CÁCH THỨC PHẢN ÁNH CỦA TỤC NGỮ, CA DAO CỔ TRUYỀN NGƯỜI VIỆT VỀ SẢN VẬT NÔNG NGHIỆP XỨ THANH

Tục ngữ, ca dao cổ truyền (TNCDCT) người Việt là kho tàng vốn sống trên nhiều lĩnh vực của người Việt Nam; trong đó chứa đựng rất nhiều tri thức về sản vật nông nghiệp cả nước nói chung, sản vật nông nghiệp xứ Thanh nói riêng. Cùng với những đặc sắc trên phương diện nội dung thì cách thức phản ánh của TNCDCT theo cách trực tiếp và gián tiếp (so sánh, phóng đại, ẩn dụ…) về các món ăn, thức uống, cây trồng, vật nuôi… đã góp phần thể hiện một cách hoàn chỉnh diện mạo của sản vật nông nghiệp xứ Thanh. Một số nét nổi bật trong cách thức phản ánh của tục ngữ, ca dao cổ truyền người Việt về sản vật nông ngiệp xứ Thanh sẽ góp phần thể hiện rõ điều này.

1. Cách thức phản ánh trực tiếp của TNCDCT người Việt về sản vật nông nghiệp xứ Thanh

Nội dung của TNCDCT người Việt đã giúp chúng ta tiếp thu những tri thức của cha ông để lại bằng những nghệ thuật khác nhau, trong đó có cách thức phản ánh trực tiếp. Nét nổi bật nhất trong cách phản ánh trực tiếp là sử dụng các công thức mẫu đề. Công thức địa danh – sản vật đã thể hiện được màu sắc phổ biến và sắc thái địa phương qua địa danh.

Đặc điểm của cách thức phản ánh TNCDCT người Việt về sản vật một cách trực tiếp trước hết cung cấp cho các độc giả tên gọi, chung nhất của sản vật: dừa, cau, thịt dê, quế… nhưng cụ thể hơn, người xưa đã biết gắn tên các sản vật đó với địa danh là quê hương nơi xuất hiện các sản vật: dừa ở Quảng Hán, Lựu Khê; cau ở Hổ Bái; thịt dê ở Quán Lào, Yên Định; nước mắm Ba Làng, Do Xuyên; quế ở Thường Xuân; mía Triệu Tường, Vạn Lại; phi ở Cầu Sài; rau cải chợ Bùi (Quảng Giao, Quảng Xương)…

Ai về nhớ vải Định Hòa

Nhớ cau Hổ Bái, nhớ cà Đa Nê (1)

Mía đường Vạn Lại, dưa cải chợ Bùi (2)

Những câu TNCDCT có ý nghĩa đúc kết như trên giúp chúng ta nhận diện giá trị sản vật và những sản vật ngon, sản vật quý sẽ được lưu truyền cho con cháu đời sau. Từ các câu TNCDCT, mọi người vừa có dịp nhận biết các sản vật trên mọi miền đất nước nói chung và các địa phương cụ thể nói riêng. Bên cạnh đó, người đọc cũng biết được quê hương của các sản vật; từ đó góp phần cho việc phát triển các loại hình kinh tế, văn hóa phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần của con người như: chế biến thực phẩm, du lịch, kinh doanh… Đôi khi, cách thức phản ánh sản vật thể hiện sự dí dỏm, niềm tự hào của ai đó về quê hương của họ – nơi có sản vật ngon, quý, chẳng hạn: người Tĩnh Gia đã quảng bá sản vật quê nhà qua cá thu – loại cá ngon ở biển mà người xóm Bể, xóm Gấm Mè là vùng biển có người đánh cá tài giỏi thường thu hoạch được loại cá này khi ra khơi. Đây cũng là cách mỗi người dân tự hào về truyền thống, phẩm chất cần cù của các ngư dân khi họ biết cách chinh phục tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình:

Muốn ăn cơm trắng, cá thu

Lấy chồng xóm Bể, làm du Gấm Mè (3)

Họ còn tự hào về đặc sản nước mắm quê nhà ngon, nổi tiếng thể hiện qua cách nói ngoa dụ: Cá mè sông Mực nấu với nước mắm Do Xuyên, chết xuống âm phủ còn muốn trở viền mút xương (4).

Từ những dẫn liệu trên, có thể rút ra công thức mà TNCDCT thường dùng để phản ánh sản vật, trong đó có sản vật nông nghiệp xứ Thanh: sản vật + địa danh. Đây chính là dạng công thức mẫu đề trong cách phản ánh của TNCDCT người Việt về sản vật nông nghiệp xứ Thanh.

Không dừng lại ở cách gọi tên sản vật gắn với các địa danh một cách đơn thuần, chúng ta có thể nhận biết được cách kết hợp, chế biến các sản vật thành những món ăn ngon mang đậm hương vị của các miền quê khác nhau: cháo chim bồ câu (người Thanh Hóa hay gọi là cháo cu cu), cá bống kho gừng, canh cua rau bợ, bánh tráng (bánh đa Thiệu Châu – Thiệu Hóa) ăn kèm với cùi dừa, hay ăn khoai bột với don (loài hến vỏ mỏng, nấu canh ăn rất ngon, sản vật đặc biệt của làng Khả La ở Hải Bình, Tĩnh Gia), bánh đa kê ở Hoằng Hóa, Quảng Xương…

Cu cu nấu cháo gạo chành

Mỗi người mỗi bát còn tranh vét nồi (5)

