Cuối thế kỷ XIX, văn hóa phương Tây đã du nhập vào bán đảo Đông Dương theo gót giày quân viễn chinh Pháp. Nền âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ cũng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi âm nhạc phương Tây do người Pháp mang đến. Lúc này, người Việt được tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa phương Tây, trong đó, ngoài các ca khúc tôn giáo của những người truyền đạo, nhiều ca khúc kinh điển và ca khúc nghệ thuật cũng được phổ cập.
1. Ca khúc nghệ thuật trong đời sống âm nhạc Việt Nam
Vào thập niên 60, 70 của TK XX, sau khi trở về từ Học viện âm nhạc Chaicopxky và nhiều học viện âm nhạc danh tiếng ở châu Âu, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc nói chung và nhà sư phạm thanh nhạc nói riêng đã phỏng dịch hoặc đặt lời Việt cho romance và các ca khúc nghệ thuật khiến cho các tác phẩm này trở nên gần gũi và dễ đi vào lòng người. Đây là thời kỳ hầu hết các ca khúc được phổ biến rộng rãi trong công chúng với lời gốc là tiếng Pháp được phỏng dịch sang tiếng Việt. Các nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà sư phạm thanh nhạc Nguyễn Trung Kiên, Mai Khanh, Mộ La, Trần Hiếu, Vũ Tự Lân… là những người đã phỏng dịch, đặt lời Việt để các ca khúc nghệ thuật nước ngoài có sức sống bền bỉ như ngày hôm nay ở Việt Nam.
Đến những thập niên cuối của TK XX, các ca khúc nghệ thuật nước ngoài phỏng dịch lời Việt đã có khá đông công chúng Việt Nam đón nhận, rất nhiều ca khúc được các nghệ sỹ biểu diễn trên sân khấu. Có thể kể tên một số ca khúc tiêu biểu như: Nhạc chiều của F.Schubert, Bóng chiều tà của Enrico Toselli, Hát ru của J.Bramh…
Những năm đầu của TK XXI, một số nhạc sĩ, nhà sư phạm âm nhạc Việt Nam cũng đã bắt đầu sáng tác ca khúc nghệ thuật để phục vụ công chúng yêu nhạc. Phải kể đến một số ca khúc như: Ru con trong mưa mùa xuân, Tình ca mùa hè, Cơn giông… trích trong tập 60 ca khúc nghệ thuật và romance của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, ca khúc Giấc mơ mùa lá, Gió lộng bốn phương, Ơi mẹ làng Sen… của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, ngày càng có nhiều cá nhân tự thể hiện khả năng ca hát của mình qua hình thức hát karaoke, thu album, làm video ca nhạc của riêng mình để làm kỷ niệm hoặc tặng bạn bè, người thân… Bởi vậy mà ca hát luôn được coi là một trong những phương tiện để cá nhân thể hiện tình cảm của mình với cộng đồng một cách hữu hiệu. Trong những năm gần đây, tại nhiều hội diễn văn nghệ của cơ quan thuộc các bộ, ban, ngành từ trung ương tới địa phương đã xuất hiện nhiều tiết mục âm nhạc tham gia dự thi với những ca khúc mang tính nghệ thuật cao của các nhà soạn nhạc nổi tiếng trong nước và thế giới. Các ca khúc này thường có nội dung sâu sắc và độ khó nhất định về kỹ thuật.
Trên sóng truyền hình Việt Nam gần đây cũng xuất hiện hàng loạt cuộc thi, gameshow có liên quan đến ca hát mà đối tượng tham gia hầu hết là ca sĩ không chuyên hoặc bán chuyên nghiệp như: Thần tượng âm nhạc Việt Nam – VietNam Idol, Tìm kiếm tài năng – VietNam got Talent, Giọng hát Việt – The Voice, Nhân tố bí ẩn – Xfactor… Trong đó, ngoài các ca khúc Việt Nam, các ca khúc nước ngoài như: Trở về Surriento của E.De Curtis, Khúc nhạc chiều của F.Schubert, Mặt trời của tôi của E.Di Capua, thậm chí, một số tác phẩm nổi tiếng như Nữ hoàng đêm tối trong vở opera Cây sáo thần của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart, hay tác phẩm dành cho song ca Bóng ma trong nhà hát của Andrew Lioyd Webber cũng được một số thí sinh lựa chọn làm tác phẩm dự thi. Cũng từ các cuộc thi này, nhiều giọng hát xuất sắc đã được phát hiện. Không ít người trong số họ trưởng thành từ phong trào ca hát quần chúng tại các câu lạc bộ ca hát ở nhà văn hóa địa phương.
