LTS: Sơn mài là chất liệu thủ công mỹ nghệ lâu đời trong khu vực Đông Á. Ở nhiều nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực này, không ít họa sĩ nỗ lực biến sơn mài trở thành một phần hữu cơ của nghệ thuật tạo hình hiện đại, nhưng không phải tất cả đều thành công. Trong tương quan này, Việt Nam được nhắc đến như một đất nước chứa đựng kho báu hội họa sơn mài hiện đại với nhiều họa sĩ tài năng: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tiến Chung, Phạm Hậu… Bên cạnh chúng ta, vẫn có những nền hội họa sơn mài liên tục vận động và tiến triển mạnh mẽ. Biết rõ hơn về họ để ta càng phải cố gắng tránh tụt hậu.
VHNT giới thiệu đến bạn đọc bài viết nghiên cứu của một giáo sư nghệ thuật về tiến trình của hội họa sơn mài hiện đại Trung Quốc (1), để thấy những nỗ lực nghiên cứu, thể nghiệm sáng tạo với chất liệu này của họa sĩ Trung Quốc là rất lớn. Họ cũng từng cử người sang Hà Nội học hỏi về kỹ thuật tạo hình của họa sĩ sơn mài Việt Nam, từ đầu những năm 60 TK XX.
Vào cuối năm 1979, tình hình chính trị ở Trung Quốc ổn định hơn, các chính sách văn hóa đã được tự do, sự nhiệt tình sáng tạo của các họa sĩ ngày càng tăng lên, ý thức về chủ thể hội họa được nâng cao chưa từng có. Tất cả các họa sĩ thấy rằng, sơn và một số vật liệu trang trí cung cấp cho tranh sơn mài phong phú chưa từng có, sự tích tụ hàng nghìn năm đã cung cấp vô số các phương tiện biểu hiện cho sơn mài hiện đại. Sự tham gia nhiệt tình của các họa sĩ khiến cho tranh sơn mài, tranh khắc bản, sơn dầu và ngôn ngữ thủy mặc trở thành một hiện tượng phổ quát. Nghệ thuật sơn mài của Trung Quốc cuối cùng cũng có khả năng truyền đạt cảm xúc và thể hiện được đầy đủ thế giới khách quan và chủ quan, thông qua cường độ biểu hiện, chiều sâu và chiều rộng của bức tranh.
Phúc Kiến đi tiên phong và thành công với triển lãm chuyên đề tranh sơn mài đầu tiên. Năm 1979, Ngô Xuyên khởi xướng và dẫn đầu hội nghiên cứu sơn mài tỉnh Phúc Kiến trong sự kiện Triển lãm sơn mài tỉnh Phúc Kiến lần thứ nhất. Triển lãm này được tiếp tục trưng bày trong năm 1980 tại Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc rồi lại đưa về Tứ Xuyên. Từ năm 1978, Pauline Dean, giảng viên Học viện Mỹ thuật Nam Kinh, đã dẫn các sinh viên đến công xưởng sơn mài ở Dương Châu để sáng tác tranh sơn mài để ba năm sau, năm 1981, khai mạc triển lãm sơn mài đầu tiên ở Bảo tàng Mỹ thuật Giang Tô với 200 tác phẩm. Sau đó, Trần Thánh Mưu khởi xướng việc sáng tác sơn mài ở tỉnh Giang Tây. Ở Thiên Tân, có Hoàng Duy Trung và Vương Chấn Tỏa dẫn đầu trong việc sáng tạo ra tranh sơn mài trên tấm nhôm. Năm 1983, Triển lãm tranh sơn mài Thiên Tân được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc. Cùng năm đó, sự kiện Phúc Kiến, Giang Tây, Thiên Tân liên kết triển lãm cũng được diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc. Điều này cho thấy việc mở cửa tạo lập sơn mài hiện đại Trung Quốc không thể đạt thành quả mà không có nhận thức xã hội rõ ràng của lãnh đạo các tỉnh, thành phố ở Trung Quốc.
