SẮC THÁI GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN NGỌC GIAO

Thứ Sáu, 29/12/2017 | 14:53 GMT+7
SẮC THÁI GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN NGỌC GIAO

1. Giọng điệu trữ tình, cảm thương

Trữ tình, cảm thương chính là giọng điệu chủ đạo, cũng là một trong những phương diện tạo nên yếu tố trữ tình đậm đặc trong các truyện ngắn của Ngọc Giao. Ông đã dành nhiều trang viết để miêu tả những cảnh vật làng quê xung quanh. Trong đêm tối, “ánh trăng suông trộn trong khói sương đêm màu sữa bay lờ mờ trên khoảng đồng lúa xanh non bát ngát…  con sông ngoằn nghèo uốn khúc dưới gậm cầu” (1). Chất trữ tình còn được thể hiện qua những trang viết về tình yêu. Đó là cái cảm giác say đắm, đầy dư vị, khi nhận cái hôn đầu đời của người con gái mới yêu. “Nắng chiều sắp tắt sau cái hôn dài mà nàng trinh nữ lần đầu được hưởng (2). Tình yêu đầu đời đến với cô bất ngờ và cũng rất lãng mạn. Đó còn là cảnh đêm trăng thơ mộng được trò chuyện với người mình yêu: “Dưới trăng, thuyền trôi lững lờ. Lòng cô còn vương vấn với Tư Sinh…(3).

Một điều dễ nhận thấy là tất cả những truyện ngắn của Ngọc Giao đều phảng phất một nỗi buồn. Chính sắc thái buồn buồn, trầm lắng đó là dấu ấn riêng của Ngọc Giao, là chiều sâu trong tác phẩm nghệ thuật cũng như trong tâm hồn của một con người nhạy cảm và quý mến cuộc sống. Nhân vật của ông hầu hết đều có số phận đáng buồn, một cảnh đời nghiệt ngã: “Trong tiếng gió cành lá xào xạc, não nùng như một tiếng thở dài của người thiếu phụ” (4). Cuộc sống khốn cùng đã khiến nhiều nhân vật đi đến ngõ cụt và phải tìm đến cái chết như bà Tố trong Những đêm sương, “thấy rõ hạnh phúc đời mình dần dần sụp đổ không cách nào cứu vãn” (5). Ngọc Giao luôn lắng nghe và luôn thấu hiểu, hiểu lòng mình để hiểu về người khác. Ông đặt mình vào vị trí nhân vật để nói lên cảm nghĩ về số phận những kiếp người nhỏ bé trong xã hội, sự cảm thông sâu sắc với những cảnh đời nghiệt ngã, khổ đau.

Giọng điệu trữ tình, cảm thương chính là một thủ pháp nghệ thuật được sử dụng linh hoạt trong truyện ngắn của Ngọc Giao. Đây chính là điểm nhấn khiến truyện ngắn của ông có sức lay động đến tình cảm của người đọc. Trong hầu hết các truyện ngắn của Ngọc Giao, thời gian đan xen giữa hiện tại và quá khứ với những trạng thái cảm xúc của mỗi nhân vật. Mỗi trang viết chất chứa nỗi lòng, tình yêu thương của nhân vật trước cuộc đời.

2. Giọng điệu lạnh lùng, mỉa mai

Bằng giọng trào phúng, mỉa mai, Ngọc Giao đã vạch trần bộ mặt tham lam, đạo đức giả, sự ham ăn, hám tiền của những bậc trưởng bối trong làng. Anh em Phiên và Chúc trong Ngày giỗ đã được hàng xóm và đặc biệt là các vị bô lão trong làng xử sự khác đi, theo hướng tốt hơn, khi họ được mời đến ăn lễ giỗ mẹ của Phiên. “Hôm nay họ đến đông đủ lễ trước bàn thờ mẹ Phiên, ăn uống hết lòng, khen mãi Phiên là tay làm cỗ giỏi, khen mãi Chúc là con chí hiếu” (6). Ngọc Giao đã tạo ra tiếng cười hài hước trong đoạn tả cảnh họ ăn uống hết mình và khen ngợi hết lòng. Tác giả đã mỉa mai, châm biếm cái thói tham lam của những bô lão, chức sắc trong làng.

