Trong quan niệm mang tính “cổ điển” của lí luận văn học Nga – Xôviết, một tác phẩm văn học bất kì nào đó không nằm ngoài cái khung ba phương thức – thể loại: trữ tình, tự sự và kịch. Đại để, tác phẩm văn học, nếu không là thơ thì sẽ là văn xuôi (văn xuôi nghệ thuật – để phân biệt với văn xuôi chính luận và các dạng văn xuôi khác mà ta không thể đưa vào trong cùng khái niệm “văn học”) hoặc là kịch. Cái nhìn phân xuất của lí luận là như vậy, nhưng trên thực tế, đã, đang và sẽ tiếp tục hình thành những tác phẩm mà ta không thể nói xác quyết rằng chúng là đại diện “trong suốt” của bất cứ thể loại nào. Sự kết hợp, trộn lẫn, xuyên thấm giữa những yếu tố hình thức và “cái nhìn bên trong” của các thể loại khác nhau trong cùng một tác phẩm, ở những mức độ đậm nhạt nhất định, đã cho ra đời những sản phẩm “là nó, nhưng đồng thời không chỉ là nó” khá đặc sắc. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin được bàn qua về thơ, văn xuôi – nói cụ thể là “truyện” – và những kết hợp nghệ thuật giữa chúng.