Tại Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia lần thứ 6 năm 1984, tranh sơn mài đã được công nhận là một thể loại nghệ thuật độc lập và trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử sơn mài hiện đại của Trung Quốc, nghĩa là tranh sơn mài hiện đại Trung Quốc đã bước vào tuổi trưởng thành, có thể được liệt vào trong đại gia đình mỹ thuật, và có vai vế ngang với quốc họa, sơn dầu, khắc bản, điêu khắc… Triển lãm nghệ thuật quốc gia lần thứ 6 tại 17 tỉnh, thành phố, trong số 120 bức tranh sơn mài được trưng bày, có 7 bức được trao huy chương và riêng tỉnh Phúc Kiến giành 4 huy chương. Có thể kể đến bức Quăng lưới (tác giả Trịnh Lực Vị), nước biển và bãi cát được biểu hiện bằng màu đỏ, màu đen, tuy trái với thực tế, thiếu chân thực và thiếu sức thuyết phục, nhưng với mùi vị vừa thuần chất lại vừa phong phú về hình thức và biểu cảm của chất liệu sơn nên đã nhận giải bạc trong triển lãm này. Đường Minh Tu với lòng hăng hái sắc bén của thanh niên đã sáng tác tác phẩm Phơi nắng, vẽ cậu con trai bụ bẫm ngồi trong xe đẩy dưới ánh nắng chan hòa, đường nét hòa hợp, màu sắc ấm áp trong một phông nền rộng rãi, màu da sáng lạn, rực rỡ, chuyển động trong nhịp điệu sáng tối của bức tranh, các chi tiết như gà mẹ gà con làm vui thêm cho cuộc sống thường ngày. Tác phẩm cũng đã nhận giải bạc trong triển lãm này. Vương Hòa Cử, với bức Đảo Cổ Lãng, đã nén không gian vào một mặt phẳng, với màu đỏ, xanh lá cây và trắng: ở đây màu xanh và trắng được bố trí đậm đặc thành dải zích zắc để tạo nên sự thanh bình của đảo Cổ Lãng trong thế kỷ vừa qua. Bức tranh này đoạt giải đồng trong triển lãm. Kiều Thập Quang với bức Cao nguyên Thanh Hải đã tái đắc cử hai huy chương bạc trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc.
Năm 1987, Hiệp hội Mỹ thuật Trung Quốc, Tổng Công ty Nghệ thuật và Thủ công Trung Quốc và bốn đơn vị khác đã tổ chức triển lãm Nghệ thuật sơn mài Trung Quốc lần đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Trung Quốc, với quy mô 5 gian trưng bày, 701 tác phẩm. Cùng với triển lãm, Trung tâm Thông tin sơn mài quốc gia đã tiến hành công khai và liên lạc để tổ chức Hội thảo sơn mài Trung Quốc lần đầu tiên tại Bắc Kinh. Sau đó, triển lãm được mang đi trưng bày ở Liên Xô (cũ), tại Bảo tàng Moscow và Bảo tàng Leningrad. Trong triển lãm này, đáng chú ý có Ngô Xuyên, người Phúc Châu, với một loạt tác phẩm vô cùng mạnh mẽ về bút pháp, súc tích về nội dung và nghệ thuật. Đống cỏ được ông vẽ chồng chất nhiều lớp sơn rồi thiếp bạc để che phủ và mài thủng tạo thành khúc xạ có lớp lang, tả được sự huyền bí của ý cảnh lúc hoàng hôn, đã đoạt được giải thưởng xuất sắc của triển lãm này. Trong tác phẩm Phụ nữ Mân Nam, ông sử dụng sơn đen làm mặt nền với diện tích lớn, không chỉ thể hiện đầy đủ vẻ đẹp của sơn mài tự nhiên, vừa mang ánh sáng lạnh của xà cừ, làm nổi lên màu trắng ngần của vỏ trứng với trình độ cực cao. Hoàng Duy Trung vẽ sơn trên tấm nhôm với kết cấu được cường điệu bất ngờ, màu sắc súc tích, rõ ràng và đơn giản. Có thể khẳng định rằng, triển lãm tranh sơn mài lần thứ nhất của Trung Quốc cũng đã mở đầu cho triển lãm chuyên đề sơn mài đồng thời mở ra thị trường tranh sơn mài đầu tiên của Trung Quốc (2).
