Hát trống quân (HTQ) được coi là một thể loại diễn xướng dân gian nam nữ đối đáp, giao duyên có tính phổ quát cao của người Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Loại hình diễn xướng này là một trong những cách thức thể hiện tình cảm, tâm tư, nguyện vọng, phản ánh cuộc sống, thiên nhiên… mang tính nguyên sơ của cư dân Việt từ thời xa xưa còn được lưu truyền tới ngày nay. Nghiên cứu, khảo sát thực tế cho thấy, HTQ đã và đang được tổ chức ở nhiều địa phương vùng châu thổ sông Hồng. Tuy cùng thuộc một thể loại, nhưng hát trống quân ở mỗi nơi lại có những đặc trưng riêng. Đặc biệt, thành tố diễn xướng của HTQ ở các địa phương đã tạo nên một bức tranh phong phú và đa dạng màu sắc về loại hình nghệ thuật dân gian này

1. Thời gian tổ chức, không gian diễn xướng

Thời gian tổ chức, không gian diễn xướng của HTQ rất phong phú và đa dạng. Đôi khi nó phụ thuộc vào đặc thù về văn hóa, phong tục tập quán, mục đích ý nghĩa của cuộc hát, hay điều kiện về địa lý, kinh tế, xã hội của từng địa phương.

Thời gian tổ chức diễn xướng

Thời gian tổ chức HTQ phần lớn được nhìn nhận theo hai dạng như sau:

Vào mùa thu: thời gian tổ chức trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch. Có ý kiến cho rằng, HTQ thường gắn với đêm rằm trung thu bởi những quan niệm tín ngưỡng nông nghiệp. Về mặt khách quan, cũng cần thấy rằng, mùa thu, trăng thanh gió mát… đó cũng là điều kiện thời tiết thuận lợi để người ta có thể lập những đám hát. Những cuộc HTQ tổ chức vào mùa thu thường mang tính vui chơi giải trí, đua tài, đấu trí, giao duyên… được ghi nhận ở nhiều địa phương như: xã Khánh Hà (trống quân Khánh Hà) và xã Duyên Thái (trống quân Duyên Thái); xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ (trống quân Hát Môn); thôn Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (trống quân Bùi Xá)…

Ở Thăng Long – Hà Nội xưa, cứ vào dịp trung thu, những đêm trăng thanh gió mát, từ tháng 7 đến đầu tháng 10 âm lịch, các cuộc HTQ lại sôi nổi diễn ra ở khắp các làng ngoại đô ven sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu, Đáy, Nhuệ… Không chỉ ở ngoại đô, mà ngay tại trung tâm thủ đô, vào những năm đầu TK XX, người ta vẫn tổ chức cuộc thi HTQ trước đền Bà Kiệu (1). Trống quân Hát Môn thường được tổ chức vào các đêm trăng từ mùng 10 đến 20 hàng tháng. Trống quân Khánh Hà và Duyên Thái thường được tổ chức vào đêm rằm tháng 7, tháng 8 âm lịch… Trống quân Bùi Xá thường được tổ chức từ mùng 10 đến 20 tháng 8 âm lịch. Trống quân Dạ Trạch thường được tổ chức trong dịp trung thu, từ mùng 10 đến 27 tháng 8 âm lịch. Trống quân Xuân Cầu cũng thường được tổ chức vào dịp trung thu, từ mùng 10 đến 17 tháng 8 âm lịch. Cao điểm là đêm rằm trung thu, hội hát có mời các anh chị làng ngoài, tổng ngoài đến hát đua vui và được tiến hành một cách quy mô. Với các nghệ nhân HTQ, đến đám là để mọi người gặp nhau vui vẻ, chan hòa tình nghĩa, để có nam có nữ mới nên xuân.

Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm: những cuộc hát này thường để phục vụ các đám khao, đám hỏi, đám cưới, hoặc các cuộc hát mang tính tự phát của các cá nhân… Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy thường có hai dạng: Thứ nhất, hát trong các đám khao, đám hỏi, đám cưới… đây là hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật mang tính gia đình. Dưới thời phong kiến, ở làng quê Việt Nam, khi có người được phong chức, phong sắc, lên lão… thường tổ chức đám khao. Đó là dịp để người ta tổ chức vui chơi, sinh hoạt văn nghệ, HTQ là một trong những sự lựa chọn ở vùng quê có nhiều nghệ nhân tài ba; Thứ hai, hát mang tính tùy hứng của các cá nhân, người ta có thể hát khi đi cấy, đi làm cỏ, lúc nghỉ bên vệ đường…

Không gian diễn xướng

Với các hình thức HTQ mang tính giao duyên, vui chơi, giải trí, thi thố được tổ chức vào mùa thu, người ta thường chọn những địa điểm rộng rãi, có thể lập được trống đất, trống thùng… ngắm được trăng thu và gần gũi với thiên nhiên. Không gian diễn xướng thường là sân đình, đền, sân nhà, những bãi đất rộng, bờ sông, hay trên những cây cầu được xây bằng gạch… Trường hợp đặc biệt, trống quân Liêm Thuận được tổ chức trên mặt nước, trên sông, bởi xưa kia cuộc sống sinh hoạt của người dân đều diễn ra trên mặt nước. Do đó, hình ảnh của những con thuyền cũng là điểm nhấn quan trọng trong ca từ của HTQ nơi đây.

Nào thuyền đã mở tám thang

Anh xuống thuyền ấy em sang thuyền này…

Trong các đám khao, đám hỏi, đám cưới… thì không gian diễn xướng sẽ tùy thuộc vào điều kiện của gia chủ. Người ta có thể ngồi hát ở trong nhà, hoặc ở ngoài sân. Đối với các hình thức HTQ mang tính tự phát, tùy hứng, người ta có thể đối đáp, giao duyên ở mọi chỗ, mọi nơi khi có cảm hứng. Có thể là bên bờ ruộng, bờ đê, trên đường đi làm đồng, gốc cây cổ thụ đầu làng…

2. Hình thức tổ chức diễn xướng

Diễn xướng sử dụng trống đất

HTQ có sử dụng trống đất và các dạng cải biên là đặc trưng nổi bật của vùng châu thổ sông Hồng. Phần lớn các cuộc hát sử dụng trống đất có nhiều điểm tương đồng về cung cách tổ chức và hình thức diễn xướng. Để tổ chức một cuộc HTQ, trước tiên người ta phải chọn một địa điểm, không gian rộng rãi, thoáng mát, tiếp theo là phải bắc trống. Tham gia vào cuộc hát là những nam nữ thanh niên cùng làng hoặc từ nơi khác đến. Họ chia thành hai nhóm, một bên nam, một bên nữ, đứng, hay ngồi đối diện, hát đối đáp với nhau, dùng dùi gỗ hoặc dùi tre đánh lên dây trống để đệm theo lời hát và những lúc lưu không. Số lượng người hát có thể tùy từng nơi, nhưng thường có 4-5 người ở mỗi vế nam và nữ. Những người tham gia hát thường là những người hát hay và có tài ứng đối. Mở đầu, một bên cử người đại diện vào hát trước để chèo kéo bên kia vào cuộc. Khi cặp nam nữ đối đáp so tài, tất có kẻ thắng, người thua, bên nào thua sẽ thay người khác vào hát tiếp. Như vậy, số lượng người tham gia mỗi bên không nhất thiết phải bằng nhau. Bởi nếu một thành viên bên này đủ tài ứng đối thì rất có thể sẽ lần lượt đánh bại tất cả thành viên bên kia và ngược lại. Mặt khác, nếu có một cặp hát ứng đối ngang tài, ngang sức thì họ sẽ chiếm sân chơi lâu hơn, thậm chí có thể bao sân cả một cuộc hát đến khi mệt thì thôi. Ở nhiều nơi, cũng phổ biến vai trò cố vấn của một đôi người có trình độ ứng đối văn thơ. Có những đám hát, mỗi nhóm mời hẳn một cụ đồ nho có uy tín giúp đỡ, gà bài tại chỗ. Họ có nhiệm vụ mách nước giúp các chàng trai, cô gái thoát khỏi thế bí, khi đối phương ra bài đối hóc hiểm. Điều đó càng khiến cho sức hấp dẫn của đám tăng lên bội phần. Ở nhiều vùng, khi các đám HTQ phát triển tới quy mô lớn, mang nặng tính chất thi thố, làng thường phải lập ra một ban giám khảo để giám định cuộc chơi. Giải thưởng có thể là đôi ba vuông lụa hay mấy gói chè thuốc… mang tính khích lệ hơn là giá trị vật chất, bởi danh dự nghệ thuật là niềm tự hào trong mỗi cộng đồng.

