Việt Nam là đất nước đa tộc người, có bản sắc văn hóa riêng trong chỉnh thể vừa thống nhất vừa đa dạng. Phong tục tập quán độc đáo cùng nhiều phương thức lưu truyền như truyện kể, cổ tích, thần thoại, sự tích, thơ, truyền miệng… và không thể không nhắc đến nghệ thuật dân gian, trong đó, âm nhạc là phương tiện bảo lưu đặc sắc nét văn hóa tộc người. Trong bài này, người viết muốn trao đổi về mối quan hệ ràng buộc giữa hát then và tín ngưỡng người Tày.
1. Sơ lược nguồn gốc và tộc danh Tày
Theo số liệu công bố năm 1999, tổng số người Tày là 1.447.514, đứng thứ hai sau người Kinh, sống tập trung ở vùng Việt Bắc, chủ yếu tại Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Về nguồn gốc, dân tộc Tày (và Nùng) thuộc khối cư dân Bắc Việt, cư trú lâu đời trên khu vực nam Trung Quốc và bắc Việt Nam. Quá trình cùng chung sống lâu dài đã chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Việt trở thành người Tày (Việt Nam) và văn hóa Hán thành người Choang Đồng (Trung Quốc). Ở Quảng Tây hiện nay vẫn tồn tại các nhóm Choang Đồng với các tên Pò Choang, Pò Đề Di, Pò Nồng, Pò Tày (1).
Tộc danh Tày bắt nguồn từ cách nêu đặc điểm của nhóm người chuyên nghề cày ruộng, làm lúa nước, nông cụ tiêu biểu là chiếc cày; trong tiếng Tày – Thái cổ, cày gọi là mạc thay hay thây rồi biến âm thành Tày và Thái (2). Người Tày nói chung đều tự nhận là Cần Tày, tùy theo từng nơi có tên Tày bốc (Tày cạn) sống vùng núi và Tày nặm (Tày nước) làm bản dựng nhà dưới thung lũng nhiều sông suối. Từ TK XV để phân biệt với Thổ quan từ dưới xuôi lên cai trị, người Tày còn có tên là Thổ với hàm nghĩa thổ địa, ám chỉ nhóm người đã sinh sống lâu đời nơi đây. Tại một vài vùng, Tày có tên gọi khác là Ngạn, Phén, Thu Lao, Pa Dí, Thổ Đà Bắc.
Những cứ liệu lịch sử cho thấy, tổ tiên người Tày thuộc nhóm Âu Việt trong khối Bách Việt, ngay từ thiên niên kỷ cuối cùng trước CN là chủ nhân trên vùng đất rộng lớn từ miền nam Trung Quốc kéo dài xuống toàn bộ phía đông bắc Việt Nam. Âu Việt liên minh cùng Lạc Việt tạo nên vương quốc Âu Lạc – mô hình nhà nước đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào TK III trước CN, mà thủ lĩnh người Tày cổ là Thục Phán An Dương Vương (3), đồng thời, truyền thuyết Cẩu Chủa Cheng Vùa được Lã Văn Lô(4) công bố năm 1963 cũng cho thấy nhiều tình tiết gần gũi với cổ sử Việt Nam, điều này minh chứng địa bàn Tày cổ giai đoạn này đã mở rộng xuống tận vùng Kinh Bắc, nhiều nhóm Âu Việt cùng hòa nhập vào nhóm Lạc Việt làm cơ sở hình thành dân tộc Việt hiện đại. Những dấu tích liên kết hai nhóm tộc lớn nhất thời đó vẫn để lại trong ngôn ngữ, phong tục Việt tương đồng với ngôn ngữ, phong tục Tày xung quanh vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ. Ví dụ, loại bánh chưng hình tròn và dài gọi là bánh Tày (Bắc Ninh và Bắc Giang), nhiều địa danh xung quanh đền Hùng (Phú Thọ) gọi theo tiếng Tày là Nà (nghĩa là ruộng), hoặc địa điểm Nhã Nam mang ngữ nghĩa Tày nhả nặm (cỏ nước) (5).
Như vậy, người Tày cổ (Âu Việt) đã dung hợp với nhóm Việt Mường cổ (Lạc Việt) ngay từ buổi đầu dựng nước, góp phần quan trọng hình thành nên dân tộc Việt Nam.
