Ngày 9-6-2014, Ban chấp hành TW Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Mục tiêu chung của Nghị quyết là nhằm “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo đó, yếu tố con người văn hóa được Đảng ta tiếp tục xác định vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của sự nghiệp phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới.
Con người và nhân cách văn hóa
Ở nước ta, người nói sớm nhất về nhân cách là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Tuyên ngôn của Liên hiệp thuộc địa, Người đề xướng vấn đề “phẩm giá con người”; Và trong lời kêu gọi đăng trên báo Người cùng khổ, Người đưa lên hàng đầu mục tiêu “giải phóng con người”… Giá trị cao nhất của mọi giá trị văn hóa là Con Người. Sự hoàn thiện nhân cách con người là chiến thắng lớn nhất của văn hóa.
Nhân cách con người nước nào cũng chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố: Địa lý, khí hậu, truyền thống văn hóa, chế độ chính trị, phương thức sản xuất v.v… Vì vậy, khi nói đến con người, nhân học nhiều thập kỷ gần đây đã nói đến 4 phương diện của một con người: Con người sinh học; Con người xã hội; Con người tâm lý và Con người tâm linh. Quốc gia nào phát triển cũng xây dựng nguồn nhân lực và lựa chọn ba loại vốn: Vốn cơ sở vật chất (máy móc, thiết bị, bất động sản); Vốn tự nhiên (rừng, biển đảo, hầm mỏ v.v…) và Vốn Con người (bao gồm kỹ năng lao động, tri thức công nghệ, sản phẩm văn hóa, phần mềm máy tính…). Trong ba loại vốn đó, Vốn Người là quan trọng nhất. Ở các nền văn hóa khác nhau có hệ chuẩn không giống nhau, nhưng vẫn có những giá trị chung. Đó là sự lao động chăm chỉ và có tay nghề, trung thực trong giao tiếp xã hội, có tình thương đối với đồng loại…
Con người không phải lúc nào cũng tự làm chủ được mình, nhất là số đông cán bộ lãnh đạo nắm trong tay quyền lực về các dự án lớn, nguồn tài chính, tiền tệ, đất đai… không nhỏ, nên cần sự kiểm soát của những chế tài, pháp lý nghiêm khắc, suy cho cùng là tự giáo dục. Ngày nay không ít cán bộ lãnh đạo, nói thì hay mà vỗ tay thì dở, thậm chí có những hành vi vô luân, vô đạo. Một số không nhỏ cán bộ, Đảng viên biến chất, nắm trong tay quyền lực nhưng phai nhạt lý tưởng, đạo đức suy đồi, lối sống buông thả là do họ “đức ít mà ân sủng nhiều, tài ít mà địa vị cao, công nhỏ mà bổng lộc lớn” thì đó là “tam đại họa”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI dóng tiếng chuông cảnh tỉnh đối với họ và động viên dư luận rộng rãi trong dân, sự giám sát công khai của các tổ chức quần chúng, sự kiên quyết, kiên tâm, quyết liệt bằng những chế tài, pháp lý của công lý, luật lệ…
Nhân cách văn hóa là cái tôi chân chính hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa cộng đồng và cá nhân, giữa trách nhiệm và hưởng thụ, giữa lý tưởng và hiện thực v.v… Không thể một lúc hoặc vài tháng, vài năm mà cải tạo được một bộ phận xấu trong hàng ngũ quản lý nhà nước, nhưng có thể cải tạo từng bước gập ghềnh của họ, nhờ nhân cách văn hóa của họ trỗi dậy, nhờ sự giáo dục của công luận, nhờ phê bình và tự phê bình…