Năm 1989, tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ 7, 30 tỉnh, thành phố đã gửi 247 bức tranh sơn mài đến Bắc Kinh để tham gia, cho thấy sự phổ biến và phát triển của hội họa sơn mài. Ban tổ chức chọn lọc được 165 bức sơn mài tốt để trưng bày, trong số này có 1 giải vàng, 2 giải bạc và 11 giải đồng chung cuộc. Sơn mài Phúc Kiến một lần nữa lại giành giải thưởng lớn và đứng trong top đầu của cả Trung Quốc: Trần Lập Đức với Trăng sáng nến hồng (1989) miêu tả tâm trạng, niềm vui và nỗi buồn của một Hoa kiều trở về quê hương đoàn tụ với gia đình, đánh dấu sự khai phá và hướng tới chiều sâu tình cảm, thế giới nội tâm của nhân vật. Bức tranh giành được giải vàng. Vương Hòa Cử có tác phẩm Lão Tử xuất quan, với lối tạo hình mịn màng như da người, tựa như dạng tranh cắt giấy của vùng phía Bắc Thiểm Tây, được vẽ nhiều lớp rồi mài để lộ cốt, với tài nghệ cao, dựa vào kỹ thuật cổ xưa của vùng Thiểm Tây để biểu hiện cái hồn tác phẩm theo phong cách dân gian hiện đại. Bức tranh được trao giải đồng trong triển lãm này. Trịnh Lực Vi có Xuống biển, với hình ảnh chiếc quần của phụ nữ Huệ An (3) bị lấm bùn đen, hai mảng màu son của Trung Quốc được mô tả chỉ trong một chiếc khăn đội đầu màu trắng của họ, tính mỹ cảm tràn đầy đã đưa tác phẩm đến với giải đồng. Tỉnh Giang Tô và Giang Tây cũng đồng hạng và đã có huy chương thứ hai. Trần Ân Thâm của Tứ Xuyên có Dạo bước tháng tư với sự kết hợp giữa cổ xưa và đương đại, với sự sâu lắng và bắt mắt của màu sắc sơn tự nhiên kết hợp với sơn công nghiệp màu trắng. Đó là một cách làm mới lạ; bức tranh đoạt giải bạc và được chọn làm bìa cho tạp chí Mỹ thuật số 11 của năm. Triển lãm tranh sơn mài lần thứ bảy đã thu nạp nhiều phong cách khác nhau, như phong cách sơn dầu, chạm khắc, khắc bản, các phong cách phương Tây, phương Đông, làm nổi bật đặc tính của từng địa phương, được cả trong và ngoài ngành đánh giá cao.
Các tác phẩm sơn mài trong triển lãm tranh sơn mài toàn quốc lần thứ 7 đã trở thành nhân chứng cho giai đoạn rực rỡ của sơn mài hiện đại. Sau triển lãm này, phong cách riêng của sơn mài đã trở thành giá trị chính có tiếng trên thế giới. Đường Minh Tu, ở Phúc Châu, là một đai diện của sơn mài thời kỳ trước và sau này, khi hội họa sơn mài được xem như đã trưởng thành. Sau khi giành giải thưởng ở triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ 6, lòng hăng say của ông với sơn mài không hề giảm. Trên bức Bóng của bạn ở bên trong (1989), ông dùng những đoạn gỗ thô có độ cao thấp khác nhau, bố trí mau thưa trong nền sơn đen bóng như men gốm đặt trên nền nhà, vân gỗ và mắt cây cho thấy tính nguyên sơ tự nhiên, màu đỏ thắm dịu dàng được sắp xếp từng miếng và biến hóa sặc sỡ, kết hợp với âm thanh nam trầm mạnh mẽ vang dội trong tổ khúc cổ xưa chậm rãi mà sâu lắng. Năm 1995, 1999, 2009 ông đều có tác phẩm tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, ông thường nghĩ cách tìm hiểu suy nghĩ của con người nên trong tranh, thường ẩn giấu một sự sâu thẳm của tư duy. Năm 2010, với bức Sơn thủy, không phải tái hiện chân thực tự nhiên, mà thể hiện hiệu suất, sự biến hóa của sơn tự nhiên, mảng lớn, khối to, đen tuyền, đỏ rực, xám ngắt, nhễ nhại say sưa, công lực nghệ thuật được biểu thị trong tinh thần vô cùng sâu sắc. Ngô Khả Nhân ở Nam Kinh lại coi trọng sự thi vị của sơn và vẽ tả ý một cách rõ ràng theo cá tính riêng của bản thân mình. Bức Cây mã đề (1990) được chồng nhiều lớp sơn khác nhau rồi thếp vàng bạc tầng tầng lớp lớp và mài, để lộ ra nhiều loại hoa văn khác nhau, vàng bạc lúc ẩn lúc hiện rồi lộ ra rực rỡ bên dưới lớp sơn trong suốt, sáng rực như hoa với mỹ cảm vô cùng diệu kỳ, tác phẩm này được Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc sưu tập. Lý Vĩnh Thanh theo học lớp sơn mài của Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên, sau khi tốt nghiệp, ông đi về phía Đông và đã trở thành trụ cột của sơn mài Giang Tô. Bức Sự vĩnh hằng của ký ức (2009) đã đoạt giải vàng của triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ 11.
