“Hai ngả khát vọng” – Khoảng cách từ khao khát đến khao khát

Trong khi khát vọng là tiền đề chung cho khám phá nghệ thuật, Kondo và Thuỳ Anh mang đến triển lãm những góc nhìn riêng. Đối tượng chung trong nghiên cứu của hai nghệ sĩ là khát vọng đặt trong mối quan hệ với cơ thể người. Lấy đối tượng làm trung tâm, cách tiếp cận của hai người đối lập về phong cách cũng như điểm nhìn.

Kondo – nghệ sĩ người Nhật Bản sinh sống tại New York mang đến triển lãm những bức tranh gai góc và nhiều màu sắc, mang ảnh hưởng của phong trào Pop Art những năm 1960 cùng Chủ nghĩa Mô Phỏng (Simulationism) những năm 1980. Anh sử dụng những đường vẽ tay chăm chút để tạo nên ấn tượng của một sản phẩm vẽ bằng máy tính. Cơ thể người trong các vị trí kích thích, gợi cảm và cấm kị ở một số nền văn hoá được “là” phẳng, trừu tượng hoá thành những bản kí hoạ trên máy tính, mang đến cho đối tượng sắc thái hài hước trong khi vẫn giữ vẻ tự nhiên. Các tác phẩm của Kondo như lời trào lộng đối với cái nhãn thức văn hoá về sắc dục thong qua một điểm nhìn hoan lạc, hài hước và nhẹ nhàng.

Lối tiếp cận chủ đề này của Nguyễn Thuỳ Anh đối vị với cách nhìn nhận của Kondo. Thùy Anh đưa ra những gợi ý bề sâu bằng việc sử dụng chất liệu tạo liên tưởng đến nội tạng trong cơ thể người. Với silicon màu da thịt phủ ngoài kim loại lạnh lẽo và cứng, những “công cụ cơ thể” qua các sáng tác của Thuỳ Anh khơi gợi suy ngẫm về khát vọng tương hỗ giữa các cơ thể sử dụng chúng, đồng thời bác bỏ khả năng rút ngắn khoảng cách thực sự giữa những chủ thể ấy.  Tác phẩm của cô là một minh chứng cho nỗi hoang mang đương đại trong niềm khao khát của con người đương đại, dựng lên bởi những quằn quại và ý thức về bất khả.

Thuỳ Anh chia sẻ, cơ thể con người vẫn luôn nằm ở vị trí trung tâm trong những thực hành của cô. Nghệ sĩ quan tâm đến biểu tượng của cơ thể trong các vật dụng gợi chúng ta nhớ đến những điểm yếu, phần không hoàn hảo và chối bỏ bởi chỉnh thể. Cô tập trung vào mối quan hệ giữa các cơ thể, cả ở dạng vật thể hay phi vật thể.

Những tác phẩm của Thuỳ Anh được trưng bày tại triển lãm trên thực tế thuộc nghiên cứu và thực hành riêng vẫn đang được tiếp tục của cô. Một trong số đó là tác phẩm “Semiotics of Distance” (tạm dịch: “Giải mã khoảng cách”) đặt hai mảnh vỡ của chiếc mâm truyền thống tượng trưng cho sự sum họp của người Việt trên hai chân chống liên kết bằng một dây silicon có hình dáng như một cơ quan thuộc thân thể người.

Tác phẩm này bao gồm trình diễn của hai người đàn ông liên tục thay đổi vị trí của mình trong giới hạn khoảng cách cho phép của hai chân chống họ cầm trên tay. Bằng cách di chuyển theo đường tròn, người trình diễn tạo ra các cuộc đối thoại không tiếng trong khi hai chân chống tự đặt ra mối quan hệ không gian của riêng chúng. Trình diễn tái tạo vật thể bằng những hanh động lặp lại, yên lặng hoặc vắng mặt. Kondo chính là một trong hai người trình diễn sắp đặt này trong video giới thiệu trưng bày tại triển lãm, đó cũng chính là cách hai nghệ sĩ với phong cách nghệ thuật hết sức khác biệt đến với nhau, là mở đầu của con đường dẫn đến “Hai ngả khát vọng”.

Mối liên hệ giữa sáng tác của Kondo và Thuỳ Anh không hiển hiện, tuy nhiên, các tác phẩm này bao trùm nhiều mặt của nỗi khát khao nơi con người. Nhờ vào những điểm khác biệt, chúng không bài trừ nhau, mà hoà điệu với nhau. Niềm vui và nỗi buồn, hài hước và nghiêm túc, triển lãm chính là hai ngả của tiếng nói thị giác trung thực và chủ quan, là phản hồi của hai nghệ sĩ trước chủ đề dễ gây tranh cãi không chỉ của đương thời.