Trường hợp đặc biệt, ở Liêm Thuận, Thanh Liêm, Hà Nam, do cuộc sống gắn liền với sông nước nên họ có nhu cầu giao tiếp trên mặt nước, sau nảy sinh nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa sông nước. Từ đó người ta đã đem HTQ trên cạn xuống thuyền và trở thành nét đẹp văn hóa của vùng đất này. Cái trống quân ở đây cũng được cải biên để phù hợp với diễn xướng trên thuyền. Khi diễn xướng, mỗi thuyền của nam hay nữ đều có một chiếc trống, do người trưởng nhóm gõ.

Diễn xướng không sử dụng trống

Theo nhiều nhà nghiên cứu, hình thức diễn xướng này thường được tổ chức ở trong nhà, không gian không thích hợp với việc bắc trống. Hoặc cũng có khi là đám hát nhỏ, mang tính tự do, tự phát của những nông dân trên đường đi làm đồng về tùy hứng đối đáp với nhau. Đối với các đám hát được tổ chức trong nhà, thường gia chủ hay mời khách ngồi ở phản, giường, hoặc chõng tre. Người hát dùng đôi đũa, cán quạt… gõ ngay vào phản, giường, hay chõng để đệm cho hát. Tham gia trong các đám hát kiểu này thường là những người hát hay, ứng đối giỏi trong vùng được mời đến hát, gia chủ và dân làng cũng có thể tham gia. Tuy nhiên, đây được coi là sân chơi của những người được xếp vào hàng nghệ nhân nên giới bình dân ít khi dám tham dự. Bởi vậy, có thể coi hát trong đám khao là lối hát trình diễn mang tính nghệ thuật cao nhất của sinh hoạt HTQ. Gia chủ bao giờ cũng treo thưởng cho những người ứng đối tài giỏi, hát hay nhất (2). Với những nông dân yêu ca hát, thường có hứng thú đối đáp với nhau trong khi làm công việc đồng áng, hoặc giờ nghỉ ngơi thì nhạc cụ để đệm của họ chính là dụng cụ lao động sản xuất (cuốc, xới, liềm…). Hình thức sinh hoạt này không mang nặng tính thi thố mà phần nhiều là để giải trí.

3. Phương thức diễn xướng

Có thể nói, phương thức diễn xướng là một yếu tố quan trọng trong việc chuyển tải âm nhạc tới người thưởng thức. Đặc biệt, đối với âm nhạc dân gian Việt Nam, phương thức diễn xướng không chỉ là cách thức để “…thể hiện, trình bày những sáng tác văn nghệ của con người…” (3), mà trong nhiều trường hợp nó còn ẩn chứa những giá trị về tri thức, tư tưởng, tín ngưỡng… của mỗi cộng đồng người.

Phương thức diễn

Phương thức diễn đặc trưng của HTQ vùng châu thổ sông Hồng là phương thức mang tính tĩnh (4). Trong các cuộc hát, người tham gia thường được chia làm hai nhóm nam và nữ, đứng hoặc ngồi ở hai bên dây của trống đất. Ở sát hai bên dây của trống đất người ta đặt ghế cho đại diện mỗi nhóm ngồi hát, vừa hát vừa gõ trống. Nếu một bên không đối đáp được, bị thua thì sẽ cử người khác vào thay… Tại huyện Thường Tín, Hà Nội còn có lối HTQ trên bến dưới thuyền (5) (trống quân Khánh Hà). Ngày trước, ở nơi đây nhiều sinh hoạt của người dân thường gắn với dòng sông (sông Kim Ngưu), nên có lối HTQ được tổ chức theo cách là tốp nữ ngồi trên thuyền thúng hát đối đáp với tốp nam kê chõng ngồi trên bờ sông. Ở đây cũng có lối HTQ trên cầu gạch hoặc cầu tre bắc qua đoạn sông nhỏ, hẹp, hai tốp nam nữ đứng hai bên thành cầu hát đối đáp với nhau…

Phương thức xướng

Hát vận là một đặc trưng trong phương thức xướng của HTQ và là một biểu hiện tài trí của người đi hát. Mặt khác, hát vận được xem là một quy định về kỹ thuật ứng tác, ứng đối giao duyên trong HTQ. Hát vận đòi hỏi người diễn xướng phải sử dụng nhiều mặt của tài trí thông minh và phải có tâm hồn nghệ sĩ. Ở đầu cuộc, thường là nam hát trước, dài hay ngắn đều dừng lại ở câu tám. Sau đó nữ hát hiệp vận tiếp theo bắt đầu bằng câu sáu, chữ thứ sáu của câu sáu buộc phải hiệp vận với chữ thứ tám của bên nam, ví dụ:

Nam

Tôi xin hát các bác đừng cười

Để tôi đối đáp với người đường xa

Nữ

Tôi xin các bác dãn ra

Đàn ông một chốn đàn bà một nơi…

Hát đố trong dân ca Việt Nam nói chung, hát trống quân nói riêng có thể là một hình thức biến thể của các câu đố trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Trong HTQ, nam nữ đố nhau về những sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên và đời sống hàng ngày theo hình thức hát đối đáp tỏ tình. Phạm vi đề tài của câu hát đố khá rộng, được thể hiện theo cách nam đố, nữ giảng hoặc ngược lại. Nếu như cách kết câu đố trong đời sống sinh hoạt hàng ngày có tính chất suy lý nhằm phát triển đầu óc phán đoán, thì câu hát đố trong HTQ ngoài biểu hiện nhanh trí, nó còn thể hiện tình cảm và thẩm mỹ của người diễn xướng.

Hát họa cũng là một đặc trưng tiêu biểu trong phương thức xướng của HTQ. Thông qua các bài hát họa, những bức tranh sinh động về thiên nhiên có mối quan hệ khăng khít với đời sống sinh hoạt, lao động của con người được vẽ ra. Những sự vật hiện tượng trong thiên nhiên như trời, đất, trăng, sao, mây, núi, sương gió, nắng mưa… vốn là những câu hát có nguồn gốc với cơ sở tư duy thần thoại nhưng khi nó được đưa vào trong câu HTQ thì lại trở nên gần gũi với con người. Tất cả những hiện tượng thiên nhiên kể trên đã được gắn với tình yêu nam nữ, cuộc sống đồng ruộng. Hát họa còn là một biểu hiện của phương thức sáng tác dân gian, đây là một yêu cầu của đám hội, người đi hát phải luôn luôn sáng tạo.

4. Diễn trình, trang phục của HTQ

Diễn trình

Qua tìm hiểu, nghiên cứu và khảo sát thực tế, chúng tôi thấy ở các địa phương cách gọi là chặng hay bài trong cuộc HTQ đôi lúc được hiểu như nhau (vì vậy chúng tôi tạm dùng là chặng/bài). Sự sắp xếp các thứ tự các chặng/bài trong cuộc hát ở mỗi nơi cũng mang màu sắc bản địa. Với các hình thức diễn xướng có tổ chức, thường người ta chia một cuộc HTQ thành nhiều chặng/bài, với những chủ đề mang tính đặc trưng của từng địa phương, vùng miền. Nhiều trường hợp, diễn trình của cuộc hát còn bị chi phối bởi yếu tố quan niệm, phong tục và những quy định của địa phương. Tuy mỗi địa phương, mỗi vùng có những cách quy định, đặc trưng riêng nhưng diễn trình của các cuộc HTQ vẫn có nhiều điểm tương đồng mang tính chung nhất. Qua phân tích, tổng hợp chúng tôi thấy có thể sắp xếp diễn trình của HTQ theo cấu trúc 3 phần là: phần mở, phần giữa, phần kết. Trong đó số lượng, thứ tự các bài sẽ tùy theo tính bản địa và phong tục tập quán của mỗi địa phương.

Phần mở: bao gồm các bài như hát dẹp đám, hát chào, hát chúc, hát mừng, hát giao hẹn, hát hỏi, hát gặp, hát mời trầu, mời nước, mời thuốc, hát ra luật… Thông thường người ta hát vào đám bằng một làn điệu phong cách đặc trưng. Đây là phần mở đầu có tính chất giới thiệu tổng quát về âm nhạc chủ thể, quy định cho tên gọi và lề lối sinh hoạt của HTQ ở mỗi địa phương.

Phần giữa: gồm các bài hát giao duyên, hát họa, hát đố – giảng, hát truyện, xin cưới, thách cưới, sắm cưới, hát vui, hát đi chơi, mời rượu… Đây là chặng hát trung tâm, thể hiện tài đối đáp của hai bên nam nữ. Trên cùng một làn điệu trống quân nhất định, mỗi bên sáng tạo ra những lời ca đối nhau theo các nội dung đã nêu ở trên. Cũng có nơi dùng lối hát chuyển giọng, giở giọng. Âm nhạc của những chặng hát chuyển giọng đối lập với âm nhạc của chặng hát vào đám. Sự tương phản đó đã đem lại cảm xúc thẩm mỹ mới lạ cho công chúng. Do vậy, một cuộc HTQ nhiều khi kéo dài từ tối này sang tối khác.

Phần kết: gồm các bài hát mang tính chia tay, kết thúc đám hát như hát giã, hát trúc mai, hát chia tay, hát trúc mai… Một số nơi còn hát cả các làn điệu dân ca khác như cò lả, xẩm, hát ru, quan họ… Cũng có nơi, đoạn đầu của phần kết lại trở về làn điệu HTQ đặc trưng của địa phương. Sự tái hiện đó có tính chất hoàn đề để kết thúc. Lại có nơi trước khi giã đám thì chuyển sang làn điệu âm nhạc có sắc thái buồn, tình cảm xa cách, tiễn đưa ngậm ngùi.

Trang phục trong HTQ được nhìn nhận theo một số yếu tố mang tính chung nhất như sau:

Thứ nhất: tính đặc thù và phong tục tập quán của từng địa phương. Tuy ở mỗi địa phương người ta có những cách ăn mặc khác nhau, nhưng điểm tương đồng là phải kín đáo, không hở hang và phải làm sao cho mình đẹp.

Thứ hai: tùy vào hình thức tổ chức, mục đích, ý nghĩa của cuộc hát mà người diễn xướng có cách ăn mặc sao cho phù hợp. Chẳng hạn, nếu là đám hát trong nhà thì người ta có thể mặc những trang phục thường ngày, nhưng nếu là các cuộc hát quy mô, mang tính hội hè thì phải mặc những trang phục có tính nghi thức (đối với nam thì thường là áo the, khăn xếp; đối với nữ là áo năm tà, váy đen, yếm đào, đội vấn…).

5. Kết luận

Qua khảo tả, xem xét cho thấy, diễn xướng của HTQ ở châu thổ sông Hồng là một tổ hợp những yếu tố mang tính đặc trưng văn hóa vùng, thể hiện sự giao thoa, tiếp thu văn hóa giữa các địa phương. Một mặt, trong từng yếu tố của diễn xướng đã thể hiện những giá trị sâu sắc đối với văn hóa tinh thần của con người, đồng thời phác họa một cách sinh động về ước vọng, tình yêu nam nữ, tri thức sống, kinh nghiệm trong lao động sản xuất… của nhiều thế hệ cư dân Việt. Mặt khác, cho thấy sự cần thiết phải có các phương thức bảo tồn và phát huy HTQ sao cho hiệu quả, chất lượng. Có như vậy, văn hóa trống quân mới trường tồn mãi mãi trong đời sống của nhân dân ở vùng nói riêng và các thế hệ người Việt Nam nói chung.

____________

1. Phạm Minh Hương, Hát trống quân,, 2010, tr.128. trong 1000 năm âm nhạc Thăng Long – Hà Nội, Nxb Âm nhạc

2. Trần Việt Ngữ, Hát trống quân, 2002, tr.50., Nxb Văn hóa Dân tộc

3. Nguyễn Hữu Thu, Diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu, Viện Nghệ thuật, 1977, tr.56., Kỷ yếu hội nghị khoa học Mối quan hệ giữa diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu

4. Ở phương thức này, khi hát, nam nữ thường đứng hoặc ngồi ở một chỗ, không di chuyển thường xuyên, nên chúng tôi tạm gọi là phương thức diễn mang tính tĩnh.

5. Theo cách gọi của người dân ở Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : NGUYỄN ĐỨC HOÀNG