Có thể khẳng định, nhu cầu học hát của đối tượng không chuyên tại các câu lạc bộ, nhà văn hóa hiện nay rất lớn. Việc tiếp thu và nắm vững một số kỹ thuật thanh nhạc cơ bản bằng cách luyện tập và học hát các ca khúc nghệ thuật ngày càng trở nên quan trọng. Quá trình này là chìa khóa giúp cho những đối tượng không chuyên tự tin trình diễn tiết mục của mình đáp ứng các tiêu chí thanh nhạc và thẩm mỹ nghệ thuật.
2. Đặc điểm và tính chất âm nhạc của ca khúc nghệ thuật
Ca khúc nghệ thuật là một loại tác phẩm chuyên nghiệp dùng cho thanh nhạc với phần lời và phần đệm piano, có cấu trúc ngắn gọn, thường được dùng cho những giọng ca được đào tạo bài bản và có phần đệm piano đi kèm. Đề tài romance vô cùng phong phú, trong đó có những ca khúc ngợi ca tình yêu đất nước, con người, sự hùng vĩ tươi đẹp của thiên nhiên… Bàn về tính chất âm nhạc, tác giả Cù Lệ Duyên cho biết: “Romance có cả romance nhạc đàn và romance thanh nhạc với rất nhiều tính chất phong phú, đa dạng như: tính trữ tình, tính anh hùng ca và có cả tính hài hước dí dỏm chứ không chỉ đơn thuần là một bản tình ca…”(1).
Hồ Mộ La – tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về thanh nhạc cho rằng: “Ca khúc nghệ thuật là những ca khúc trữ tình có đề tài rộng rãi về tình yêu giữa con người với con người, tình yêu giữa con người với thiên nhiên chứ không bó hẹp chỉ trong đề tài tình yêu đôi lứa…”(2).
Có thể thấy rằng, bên cạnh những ca khúc viết về đề tài tình yêu còn có nhiều ca khúc viết về đề tài khác. Chẳng hạn, bài Con quỷ của F.Schubert (1797 – 1828) nói về tình cha con, bài Cá hồi hay của F.Schubert là đề tài ngụ ngôn, bài Đẹp thay chốn này của S.V.Rachmaninoff tả cảnh thiên nhiên…
Khi đi sâu vào nghiên cứu thể loại này, người ta có thể thấy trong một ca khúc nghệ thuật có sự kết hợp nhuần nhuyễn, hoàn hảo giữa 4 yếu tố: nhà thơ, nhạc sỹ, người đệm đàn và ca sỹ. Họ là những người đã góp phần tạo nên linh hồn của ca khúc. Người nhạc sỹ đã dùng những giai điệu, mạch nguồn tinh tế để tô vẽ cho lời của bài thơ, sáng tạo nên một bức tranh bằng âm thanh đa màu sắc mà từ buổi ban đầu nhà thơ mới chỉ hình dung ra. Bức tranh ấy sẽ trở nên sinh động hơn thông qua phần thể hiện hoàn hảo của ca sĩ và nghệ sĩ đệm đàn.
Các nét giai điệu ở mỗi ca khúc nghệ thuật luôn tinh tế, tỉ mỉ và thường được sáng tác dựa trên các bài thơ. Âm nhạc mang tính hình tượng rõ nét không chỉ họa lại hình tượng thơ mà còn phát triển cả về nhịp điệu và ngữ điệu khiến tác phẩm trở thành một bức tranh đa màu sắc được vẽ bằng âm thanh.
