Nhà thơ Phạm Vân Anh vốn là một người lính biên phòng. Xuất hiện trên văn đàn khá sớm (Chị sinh năm 1980 và đến năm 2004 đã cho ra mắt tập thơ đầu tay có cái tên khá ấn tượng là “Tôi chào tôi”), song đến tác phẩm tươi mới này Phạm Vân Anh đã khẳng định được vị thế của một tác giả có nhiều kinh nghiệm sống với những hình ảnh ẩn dụ dồn nén cảm xúc trong những sáng tác dài hơi của mình. Với gần 1.000 câu thơ,, chia làm 7 chương,  Phạm Vân Anh đã phác họa nên được một bức tranh khá đủ đầy về cả một quá trình dài của những con dân đất Việt – Những người đã gắn bó với biên cương từ thời kỳ dựng nước đến thời kỳ giữ nước, từ trong chiến tranh cho đến ngày hòa bình…

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ, Văn nghệ xin trích giới thiệu một phần trong Mưa Giêng Hai, chương viết về nội dung này trong trường ca Sa Mộc. Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan đã đánh giá về Mưa Giêng Hai như sau:  

… Tính hồi tưởng, như một kích thước tích cực của tang chế, quán xuyến chương thứ tư, với những hình ảnh gợi âm u nhưng gắn vào sự sống hơn là cái chết – mà ở đây, luôn luôn mang hình hài ẩn dụ: “Độc thoại giữa miền trời. Cú kêu bạc đường mây. Muốn bay… Mà đêm đặc. Muốn trôi… Mà nước sánh. Lại một đêm con tan chảy. Mưa Giêng Hai, mẹ ạ… Lũ chúng con… Từng mảnh đêm. Hòa vào ánh sáng! – Con gặp lại tuổi mình trong người lính trẻ đêm nay.”

Dấu hiệu ẩn dụ bao trùm ở đây chính là cái tên chương “Mưa Giêng Hai” gợi nhắc biên cương một mùa xuân xa khi “Lứa chúng con lớn vội. Bỏ quên tuổi mình. Quáng quàng ba lô, quáng quàng đạn pháo. Quân chưa đầy năm đã ngược Hà-Tuyên xuôi Thanh-Nghệ” và khi “Chít vành sa đầu núi. Mây gió để tang người. Uống ngụm gió Bấc. Cột mốc bơ phờ lặng mặc đời trôi. Điếu thuốc chưa thơm râu. Người đã đi quá vội. Chầm chậm màu cờ loang ngực áo mồ hôi.”

Chương này đúng thực là một chương hành khúc tang lễ mà những đoạn hồi tưởng sống động, đầy hình ảnh, cho thấy đâu có phải là “Chiến tranh đã ngủ yên trong ngăn kéo lãng quên. Như nắm đất khô không níu nổi bước thời gian bôi xóa.” Bởi các đoạn thơ thác lời những anh linh trẻ nói với “mẹ” đã đem tới một ẩn dụ bao trùm nữa: ẩn dụ về ký ức tập thể của Dân và Nước, ký ức có tính thiêng liêng, có tính ràng buộc và không thể “bôi xóa.”

Xin giới thiệu cùng bạn đọc

MƯA GIÊNG HAI

Độc thoại giữa miền Trời

Cú kêu bạc đường mây

Nghe sầu dâng ngập đỉnh

Muốn bay…

Mà đêm đặc

Muốn trôi…

Mà nước sánh

Lại một đêm con tan chảy

Mưa Giêng Hai, mẹ ạ

Tiếng rì rầm tở mở trong cây, trong đất

hay lòng con thôi thúc

Mưa về ủ trên tàn cây cô độc

Đang căng mình nuôi lộc biếc

Đàn gõ kiến đội mưa xua lũ mối ngái ngủ

rúc vào hoảng loạn

Từng mảnh đêm bắn tung quanh bữa tiệc cây mục ruỗng

Kiên trì đẽo vào thinh không từng lỗ hổng đại ngàn

Mùa mưa dài vắt ngang triền núi

Miền rừng gầy cây hắt bóng

Lũ chúng con…

Từng mảnh đêm

Hòa vào ánh sáng!

