1.
Nhân một chuyến đi Măng Đen, chúng tôi có ghé quán cà phê nổi tiếng ở Kon Tum, E-Va Café quán. Chủ nhân là họa sĩ Nguyễn Ngọc Ẩn, người một đời tâm huyết với các dự án, mô hình vườn rừng. Không gian quán cũng được thể hiện theo gợi ý tên quán: Eva và vườn địa đàng. À, không hẳn. Chỉ là không gian vườn rừng tự nhiên như thuở hồng hoang. Tất nhiên là quán, nên có bao nhiêu kiểu bàn ghế gỗ, mái nhà rông vút cao, những cấp cầu thang nghệ thuật… Trên đất, lối đi, ngang người bao nhiêu hoa cỏ, phong lan. Tất cả đều được bài trí thật tự nhiên.
Cây me cổ thụ bên cửa sổ các tầng rợp mát, trên cây mọc đầy phong lan rừng, dây leo… Một cảm giác cộng sinh, thân thiện, một hài hòa hàm ơn giữa con người và tự nhiên. Chúng tôi trầm trồ thán phục ý tưởng, tâm huyết của chủ nhân. Và rồi người bạn gọi điện mời họa sĩ Nguyễn Ngọc Ẩn lên chơi. Cuộc chủ khách nhanh chóng bắt mạch câu chuyện, khơi đúng tâm huyết người am tường Tây Nguyên và đời sống các dân tộc ít người của anh… Trong vô vàn câu chuyện về các tập tục người đồng bào miền núi, chi tiết đời sống du canh du cư ai cũng biết, bỗng được hiểu ở một góc nhìn khác. Sau một thời gian sống, “ăn rừng”, người dân chuyển sang nơi khác để “rừng ăn lại”, rừng tái sinh. “Ăn rừng” rồi để “rừng ăn lại”, thật lạ lùng triết lý cộng sinh thân thiện, bền vững này!
Tôi chợt nhớ chuyến đi của mình hơn hai mươi năm trước để viết loạt bút ký, phóng sự Một tuần ở rừng đại ngàn An Lão, và Theo chân những người buôn gánh vùng cao… Ở An Toàn 3, tôi được bạn bố trí theo một sơn nữ bắt ốc đá trong suối. Chưa quen nên lâu lâu tôi mới bắt được một con vì vừa chạm tới, vừa có cảm giác ốc là nó đã rời nhanh, trôi theo nước. Cô sơn nữ mỗi lần lùng hai tay xuống là cầm lên bốn năm con. Cô cười tôi không biết bắt ốc, nhiệt tình chỉ dạy. Nhưng tâm trí tôi rất không tập trung nên được chăng hay chớ. Chừng nửa giờ, cô đứng lên ròng ròng nước bảo, đủ ăn rồi, về thôi! Tôi ngạc nhiên, chỗ này ốc đang nhiều, ý nên bắt thêm, cô vẫn bảo, đủ ăn rồi. Tôi tiếc cuộc bắt ốc cùng cô kết thúc sớm, hơn là ham ăn nhiều loại ốc ngon có tiếng này.
Cùng những quan sát khác trong chuyến đi ấy, tôi nghĩ về những nhọc nhằn, nghèo khổ của người miền cao. Nhìn cảnh chiều nhập nhoạng, người đi rẫy cặm cụi gùi về gùi củi, gùi lúa, gùi củ, bầy heo mẹ heo con ngoài rừng kéo về ụt ụt quanh quẩn trước sân, gió rừng lào thào lùa qua khu đĩ nhà sàn, rồi bếp nhà ai vừa kịp đỏ lên cho bữa tối…, thấy chút chạnh lòng. Tôi nghĩ đồng bào miền cao sống gắn với núi rừng, tự cung tự cấp là hồi trước. Giờ người Kinh lên buôn bán nhiều, sao họ không có ý thức, không biết “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, làm hôm nay còn để dành ngày mai, lúc thuận lợi sao không tích trữ? Con cá, con ốc dưới suối, con thú con ong trên rừng, cứ “đủ ăn rồi, về thôi” thì làm sao đời sống khấm khá lên được? Hay họ lười, không “năng nhặt chặt bị” như người miền xuôi?
