Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ
Đồi thì rộng, anh không vuông đất nhỏ
Đất và trời Phan Thiết có anh tôi!
Chính ở đây anh thấy biển lần đầu
Qua cửa hầm
Sau những ngày vượt dốc.
Biển thì rộng căn hầm quá chật
Khẽ trở mình cát đổ trắng hai vai…
Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi
Tim anh đập không sao ghìm lại được
Gió nồng nàn hơi nước
Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi!
Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya
Những người lính mở đường đi lấy nước
Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp
Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi
Biển ùa ra xoắn lấy mọi người
Vì yêu biển mà họ thành sơ hở
Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ
Mất chỉ còn cách nước một vài gang
Anh ở đây mà em mãi đi tìm
Em hi vọng để lấy đà vượt dốc
Tân Cảnh
Sa Thầy
Đắc Pét
Đắc Tô
Em đã qua những cơn sốt anh qua
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe
Cánh rừng kia, trận mạc còn kia
Vài bước nữa thì tới đường số Một
Vài bước nữa
Thế mà
Không thể khác
Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi?
Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì
Nhưng em biết ngày ngày anh vẫn đứng
Anh chưa biết đã tan cơn báo động
Chưa biết tin nhà, không nhận ra em…
Không nằm trong nghĩa trang
Anh ở với đồi, anh xanh vào cỏ
Cỏ ở đây thành nhang khói nhà mình
Đồi ở đây cũng là con của mẹ
Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em!
Tiếng còi xe Phan Thiết bước vào đêm
Đèn thành phố soi người đi câu cá
Anh không ngủ, người đi câu không ngủ
Biển đêm đêm trò chuyện với hai người…
Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi!
Phạm Tiến Duật
Nhớ về lũ trẻ
Mười năm ta ở rừng
Mười năm đi tìm giặc
Mười năm xa con đường xa lắc
Có nỗi nhớ nào không một bóng trẻ con.
Đuôi mắt tưởng như mòn
Vì nhớ nắng nên trời chậm tối,
Cây ngả nghiêng trong tiếng bom Mỹ dội
Quầng nắng trong rừng như những bước chân son.
Sau tiếng bom, tổ trinh sát quây tròn
Mấy con chó mang theo nằm giỡn nắng,
Mấy con chó đùa nhau trong rừng vắng
Gợi nhớ rất nhiều ngõ nhỏ trẻ con chơi.
Những chéo vải màu lung linh dây phơi
Hơi bếp ấm bay vào nỗi nhớ,
Nước bọt trẻ con ướt trên vai trên cổ
Bàn tay nào vò trên mái tóc ta.
Tiếng bom nổ bên kia rừng già
Vẫn nhớ cặp môi trẻ con tóp tép,
Đời có trẻ con nên đời rất đẹp
Mọi vật quanh mình như trẻ thêm ra.
Nhớ những bức tường trên đường ta qua
Có nét vẽ bằng gạch non than củi,
Không ra hình thù gì, những đoạn vẽ rối
Như hình thù con đường của trẻ con nhà ai.
Bỗng nhắc nhớ con đường ngày mai
Con đường ta đi suốt đời không hết,
Trận đánh này và trận sau đánh tiếp
Tất cả vì con trẻ với mai sau.
Đất nước công kênh trẻ con lên đầu
Trẻ con là hy vọng của cha, là an ủi dịu dàng của mẹ
Gì hạnh phúc bằng trao cho nhau đứa trẻ
Hai khuôn mặt người sát lại gần nhau.
Trẻ con vừa gặp đã thân nhau
Là cái cớ sang chơi của bà con hàng xóm,
Cái vòng bánh xe làm bằng vành nón
Mang hình mặt trời trên trái đất lăn lăn.
Xa phố xa làng sống trong núi mười năm
Đi bảo vệ một tuyến đường huyết mạch.
Ôi con đường nối hai đầu chiến dịch
Là nối hai vùng làng, con trẻ với vườn hoa
Quầng nắng trong rừng như những gót chân xa.
