Trường hợp đồng thoại Võ Quảng

Lịch sử đấu tranh cách mạng tỉnh Quảng Nam không thể không ghi nhận công lao của Võ Quảng, người mà ngay từ giữa những năm 30 của thế kỷ trước đã tham gia tổ chức Thanh niên Dân chủ và Thanh niên Phản đế ở Huế; năm 1941 bị Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, sau đó bị đưa về quản thúc vô thời hạn tại quê nhà; sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được Việt Minh cử làm Ủy viên Tư pháp rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính – kháng chiến thành phố Đà Nẵng… Nhưng sẽ thiệt thòi biết mấy cho văn chương nước nhà, trước hết cho trẻ em Việt Nam nếu như ngày ấy Võ Quảng của chúng ta vẫn tiếp tục tham gia chính sự tham dự chính trường mà không trở thành một người chuyên sáng tác văn học và nhất là chuyên sáng tác văn học thiếu nhi, trở thành “nhà văn của thiếu nhi”, “người bạn lớn của tuổi thơ”, “người dành trọn tâm huyết cho văn học thiếu nhi”, “người hết mình và trọn đời cho thiếu nhi” như đánh giá của các nhà phê bình văn học, thậm chí có người còn gọi là hiện tượng Võ Quảng – “người đến với văn học thiếu nhi khi đã 37 tuổi – tuy có hơi muộn, nhưng đã đến là ở lại mãi mãi, và cho đến hết đời, chỉ chuyên tâm làm một việc: viết cho các em” [1]. Nói Võ Quảng – nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, trước hết là nói đến tác giả của Quê nội (1973) và Tảng sáng (1978) – hai tập trong cùng một bộ sách mà nhà phê bình văn học Phong Lê từng đánh giá là thuộc loại hay nhất trong vườn văn thiếu nhi Việt Nam thế kỷ XX, tuy nhiên cũng sẽ thiệt thòi biết mấy cho văn chương nước nhà, trước hết cho trẻ em Việt Nam nếu như trong những gì Võ Quảng viết cho thiếu nhi mà không có những đồng thoại thấm đẫm chất dân gian như Bài học tốt, Sự tích những cái vằn, Mắt Giếc đỏ hoe, Cười, Thêm sức chiến đấu… (đều được Nhà xuất bản Đà Nẵng in lại trong Tuyển tập Võ Quảng phát hành năm 1995).

*

Theo nhà văn Nguyễn Kiên – cũng là một trong những người viết đồng thoại nổi tiếng ở nước ta – thì đồng thoại “… là một thể tài hiện đại, nảy sinh trên cơ sở kế thừa và phát triển trực tiếp từ một số thể loại văn học dân gian như chuyện cổ tích, ngụ ngôn, truyền thuyết, chuyện vui dân gian…” [2]. Đọc đồng thoại Võ Quảng, có thể thấy rất nhiều chỗ nhà văn lấy đặc điểm tự nhiên của con vật làm đối tượng giải thích giống như trong truyện cổ tích loài vật – chẳng hạn truyện cổ tích Trí khôn tao đây từng lấy đặc điểm tự nhiên của con trâu – không có răng hàm trên – và của con hổ – thân có những đường vằn – làm đối tượng giải thích. Trong đồng thoại Mắt giếc đỏ hoe, Võ Quảng giải thích về đôi mắt đỏ hoe của con cá giếc hay về những chấm lốm đốm trên mình con cá rô. Hay trong đồng thoại Bài học tốt, Võ Quảng giải thích về những vệt rạch ngang dọc trên mai con rùa. Hay trong đồng thoại Cười, Võ Quảng giải thích về cái vết rách ở đầu lưỡi con thỏ… Hay trong đồng thoại Thêm sức chiến đấu, Võ Quảng giải thích về cái mỏ rắn như thép của con chim gõ kiến… Tất nhiên là người viết đồng thoại hiện đại nên Võ Quảng buộc phải tìm cách kể chuyện khác – muốn khác thôi chứ không phải muốn hay hơn – cha ông xưa. Chẳng hạn để giải thích về những đường vằn trên thân con hổ, Võ Quảng không thể kể lại y hệt như truyện cổ tích Trí khôn tao đây mà phải nghĩ ra một câu chuyện mới – đồng thoại Sự tích những cái vằn.

Thế giới nghệ thuật đồng thoại của Võ Quảng cũng như của đồng thoại nói chung là thế giới của loài vật. Chẳng thế mà nhiều người vẫn cố tình đồng nhất khái niệm đồng thoại với khái niệm truyện loài vật. Nhưng nói cho đúng hơn, nhân vật trong đồng thoại và đồng thoại Võ Quảng hầu hết là các con vật – hầu hết chứ không phải tất cả. Ở nhiều đồng thoại của Võ Quảng, bên cạnh các nhân vật như Giếc, như Trâu Xe, như Ong Thợ, như Gõ Kiến, như Chiền Chiện… còn có những nhân vật khác không phải là loài vật như Đồng Hồ Báo Thức, Lịch Treo, Đá Cuội (trong đồng thoại Hòn đá), hay như Trăng Non (trong đồng thoại Trăng thức), hoặc như Đò Ngang, Thuyền Mành (trong đồng thoại Đò ngang)… Có điều là loài vật hay không phải là loài vật thì nhân vật đồng thoại Võ Quảng cũng đều được nhà văn quê Đại Lộc nhân hoá để trở thành những con người biết nghĩ ngợi và biết khổ tâm nữa – và do vậy mà trở thành những người bạn gần gũi của độc giả thiếu nhi.

Tất nhiên con người hiện hữu trong thế giới nghệ thuật đồng thoại Võ Quảng không chỉ thông qua các nhân vật là loài vật hay không phải là loài vật được nhân hoá giống như người. Con người còn hiện hữu trong thế giới nghệ thuật đồng thoại Võ Quảng trước hết với tư cách là người kể chuyện xưng tôi. Xét về phương diện thi pháp thì nhân vật người kể chuyện xưng tôi đã góp phần đưa độc giả thiếu nhi trực tiếp nhập cuộc vào từng đồng thoại. Thì không trực tiếp nhập cuộc sao được khi đọc gần tới cuối truyện, độc giả thiếu nhi bỗng nghe vang lên một giọng nói thân mật: “Các bạn hãy quan sát một chú Mèo ngồi dưới sân, đang tắm khô, hãy nhìn mặt mày của chú, đã biết câu chuyện kể trên đây đã từng xảy ra thuở trước” (trong đồng thoại Mèo tắm); hay “Cho đến ngày nay, khi các bạn đi qua một cánh rừng vẫn còn nghe tiếng hú của Vượn. Tiếng hú đó không còn lanh lảnh reo vui, mà bên trong có một cái gì ấm ức buồn buồn. Nguyên là vì Vượn đã có lần bắt chước những việc bậy bạ, đưa đến những tai hoạ lớn lao, như tôi vừa kể” (trong đồng thoại Vượn hú); hay “Riêng về chuyện cái mai, mời các bạn hãy xem thật kỹ một con Rùa để biết chuyện tôi kể là có thật” ((trong đồng thoại Bài học tốt); hay “Các bạn thường thấy trong các vườn cây thỉnh thoảng có anh Chèo Bẻo lao đến đánh Quạ để bảo vệ tổ chim Cu, nguyên nhân vì đôi bên có chỗ giống nhau, do đó họ gần nhau, chú ý lo cho nhau, như trong câu chuyện tôi vừa kể” (trong đồng thoại Giống nhau)… Con người còn hiện hữu trong thế giới nghệ thuật đồng thoại Võ Quảng trước hết với tư cách là những nhân vật làm nền (như trẻ em múa hát vui chơi dưới ánh trăng trong đồng thoại Trăng thức hay như ông chủ nhà hào phóng trong đồng thoại Ngày tết của Trâu Xe), hoặc chỉ hiện lên trong hoài niệm của nhân vật chính (chẳng hạn anh bộ đội đã hy sinh trên chiến trường được tái hiện thông qua ký ức của nhân vật Đá Cuội trong đồng thoại Hòn đá), thậm chí thu mình vào góc khuất của không gian nghệ thuật (như người gọi đò trong đồng thoại Đò ngang)…

*

Đồng thoại trong Hán tự là thoại – câu chuyện dành cho đồng – trẻ em, nói cách khác độc giả của đồng thoại là trẻ em. Những nhà văn chuyên viết đồng thoại như Võ Quảng không thể không nghĩ trước tiên đến các độc giả nhỏ tuổi của mình. Muốn thế nhân vật người kể chuyện xưng tôi trong đồng thoại và đồng thoại Võ Quảng phải có tài kể chuyện bao gồm cả sức tưởng tượng bay bổng – điều đó đã đành – nhưng quan trọng hơn là phải có cái nhìn hồn nhiên của chính tuổi thơ khi nghiền ngẫm về hiện thực. Tuy nhiên cũng có thể thấy đọc đồng thoại và đồng thoại Võ Quảng không phải là độc quyền của độc giả thiếu nhi. Những người lớn tuổi vẫn có thể tiếp tục đồng hành cùng đồng thoại, vẫn có thể tìm thấy nhiều điều thú vị ở những sáng tác đồng thoại có giá trị nghệ thuật cao và có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, đúng như Võ Quảng từng đúc kết: “Một quyển sách gọi là hay, gọi là tốt cho thiếu nhi, phải đồng thời với thiếu nhi người lớn cũng thấy tốt, thấy hay”. Chính vì vậy mà hôm nay – đã nhiều năm sau ngày Võ Quảng ra đi vào cõi vĩnh hằng – những độc giả lớn tuổi chúng ta vẫn còn đọc đồng thoại Võ Quảng với tất cả cảm xúc thẩm mỹ của mình, để từ đó có thể khẳng định lịch sử văn học Quảng Nam thế kỷ XX không thể không ghi nhận trường hợp đồng thoại Võ Quảng là đóng góp lớn của văn học Quảng Nam trên lĩnh vực văn học thiếu nhi cả nước./.