Đồng tiền trong xã hội thời nào cũng phát huy uy lực ghê gớm của mình. Đồng tiền đã trở thành một công cụ, một phương tiện đắc lực trong việc tạo uy thế và danh tiếng trong làng xã Việt Nam. Chỉ cần có tiền thì mọi người sẽ đánh giá và nhìn nhận mình một cách tốt hơn. Họ kính nể và cung phụng những con người nhiều tiền ấy.  Sự hồ hởi, xởi lởi của người đời luôn là tấm gương che đậy những giả dối bên trong con người họ, đặc biệt là những kẻ có quyền lực. Họ chỉ mưu cầu quyền lợi cho riêng bản thân mình mà không hề nghĩ đến những khổ đau, nhục nhã mà người khác đang gánh chịu. Họ chỉ nhìn thấy được cái vẻ bên ngoài sang trọng, lắm của nhiều tiền, sự hào quang của ánh đèn phố thị mà không bao giờ biết, đằng sau cái vẻ hào phóng, lộng lẫy ấy là cả một tấn bi kịch mà những con người ấy đang âm thầm gánh chịu.

Những cuộc đời và thân phận người trong các truyện ngắn của Ngọc Giao luôn là những con người bất hạnh, đau khổ. Những con người còn mang nặng tư tưởng phong kiến cổ hủ ấy đã tự đẩy chính bản thân mình vào bước đường cùng. Bằng lối viết cười cợt, buông thả nhưng mang đậm tinh thần nhân văn, Ngọc Giao đã làm nổi bật lên thói chuộng hư danh của người dân quê nghèo cho dù hậu quả sau đó có thế nào đi chăng nữa. Vì không muốn bà con làng xóm phải khinh rẻ gia đình mình, dù không có tiền nhưng bà tú trong Đời tư Lã Bố đã phải bán hết ruộng vườn để có tiền mua bò giết thịt thiết đãi tất cả người làng trong đám ma của ông Tú mặc cho những ngày sau đó, “mẹ con gài chặt cửa ăn khoai, húp cháo trừ cơm” (7).

Để có tiền làm đám giỗ cho mẹ thật to, để nở mặt nở mày với bà con làng xóm mà Chúc trong Ngày giỗ, đã phải tiêu hết số tiền mà cô dành dụm được trong những năm làm gái nhảy ở phố Khâm Thiên. Dù cho thân tàn ma dại hơn nữa, dù cô phải “làm gái lầu hồng, làm gái lầu     xanh” (8), cô vẫn vui khi được mọi người khen là người con có hiếu. Dù mỉa mai thói chuộng hư danh nhưng Ngọc Giao lại bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc của mình đối với những thân phận người nghèo như bà Tú, như Chúc. Những lề thói, tập tục truyền thống phong kiến vẫn còn đeo bám dai dẳng trong đời sống của những người thôn quê. Ở góc nhìn khác, ông còn hướng ngòi bút của mình vào những bậc trưởng giả quê mùa mà háo danh, ngu muội. Truyện ngắn À, chúng nó xỏ ông là một dẫn chứng. Cụ Bá vì cái hư danh hão huyền mà đã bị ba vị khách ở ngoài tỉnh lừa một vố nhớ đời. Chỉ qua vài ba câu tán tụng nịnh nọt và những món quà mà cụ Bá tưởng là thượng hạng, ba vị khách ở Hà Nội mà cụ chưa từng quen biết đã được cụ đón tiếp, hầu hạ và cung phụng như những thượng khách. Những vị khách ở Hà Nội đã rót vào tai cụ Bá những lời có cánh: “Thưa cụ, thật cụ là người hiếm có ở vùng ta. Giàu của, giàu con, cụ lại giàu cả lòng tử tế” (9). Bằng giọng văn mỉa mai, giễu cợt, Ngọc Giao đã chế giễu sự ngu muội, dốt nát của đám chức sắc trong làng xã thời bấy giờ. Họ là những người chuyên đi bóc lột, hà hiếp những người dân nghèo nhưng lúc nào cũng muốn người khác nghĩ rằng họ là những người lương thiện, sống có đạo đức và biết yêu thương những người nghèo khó. Cụ Bá cũng là một trường hợp như thế.