…..

Con gặp lại tuổi mình trong người lính trẻ đêm nay

Những mười chín đôi mươi, những non tơ khát vọng

Quân hàm xanh

Lấp lánh sao trời sau phiên gác

Mưa Giêng Hai

Rót vào con một miền thơ bé

Từng đàn cu đất đội mưa về cội xoan đương hoa

Cái dáng bay, dáng đậu cũng hiền hòa cục mịch

Như dân quê bám đất

Dẫu cơ cực đường cày, lấm lem tay giậm

Nổi nênh bao cuộc chiến chinh

Ai cũng giấu trong mình ly biệt

Vẫn thảo thơm lời nghĩa nhân Bụt dạy

Vẫn lam lũ phận mình trên đồng bãi

Trầm luân dâu bể

Tích nước vối ngọt bùi

Thơm lưng cơm gạo lứt

Khói bếp Giêng, Hai cũng nhẹ như mưa

…..

Xuân ngang qua mặt người đấy thôi

Con hóa loài lá thiêng về bên mẹ

Con học cách dửng dưng khi chẳng ai còn nhắc đến mình

Chúng con đã ít nhiều hi vọng

Giữa lòng suối nồng thuốc súng

Se sẽ nở nhành hoa

Chiến tranh đã ngủ yên trong ngăn kéo lãng quên

Như nắm đất khô không níu nổi bước thời gian bôi xóa

Chỉ còn mẹ không thôi nhung nhớ

Không thôi gọi con trong hư ảo hương trầm

Những suy nghĩ ồn ào tập hợp hàng ngang dãy dọc

Rưng rưng nâng chiều

Những giấc mơ lằn đường đạn thẳng

Những cơn say vỡ ngực quân thù

…..

Lứa chúng con lớn vội

Bỏ quên tuổi mình

Quáng quàng ba lô, quáng quàng đạn pháo

Quân chưa đầy năm đã ngược Hà – Tuyên, xuôi Thanh – Nghệ

Ký ức biên cương dốc mắt rừng già

Chưa quen đồn thạo chốt đã chai sần giá súng

Lũ chúng con…

Cầm mùa trăng đi qua phù sinh

Cầm tuổi mình đi qua chiến tranh

Lớn vội lớn vàng cho thanh tân Tổ quốc

Hát bài ca cánh võng

Sa mộc treo vầng trăng khuyết tuổi giữa đêm rừng

Ban mai thắp nụ đào nở sớm

Biên cương chào năm mới cũng rưng rưng

Trung đội con vào trận

Giữ những lòng khe nhẫn nại gom nước về biển cả

Giữ những vạt đồi nhỏ tựa bàn tay

Giữ từng rông núi xôn xao cửa gió

Phiên gác đêm cũng nhiều thổn thức

Giữa tiếng pháo cầm canh dõng dạc một tiếng gà

Lời đồn như bệnh dịch ùn ùn kéo đến

Những bụi mua im lặng giấu sau hoa tiếng súng

Quả sim chưa ngậm mật đã ứ độc tương tàn

Súng ơi…

Cùng biên cương ta thức!

…..

Bộc phá đã nổ rồi

Đồng đội kèm nhau dựng lũy đá trào lên

Vượt hiểm hung giăng lòng tham vọng

Lẫm liệt đội tiêu binh sa mộc

Thi gan nơi Cổng Trời

Chít vành sa đầu núi

Mây gió để tang người

Uống ngụm gió Bấc

Cột mốc bơ phờ lặng mặc đời trôi

Điếu thuốc chưa thơm râu

Người đã đi quá vội

Chậm chậm màu cờ loang ngực áo mồ hôi

Ngàn lau trắng chưa quên mình từng biếc

Vội để tang cho tuổi xuân phai

Cơ số đạn giật thoát cơn mê ngủ

Khạc hờn căm vào bóng tối

Chiến trường cồn súng dội

Mấy chục đêm ngày bản nhỏ đón thương binh

Gian nhà đất nhường người ra trận

Nào có ai đong đếm những hi sinh

Ngày đó biên thùy đâu cũng là trận tuyến

Phên giậu lòng dân thấm quyện

Phẩm hạnh đất nghèo còn đó với núi sông

…..