Người dùng chất sơn công nghiệp để vẽ sẽ dễ bị lộ ra các đặc tính cũng như màu sắc không được trọn vẹn. Đứng đầu là Trần Ân Thâm ở khu vực tây nam với bức Tuyết rơi Mân Sơn (1989) có tạo hình và màu sắc bị làm mờ, làm cho hình ảnh Hồng quân vượt qua Mân Sơn nổi bật trên bầu trời đầy gió tuyết, cái hư ảo trong tiếng hô lớn của nhân vật giơ cao tay tương đối mạnh mẽ, cái xám của màu đỏ xanh mà nhân vật đang im lặng di chuyển tương đối có uy quyền. Bức tranh có sắp xếp bố cục tự nhiên, tạo ra cảm giác như bức phù điêu. Năm đó, tác phẩm của ông tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ 6. 10 năm sau, Trần Ân Thâm vẫn tiếp tục nỗ lực sáng tác. Bức Trời xanh vực sâu (1999) vẽ một hẻm núi cao xanh thẳm nhô lên giữa không trung với những tia chớp sáng rực, núi cũng động, đất cũng rung! Tác phẩm được vẽ lại từ hình ảnh của Chu Đức Quần, đó là cảm giác thực sự khi sống ở cao nguyên Tứ Xuyên, Tây Tạng. Năm đó, bức tranh giành được giải thưởng xuất sắc trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ 9.
Như đã nói ở trên, những năm 1980 và 1990 là thời kỳ huy hoàng của sơn mài hiện đại Trung Quốc. Thời gian này, một số phong cách sơn mài chủ đạo cũng xuất hiện và phát triển. Vương Hòa Cử đứng đầu phương pháp chính thống, nhấn mạnh vào thành quả văn hóa lịch sử; Thái Khắc Chấn đứng đầu dòng sơn mài Việt Nam, chủ trương “nghĩ thế nào, vẽ thế đó”(4). Kiều Thập Quang đứng đầu thu thập các ý kiến để viết nên một khung lý thuyết cho sơn mài, đưa ra một nghiên cứu toàn diện có tên “đeo cùm chân khiêu vũ” (5), đồng thời quảng bá và phát triển sơn mài Việt Nam, các yếu tố có ích của các chủng loại hội họa này, làm phong phú thêm cho hệ thống ngôn ngữ sơn mài hiện đại Trung Quốc. Sơn mài trên tấm nhôm của Hoàng Duy Trung, chất sơn công nghiệp của Giang Tây và Tứ Xuyên, sơn mài trên tường của Trương Thế Ngạn… Có thể nói là các họa phái sơn mài mọc lên san sát, đó chính là sự phát triển phồn thịnh, đánh dấu một cột mốc hưng vượng của hội họa Trung Quốc.
_____________
1. Trường Bắc là giáo sư nghệ thuật, Học viện Mỹ thuật thuộc Đại học Đông Nam.
2. Trường Bắc, Tiếp thu tất cả, Trăm sông hội tụ, ấn tượng đầu tiên của triển lãm nghệ thuật sơn mài Trung Quốc, in trong Thông tin nghề sơn toàn quốc, 1986.
3. Huệ An Nữ (chữ Hán: 惠安女) là một nhóm dân tộc sống ở huyện Huệ An, thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Họ được phân vào nhóm dân tộc Hán, nhưng lại tự nhận là người Mân Việt. Địa thế cách biệt của bán đảo phía đông Huệ An giúp người Huệ An Nữ tránh sự giao thoa văn hóa với người Hán, vì thế nhiều phong tục tập quán đặc trưng của họ vẫn còn được truyền lại đến ngày nay. Người Huệ An Nữ nổi tiếng vì tính chăm chỉ và tốt bụng. Phụ nữ làm hầu hết công việc nhà, đồng áng, sửa chữa đường sá khi chồng họ đánh cá ngoài biển khơi.
4. Thái Khắc Chấn, trong văn tập tự biên Ngôn ngữ của tranh sơn mài, Nxb Văn Hối, Hồng Kông, 2010.
5. Kiều Thập Quang, Đàm luận sơn mài, Nxb Nghệ thuật Nhân dân, 2004, tr.67.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018
Tác giả : TRƯỜNG BẮC