Con người trong triết lý phát triển
Văn học, nghệ thuật vì Con người (nghệ thuật vị nhân sinh), đó là tuyên ngôn mà các nhà lý luận nghệ thuật mác xít vẫn nói và thời đại nào cũng không thể không quan tâm vấn đề “nghệ thuật vị nghệ thuật”, hay “nghệ thuật vị nhân sinh”. Ở phương Tây trong thời đại toàn cầu hóa về văn hóa-nghệ thuật, khái niệm về triết lý phát triển có nhiều cách hiểu khác nhau. Tựu trung có hai khunh hướng chính: Chủ nghĩa duy lý và phi duy lý. Về bản thể học, hai khuynh hướng này đối lập nhau, nhưng xét về nhận thức luận, chúng tồn tại bên nhau. Toàn cầu hóa là “con dao hai lưỡi”, mang lại nhiều mâu thuẫn, kể cả ở các nước phát triển. Chẳng hạn, hiện nay đại đa số dân Na-uy không muốn vào EU, không tham gia toàn cầu hóa, không sử dụng đồng Euro… Còn người Pháp thì đánh thuế cao 100% cho mọi chai Coca-Cola bán tại nước họ. Họ thích loại phomat Roquefort được sản xuất từ một loại cừu nội địa. Hoặc như ở Maroc, giới tài phiệt chiếm 85% tài sản đất nước châu Phi tại các công ty độc quyền. Một quan chức cao cấp Singapore đã trả lời hang AFP rằng: ASEAN đã hội nhập, nhưng không giống EU. Chúng tôi đã có quá nhiều điểm khác nhau về văn hóa, lịch sử, tôn giáo… Chúng tôi không dự tính phát triển theo kiểu EU và trên thực tế cộng đồng ASEAN đã làm như vậy.
Trong văn hóa-nghệ thuật, toàn cầu hóa đã và đang tạo ra xu hướng đối nghịch: vừa trao thêm quyền (dân chủ hóa các sản phẩm văn hóa và giao lưu hội nhập các tri thức), lại vừa tước bỏ quyền (thu hẹp văn hóa đọc, thờ ơ đối với những giá trị truyền thống, áp đặt văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, dân chủ hóa và độc quyền hóa…). Vì vậy, khi nói đến toàn cầu hóa, nhân dân các nước, dù lớn hay nhỏ cần ý thức sâu sắc xu hướng toàn cầu hóa nhân văn. Ở đó, con người là trung tâm, là khởi đầu, là mục tiêu. Những thành tựu của văn hóa dân tộc trở thành tài sản của nhân loại. Các nước lớn nhỏ đều bình đẳng, văn hóa dân tộc không có đẳng cấp; ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc nào phải được coi là bản sắc của dân tộc đó. Tư duy lý thuyết văn nghệ là sự song hành giữa giữ gìn cái gốc rễ của dân tộc, vừa cởi mở tiếp nhận “hạt nhân hợp lý” hướng đến con người. Ở nước ta, Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là cột mốc lý luận quyết định tư duy mới với mục tiêu, trọng tâm, cốt lõi là XÂY DỰNG CON NGƯỜI. Bởi vì nói văn hóa là nói con người – Con Người viết Hoa. Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn của Con Người, do Con Người và vì Con Người. Con Người là giá trị tối cao của văn hóa.
Văn hóa tự bản chất là một tập hợp gồm nhiều lĩnh vực đời sống. “Văn hóa soi đường cho quốc dân” là triết luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần được quán triệt qua tư duy lý luận và dấu chân thực tiễn. Nhờ có văn hóa mà Con Người không chỉ phản ánh hiện thực mà còn cải biến nó. Có lúc có nơi văn hóa biến thành sức mạnh vật chất, được gọi là “quyền lực mềm”, tri thức là sức mạnh. “Quyền lực mềm” có khi đi trước kinh tế, quân sự.
“Tính người” là “hòn đá thử vàng”
Nghệ sỹ cần phản ánh con người đồng thời với mình. Không ai thay thế cho họ cả. Có thể cũng có những cây bút tài hoa thế hệ sau đã viết về hai cuộc kháng chiến giữ nước hay hơn người đương thời, nhưng điều đó thật khó khăn và hiếm có. Để phản ánh trung thực cuộc sống bề bộn vì con người với tinh thần phong phú và phức tạp, nhà văn cần nắm lấy cái bản chất, cái điển hình của vô số hiện tượng nằm trên bề mặt cuộc sống con người. Viết văn mà xuất phát từ động cơ bất mãn, từ ẩn ức cá nhân, từ tâm lý “giận cá chém thớt”, thiếu sự chân thật, sự thôi thúc bên trong… thì những trang viết của “nhà văn” chẳng những không hơn những bài tường thuật, điều tra mà còn là những sản phẩm tinh thần độc hại. Loại văn chương tự nhiên chủ nghĩa, theo khuynh hướng thương mại, một thời được xuất bản xô bồ, nằm la liệt trên thị trường sách báo đã đầu độc một bộ phận bạn đọc nhẹ dạ, cả tin. Ai cũng nói văn chương, thơ ca là sự thật, là con người. Nhưng sự thật cuộc sống, sự thật con người đa chiều và nghệ thuật tự nhiên chủ nghĩa là khác nhau, mặc dầu sự thật nghệ thuật bắt nguồn từ con người và cuộc sống. Vậy làm thế nào để sự thật cuộc sống và sự thật con người không bị bóp méo? Sự thiên lệch dù là về phía “Ca ngợi” hay “Phê phán” đều xuyên tạc con người. Một số ít nhà văn mới vào nghề thường bị chủ nghĩa sinh hoạt, yếu tố tình dục và sinh vật được mệnh danh là đời thường “níu chân” họ. Không xây dựng được những nhân vật điển hình xã hội, những con người đa chiều… thì dù nhà văn ngay cả những cây bút có tài, có phông văn hóa rộng, với những tuyên ngôn hùng hồn… vẫn không chứng minh được chủ nghĩa nhân văn chân chính.
Chủ nghĩa nhân văn trong nghệ thuật là “hòn đá thử vàng” mọi tác phẩm nghệ thuật. Điều đó đúng với chân lý của mọi thời đại. Thử điểm lại vài hiện tượng, vài tác giả trong văn chương, hội họa thời kỳ Phục Hưng, các tác phẩm theo khuynh hướng hiện thực phê phán và lãng mạn chủ nghĩa… Không thể kể hết những giá trị to lớn, vĩnh hằng của bi kịch Hy Lạp, kịch cổ điển của Molie, tiểu thuyết của các nhà văn lớn ở Pháp, Anh, Nga thế kỷ XVIII, XIX… mà cảm hứng chủ đạo xuyên suốt là chủ nghĩa nhân văn cao cả và tính người sâu sắc.
Trong lịch sử nghệ thuật nhân loại, không chỉ đề tài lớn làm nên chủ nghĩa nhân văn. Nhà điêu khắc nổi tiếng Rô-đanh với tác phẩm “Mùa xuân vĩnh cửu”, họa sỹ cộng sản người Italia là Gut-tu-đô chỉ vẽ về buồng tắm vẫn khắc họa tính nhân văn màu nghiệm, gợi cảm. Vì sao vậy? Là bởi vì hai nghệ sỹ quan niệm rằng: Không có gì tốt đẹp hơn, cao thương hơn, quý giá hơn con người. Sự ngưỡng mộ và tôn thờ vẻ đẹp hình hài của con người của hai nghệ sỹ bậc thầy là nhờ tư tưởng, tài năng, tâm huyết của nghệ sỹ sai khiến, mách bảo tạo nên “tia chớp sáng tạo” vì Con Người.
Cũng là để thể hiện quan niệm đúng đắn, đa diện về con người trong nghệ thuật, nhưng nếu hẫng hụt về tài năng, thiếu chất liệu phù sa văn hóa thì cũng khó có tác phẩm hay. Không ai hiểu những khó khăn, nhọc nhằn của nhà văn và nghệ sỹ bằng chính họ. Cũng có thể nói, không ai ban ơn, ban phát tài năng cho nhà văn và nghệ sĩ bằng chính họ.