Ý nghĩ vẩn vơ ấy cứ đeo đẳng đến khi gặp họa sĩ Nguyễn Ngọc Ẩn và cái triết lý đơn giản mà thẳm sâu “ăn rừng rồi để rừng ăn lại” mới cho tôi lời giải không ngờ. “Đủ ăn rồi, về thôi” không phải lười, càng không hề sâu xa tự tại kiểu “tri túc” của Nho gia, mà là một ý thức cộng sinh của con người với tự nhiên. Vừa hàm ân thụ hưởng vừa nuôi dưỡng hài hòa theo quy luật. Người miền núi không kiêu ngạo chủ thể kiểu ý thức khai thác, chinh phục thiên nhiên, mà là, hòa vào, chung cùng. Đã ngàn năm qua như thế. Cho tới khi…
2.
Cho tới khi chúng ta, những người tự hào việc làm chủ thiên nhiên với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, và lòng tham không đáy, đã khai thác kiểu triệt hạ, bòn bóc đến tận cùng. “Rừng vàng” đã cạn kiệt. “Biển bạc” cũng thưa vắng cá tôm. Đất đai bạc màu, sa mạc hóa… Sách giáo khoa liệt kê những sản vật quý của rừng từng vùng miền, nào là gỗ lim, gụ, trắc cẩm lai, gõ, chò chỉ, huỳnh đàn…, nào là ngà voi, sừng tê, chim công chim trĩ, gà gô…, rồi mỏ vàng mỏ thiếc… Gỗ quý đã không còn, bọn lâm tặc lén lút nhặt nhạnh đâu đó, giờ giá gỗ như giá vàng. Những đàn voi kiêu hãnh của núi rừng Tây Nguyên giờ lèo tèo ước đoán mấy chục. Cá thể tê giác cuối cùng cũng đã bị săn trộm, bị thương rồi chết rũ ở rừng Cát Tiên. Bầy khỉ, voọc cũng vào nồi nấu cao. Những tay gấu hiện diện trong các thẩu “rượu quý” nhà giàu… Không phải khai thác, mà là tận diệt. Những cánh rừng mênh mông, trập trùng suốt hàng trăm cây số không còn nữa, giờ là những đồi, nối tiếp những đồi trơ trụi, nắng cháy. Con người đã rượt đuổi rừng tận mạng!
Và quả báo nhãn tiền: mỗi mùa mưa lũ, nước nguồn trút xuống giận dữ cuốn phăng tất cả. Đất đai bạc màu, sa mạc hóa. Hạ du, cả phố cả đồng lóp ngóp nước dâng như đại hồng thủy ngàn vạn năm xưa trong huyền sử. Gọi chung là thiên tai. Ấy là chưa kể nhân tai xả lũ…
Những xác rừng trôi theo không chỉ gỗ mục ngui ngút nỗi nghiệm sinh kiếp phận, mà cả những thân gỗ bị cưa cắt oan uổng con người chưa kịp thu gom vào hầu bao. Rừng cũng hiện diện tận miền xuôi, bi thương và uất ức.
Những sông lớn miền trung, trước đây quanh năm ăm ắp nước, ghe thuyền xuôi ngược buôn bán từ cửa sông lên thượng nguồn, giờ sau mùa mưa vài tháng, đã cạn kiệt nước, phơi lòng mênh mông cho vịt đàn rúc mò hến, trâu bò gặm cỏ bình yên trong chiều. Cái yên bình ẩn chứa một nỗi niềm. Đâu còn nước cho những ông bà già nhớ xưa mà nuối tiếc kỷ niệm bến sông quê, cho người trẻ gửi gắm một thao thiết “chảy đi sông ơi”… Và trên hết là một cảnh báo về sự bất thường, về tai họa đâu đó…
Con người rồi cũng kịp biết sợ những cuồng nộ của thiên nhiên. Đã có hẳn một chính sách lớn của nhà nước về việc khắc phục sai lầm ghê gớm của mình: trồng rừng, với khẩu hiệu “phủ xanh đất trống đồi trọc”. Con người vốn thích những khẩu hiệu cộng đồng đầy hãnh diện vậy. Và những cánh rừng trồng đã lên xanh, vá víu, sám hối.
Chẳng thể nào trả lại những rừng xưa giàu có, bao dung, thân thiện. Nhưng ý thức sửa sai của con người, dù muộn, vẫn còn hơn không. Không phải cho rừng. Mà cho chính chúng ta, nếu thành ý. Như việc phục thiện. Như lời xin lỗi. Và cho cả con cháu chúng ta nữa. Rằng cha ông đã từng gây họa và biết sửa chữa lỗi lầm.