Ngọc Giao viết về cả hai mặt đối lập của những thân phận con người. Một bên là những số phận đau khổ nhưng gắng gượng để nở mày nở mặt với bà con làng xóm, một bên là những chức sắc trong làng chỉ biết háo danh, hám lợi, thân mật với những người có nhiều tiền mà trước kia họ từng khinh bỉ và không thèm đếm xỉa đến. Xã hội đã tạo ra nhiều điều ngang trái. Vì nghèo khó, vì không có tiền nên người ta xem thường. Vừa mỉa mai những người hám danh, hám lợi, Ngọc Giao còn bày tỏ một niềm cảm thông sâu sắc đến với những kiếp người đang âm thầm chịu đựng những trái ngang của cuộc đời. Tác giả vừa cười cợt cái giả tạo của con người, vừa khóc thầm cho những kiếp người nghèo khổ.

Bằng giọng điệu mỉa mai, trào phúng, Ngọc Giao đã cười cợt những lối sống phi đạo đức của con người, thói hám danh, hám lợi và cả sự nhu nhược, yếu hèn của con người. Bên cạnh đó, ông cũng thể hiện thái độ cảm thông sâu sắc đến những thân phận người bị cuốn theo vòng xoáy của cuộc đời để làm vừa lòng thiên hạ. Là một yếu tố đặc trưng thể hiện hình tượng tác giả trong tác phẩm, giọng điệu mỉa mai – trào phúng vừa tạo được chiều sâu, sự phong phú của chủ thể sáng tạo, vừa là thước đo tài năng, phẩm chất của nhà văn Ngọc Giao.

3. Giọng điệu suy ngẫm, triết lý

Sinh ra và lớn lên trong những năm tháng đất nước đầy biến động, Ngọc Giao đã dành nhiều tình cảm và sự cảm thông, chia sẻ cho những thân phận người phụ nữ phải dấn thân vào cuộc đời bằng cái nghề mạt hạng nhất trong xã hội. Càng đồng cảm với họ bao nhiêu, nhà văn càng lên án, bóc trần bản chất của những người đàn ông trong thời kỳ xã hội rối ren. Những kẻ gián tiếp gây nên nỗi đau cho những thân phận tội ngiệp, một lũ người sống không có đạo đức. Đó còn là những kẻ “nói chữ thánh mà không cần phải quay lưỡi bảy lần, người ta có quyền văng tục trong khi ngâm một bài thơ hay nhất của tiền nhân, người ta có quyền ghé răng cắn đứt dây quần của một cô đầu khó tính rồi sáng mai lại nghiêm nghị giảng bài luân lý cho học trò nghe như thường” (10).

Ngọc Giao suy nghĩ về sự trở lại của những cô gái giang hồ. Câu hỏi của ông như xoáy sâu vào lòng người đọc. “Thêm một gái giang hồ, xã hội mất đi một người mẹ hiền, một người vợ tốt, một người em ngoan, đó là cái đau đớn nhất”(11). Hàng loạt câu hỏi đặt ra khiến người đọc suy ngẫm về thân phận của những cô gái giang hồ, về xã hội đương thời, xã hội không tình người.

Cùng với niềm đồng cảm với nỗi tủi nhục của gái giang hồ, Ngọc Giao đã dành tình cảm và niềm xót thương của mình cho những người phụ nữ sống trong cảnh muộn màng. Cuộc đời của người phụ nữ sẽ vô nghĩa khi họ không tìm thấy được một tình yêu thực sự cho chính bản thân mình. Người phụ nữ hạnh phúc nhất khi họ có một người chồng để thương yêu, có những đứa con để chăm sóc, nuôi nấng và trở thành những người vợ hiền, mẹ tốt trong gia đình.