Trong các ca khúc nghệ thuật, đặc biệt ở TK XIX, các nhạc sĩ thường chú ý đến tính chất hát nói. Đôi khi, ca khúc nghệ thuật giai đoạn này còn thể hiện kịch tính cao độ với sự tương phản mạnh mẽ như trong các aria của các vở nhạc kịch. Có thể thấy rõ tính chất này trong các ca khúc nghệ thuật của các nhạc sỹ người Nga, nhiều ca khúc đã được tác giả Nguyễn Trung Kiên, Hồ Mộ La, Vũ Tự Lân, Mai Khanh, Trần Hiếu, Vân Đông… dịch lời Việt như: Giữa đêm vũ hội náo nhiệt, Bài hát Gigan, Giấc mơ, Đẹp thay chốn này, Những tiếng chuông, Họa mi say đắm bông hồng…
3. Vai trò và vị trí của thể loại ca khúc nghệ thuật
Trong xã hội hiện nay cũng như trong công tác giảng dạy và biểu diễn thanh nhạc, ca khúc nghệ thuật luôn được đánh giá cao và có một vai trò, vị trí quan trọng trong nền âm nhạc, bởi những giá trị nghệ thuật, nhân văn, nhân đạo và tính giáo dục cao mà nó mang lại cho con người.
Vai trò và vị trí ca khúc nghệ thuật trong đời sống xã hội
Ca khúc nghệ thuật đã có một hành trình lịch sử phát triển lâu dài và được xuất phát từ nhu cầu cuộc sống xã hội. Trên thế giới, ca khúc nghệ thuật được quan niệm là thể loại ca khúc được viết bởi các nhà soạn nhạc chuyên nghiệp, lời bài hát dựa trên lời của một bài thơ. Theo quan niệm đó, ca khúc nghệ thuật chính là một bài thơ được dệt nhạc, trong đó âm nhạc làm nổi bật ý thơ. Bằng cảm xúc của mình, người ca sĩ kết hợp với tài đệm đàn của một nhạc công đã chuyển tải đến người nghe, người xem ý nghĩa của tác phẩm.
Khi nghiên cứu sự phát triển của ca khúc nghệ thuật theo tiến trình lịch sử, người ta cho rằng thể loại này có thể bắt đầu từ cuối thời Trung đại ở châu Âu, khi âm nhạc đa âm đã phát triển ở mức cao, tức là vào khoảng giữa TK XVI. Lúc này, có một loại âm nhạc cho giọng hát trong đó các bè giai điệu khi thì cùng phát ra một lúc theo ngôn ngữ của âm nhạc hòa điệu, khi lại phát triển độc lập theo ngôn ngữ của âm nhạc đa âm, cũng có khi lại được đệm bằng nhạc cụ hoặc không có phần đệm. Lúc đó, thể loại thanh nhạc này chưa có tên gọi riêng, ca từ cũng được lấy từ thơ nhưng khi ấy vẫn chỉ là một yếu tố phụ thuộc nhằm phục vụ cho âm nhạc, ca khúc phổ thơ chỉ mới manh nha.
Sang TK XVII, có một sự cải tiến lớn về âm nhạc trong một vở ca kịch do những nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, đó là có bản ký âm ghi phần đệm cho giọng hát với yêu cầu về độ khó trong kỹ thuật thanh nhạc và độ tinh tế trong xử lý tác phẩm. Đây là tiền đề cho sự phát triển của thể loại ca khúc nghệ thuật.
Trong giai đoạn này, vai trò và vị trí của ca khúc nghệ thuật dần được khẳng định. Cuối TK XVII, đầu TK XVIII, trong các vở ca kịch, phần đệm piano cho giọng hát đã xuất hiện khá nhiều. Điều này có nghĩa các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã chú ý đến những tác phẩm thanh nhạc có độ tinh tế trong xử lý và biểu diễn. Thể loại ca khúc nghệ thuật đạt đến đỉnh cao vào khoảng nửa đầu TK XIX ở châu Âu khi cả kỹ thuật biểu diễn lẫn trình độ thưởng thức có sự hoàn thiện.