3.
Còn một rừng khác. Rất khác.
Tháng sáu vừa rồi tôi có dự Trại sáng tác văn học của Tạp chí Văn nghệ quân đội ở Đồng Nai. Trại viết tổ chức những chuyến đi thâm nhập thực tế ở La Ngà, chiến khu Đ…
Về thăm lại di tích La Ngà, nơi từng có chiến thắng lớn nhất thời Chiến tranh Đông Dương, ngày 1 tháng 3-1948. Chiến thắng vang dội của quân dân Miền đông Nam bộ do thi tướng Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy tiêu diệt 59 xe thiết giáp, xe cơ giới, 150 quân viễn chinh Pháp và 25 sĩ quan (có 2 đại tá) trên quốc lộ 20 suốt đoạn phục kích dài 9km, hai bên đầy rừng rậm giờ là những làng mạc cư dân đông đúc của huyện Định Quán. Rừng biến mất như nhiều nơi, thôi không nhắc thêm ở đây.
Chiến khu Đ nổi tiếng từ thời đầu xây dựng 1946 đến khi đất nước hòa bình thống nhất, quy mô mở rộng đến 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, nơi đặt Bộ chỉ huy Trung ương Cục Miền nam, căn cứ Khu ủy Miền Đông Nam bộ đã quá nổi tiếng, cũng không phải vấn đề của bài này.
Nhưng rừng, rừng của chiến khu, lần đầu có cơ hội đến thăm, tôi có một cảm giác rất lạ.
Những mất mác, hy sinh, suốt mấy chục năm chiến tranh khốc liệt trên đất nước này không lạ. Từng đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Hang Tám cô đường Trường Sơn, Quảng Bình, Ngả ba Đồng Lộc…, nhiều nữa, mọi cảm nhận trong tôi đều nhất quán một sự kính ngưỡng thiêng liêng những máu xương tan vào bụi đất cho non nước yên bình, cho người còn sống, cho con cháu hôm nay. Những cuộc chiến đấu trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, và chiến tranh nơi đâu trên thế giới này không chất ngất máu xương, chiến thắng nào cũng xây bằng những xác người.
Mấy chục cây số đi vào rừng nguyên sinh Mã Đà, vào các căn cứ kể trên, nhìn địa đạo, những nhà chỉ huy lợp lá trung quân, bếp Hoàng Cầm, chỉ chút tò mò. Nhưng khi dâng hương nơi Đền thờ liệt sĩ ở Chiến khu Đ, tôi có cảm giác khó thở. Đền thờ, Đài tưởng niệm, rồi đi dọc rừng ra nghĩa trang liệt sĩ tiếp tục dâng hương, tôi chênh chao, khó thở. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận điều khác lạ như các giải thích về tâm linh. Người hướng dẫn viên cho biết nơi đây từng là Bệnh xá Sư đoàn 9 Anh hùng của Miền Đông, từng có hơn 1000 liệt sĩ chôn quanh khu rừng. Vùng đất này quá cứng, thêm cây rừng, mỗi liệt sĩ chỉ được đồng đội bọc tấm ni lông rồi lấp đất, huyệt mộ đào chỉ sâu chừng sáu, bảy tấc, một cơn mưa rừng là trôi sạch đất phủ, có khi thú rừng nghe hơi tìm đến moi xác. Gọi là nghĩa trang liệt sĩ nhưng thực chỉ còn 7 ngôi mộ có hài cốt, mấy chục mộ khác là mộ gió, xây quanh quanh một cách tượng trưng. Cả ngàn liệt sĩ khác thân xác không còn, hồn lẩn khuất đâu đó trong tán rừng nhỏ nơi đây… Hỏi thăm vài bạn đồng hành, họ cũng cùng cảm giác thật lạ. Nhiều người vô tư tạo dáng chụp hình để tương lên phay chứng tỏ họ đã tới nơi đây. Chuyện bình thường thôi, mỗi người một “thu hoạch” khác nhau trong chuyến đi. Khói hương nghi ngút đang tản dần vào rừng xanh lá thẳm. Chúng tôi lằng lặng ra về, với những tâm tư riêng.