Nguyễn Đức Mậu
Với một nhà thơ Mỹ
Gửi nhà thơ cựu binh Mỹ: Kevin Bowen
Thành phố Boston một chiều ngợp nắng
Một chiếc bàn con dưới bóng cây
Ồ cốc bia chúng ta cầm tay
Không phải là trái mìn chớp nổ
Và súc xích, khoai tây, đồ hộp trên bàn
Không phải là những cỡ đạn sát thương
Và không gian âm nhạc êm đềm
Không có tiếng rú gầm sắt thép
Chợt anh nhắc về 30 năm trước
Ngọn lửa cháy rừng bùng lên miệng cốc
Tôi nhớ đêm Trường Sơn mùa mưa
Từng mảng đêm ướt nhòa hốc mắt
Những tâm tình bao năm chiến tranh
Như hòa lẫn trong cốc bia sủi bọt
Tôi rót cho anh một cốc đầy mùa hạ
Mây trắng tràn miệng cốc, uống đi anh
Anh rót cho tôi một cốc buồn dĩ vãng
Một mảng chiều trong đáy cốc trời xanh
Thành phố Boston tôi và anh
Và mặt trời rót tràn men ánh sáng…
Võ Thanh An
Làng xây nghĩa trang liệt sĩ
Không phải ngày xuân con cháu đi tảo mộ ông bà
Mà các cụ đi xây nghĩa trang cho con cháu
Những thanh niên bám làng chiến đấu
Ngã xuống năm xưa, nay quần tụ về làng
Khu nghĩa trang nằm trên đồi cây
Dưới tán bạch đàn trẻ con thường đến đây múa hát
Cả đồi cây là một vùng bóng mát
Cũng do tay các cụ đã vun trồng
Làng góp lại đây những viên gạch màu hồng
Những vuông đất của làng vừa nung qua lửa
Và những thợ xây, thợ hồ, thợ vữa
Là những người cha, người ông sinh ra các anh
Sinh ra các anh trong mái dột lều tranh
Làng như trại giam, rào gai nhức nhối
Cái nghề thợ xây cha truyền con nối
Sống lang thang làm mướn cho người…
Mấy năm nay làng được giải phóng rồi
Làng đã dựng lên những khu nhà mới
Trai gái của làng đang mùa cấy hái
Các cụ già đi xây nghĩa trang
Những tấm bia vẫn xếp dọc hai hàng
Như hôm các anh đứng đọc lời tuyên thệ
Nghe tiếng bay miết đều nhè nhẹ
Ngỡ thuở nào các cụ nựng, xoa con
Tôi đứng cắm chân như một gốc bạch đàn
Có dao cứa quang cành, quanh gốc
Thương các cụ suốt cuộc đời cực nhọc.
Sinh ra con lại xây mộ cho con
Càng hiểu những tấm lòng không hề tính thiệt hơn
Vì tổ quốc nỗi đau nào cũng vượt
Các anh sẽ nằm ở đây giữa đồi cây gió hát
Như tình yêu thương của làng đang cất nên lời
Hoàng Trần Cương
Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Quê hương anh một thời ngút lửa
Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành giải lụa Sông Lam
Miền Trung
Tấm lưng trần đen sạm
Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm giăng màn
Thoáng bóng giặc núi bửa thành báng súng
Những đứa con văng như mảnh đạn
Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi
Miền Trung
Bao đời núi với bể kề đôi
Ôi! Biển Đông – giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ
Nóng hổi như vừa lăn xuống
Theo những tượng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm
Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm
Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai rao mà trắng mặt người
Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong.
Bế Kiến Quốc
Với Long hy sinh 1971
Bạn bây giờ xanh trên hàng cây
Vàng trong nắng, trắng giữa mây, hồng lửa
Là quầng sáng quanh mỗi vì tinh tú
Bạn bây giờ ở trong từng hạt lúa
Khoảng giữa những giọt mưa, trong sóng những làn hương
Phía đằng sau nỗi đau của mẹ…
Nhưng nói thế – vẫn chỉ là nói thế
Hàng cây kia nào bóng bạn đâu nào!
Có những lúc cả thế gian vắng vẻ
Ngồi một mình trong nắng ngắm mây cao…
Còn bao điều chưa nói hết cùng nhau
Còn dự tính cùng nhau làm bao việc
Ai mất đi cũng đều là mất mát
Nhưng mất người bạn thân là mất mát vô cùng!
Đoàn Xuân Hòa
Đồng đội tôi ra trận thời bình
Không có giặc các anh vẫn đi
Không có cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ*
Chỉ có mồ hôi các anh vãi ra giữa phố
Nơi gầm cầu những phiên chốt thay nhau.
Ngày trở trời vết thương cũ quặn đau
Nhưng không thể đau bằng những đứa con nheo nhóc
Tiền là đạn bắn chỉ thiên cho các con ăn học
Những giảng đường học phí tính bằng trâu.
Không có giặc các anh vẫn đi
Ôm xẻng cuốc giữa phố đông ngơ ngác
Anh đâu biết đối tượng và đối tác
Ai hỏi mua sức mình là anh xung phong.
Những bàn tay từng đào hố, đào hầm
Từng ghì súng nhằm quân thù xốc tới
Vết sẹo thời chiến tranh bật những tia máu mới
Sẹo thời bình, thời chiến tấp lên nhau.
Đêm đêm các anh lại giao ban dưới những gầm cầu
Gió gửi khói đốt đồng làm cay cay đôi mắt
Thời bình vẫn nhớ quê nôn nao như ngày đánh giặc
Mơ trở về dưới những mái nhà xưa.
Không có giặc các anh vẫn đi
Trần Vũ