nhiên, trong một số ca khúc mang âm điệu dân ca rõ nét, các nhạc sĩ thường giảm màu sắc hợp âm bằng cách điều chỉnh một vài âm trong cấu trúc hợp âm cổ điển phương Tây cho phù hợp với âm điệu dân ca trong ca khúc. Các nhạc khí được sử dụng chủ yếu chơi những nét đệm tòng theo giai điệu, hoặc mô phỏng để tạo ra những hình tượng bổ sung thêm cho sự phát triển của giai điệu ca khúc.
Từ sau đổi mới, việc gia giảm các cấu trúc hợp âm cho phù hợp với âm điệu dân ca nhạc cổ trong ca khúc vẫn được duy trì và ngày càng đa dạng hơn về màu sắc, đặc biệt là phong cách âm nhạc Bắc Mỹ hay latin. Việc thực hiện những nét mô phỏng để tạo hình tượng bổ sung cho giai điệu ca khúc cũng được biến hóa đa dạng hơn. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện một số tiết tấu dân gian trong phần đệm của những ca khúc có mang bản sắc dân tộc mà thời trước đổi mới không có.
Về âm sắc nhạc khí, do được hình thành từ việc tiếp thu các kỹ thuật cũng như phương tiện biểu hiện của âm nhạc phương Tây nên phần lớn phần nhạc đệm đều do các nhạc khí phương Tây đảm nhiệm. Giai đoạn đầu, thành phần nhạc khí tham gia đệm chủ yếu là guitar, accordeon. Sau này có thêm piano, sacxophone, trumpette, drums… Trước đổi mới, hầu như không có sự tham gia của các nhạc khí dân gian. Đến thời đổi mới đã có sự xuất hiện của một số nhạc khí truyền thống như: bầu, sáo, nhị, nguyệt, trống đế, trống cái… hoặc âm sắc của chúng được cài sẵn trong các nhạc khí điện tử. Những năm gần đây còn xuất hiện một số nhóm nhạc sử dụng nhạc khí dân gian để đệm cho các ca khúc mang phong cách dân gian đương đại, tiêu biểu là các nhóm Mặt trời đỏ, Cỏ lạ, Năm dòng kẻ…
Các yếu tố phụ trợ ngoài âm nhạc chính là các yếu tố thuộc khía cạnh biểu diễn, bao gồm: kỹ thuật hát, phong thái biểu diễn, trang phục của ca sĩ cùng với các vấn đề liên quan đến diễn viên phụ họa.
Về kỹ thuật hát của ca sĩ, kỹ thuật hát nhiều luyến láy như trong lối hát dân gian cũng đã được khai thác từ lâu. Khi thể hiện những ca khúc mới mang âm điệu dân gian, các ca sĩ không sử dụng đúng hơi thanh nhạc có cộng minh của phương Tây (belcanto) mà pha trộn với các kỹ thuật luyến láy của lối hát dân gian tạo nên sự mềm mại, rất phù hợp với những ca khúc mới mang bản sắc dân tộc. Bên cạnh những ca sĩ có chất giọng dân gian, kiểu hát pha trộn này còn được phát huy mạnh mẽ, ảnh hưởng sang cả một số phong cách nhạc nhẹ khác như pop, rock… Kỹ thuật hát dân gian cũng được khai thác theo phương thức mới, còn gọi là dân gian đương đại, với cách thể hiện của ca sĩ Ngọc Khuê, Tùng Dương… Ngoài ra, một bộ phận ca sĩ đã sử dụng kỹ thuật ngẫu hứng của các ca sĩ nhạc nhẹ nước ngoài để thể hiện những ca khúc mang bản sắc dân tộc như Thu Minh thể hiện ca khúc Chuông gió theo phong cách dance.
Về phong thái biểu diễn của ca sĩ, hầu như những người đã từng xem ca nhạc ở các giai đoạn trước đổi mới đều có chung cảm nhận rằng, các ca sĩ thời đó thường biểu diễn tĩnh tại, ít di chuyển với tất cả các dòng ca khúc. Trong khi đó, các ca sĩ thời sau đổi mới thường có phong thái biểu diễn phóng khoáng, di chuyển sinh động. Đặc biệt, trong các tiết mục biểu diễn ca khúc mang bản sắc dân tộc, đã xuất hiện nhiều ca sĩ có phong thái uyển chuyển, gần với phong cách múa dân gian.
Về trang phục và đạo cụ cho ca sĩ, ở những giai đoạn trước, hầu như chưa có trang phục dân gian cho việc biểu diễn những ca khúc mang bản sắc dân tộc. Phần lớn tất cả các tiết mục, trang phục của nam ca sĩ thường là veston hoặc sơ mi với quần âu, còn trang phục của nữ ca sĩ chủ yếu là áo dài, không có đạo cụ sân khấu để hỗ trợ biểu diễn. Những năm đầu thập niên 80 TK XX bắt đầu xuất hiện một vài tiết mục biểu diễn có sử dụng trang phục dân gian khi thể hiện ca khúc của các dân tộc thiểu số. Sang thời đổi mới, trang phục biểu diễn cho những ca khúc mang bản sắc dân tộc phát triển rất phong phú, đa dạng. Tùy theo từng thể loại mà ca sĩ vận những trang phục phù hợp. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của các đạo cụ dân gian như quạt giấy, gùi, nón…
Sau đổi mới, trong các tiết mục biểu diễn ca khúc mang bản sắc dân tộc đã xuất hiện các diễn viên phụ họa mang trang phục dân gian, có phong thái diễn gần với múa dân gian. Có những tiết mục sử dụng đến cả dàn diễn viên phụ họa đông đảo với đủ trang phục, đạo cụ dân gian và hiệu ứng video mô phỏng cảnh vật. Ngoài ra, một số đường nét trong nghệ thuật múa nước ngoài có tính chất phù hợp với tiết mục cũng được tiếp thu làm tăng thêm sự sinh động cho nhóm diễn phụ họa.
Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy những biến đổi của phương thức biểu hiện bản sắc dân tộc trong nhóm phụ trợ cho ca khúc mới chủ yếu diễn ra theo xu hướng gia tăng và xuất hiện mới.
2. Tác động của các xu hướng biến đổi đến bản sắc dân tộc trong ca khúc thời đổi mới
Những yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc ở khía cạnh lời ca, nhạc đệm và biểu diễn vẫn gia tăng và xuất hiện mới. Tuy nhiên, sự suy giảm một số yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc thuộc khía cạnh âm nhạc ở nhóm cốt lõi, kết hợp với sự gia tăng và xuất hiện những yếu tố âm nhạc mới du nhập từ nước ngoài đã khiến cho màu sắc của nó không còn nguyên vẹn. Nếu như những ca khúc mang bản sắc dân tộc ở những giai đoạn trước gần với sắc thái âm nhạc cổ truyền thì ở thời kỳ đổi mới, chúng vẫn chứa đựng những yếu tố cổ truyền nhưng lại mang cả sắc thái của phong cách âm nhạc đương đại.
Ca khúc Những cô gái quan họ của nhạc sĩ Phó Đức Phương (1966), khai thác đậm đà chất liệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ, tạo cho ca khúc tính chất đồng quê, duyên dáng, lãng mạn và rất gần gũi với âm điệu dân ca. Trong khi đó, ca khúc Vũ điệu con cò cũng được nhạc sĩ dựa trên chất liệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ, nhưng lại mang sắc thái nhạc nhẹ, đặc biệt có đoạn nói trên nền tiết tấu rất gần với nhạc rap – một phong cách âm nhạc đặc trưng của Mỹ.
Ca khúc Chị Mai xuống chợ của Lê Lan (1960) có sắc thái rất gần với tính trữ tình, lãng mạn của dân ca Mông. Cùng dựa trên chất liệu dân ca Mông nhưng ca khúc Cướp vợ người Mông của nhóm Ngũ cung, được sáng tác những năm gần đây, lại mang rõ nét tính chất mạnh mẽ và gai góc của phong cách âm nhạc rock phương Tây.
Qua những ví dụ trên có thể thấy rằng, sự hội nhập thêm những yếu tố mới của âm nhạc nước ngoài, cùng những yếu tố cổ truyền được kế thừa trong những ca khúc đã làm cho bản sắc dân tộc trong ca khúc thời đổi mới mang một sắc thái mới. Tuy nhiên, tùy từng nhạc sĩ, người phối âm, đạo diễn, biên đạo hoặc nhà sản xuất mà sự biến đổi sắc thái của bản sắc dân tộc trong các ca khúc này không giống nhau. Có những trường hợp vẫn sử dụng những phương tiện vốn có trong âm nhạc cổ truyền, nhưng bản sắc dân tộc đã bị những yếu tố ngoại lai lấn át. Có thể nêu ra một vài trường hợp như:
Ca khúc Cặp ba lá của Lê Minh Sơn chứa đựng nhiều yếu tố đồng bằng Bắc Bộ trong nội dung đề tài, chất liệu âm nhạc, lời ca và cả cách thể hiện của ca sĩ. Tuy nhiên, ca khúc lại được hòa âm, phối khí đậm phong cách flamenco làm cho mức độ bản sắc dân tộc chứa đựng trong ca khúc bị suy giảm đáng kể. Ca khúc Chuông gió của Võ Thiện Thanh có phần nhạc đệm được phối âm theo phong cách dance, sử dụng âm sắc nhạc khí điện tử, cùng với sự thể hiện của ca sĩ Thu Minh đã khiến nhiều người khó nhận ra âm hưởng Tây Nguyên.
Trái lại, có những trường hợp, dẫu có sự du nhập với các yếu tố mới của âm nhạc nước ngoài nhưng ca khúc vẫn giữ được những nét riêng mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Trường hợp này cần được nhân rộng và phát huy, để ca khúc mới Việt Nam nói riêng và âm nhạc mới Việt Nam nói chung có thể hòa nhập với thế giới mà vẫn giữ được những giá trị cốt lõi.
Có thể nói, các ca khúc Việt Nam sau đổi mới đã có những biến đổi theo nhịp sống của thời đại. Bên cạnh những mặt tích cực, xu hướng biến đổi nào cũng tồn tại những hạn chế. Vì vậy, chúng ta cần tiếp thu một cách sáng tạo những tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời giữ được những nét riêng mang tính cội nguồn. Như vậy bản sắc dân tộc trong ca khúc nói riêng và trong văn hóa Việt Nam nói chung sẽ trường tồn trong sự vận động và biến đổi không ngừng của lịch sử.