Ngọc Giao đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc trước hoàn cảnh như thế. Cuộc đời cô Tâm trong Gái muộn chồng được ông ví như những bậc thang gỗ mục nát của một cái cầu thang cũ kỹ: “Tâm mở cửa bước vào nhà, nhọc mệt trèo lên những bậc thang gỗ mục nát như gần đổ gẫy – cái cầu thang của một căn nhà cổ tiều tụy, tượng trưng cả một cuộc đời tối tăm, tiều tụy của chị em cô”(12). Cuộc đời của mỗi một người phụ nữ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi không có một gia đình để thương yêu và chăm sóc. Hai cô gái Tâm và Tình đến nửa cuộc đời mà vẫn chưa tìm được một tình yêu cho bản thân mình. Họ sống trong khắc khoải, chờ đợi, khát khao yêu thương về hạnh phúc của một gia đình.

Hạnh trong Chợ chiều là minh chứng cho cuộc đời của người gái giang hồ lúc về già. Cuộc đời cô như một buổi chợ đã về chiều, cô độc và buồn đau: “Đó là một chốn chợ người, nhưng là chốn chợ người hoang tạ từ lâu (13). Ngọc Giao đã ví cảnh mua phấn bán hương của con người với một cuộc họp chợ. Ở đó, người ta tàn nhẫn lấy nhan sắc để làm sự bán mua. Nhưng khi nhan sắc của người phụ nữ héo úa đi theo năm tháng thì cảnh đông đúc của cuộc họp chợ kia rồi cũng tàn tạ.

Quá nghiệt ngã, quá cay đắng, số phận những người phụ nữ khi dấn thân làm cái nghề tủi nhục này ở đời. Ngọc Giao hướng ngòi bút đau xót cho những thân phận “sống làm vợ khắp người ta” của những cô gái giang hồ khi tuổi còn thanh xuân và “chết như con giun, con dế ở góc tường, ở nhà thương làm phúc”(14). Ngọc Giao đã rút ra được những triết lý về cuộc đời của mỗi con người. Những người phụ nữ làm nghề mua phấn bán hương và những con người sống nhờ trên nhan sắc của người khác, dần thời gian trôi qua, tuổi thanh xuân của họ rồi cũng sẽ tàn phai. Họ cần phải biết dừng lại để không phải chịu cảnh bẽ bàng khi tuổi già.

Không chỉ cảm thông cho những cảnh đời của những cô gái giang hồ, Ngọc Giao còn gửi thông điệp yêu thương đến với những con người trong cuộc sống. Qua Minh trong Lỗi tình, ông chiêm nghiệm về thời gian, về cuộc đời. “Thời gian đã trôi qua nhanh chóng biết bao. Tôi đã phí hoài những năm tháng tốt đẹp nhất của đời mình vào những hình bóng hão huyền trên những chuyến tàu… Em là một vẻ đẹp có thực ngay bên tôi mà tôi không nhận ra”(15). Khi nhận ra được đâu là tình yêu đích thực của đời mình thì cũng là lúc người mình yêu sắp đi lấy chồng. Tác giả triết lý rất hay về thời gian và cách nắm bắt cơ hội của mỗi con người. Ông khuyên con người cần nắm giữ những cơ hội cho bản thân, cần nhận thức đúng sự trôi chảy của thời gian để định hướng, nắm bắt những giá trị của cuộc đời.

Trước tình cảnh xã hội lúc bấy giờ, nỗi lo chung của mọi người là cơm ăn áo mặc. Thưởng thức và khám phá cái đẹp là một điều quá xa vời đối với công chúng thời bấy giờ. Tìm đâu trong cái xã hội ấy những người hiểu và cảm nhận được giá trị văn chương chân chính. “Cảnh nghèo túng, tối tăm của cuộc đời mình tuy vậy vẫn chưa một lần nào khiến anh quằn quại, đau khổ bằng khi nghĩ đến những tác phẩm của mình chưa hề được ai nhắc đến. Anh chua xót nhận ra những người đọc anh cũng chỉ như những người đã lơ đãng xem tranh, những người đã hờ hững bước qua những tấm lòng, những linh hồn bơ vơ giá lạnh mà không bao giờ họ biết” (16). Ngọc Giao đã phơi trải dòng cảm xúc thầm kín, sâu xa đang diễn ra trong thế giới nội tâm phong phú.