Bộc phá đã nổ rồi

Đã sơ tán xuống thung, nghe tin dữ cả bản về suối cũ

Chiều hôm ấy biên thùy lênh loang đỏ

Mùi bom đạn không còn khét nữa

Chỉ có lá xanh in dòng nước đỏ

Chỉ có đá lạnh vương hồn người vỡ

Ngọn cây đen trĩu tựa que cời ngơ ngác vạch nền trời lời cảm thán

Tiếng trống đồng ánh ỏi tựa máu người

Thương thầy mo già mắt ngầu lễ cúng

Hận rặng tre chẳng đủ làm hình nhân cho các anh

Hận không được nuôi ma ba ngày

Hận bài cúng ma khô giờ đành cúng ma tươi

Điệu múa vòng đã chẳng còn vui

Chỉ mong các anh tìm về nơi đầu tiên sinh ra

Lòng mẹ!

…..

Tuyết gắn huy chương ngực lá xanh

Người lính khắc tên thân thẳng

Sau trận đánh vùi say giấc trẻ

Báng súng đẫm sương

Ngón tay thức trọn đêm trên điểm hỏa

Gửi mất còn nơi đất quê hương

Những bà mẹ núi rừng chờ con trong xa  vắng

Tin dữ về

Mẹ cắm cành xanh trên vách trình nâu đỏ

Xin đừng ai buồn nỗi buồn của mẹ

Đất nơi này không thể mất

Cho kẻ giành sông giật núi đã quen

Đất này không có người hèn

Con mẹ đi đường hươu nai biết thương đàn nhớ tổ

Làm người trai giữ nước

Có đội quân nào sặc sỡ hơn

Khi đỏ, cam, chàm, tím, nâu, đen cùng vào trận

Nơi biên viễn anh em thành đồng chí

Già trẻ gái trai một lòng đánh giặc

Nâng đất nước gầy hao qua giông bão xoay vần

Ngọt khe nước ngầm, sắc rông đá chạy

Giữ mạch nguồn kiến tạo địa tầng sinh tụ

Màu cờ loang ngực trẻ

Con mẹ hòa xám lạnh

Ký thác lời ngàn năm

Xin đừng ai buồn nỗi buồn của mẹ…

………

Mẹ nhìn trời biết nơi con trở rét

Nén hương xa…

Không ấm kịp lạnh gần

Chim Khảm Khá mổ hạt cườm lích chích

Đậu rồi bay trên sương tuyết chốn con nằm

Con ước mùa này cơn bấc bớt hanh hao

Mẹ dỡ lạc triền sông đo bước gió

Cha xua quạnh hiu tiếng điếu cày rít đất

Biết người buồn…

Con trâu gộc lặng thinh không gõ móng

Đụn rơm, xóng rạ mơ ngày mê mải khói lên

Ngõ nhà mình dâm bụt rụt rè hoa

Lại một mùa mưa qua Giêng Hai

Từng con đập trên thượng du xả lũ

Cho chúng con về xuôi chộn rộn cả góc chiều

Thời khắc bán âm, bán dương

Những đứa trẻ chưa kịp già để thành đom đóm

Chưa đủ khôn để nhập lấy bóng mình

Xếp hàng thuyền lá

Theo lũ về miền phái sinh

…..

Vẫn nhịp hải hà

Vẫn ngấn phù sa

Vẫn bao dung cửa biển chìm lút oan khiên

đổ về từ lạch nguồn bắt nước

Nhưng lao lung thì có dòng sông nào không chảy,

có đứa con nào không ngóng về nguồn cội

dẫu quê hương xa xót đói nghèo

Như lũ chúng con làm một cuộc hành hương

từ địa đầu đá sỏi

Lá về đâu khi bóng lạc hình

Thấy mẹ cha quét lá bàng thảng thốt nhân sinh

Thấy em thơ vụt lớn tự bếp mùn

Và cô bạn tấm mẳn đã không còn trẻ nữa

Chỉ thế thôi rồi trôi đi cùng lũ

Bến âm dương cách có một vòng tay

Kiếp phù sinh theo mây

Gặp gió lại về rừng.