Nói đến Huế, xưa nay người ta vẫn cho rằng thơ và bút ký là thế mạnh. Nhưng hiện tại, Huế phát triển khá đồng đều các thể loại, và trở thành “não trạng” văn học của dãi đất miền Trung. Nếu xét riêng về thể loại tiểu thuyết, tính một cách công bằng, số lượng người cầm bút không đông đảo nhưng Huế vẫn tạo được một nét riêng độc đáo. Nói như Milan Kundera: Mỗi cuốn tiểu thuyết đều trả lời một câu hỏi “con người là cái gì vây?, thì tiểu thuyết Huế đã lý giải những âm sắc khác nhau của số phận con người qua những biến cố thăng trầm của lịch sử.
Giai đoạn từ 1986 đến nay, phạm vi phản ánh cuộc sống của tiểu thuyết Huế rất đa dạng nhưng nổi bật nhất vẫn là hai chủ đề nóng bỏng: 1) Kinh thành Huế với dư âm của chiến tranh; 2) Kinh thành Huế với khung cảnh toàn cầu hóa của Việt Nam. Lồng vào đó là bi kịch của con người cá nhân với những cơn đau quằn quại của lịch sử dân tộc.
Bàn về tiểu thuyết Huế, trước hết, phải kể đến: Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, Nhất Lâm, Hà Khánh Linh, Nguyễn Thanh Song Cầm và Meggie Phạm. (Và hình như Trần thùy Mai – nữ sĩ vốn chuyên về truyện ngắn sắp ra một tiểu thuyết lịch sử về cung đình Huế, dự kiến nhà xuất bản Phụ nữ sẽ ấn hành). Trên thực tế, các cây bút trên tung tẩy ở nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, bút ký, phê bình… Tuy nhiên, nặng lòng nhất vẫn là tiểu thuyết. Các tác giả đều đạt giải thưởng văn học từ cấp trung ương đến địa phương. Lướt qua về số lượng tác phẩm, Hà Khánh Linh có 10 tiểu thuyết, Nguyễn Quang Hà có 15 tiểu thuyết, Nguyễn Khắc Phê có 9 tiểu thuyết, Tô Nhuận Vỹ có 6 tiểu thuyết…
Hà Khánh Linh là người viết khoẻ và là nhà văn đứng đầu về số lượng tác phẩm ở Huế. Có năm bà xuất bản một lúc hai tiểu thuyết. Với những tinh tế trong cảm nhận, sắc sảo trong phân tích diễn biến tâm lý nhân vật nữ, bà đã đi sâu vào những góc khuất của hậu quả chiến tranh màtrước đây văn học thường né tránh. Trong số các tác phẩm viết về chiến tranh, bộ tiểu thuyết Người kinh đô cũ được đánh giá là tác phẩm công phu, bao quát rộng nhất về những thăng trầm của kinh đô Huế trong hơn nửa thế kỷ qua. Người kinh đô cũ phần nào lấp được khoảng trống cho dòng văn học viết về lịch sử kinh thành Huế. Mặc dù ít đổi mới trong kĩ thuật viết tiểu thuyết, song bà biết khống chế các sự kiện lịch sử và tập trung vào phân tích tâm lý, tính cách nhân vật, nhất là nhân vật nữ. Nhờ vậy, những biến động của kinh thành Huếtừ đầu thế kỉ XX đến nay đã được bà lồng vào số cá nhân một cách tài tình. Các tác phẩm như Chiến tranh và sau chiến tranh, Em còn gì sau chiến tranh,… cùng chung một chủ đề nhưng các góc độ khai thác về chiến tranh khác nhau. Nếu Chiến tranh và sau chiến tranh viết về sức tàn phá của chất độc diocine mà quân Mỹ đã rải xuống chiến trường Thừa Thiên Huế thì Em còn gì sau chiến tranh là nỗi đau từ những cơn dư chấn của chiến tranh và truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc trong những ngày tháng Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại Việt Nam. Ngoài chiến tranh, một đề tài nằm lòng của bà, bà còn khai thác các khía cạnh cuộc sống đời thường mà Biến cố 1.8.2010 là một dẫn chứng. Như vậy, có thể khẳng định: Hà Khánh Linh là nữ tiểu thuyết gia nổi trội của Huế. Sự cần mẫn, chăm chỉ ngay từ lúc 20 tuổi (viết tiểu thuyết Trắng canh) đã giúp Hà Khánh Linh trở thành một trong những nhà văn có uy tín ở vùng đất kinh kì nói riêng và cả nước nói chung.
Phùng Quán, Vĩnh Quyền, Võ Thị Xuân Hà sinh ra ở Huế, lớn lên ở vùng đất khác, nhưng sáng tác của họ vẫn viết khá nhiều về Huế bằng tất cả tình yêu, nỗi nhớ, cảm thức cội nguồn. Mang trong mình bề dày văn hoá lịch sử, Huế là vùng đất mến yêu của biết bao văn nhân. Một trong số ấy, có người lính viết văn vùng Kinh Bắc – Nguyễn Quang Hà, một lòng kiên trì với chiến trường quân khu V, một lòng rót vào Huế muôn vàn thao thiết. Sau Mậu Thân 1968, Nguyễn Quang Hà mới gia nhập vào chiến trường Trị Thiên. Thế mà, đọc những sáng tác của ông, tâm thức y như là người bản địa chính cống. Những năm tháng bom sôi đạn réo, những con người bình dị, kiên cường ý chí, lần lượt đi vào trang viết của ông: Kinh thành mến yêu, Cuối tuần trăng mật, Thời tôi mặc áo lính, Sông dài như kiếm, Tiếng thở dài của đất, Vùng lõm, Nợ đời, Nếu không có nhân dân… Trong số các tiểu thuyết, Vùng lõm đạt giải B của Hội Nhà văn Việt Năm năm 2010. Đó là cuộc chiến khốc liệt, gian khổ, đầy bi tránggiữa đồng bào chiến sĩ Thừa Thiên với phía bên kia, là nơi thử thách tình yêu; là nơi đo đạc bản tính người… Tất cả đều được ông tái hiện rất thành công. Vùng lõm kết cấu theo trình tự thời gian, chuỗi sự kiện, nhưngNguyễn Quang Hà đã chú ý xoáy sâu hơn vào diễn biến tâm lý nhân vật, nhờ đó, tác phẩm rất giàu tính nhân văn, hấp dụ người đọc. Có ý kiến đánh giá Vùng lõm là “bộ sử thi về Huế” quả không sai!
Cũng như Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà, tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phê vẫn thiên về đề tài chiến tranh, với lối viết giàu chất hiện thực, giàu lòng nhân ái. Viết nhiều thể loại, nhưng có thể khẳng định, tiểu thuyết là mảng thành công nhất của Nguyễn Khắc Phê. Ông có nhiều tiểu thuyết như: Đường qua làng Hạ, Đường giáp mặt trận, Chỗ đứng người kỹ sư, Miền xa kêu gọi, Thập giá giữa rừng sâu, Những ngọn lửa xanh, Biết đâu địa ngục thiên đường… Tuy nhiên, cái riêng trong văn của Nguyễn Khắc Phê so với Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà, chính là những chiêm nghiệm hết sức sâu sắc về dân tộc, về thân phận của con người ngay chính trong gia tộc họ Nguyễn Khắc. Biết đâu địa ngục thiên đường là một điểm sáng trong hành trình viết văn của ông. Tập sách đạt giải C của Hội Nhà văn Việt Năm năm 2010. Biết đâu địa ngục thiên đường hướng vào những góc khuất chiến tranh mà thời kỳ cải cách đầy đau thương, nhức nhối của dân tộc đã bưng bít suốt mấy chục năm qua, và những dư chấn ám ảnh thời hậu chiến, từ đó nhấn mạnh nỗi đau thân phận của con người ở mọi thời đại. Với giọng văn sắc sảo, giàu chiêm nghiệm, giàu triết luận, Biết đâu địa ngục thiên đường đã khẳng định những đóng góp của Nguyễn Khắc Phê trong hành trình cách tân tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Năm 2012, Nguyễn Khắc Phê đã nhận Giải thưởng Nhà nước với hai tiểu thuyết Đường giáp mặt trận (1976, tái bản 1986, 2011) và Những cánh cửa đã mở (1987, tái bản 2006).
Bạn đọc biết đến Tô Nhuận Vỹ từ những thành công về truyện ngắn. Một con người chưa bao giờ ngừng viết, ngừng đổi mới thì ắt hẳn luôn tạo những bất ngờ. Và sau hơn 30 năm trở lại với tiểu thuyết, Tô Nhuận Vỹ đã tạo cho mình một bước ngoặt với Vùng sâu.Trước đó, ông có bộ tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng (3 tập), viết về cuộc nổi dậy và tổng tấn công năm Mậu Thân 1968 của nhân dân Huế, được dựng thành phim truyền hình nhiều tập, được tái bản nhiều lần. Chiến trường Trị Thiên một thời bom rơi đạn réo từng là vùng đất đầy năng sản đã vỗ sóng trong các tiểu thuyết Ngoại ô, Phía ấy là chân trời và Vùng sâu. Tiểu thuyết đã đạt giải C của Hội Nhà văn Việt Năm năm 2015.
Nếu Dòng sông phẳng lặng mang tính hoành tráng, chân thực về một giai đoạn lịch sử anh hùng, Ngoại ô và Phía ấy là chân trời chủ yếu xoay quanh nhận thức về chiến tranh, về thời kì sau chiến tranh, thì Vùng sâu dù vận dụng kiểu trần thuật theo trình tự thời gian – sự kiện như Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, nhưng vẫn rất tinh tế, lôi cuốn, sắc sảo khi cắm xuống trang viết nỗi đau thân phận con người thời hậu chiến thông qua những xung đột, đầy kịch tính. Năm 2012, Tô Nhuận Vỹ cũng nhận được Giải thưởng Nhà nước về tiểu thuyết: bộ Dòng sông phẳng lặng và Ngoại ô.
Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ đều là những thế hệ bước ra từ khói lửa chiến tranh, thấu cảm mọi chiều kích của mất mát, đau thương, do đó, chiến tranh vẫn là chủ âm chính, trở đi trở lại trong các tiểu thuyết của họ. Sau chiến tranh, họ có độ lùi cần thiết để nhìn nhận, đánh giá lại những tổn thất, mất mát cũng như những bi kịch và thân phận con người. Trong các sáng tác của các nhà văn, cấu trúc đối lập quá khứ/ hiện tại, sự sống/ cái chết, chiến tranh/ hoà bình, tốt/ xấu, thiện/ ác… luôn được đặt trong tư thế đối thoại, giằng co, nhờ thế, những góc khuất của chiến tranh hay chiều sâu tâm hồn con người đềuđược chú ý khai thác. Nhưng nhìn chung, tiểu thuyết của họ thường đan cài giữa hai lối viết truyền thống và hiện đại; mạch trần thuật vẫn tuân theo trật tự thời gian; cốt truyện, sự kiện lịch sử vẫn đảm bảo tính chân thực; có khuynh hướng tự truyện; đầy tính nhân văn; đậm dấu ấn lịch sử vùng đất Thuận Hoá – Thừa Thiên Huế. Chỉ có 4 gương mặt đại diện nhưng họ không chỉ tạo được cái nền vững chắc mà còn xây được cái đỉnh cho tiểu thuyết Huế.
Tuy nhiên, đội ngũ viết tiểu thuyết kế tiếp Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Phê, Tô Nhuận Vỹ ở Huế hầu như vắng bóng. Đây là một khoảng trống của tiểu thuyết Huế. Sự đứt gãy chưa có điểm nối này là một tín hiệu đáng lo ngại cho văn học Huế. Trong xu thế phát triển, giao lưu, hội nhập văn học thế giới, và nhu cầu bung nở của thể loại rường cột, có xu hướng bành trướng các thể loại khác, thì người viết tiểu thuyết không thể ôm ấp mãi tư duy, kinh nghiệm, kỹ thuật “đường xưa lối cũ”, mà cần phải không ngừngcập nhật, đổi mới về nội dung lẫn phương thức thể hiện. Nhưng hiện tại, 4 cây bút này đều đã lớn tuổi. Mọi hi vọng đều dựa vào sức bật, nhanh nhạy, nhiệt huyết của thế hệ trẻ. Các cây bút ngoại tứ, ngũ, lục tuần như Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Việt,… dường như đã yên vị với truyện ngắn. Các thế hệ 7x, 8x như Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Hoàng Anh Thư,… tham gia viết nhiều thể loại, và ít nhiều đã khẳng định bút lực, nhưng họ chưa mạnh dạn thử sức với cuộc chơi dài hơi này. Xem ra, khó khăn để có một cuộc bàn giao đúng nghĩa. Duy chỉ có cây bút trẻ, Meggie Phạm (1991), tung bút ở thể loại truyện dài, ngay từ khi chị mới 19 tuổi.
Hiện tại, Meggie Phạm đã sở hữu 5 truyện dài. Các tác phẩm của Meggie Phạm đều được Nxb Trẻ mua bản quyền và in ấn. Viết về những câu chuyện tình đẹp, trong sáng với văn phong tươi trẻ, mềm mại, nữ tính, giàu tính nhân văn, truyện của Meggie Phạm luôn hấp dụ bạn đọc, nhất là lứa tuổi lần đầu nếm trải mùi yêu. Lựa chọn, khai thác theo hướng ngôn tình – lãng mạn, một trong những trào lưu đang nở rộ của giới trẻ như Dương Thụy, Gào, Kawi, Anh Khang, Trần Thu Trang,…, Meggie Phạm vẫn chứng tỏ trường vốn của mình. Có thể xem đây là mùa gặt đầu Meggie Phạm để có đủ mọi hành trang bước vào cửa ngõ cổ máy cái. Sự có mặt của Meggie Phạm, ít nhiều vẫn cho chúng ta cái quyền hi vọng vào tài năng của tuổi trẻ.
Tiểu thuyết đương đại Việt Nam không ngừng trở mình với nhiều khuynh hướng, nhiều ngã rẽ: tiểu thuyết lịch sử – hư cấu, tiểu thuyết huyền ảo, tiểu thuyết trinh thám… Điều đó đã khẳng địnhsự tươi mới của thể loại chủ âm này trong tấn kịch của lịch sử văn học – như cách nói của M.Bakhtin. Tiểu thuyết Huế sau 1986 đến nay đã khẳng định được tiếng nói riêng độc đáo. Trong tương lai, chúng tôi tin rằng: những thế hệ 7X, 8x, 9x ở Huế sẽ có những đột phá và tiệm cận hơn với tiểu thuyết. Những cơn bão táp của cung đình Huế đang ẩn mình trong dòng nước Hương Giang và chờ đợi những cây bút trẻ khai quật những tảng băng trôi. Bạn đọc vẫn gửi niềm hy vọng thiết tha về một nền văn học khởi sắc của Huế trước ngưỡng cửa của vòng xoáy toàn cầu hóa…
Nguồn Văn nghệ số 24/2019