Bằng giọng điệu mang tính triết lý, Ngọc Giao đã lên án xã hội đương thời, một xã hội dồn đẩy con người đến bờ vực thẳm không lối thoát và thương cảm cho những thân phận người. Ông đã truyền đến người đọc những suy tư, chiêm nghiệm về thế sự, về nhân sinh bằng cách lý giải và đánh giá riêng về những tình thế trong đời sống cũng như phương cách giúp cho nhân vật nhận thức và quay trở về với đúng nghĩa giá trị cuộc sống. Đó chính là phương thức nhà văn khẳng định sự trải nghiệm cá nhân, quan điểm và thái độ sống của người cầm bút trước hiện thực.

Tài năng và sự tinh tế của Ngọc Giao được thể hiện sắc nét qua giọng điệu trong các truyện ngắn. Với ba sắc thái giọng điệu: giọng điệu trữ tình, cảm thương; giọng điệu trào phúng, mỉa mai và giọng điệu triết lý, Ngọc Giao đã đi sâu vào thế giới nhân vật của mình. Dù ẩn sâu vào từng câu chữ, dù yêu thương ấm áp hay tâm tình sẻ chia, cảm thông, giọng điệu trong truyện ngắn của Ngọc Giao đều đóng vai trò như một thủ pháp nghệ thuật đắc địa trong việc thể hiện chân thành những nỗi niềm riêng tư của nhân vật. Mỗi truyện ngắn của ông giúp người đọc hiểu hơn về những cảnh đời, những thân phận nhỏ bé, bất hạnh; gợi sự thương cảm, xót xa sâu sắc của tình người. Ông luôn đi sâu khám phá đời sống tâm lý của nhân vật bằng một ngòi bút tinh tế, phát hiện được những nét đẹp lẩn khuất bên trong tâm hồn con người: tình thương, sự cảm thông, lòng vị tha giữa người với người. Thông qua các sắc thái giọng điệu, Ngọc Giao bày tỏ những tâm tư, tình cảm và cả những suy tư, chiêm nghiệm của mình về cuộc đời, khiến các sáng tác của ông vừa mang tính hiện thực vừa mang tính nhân văn sâu sắc.

Cuộc đời của Ngọc Giao đã khép lại nhưng những trang văn của ông vẫn còn lưu lại mãi cho đến ngày nay. Trong hơn nửa thế kỷ, tuy bị ngắt quãng trong một thời gian dài nhưng tài năng và công sức của ông đang được các nhà nghiên cứu và người đọc quan tâm với một sự ngưỡng mộ và khâm phục về cách mà ông tự đứng lên trước giông bão của cuộc đời. Sự đa dạng về sắc thái giọng điệu đem đến cái nhìn và sự thấu hiểu về thế thái nhân tình, tái hiện sinh động chân dung số phận con người. Những sản phẩm tinh thần của Ngọc Giao đã đến với công chúng bạn đọc, đã trao cho độc giả những bài học, những cảm thức và những suy nghiệm mà nhà văn đã lưu giữ nó suốt cả một chặng đường đầy sáng tác của mình. Chính vì lẽ đó, Ngọc Giao đã dần khẳng định vai trò và vị thế của mình trong dòng truyện ngắn trữ tình, trong tiến trình hiện đại hóa nền văn học nước nhà.

____________

1. Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháp học, Hà Nội, 2003, tr.250., Nxb Giáo dục.

             2, 4. Ngọc Giao, Cô gái làng Sơn HạNxb Văn học, Hà Nội, 1989, tr.36, 5.

3, 5, 6, 9, 11, 12, 15, 17, 16. Ngọc Giao, Phấn hương, Hà Nội, 2011, tr.27, 122, 115, 187, 188, 217, 219, 35, 37, 176, 171, 102 ,93,130, 210., Nxb Văn học.

7, 8, 10, 13, 14. Ngọc Giao, Bến đò rừng, Nxb Văn học, Hà Nội, 2012, tr. 82, 211, 77, 166, 167, 168.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG