Ngôn ngữ thơ là sản phẩm của tư duy và cảm xúc. Để diễn tả cảm xúc bằng ngôn từ và hình tượng người viết sử dụng ngôn ngữ như một nghệ thuật, còn gọi là nghệ thuật ngôn từ. Nghệ thuật ngôn từ chỉ thực sự hiệu quả khi bám gốc bám rễ vào đời sống văn hóa, nếp cảm nếp nghĩ của dân tộc, của cộng đồng. Văn học các dân tộc thiểu số, nét đặc thù bắt đầu từ nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật xây dựng hình tượng. Trong thơ, đặc điểm này thực sự nổi bật.

Cách nói, cách diễn đạt trong thơ các dân tộc thiểu số thường là cách nói trực tiếp, bằng hình ảnh trực quan sinh động:

Nghe chim kêu mà nhớ rừng xưa

Nơi cây xanh vỏ nâu sắc mật

(Chim com cõi kêu đêm – Mai Liễu)

Và dù nói trực tiếp gắn với hình ảnh trực quan sinh động nhưng sức gợi của hình tượng lại rất sâu xa :

Ném lên quả còn cầu may

Đón lấy quả còn cầu lộc

(Tung còn – Mai Liễu)

Có khi điều trừu tượng lại được thể hiện bằng hình ảnh cụ thể, thân quen :

Tình anh em không đi lại

Như con đường hoang

Như ngôi nhà hoang

Như mảnh vườn hoang

Rậm cỏ

(Tình anh em – Dương Khâu Luông)

Thậm chí cái lớn lao, cái vô cùng đưa về cái cụ thể:

Dân tộc chỉ có hai ngàn người

Như cái cây hai ngàn chiếc lá

(Cây hai ngàn lá – Pờ Sảo Mìn)

Chính từ cách nói, cách diễn đạt như vậy mà thơ các dân tộc thiểu số có giọng điệu riêng, sắc thái riêng, thể hiện cách cảm, cách nghĩ, cách tư duy rất riêng của nhà thơ, của người dân tộc thiểu số. Để diễn tả điều kiện sống, điều kiện lao động vất vả để tạo ra của cải vật chất, nhà thơ Pờ Sảo Mìn viết:

Con trai cởi trần trong mặt trời nắng cháy

Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày

Con gái cũng vén tay khoe tài

Tước vỏ cây khoe áo đẹp ngày mai

Cây hai ngàn lá – Pờ Sảo Mìn)

Cũng có khi các nhà thơ lại rất khéo léo, sáng tạo trong việc dùng hình ảnh cụ thể nói cái trìu tượng, dùng chi tiết để nói cái toàn thể, dùng cái gần gũi để nói cái xa xôi:

Khèn lá gọi người

Nhớ về đất tổ

(Khèn lá – Hàn Kỳ)

Hoặc:

Suối mềm theo những bước chân

Người gùi hương rừng về bản

(Hương rừng – Hàn Kỳ)

Có khi bằng sự đối ý, đối lời, đối hình ảnh tạo thành những câu thơ có nhịp điệu và ý tứ rất mới lạ:

Đóng cửa là nhà

Mở ra là bản

(Chu Thuỳ Liên)

Hoặc :

Lại xanh trong tôi dù rừng đã cháy

Lại chảy trong tôi dù sông đã chết

(Đứa con của đất – In RaSaRa)

Nhà thơ Y Phương khi diễn tả đoạn đường “Từ anh sang em” đã viết:

Từ anh sang em

Bằng đi hỏng một đôi giày

(Đi tìm – Y Phương)

Cách diễn đạt ấy chỉ có thể là từ sự tiếp nối từ  cách nói cha ông, được lựa chọn và sinh động hoá trong hoàn cảnh cụ thể. Cha ông ta thường nói “Mặt trời cách núi một con sào”, “Từ đây vào đó bằng mấy lần quăng dao”.

Nhà thơ Mã Thế Vinh viết:

Nhớ những chợ phiên

Ta tìm nhau qua mấy chặng đường lá úa

(Chợ phiên – Mã Thế Vinh)

Những câu thơ như thế chỉ có thể viết lên từ những người con sống trong lòng văn hoá, biết văn hoá, yêu văn hoá Tày – Nùng. Người đọc cũng chỉ thấy hay khi hiểu được yếu tố văn hoá Tày – Nùng chứa đựng trong đó. Cụ thể ở câu thơ của Mã Thế Vinh muốn nhắc đến yếu tố văn hóa khi người con trai và người con gái Tày (hoặc Nùng) hẹn gặp nhau tại buổi chợ phiên, trên đường xuống chợ, một trong hai người đi trước sẽ bẻ những cành lá đánh dấu trên đoạn đường mình đi để người đi sau nhận biết rằng anh (hoặc em) đã đi trước và đi theo lối này. Cứ thế họ đi tìm nhau theo con đường tình yêu đã được đánh dấu.