2. Văn hóa tín ngưỡng dân gian Tày
Là cư dân bản địa, môi trường sinh sống người Tày chịu sự tác động, ảnh hưởng rất nhiều từ thời tiết, điều kiện tự nhiên. Do đó trong nhiều truyện cổ tích, thần thoại đã hình thành hệ thống thế giới đa tầng thể hiện vũ trụ quan, nhân sinh quan. Dân gian vẫn lưu truyền truyện kể: ngay từ thủa khai thiên lập địa, trời đất đã phân chia làm 3 cõi mường: cõi trời, cõi đất và cõi nước. Người Tày quan niệm 3 cõi này đều có người ở với đặc điểm: người cõi trời thắt dao ngang đầu, người dương gian thắt dao ngang lưng, người cõi âm thắt dao ở mắt cá chân (6).
Trong văn hóa tín ngưỡng người Tày, quan trọng nhất là tục thờ cúng tổ tiên, đây là hình thức cúng phổ biến trong tất cả các nhóm cộng đồng. Quan niệm ông bà, cha mẹ sau khi chết nhưng linh hồn vẫn tồn tại, vì vậy con cháu phải lập bàn thờ cúng bái hàng năm. Đây là tục xuất hiện vào giai đoạn thị tộc phát triển, sự ổn định và củng cố vững chắc mối quan hệ giữa các nhóm cá nhân nảy sinh yêu cầu bảo vệ dòng họ, thị tộc (7). Tục thờ cúng tổ tiên là lớp tín ngưỡng bản địa được bồi đắp liên tục qua từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau trong đời sống tâm linh người Tày, điển hình là hệ tư tưởng tam giáo (Phật, Đạo, Nho) đã gia cố chế độ tông tộc phụ quyền tạo vị thế bàn thờ đặt nơi tôn nghiêm nhất trong nhà.
Bên cạnh tục thờ cúng tổ tiên, tục thờ mẫu cũng rất phát triển, khởi phát từ lối tư duy nông nghiệp cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở, thờ mẫu gắn với tín ngưỡng phồn thực, biểu hiện tính duy sinh trong nghi lễ then. Truyền thuyết về Pú Lương Quân trên Cao Bằng với sự tích vợ chồng khổng lồ Báo Luông – trai to và Sao Cải – gái lớn (8) là những người đầu tiên làm nghề nông.
Trong các gia đình Tày, việc thờ Mẻ Bjoóc – mẹ Hoa (Hoa Vương thánh mẫu) giống như bà mụ của người Việt, đây là vị thần cai quản việc sinh nở. Mẻ Bjoóc phân định ra con trai từ cây hoa vàng và hoa bạc tạo ra con gái (9), đồng thời bảo trợ tình yêu, sức khỏe, cuộc sống con người.
Đối với cộng đồng sống thành bản hoặc tập trung thành nhiều bản, người Tày có nhiều tục cúng lễ khác như thờ các vị thần tại miếu, đình (hoặc đính) (10), nhiều nơi đình còn có chức năng của đền. Miếu là nơi thờ thổ công có nhiệm vụ che chở, bảo vệ mọi người, trong dân gian thổ công là người giúp đỡ và có công lao xây dựng làng bản. Còn thành hoàng là vị thần được thờ trong đình, cùng thổ công trông coi canh tác, chăn nuôi, sự an khang của cả mường. Qua một số yếu tố thờ cúng chính đã nêu ở trên, nói chung người Tày đã xây dựng nên hệ tín ngưỡng đa dạng với tín niệm đa vật linh. Quá trình dung hợp với người Kinh, người Hán tạo nên một phức hợp phong tục, lễ nghi được then quy tập trong nhiều hình thức nghi lễ.
3. Hiện tượng shaman trong then Tày
Có một số giả thuyết, quá trình xuất hiện then trong đời sống tâm linh của người Tày, dựa trên tư liệu dân gian, truyền thuyết từ nhiều vùng khác nhau, đặc biệt của các tác giả ở Cao Bằng như Hoa Cương, Dương Sách, Triều Ân đều cho rằng then chính thức ra đời khi nhà Mạc bị thất sủng chạy trốn lên Cao Bằng cát cứ (TK XVI – XVII). Đây là sự kiện lịch sử có thật, phản ánh giai đoạn văn hóa Việt – Tày đan cài tại Cao Bằng, để lại đến ngày nay trong then nhiều trường đoạn hát bằng tiếng Kinh.
Trong nhiều công trình, các nhà nghiên cứu tín ngưỡng tộc người đều nhắc đến shaman như một dạng ảo giác đặc biệt và trạng thái ngây ngất. Đối với then, shaman là hiện tượng biến hóa tư duy, tinh thần con người từ trạng thái này sang trạng thái khác. Thuật ngữ shaman xuất hiện lần đầu tiên trong một số tài liệu ở Nga vào TK XVII, nguồn gốc từ tiếng Evenk (saman) của bộ lạc Tungus chuyên sống bằng nghề chăn nuôi tuần lộc ở Xibiri, biến đổi từ chữ samana (tiếng Pali, hệ tiếng sancrit) được các nhà phương Đông học chấp nhận vào TK XIX. Gần một thế kỷ sau thuật ngữ shaman giáo, shamanism trở nên thông dụng, xuất hiện trong nhiều công trình nghiên cứu Âu, Mỹ. Ở Trung Quốc, hiện tượng shaman có nhiều tên gọi, tên chung là vu thuật, người hành nghề shaman là vu sư. Tuy vậy, tùy từng nơi gọi là thỉnh thần phụ thể, thần linh phụ thể, qủy thần phụ thể, nhưng dịch sang tiếng Việt nhiều nhất là từ giáng thần phụ thể có nghĩa là cầu thần nhập xác. Tại Đông Nam Á, shaman là hình thức tôn giáo sơ khai tự thân hình thành trong các cuộc hành lễ hiến sinh nguyên thủy, được cộng đồng đón nhận như một dạng người đặc biệt, có khả năng phi thường, nhiều bí quyết và sức mạnh ma thuật.
Tuy vậy, thời điểm xuất hiện shaman còn có nhiều ý kiến khác nhau, theo trường phái lịch sử, shaman ra đời vào giai đoạn phân rã công xã thị tộc nguyên thủy kèm theo sự phân công địa vị một số người. Trường phái dân tộc học Trung Quốc cho rằng, shaman tồn tại thời trung kỳ xã hội thị tộc mẫu hệ, lúc này người phụ nữ có quyền năng rất lớn. Với trường phái sinh học phát triển, shaman là hiện tượng của người mắc bệnh cuồng itteri, một loại bệnh thần kinh, nói cách khác tất cả các thày shaman đều biểu hiện bệnh thần kinh dạng phân tâm học, được S.Freud phát hiện đầu TK XX. Khi hành nghề, các thày shaman (cả nam lẫn nữ) bị kích động toàn thân, thực hiện những hành động đặc biệt lúc bình thường ít người làm được như: đi trên than nóng, đoán định tương lai, thần nhập, nói bằng ngôn ngữ chưa bao giờ học, hát múa suốt ngày… thực tế, shaman là hiện tượng tồn tại trong hầu hết tất cả các tộc người trên thế giới.
Tác giả Tô Ngọc Thanh nêu bản chất shanman là tạo nên yếu tố thiêng, phát xuất khi tiến hành nghi lễ (trong then Tày và hầu đồng Việt), từ đó lan tỏa khắp xung quanh, khiến mọi đối tượng tham gia đều chịu ảnh hưởng. Không gian thiêng càng mở rộng càng thu hút cộng đồng nhập tâm, gây ra những ảo giác khác nhau tùy theo khả năng duy cảm mỗi người. Điều kiện để thiêng hình thành là âm nhạc và múa, do đó then không thể thiếu hai loại hình nghệ thuật này cùng tham gia. Tác giả Nguyễn Thị Hiền (11) khi tiến hành khảo sát thực tế nghề làm then tại một số địa bàn người Tày cho biết, hầu hết sau lễ cúng, các ông then, bà then đều không nhớ lại được hành động, ngôn ngữ khi rơi vào trạng thái xuất thần lúc hành lễ.
4. Các thành tố diễn xướng trong nghệ thuật then
Phương tiện hành nghề then gồm: quả trứng, chim én; bằng sắc và ấn của Ngọc hoàng cấp để then vào các cửa thần linh; quạt phép (quạt trời); gương; đàn tính; chùm xóc nhạc (miạc).
Những đồ vật biểu trưng linh giáo như: trứng, chim én, gương, quạt qua tay then đầy tính ma thuật dưới dạng phù thủy. Nhưng nổi trội và tạo nên giá trị thu hút toàn thể cộng đồng là nghệ thuật then, nhân lõi cốt yếu xuyên suốt quá trình xuất, nhập thần. Nhiều nhà nghiên cứu đồng nhất ý kiến: then Tày là hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể có tính nguyên hợp, là hình thức nghi lễ diễn xướng nghệ thuật tổng hợp gồm có hát, nhạc, múa, trang phục (12), hoặc then là một nghi lễ tôn giáo được diễn xướng bằng hình thức hát, hát kể có kèm theo nhạc và nhảy múa, ngoài ra còn có những biểu tượng tôn giáo mang tính tượng trưng và nhiều yếu tố sân khấu dân gian (13).
Như vậy, diễn xướng nhạc, hát, múa là động cơ bên trong nảy sinh không gian thiêng, giúp then thăng, hóa, xuất, nhập trên đường đi. Nếu như hầu đồng của người Việt là hiện tượng nhập hồn thì hành trạng then Tày biến đổi theo hướng ngược lại, nghĩa là thoát hồn.
Cũng giống như dân ca của nhiều tộc người trên đất nước Việt Nam, phương thức truyền khẩu, tự ứng tác trong hát then là hiện tượng phổ biến. Mỗi then đều xây dựng âm hình giai điệu riêng ngay từ khi bắt đầu bước vào hành nghề, dần dần then tiếp thu nhiều làn điệu khác nhau mang âm hưởng dân ca nơi then sống. Điển hình như một số điệu lượn then có gốc giai điệu từ lượn cọi, lối hát giao duyên nam nữ tỏ tình.
Cách hát trong then phần lớn là hát nói (hoặc nói như hát) mang tính tự sự, kể chuyện, mô tả trên nền nhịp điệu không ổn định về tiết tấu. Đây cũng là đặc điểm khu biệt giữa then Tày và hầu đồng Việt, nguyên do nguồn âm điệu dân ca Tày hiếm gặp cấu trúc giai điệu dí dỏm, nghịch ngợm, tốc độ nhanh, hoạt, rộn rã. Hoàng Tuấn (14) phân định hát then làm ba dạng dựa theo tính chất biểu hiện của giai điệu: cầu khẩn niệm chú; giãi bày tâm sự; kể lể, mô tả.
Từ phân loại trên cho thấy, hát then mang đặc tính cầu khẩn, giãi bày, kể lể tạo nên kiểu hành lễ trong màu sắc tối. Thời điểm diễn ra nghi lễ then chủ yếu trong đêm tối, tất cả đều mang lại cảm giác hư hư thực thực, mờ ảo gợi lên vẻ huyền bí, âm u. Nếu vào ban ngày thì then thoát hồn trong nhà, tại những nơi ít ánh sáng chiếu vào.
Cây đàn cùng với hát then là tính tẩu, một sáng tạo đặc sắc của người Tày lấy chất liệu sẵn có từ môi trường thiên nhiên. Xung quanh sự ra đời cây đàn tính nhiều huyền thoại, truyền thuyết được thêu dệt, lưu truyền trong dân gian, là niềm tự hào của người Tày. Tính là âm tượng thanh tính, tình, tang đặt tên cho cây đàn, tẩu nghĩa là quả bầu chỉ rõ bầu đàn làm từ quả bầu. Dây đàn tính truyền thống trước đây dùng tơ tằm xe lại, sau đó lấy sáp ong hoặc nhựa củ nâu chuốt đi chuốt lại nhiều lần giúp dây bền và không rè, hiện nay thay thế bằng dây ni lông. Tiếng đàn tính gọn gàng, ấm áp, hơi đục do hộp cộng hưởng vỏ quả bầu chỉ có mấy lỗ thoát hơi nhỏ đằng sau. Về kỹ thuật diễn tấu, người Tày gảy chủ yếu bằng ngón trỏ, các ngón giữa và áp út chỉ có những người đạt tới trình độ tương đối điêu luyện mới sử dụng. Đàn tính là loại nhạc cụ của nghi lễ cầu cúng do đó ít xuất hiện trong sinh hoạt hát dân ca.
Đồng hành với hát then, đàn tính là chùm xóc nhạc (miạc), gồm nhiều quả nhạc nhỏ ghép lại, nối với nhau bằng các vòng tròn bằng sắt hoặc đồng. Trong nghi lễ hát then, chùm xóc nhạc tượng trưng cho những chiếc vòng lục lạc trên cổ ngựa, khi chạy phát ra âm thanh nghe réo rắt, do đó miạc có tên khác là Xáu mạ, nghĩa đen là nhạc ngựa. Nghề then coi chùm xóc nhạc như con ngựa thiêng được ông bà then cưỡi dẫn đoàn quan quân lên thiên giới. Giọng hát, đàn tính, chùm xóc nhạc vang lên tạo thành tổ hợp âm sắc gây ấn tượng đặc biệt, người Tày tin rằng, đó là sự tổng hòa các thứ tiếng có trong trời đất qua mối quan hệ biểu tượng: thiên – địa – nhân. Đàn tính do tiên trời ban cho, chùm xóc nhạc như đoàn âm binh dưới đất, giọng hát đại diện cho người cùng muôn loài trên dương gian. Về âm nhạc, miạc luôn tạo nên các nhóm tiết tấu khác nhau, dẫn dắt tiếng đàn điệu hát nhịp nhàng, ổn định, sự kết hợp không cố định giữa các quả nhạc xóc khi rung, lắc tạo âm thanh đa chiều, có màu sắc riêng không lẫn lộn với bất cứ nhạc cụ tự thân vang nào khác.