Đã 43 năm ngừng tiếng súng chứ ít gì. Những người lính trẻ năm xưa nếu còn sống giờ đã là những ông già. Chợt nhớ 2 câu trong bài Những người chết không trẻ mãi của nhà thơ Thanh Thảo: Những người chết đang già đi chầm chậm/ Đôi khi họ ngoái nhìn trần gian qua một lớp kính mờ. Nhà thơ từng chiến đấu ở chiến trường Miền đông Nam bộ, mấy chục năm sau hòa bình đã viết về ánh nhìn của những người lính chết trận đầy ám ảnh. Mắt họ đã khép lại vĩnh viễn, thân xác họ đã hòa vào đất hay tản mác trong cây trong gió trong nước, nhưng ánh mắt họ đâu đó vẫn còn nhìn về hôm nay.
Phải rồi, còn một rừng nữa, trên khắp dải Trường Sơn, trên khắp mọi vùng miền đất nước này, ở đó còn lưu giữ những tản mác hồn tử sĩ.
Lại nhớ một bài hát cũ: … Gươm anh linh, đã bao lần vấy máu/ Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình/ Rừng trầm phai sắc/ Thấp thoáng tàn canh/ Hỡi người chiến sĩ vô danh…
Sau này người ta cẩn trọng sửa lại trong nghĩa trang liệt sĩ, thay chữ “vô danh” thành chữ khác. Cũng chỉ cốt yên lòng người còn sống chứ nào có vơi được nỗi đau của người thân khi chưa tìm được hài cốt cha, chồng, con mình. Thôi không nhắc đến trò ngụy tạo hài cốt của bọn ngoại cảm vô lương. Chuyện này rừng không có lỗi nhưng rừng trĩu nặng tâm tư: con người còn cư xử với nhau thế, huống chi.
4.
Cũng trong chuyến đi Măng Đen kể trên, chúng tôi được một lãnh đạo huyện Kon Plong cho biết huyện có tỉ lệ rừng tự nhiên che phủ đến 80%, tỉ lệ cao nhất nước. Mọi người đều trầm trồ ngạc nhiên. Một Măng Đen được Chính phủ phê duyệt xây dựng thành vùng Du lịch sinh thái, Du lịch tình yêu…, nơi được ví là Đà Lạt thứ 2 về khí hậu, nhưng hoang sơ, độc đáo với rừng thông, rừng nguyên sinh, thác với hồ, chùa Khánh Lâm, tượng Đức Mẹ Măng Đen… Đã có nhiều dự án đầu tư. Mới đây, lớn nhất có thể kể dự án về sản xuất nông nghiệp sạch, phát triểu dược liệu, bằng ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn VinGroup, tổng vốn 1000 tỉ VND. Đã chuyển giao nhà đầu tư này 500 ha, và tương lai là 500 ha nữa.
Chỉ có thể phá rừng lấy đất cho những dự án thôi!
80% rừng tự nhiên che phủ, rồi những năm sau sẽ còn lại bao nhiêu? Cứ tin những dự án sẽ đem đến điều tích cực cho sự phát triển, giàu có một vùng đất nói chung. Nhưng liệu còn cách nào khác hợp lý hơn không? Chúng ta đã thực lòng thương lượng với thiên nhiên chưa, để xây dựng mối quan hệ cộng sinh thân thiện? Và sự giàu có lên của một vùng đất sẽ không kèm theo hệ lụy khác đáng tiếc?
Ở các nước phát triển, con người trân giữ từng góc núi, vạt rừng, ngọn đồi…, không bàn ở đây. Chỉ xin nhắc rằng giờ đã hội nhập bao lẽ, những điều hoang dã mấy chục năm trước đã tạng mặt bao trả giá, điều hay ho của xứ người đã thấy, đã biết, lẽ nào không cư xử với thiên nhiên, với rừng khác đi?
Không phải đơn giản và sâu xa “ăn rừng rồi để rừng ăn lại” theo sự cân bằng sinh thái tự nhiên. Cần lắm những nhà hoạch định, nhà đầu tư có tâm, có tầm. Để vẻ đẹp giàu tương lai một vùng đất không có bộ mặt vênh váo, phô diễn như những trọc phú học làm sang, mà là sự phồn thịnh nhân bản, nơi con người biết hàm ơn tự nhiên như bản năng sinh tồn xửa xưa.
Và thêm một lẽ nữa, trên đất nước ngàn năm cuốc cày và đánh giặc này, chừng như từng mảng cây rừng đều thấm máu cha ông. Rừng đã lên xanh như vốn dĩ và rừng còn thiêng liêng. Với nghĩa sâu thẳm nhất, chữ hồn rừng.
Nguồn Văn nghệ số 45/2018