Diễn tả sự quyết tâm mạnh mẽ trong tình yêu của người con trai với người con gái Nhà thơ Vương Anh viết:

Muôn sao trốn đáy biển

Ngàn tình có chạy đằng trời

Riêng ta

Nhổ phăng dốc sấm, đèo chớp

Để em với ta

Như nắp và dao

Có đôi !

(Có đôi – Vương Anh)

“Như nắp và dao/ Có đôi!” cách nói và hình ảnh này chỉ có thể có ở tác giả người dân tộc thiểu số, và chỉ người đọc là người dân tộc thiểu số mới hiểu sâu sắc ý nghĩa của sự diễn tả này. Đối với người dân tộc để đáp ứng công việc nương rẫy, chặt cây, lấy củi, chẻ lạt, đan giòng… họ luôn có con dao bên mình. Con dao bên mình lại luôn được cài với nắp dao. Nắp dao được làm bằng gỗ hoặc bằng tre đủ để sỏ con dao vừa giữ cho dao khỏi rơi, vừa không chạm vào người. Cứ như vậy, dao và nắp dao không rời nhau, có dao là có nắp, có nắp là có dao. Từ hình ảnh của cuộc sống sinh hoạt, từ hình ảnh của sự vật hiện tượng nhà thơ Vương Anh đã sử dụng như một tín hiệu thẩm mỹ trong thơ nhằm diễn tả sự khăng khít không gì chia tách được của tình yêu lứa đôi.

Khi yếu tố văn hoá, hình ảnh sự vật hiện tượng, hình ảnh cuộc sống sinh hoạt… được nhà thơ xây dựng thành tín hiệu thẩm mỹ, biểu tượng thẩm mỹ thì sự khơi gợi, liên tưởng là vô cùng và sâu sắc. Nhà thơ Đoàn Hữu Nam khi viết về Chợ tình Khau Vai, một nét đẹp văn hoá giàu chất nhân văn của người Mông đã không chỉ khắc hoạ không gian, cảnh vật mà gửi vào đó những ý tưởng thẩm mỹ làm cho tính nhân văn được nhân lên gấp bội:

Mỗi người một con đường

Ngược tháng năm họ tìm về tuổi trẻ

Một quãng đời giang dở

Câu hát đối nửa chừng

Nốt khèn bè vỡ vụn

Được bồi hồi chắp lại

Chợ Khau Vai

(Hôm nay là chợ Khau Vai – Đoàn Hữu Nam)

Nhà thơ không chỉ thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia với câu chuyện của những lứa đôi mà chính nhà thơ cũng cảm thấy buồn đau với những người con trai, con gái một thuở yêu nhau tha thiết mà không thành đôi thành lứa, không thành vợ thành chồng. Một ngày hội Chợ Khau Vai là một ngày những lứa đôi tìm về kỷ niệm, về ký ức thân thương. Trong ngày hội “tự do” ấy họ có thể gặp nhau tâm tình mà không ai ngăn cản, không ai trách cứ. Những khoảnh khắc bên nhau sau một năm với ba trăm sáu mươi ngày thương nhớ quả là hạnh phúc. Nhưng…dẫu vậy, nhà thơ vẫn nhìn thấy bên trong có một nỗi buồn nén sâu xa ngay cả trong những giây phút gặp nhau quý hiếm ấy. Bởi vẫn còn đó hơn ba trăm sáu mươi ngày không có nhau, vẫn cứ “Là trống vắng xa xăm ta lấp mãi không đầy”. Chợ Khau Vai là phiên chợ hạnh phúc mà chợ Khau Vai cũng là phiên chợ của những nỗi đau không bao giờ khỏa lấp…

Có thể nói từ xúc cảm sâu xa, từ ý tưởng thẩm mỹ độc đáo, nhà thơ đã nâng thêm nhiều lớp giá trị nhân văn về một hiện tượng văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông thêm phần sâu xa ý nghĩa. Cũng theo hướng khai thác những mặt tích cực và hạn chế trong phong tục tập quán, ở một bài thơ khác nhà thơ Đoàn Hữu Nam viết:

Mười ba tuổi con làm dâu họ Mã

Đo nương nhà người bằng nước mắt rơi rơi

Mười bốn tuổi con đã là thiếu phụ

Ngồi tẽ ngô tẽ tơi tả đời mình

(Thưa mẹ – Đoàn Hữu Nam)

Cô dâu tuổi mười ba, thiếu phụ tuổi mười bốn, chưa thành măng đã thành tre, đó là hạn chế của hủ tục tảo hôn. Bài thơ “Thưa mẹ” là lời tự bạch của cô bé người Mông bất hạnh. Bài thơ khép lại trong sự chấp nhận, ngậm ngùi của cô dâu mười ba – thiếu phụ mười bốn tuổi. Bài thơ như một câu chuyện cổ tích kết thúc không có hậu “Con không trách mẹ đâu …”.

Cũng là cảm xúc về văn hoá, khai thác yếu tố văn hoá dân tộc, nhà thơ Y Phương trong bài thơ Nói với con lại khuyên con hãy đi, đứng, trưởng thành bằng sức mình, đôi chân mình và hãy lấy quê hương cội nguồn làm điểm tựa để xuất phát và hướng về. Dẫu quê hương còn nghèo khổ, gian nan nhưng đó là nơi con sinh ra, cắm rễ bền gốc. Để rồi sau này dù đi xa đến đâu, trưởng thành đến mấy cũng đứng bao giờ quên quê hương, quên nơi mình đã tắm nước suối ngàn, đi những bước đi đầu tiên trên con đường lát đá.

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

(Nói với con – Y Phương)

Lời dạy con giản dị mà thấm thía của nhà thơ như một dự cảm, một hướng đi của dân tộc. Vượt khó trên quê hương mình, làm giàu trên quê hương mình, không chê thung nghèo … đã trở thành phương châm sống của các thế hệ cháu con các dân tộc thiểu số. Chân dung “Người đồng mình” được nhà thơ Y Phương khắc hoạ:

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

(Nói với con – Y Phương)

Người quê núi chân thật từ nét người đến nết ăn nết ở. Bao đời nay họ sống bằng sức mình, bằng lòng mình, bằng trí mình. Họ tự tạc chân dung của họ, tự tạo tâm thế của dân tộc mình, tự xây nên làng bản quê hương mình. Đó chính là nền tảng vật chất và nền tảng tinh thần vững chãi giúp họ đi về muôn phương không hề lầm lẫn và lạc lõng:

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ được nhỏ bé

Nghe con.

Cái “Chẳng mấy ai nhỏ bé” và “Không bao giờ được nhỏ bé” chính là chân dung, tâm thế đã được tạc dựng từ bao đời, không bao giờ được quên, không bao giờ được đánh mất. Đó chính là sức lực, niềm tin, lòng tự trọng của một dân tộc trước đại gia đình các dân tộc, trước thế giới bao la.

Cũng từ xúc cảm về văn hoá dân tộc Mường, Nhà thơ Lò Cao Nhum có bài thơ Rượu núi độc đáo, bản sắc. Sự độc đáo, bản sắc từ không gian sinh hoạt, không gian mời rượu bạn bè đến cách nói cách diễn đạt rất riêng của nhà thơ:

Bạn đến

Mời ngồi xếp bằng tròn giữa chiếu

Chiếu đan bằng tia mặt trời

(Rượu núi – Lò Cao Nhum)

Bạn đến – khách đến là hạnh phúc. Hạnh phúc đó có khi không chỉ của một người mà của cả bản. Đón khách, tiếp khách không phải là nhà hàng khách sạn, không phải là mâm cao cỗ đầy, bàn ghế sang trọng mà “Mời ngồi xếp bằng tròn giữa chiếu” ấm cúng thân thiện. Không gian, tình người, đất trời được thu gọn vào đây bởi “chiếu đan bằng tia mặt trời”. Đó chính là không gian riêng của nhà thơ, của văn hóa Mường:

Bát rượu trăng rằm

… Ủ từ là sắc rừng gai

Chắt từ củ mài hốc đá

Vợ tôi nấu thơm từ lửa đêm dài

… Có ngọt mật ong vách đá

Có chua măng ướp chum vò

Có cay của nghen

Có đắng của em chồng phải lòng chị dâu.

Khách đến bản được thết bằng rượu núi,  rượu được trưng cất từ xứ núi, là tài năng, trí tuệ, tình cảm, tâm hồn, sự chịu thương chịu khó, là thành phẩm vô giá về vật chất và tinh thần của người xứ núi. Và quan trọng hơn, đáng nói hơn là người xứ núi đãi khách hết lòng…

Người núi cứ chân thật, cứ hết mình, hết tình, hết nghĩa chứ không khách sáo nửa vời, không điệu bộ lừa dối. Tất cả những điều này đều được thể hiện trong thơ, tạo nên dấu ấn về bả sắc văn hóa và nét độc đáo trong thơ các dân tộc thiểu số và miền núi./.

Nguồn Văn nghệ số 26/2019