Vai trò ca khúc nghệ thuật trong giảng dạy và biểu diễn
Như đã trình bày, thể loại ca khúc nghệ thuật có nguồn gốc từ châu Âu với nhiều đề tài phong phú. Lời ca và âm nhạc trong ca khúc nghệ thuật thường bay bổng, tinh tế, hoa mỹ với bút pháp sáng tác điêu luyện của các tác giả, do vậy đòi hỏi người biểu diễn cũng như người nghe cần phải có những kiến thức nhất định để hiểu chúng một cách trọn vẹn.
Trong đào tạo cũng như trong biểu diễn thể loại ca khúc nghệ thuật nước ngoài lời Việt, việc rèn luyện các kỹ thuật thanh nhạc là cần thiết và phải đi song hành với xử lý ngôn ngữ. Tiếng Việt là loại ngôn ngữ đơn âm, đa thanh với 6 dấu giọng nên việc hát tiếng Việt với các giai điệu nhạc nước ngoài cần phải chú ý để rõ được âm Việt mới hiểu được nghĩa ca từ. Bên cạnh đó, người biểu diễn cũng cần phải có sự hiểu biết về tác phẩm mới có thể truyền tải được ý nghĩa của ca khúc đến với người nghe.
Tác giả Trần Thị Ngọc Lan cũng đã trao đổi: “Việc học hát các ca khúc nghệ thuật được đặt lời Việt chính là giúp cho quá trình luyện tập để kết hợp giữa sự tinh tế của ngôn ngữ Việt với kỹ thuật thanh nhạc quốc tế, làm tăng khả năng truyền cảm những rung động tâm hồn bằng việc hát rõ nét lời ca đó…”(3).
Trong đời sống âm nhạc hội nhập và hiện đại ngày nay, ca khúc nghệ thuật nước ngoài đã và đang đóng một vai trò quan trọng, là một bộ phận song hành với bộ phận các ca khúc bản địa. Với những giá trị nghệ thuật đích thực, ca khúc nghệ thuật đã và đang mang lại cho công chúng thưởng ngoạn những giá trị nhân văn cao đẹp của văn hóa nước ngoài, đưa vào cuộc sống hiện nay của người Việt những sắc màu đa dạng của các nền âm nhạc khác nhau trên thế giới, giúp xóa dần khoảng cách về văn hóa, nghệ thuật giữa các nước.
Về ca từ
Ca từ trong ca khúc nghệ thuật đều lấy từ thơ, có hình tượng âm nhạc rõ ràng, phần giai điệu và phần đệm. Phần đệm có thể biến tấu thành bản khí nhạc chơi độc lập.
Vào TK XVIII, ca khúc nghệ thuật châu Âu chủ yếu là những ca khúc trữ tình mang tính chất hướng nội với giai điệu uyển chuyển, du dương. Có giai đoạn còn không có nhạc đệm như trường phái Pháp gọi là Chanson (nghĩa tiếng Pháp là bài hát). Càng về sau, ca khúc nghệ thuật đi vào khai thác chiều sâu tinh tế của tâm hồn con người, có sự kết hợp giữa tinh hoa âm nhạc thế giới với âm nhạc dân gian các nước tạo thành các trường phái âm nhạc khác nhau.
Phong cách cơ bản của các tác phẩm âm nhạc lãng mạn là mang tính trữ tình ca xướng. Ca từ lấy từ thơ và âm nhạc tạo thành một chủ thể hoàn chỉnh. Thuật ngữ biểu cảm của âm nhạc phong phú. Sự phát triển của ca khúc nghệ thuật trên thế giới có liên quan mật thiết với nghệ thuật thi ca, bởi sự hình thành của một ca khúc nghệ thuật có sự kết hợp chặt chẽ của 4 yếu tố. Trong đó, không thể thiếu phần lời ca được lấy từ các bài thơ nổi tiếng của các đại thi hào tên tuổi. Ví dụ: ca khúc của F.Schumann thường được dệt nên bởi lời thơ của nhà văn – nhà thơ lỗi lạc người Đức Christian Johann Heinrich Heine, M.I.Glinka với các bài thơ của A.Sergeyevich Pushkin, P.I.Tchaikovsky với Lev Nikolayevich Tolstoy; A.Varlamov với các bài thơ của Mikhail Yuryevich Lermontov…
Người ta còn thấy ngay từ những thập niên đầu tiên TK XX, ca khúc nghệ thuật đã tạo nên bức tranh âm thanh đa sắc. Trong mỗi tác phẩm, sự kết hợp giữa âm nhạc và thơ ca là một cách xử lý riêng biệt, không lặp lại. Từ đây đã hình thành nên một loại hình mới có tên gọi thơ với âm nhạc, điều này thấy đặc biệt rõ nét trong sáng tác thanh nhạc của nhạc sĩ A.Claude Debussy với tác phẩm Năm bài thơ của nhà thơ Pháp Charles Pierre Baudelaire.
Song song với việc phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của TK XIX, các nhạc sĩ giai đoạn này đã luôn cố gắng tìm tòi những phương thức sáng tạo mới. Dựa trên thẩm mỹ âm nhạc mới, các tác giả đã làm cho các ca khúc gần gũi đến mức tối đa với ngữ điệu tự nhiên của ngôn ngữ nói. Chính vì vậy, họ thường tìm đến với các thể thơ tự do, thậm chí cả văn xuôi như trong các tác phẩm Những bài ca Bilitis của nhạc sĩ người Pháp A.Claude Debussy, hay trong tác phẩm Con vịt xấu xí của nhạc sĩ người Nga S.Prokofiev…
Về phần đệm
Không phải ca khúc nào có phần đệm piano cũng được gọi là ca khúc nghệ thuật. Lấy ví dụ nhà soạn nhạc Nga Isaak Osipovich Dunayevsky (1900 – 1955), ông là một nhạc sỹ nổi tiếng với các ca khúc đầu TK XX như Bài ca tổ quốc trong phim Xiếc hay Hãy bay đi hỡi những chim câu… Phần viết của I.O.Dunayevsky bao giờ cũng có đệm, nhưng phần đệm của ông có màu sắc rất khác với romance lãng mạn. Nghe âm nhạc của Dunayevsky người ta thấy màu sắc nhạc đỏ rất rõ nét. Khác hẳn màu sắc âm nhạc của S.V.Rachmaninoff trong các ca khúc lãng mạn như Đẹp thay chốn này, Giấc mơ…
Trong tác phẩm Đẹp thay chốn này phần đệm của S.V.Rachmaninoff đi độc lập với giai điệu. Hình tượng âm nhạc rõ ràng. Nghĩa của ca từ là: “Ở đây đẹp thay! Hãy nhìn, dòng sông đã óng ánh những sắc vàng, thảm cỏ trải bên 2 bờ sông không có người, ở đây có cây thông reo, ở đây chỉ có trời với ta, ôi đây là mơ ước của ta”. Trong ca khúc này, người nghe có thể thấy cái tôi khá rõ trong âm nhạc. Hình tượng âm nhạc trong tác phẩm được phác họa rất rõ nét, thể hiện cá tính của tác giả.
Ngày nay, việc trao đổi văn hóa cũng như tìm hiểu, giao lưu âm nhạc với các nước trên thế giới diễn ra rất mạnh mẽ. Nhu cầu học thanh nhạc, đặc biệt là học hát những ca khúc nghệ thuật nước ngoài ngày càng có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với giới chuyên môn mà còn đối với toàn xã hội. Chúng tôi tin rằng, trong tương lai không xa, bên cạnh những ca khúc Việt Nam vốn đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của công chúng yêu nghệ thuật, ca khúc nghệ thuật nước ngoài sẽ góp phần quan trọng trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quần chúng, giúp nghệ thuật quần chúng của nước ta hội nhập cùng với sự phát triển của nghệ thuật thế giới.
____________
1. Tư liệu phỏng vấn của tác giả ngày 25-5-2017.
2. Tư liệu phỏng vấn của tác giả ngày 10-6-2017.
3. Tư liệu phỏng vấn của tác giả ngày 6-6-2017.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017
Tác giả : TRẦN THỊ PHƯƠNG THẢO