Cùng với âm nhạc không thể không nhắc tới trang phục then, nổi trội và đặc trưng nhất trong nghi lễ cấp sắc lẩu then. Màu sắc quần áo then mặc chủ yếu dùng các gam màu nguyên tông như: đỏ, vàng, tím, trắng, chàm, khác hẳn với kiểu phối màu của hầu đồng người Việt. Mỗi màu then mặc đều ứng với từng vị thần, do đó trong một buổi lễ then phải thay đổi nhiều lần, đây là ước định giúp then phô diễn hết khả năng trong mỗi hình thức nghi lễ nhất định. Tính thuần nhất về màu phân biệt rõ ràng giữa then và người bình thường trong ăn mặc sinh hoạt hàng ngày. Lễ phục then mặc kết hợp với không gian nghi lễ đã hình thành nên một sân khấu dân gian rực rỡ sắc màu, ở đó then đóng vai chính toàn bộ buổi biểu diễn. Sự sắp đặt trình tự lễ theo quy trình thời gian được then chuẩn bị chu đáo, đó chính là những nghệ nhân trình diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc, là sản phẩm kết tinh từ văn hóa Tày kế thừa toàn bộ di sản truyền thống, tự thân phát triển tới trình độ ngày càng hoàn thiện hơn, phát huy tối ưu kinh nghiệm, hiểu biết nghề then, được cộng đồng chấp nhận như người ưu tú, tiêu biểu cho phức hệ tín ngưỡng Tày.
5. Tạm kết
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về then Tày, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa dân gian, dân tộc học, ngữ văn… nhưng về âm nhạc học nói chung và âm nhạc tộc người nói riêng từ trước đến nay không nhiều, có thể nêu một số nhà nghiên cứu tiêu biểu: GS.TS Tô Ngọc Thanh, PGS.TS Thụy Loan, nhạc sĩ Hoàng Tuấn, Nông Thị Nhình… tất cả đều xuất phát từ nhận thức độc lập, say mê với làn điệu dân ca vùng miền. Tác giả viết bài này chỉ mong muốn tìm tòi và suy ngẫm những thành quả đã đạt được của nhiều người đi trước, bởi âm nhạc tộc người ở Việt Nam vẫn là mảnh đất còn nhiều vấn đề đáng chú ý, cần nghiên cứu sâu và có hệ thống.
Then Tày ẩn chứa đa phức thể nguyên hợp, định dạng nghiên cứu then từ nhiều lĩnh vực khác nhau góp phần giải mã hiện tượng then như hình thái văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật của nhiều tộc người khác trên đất nước Việt Nam.
_____________
1, 5, 9. Vũ Ngọc Khánh, Văn hóa tín ngưỡng Tày- Nùng, Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, Hà Nội, 1997.
2, 10. Hoàng Đức Hoan, Đỗ Đình Thông, Ma Xuân Thu, Bản sắc và truyền thống văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004, tr.46.
3, 4. Lã Văn Lô, Quanh vấn đề An Dương Vương Thục Phán hay là truyền thuyết Cẩu Chủa Cheng Vùa của đồng bào Tày, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 50, Hà Nội, 1963, tr.3.
6, 7. Lã Văn Lô, Hà Văn Thư, Văn hóa Tày Nùng, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1984.
8. Nguyễn Thị Yên, Thờ mẫu trong tín ngưỡng của người Tày, Nùng, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3, Hà Nội, 2000.
11. Nguyễn Thị Hiền, Người diễn xướng then: Nghệ nhân hát dân ca và thày shaman, Tạp chí Văn học, số 5, Hà Nội, 2000.
12, 13. Võ Quang Trọng, Bước đầu so sánh nghi lễ hầu đồng của người Việt và nghi lễ then của người Tày, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, Hà Nội, 2001, tr.44, 74.
14. Hoàng Tuấn, Âm nhạc Tày, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2000.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017
Tác giả : TRẦN HOÀNG TIẾN