Muốn ăn cá bống kho gừng

Thì về kẻ Mĩ đan thừng với anh (6)

Khoai lang ăn với nước don

Những người làng Trá béo tròn nhu cu (7)

Rau bậu mà nấu canh cua

Người chết nửa mùa sống dậy mà ăn (8)

Chồng đánh không chừa vẫn cùi dừa, bánh tráng (9)

Muốn ăn bún sốt lòng tươi

Có con thì gả cho người làng Đông (10)

Từ cách thức phản ánh trên, chúng ta lại có thêm công thức của TNCDCT về các sản vật ở mức độ khác: sản vật + địa danh + đặc điểm sản vật; sản vật + phương ngữ + đặc điểm sản vật; hành động + sản vật; sản vật + hành động. Dạng công thức này thực chất là sự biến thể của công thức mẫu đề đã đề cập ở trên. Nó nhằm cụ thể hóa hoặc bổ sung thêm những biểu hiện khá thú vị trong cách phản ánh của TNCDCT người Việt về sản vật trên quê hương Thanh Hóa.

Điều lý thú, bổ ích nữa là trong cách phản ánh trực tiếp sản vật của TNCDCT lại cung cấp cho người đọc những hiểu biết thêm về vùng miền liên quan đến các địa danh, đó là các nghề thủ công truyền thống: nghề đúc đồng, nghề rèn, nghề đan lát, nghề buôn bán, nghề canh cửi, đục đá nung vôi, nấu rượu…

Muốn ăn cơm trắng, cá thèn

Thì về Đa Bút đi rèn với anh (11)

Em buôn chi có sọt, có giành

Có phải buôn hành, xuống chợ Cầu Quan (12)

Làng Vạc trồng bông, buôn bông

Làng Khoai cấy lúa, Chè Đông đúc nồi (13)

Ở cách phản ánh này, chúng ta có thể rút ra công thức tổng quát của TNCDCT phản ánh về các sản vật như sau: sản vật + địa danh + nghề nghiệp; sản vật + nghề nghiệp + địa danh.

Qua ba dạng phản ánh sản vật của TNCDCT người Việt, chúng ta có thể khẳng định: các sản vật được nhân dân lao động gìn giữ bằng nhiều cách khác nhau, có khi rất đơn giản, có khi đầy đủ các đặc điểm nhưng cũng rất cô đọng, dễ nhớ, dễ cảm nhận… Trong đó, cách phản ánh sản vật gắn với địa danh mang tính trội so với các yếu tố khác, như: sản vật gắn với nghề nghiệp làm ra hoặc liên quan đến chúng, hoặc sản vật gắn phương ngữ, hành động đặc thù của nhân dân địa phương… Vì vậy, người ta có thể nhận biết các sản vật và cao hơn là các đặc sản của các địa phương trong tỉnh; từ đó có thể thưởng thức, quảng bá sản phẩm cho các sản vật này. TNCDCT phản ánh sản vật xứ Thanh thông qua địa danh là một cách phản ánh nổi bật nhất và đặc thù nhất; nó mang màu sắc, dấu ấn xứ Thanh và là một tiêu chí để phân biệt sản vật xứ Thanh với các địa phương khác trong cả nước.

2. Cách thức phản ánh gián tiếp của TNCDCT người Việt về sản vật nông nghiệp xứ Thanh

Bên cạnh cách phản ánh trực tiếp với việc sử dụng các công thức mẫu đề, các biện pháp nghệ thuật như so sánh, phóng đại, ẩn dụ cũng được nhân dân dùng để phản ánh sản vật nông nghiệp với một cách riêng, độc đáo mang âm hưởng của vùng đất xứ Thanh.

So sánh là biện pháp nghệ thuật xuất hiện nhiều trong TNCDCT người Việt như một lẽ tất yếu. Cách so sánh các sản vật giúp cho TNCDCT chuyển tải nhiều nội dung, thông tin một cách đầy đủ nhất. Từ lối nói bóng bẩy, lời tâm sự trao đổi tâm tư, tình cảm của các đôi trai gái mà các sản vật được hiện lên một cách bất ngờ, thú vị:

Thiếp như mía tiến vừa tơ

Chàng như chuối ngự còn chờ đợi ai? (14)

Đôi ta như quế trong ngăn

Mở ra thơm ngát băn khoăn dạ sầu (15)

Có thể nói qua cách so sánh, mà các món ăn tạo thêm dư vị cho cuộc sống, người ta không chỉ cảm nhận được hương vị trong bữa ăn mà quan trọng giúp mọi người hiểu được ý nghĩa, tinh thần lạc quan trong tâm thức người lao động. Đó cũng là những gia vị rất riêng cho tình cảm thêm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.

Cách phản ánh trực tiếp các đặc sản gắn với địa danh từng địa phương giúp chúng ta hình dung rõ được mối quan hệ giữa ca dao, tục ngữ với yếu tố địa lý; còn cách phản ánh gián tiếp bằng cách mượn các đặc sản quê hương, chẳng hạn như: quế – “quế Thanh Hóa, ít khi nằm trong mặt hàng xuất khẩu đại trà vì người ta tranh nhau mua hết trong xứ rồi. Mỗi khi bán quế Thanh, viên công sứ đầu tỉnh (người Pháp) công bố cho cả xứ biết. Khách từ khắp Đông Dương đến tranh mua…” (16), trong đó quế ngọc châu Thường (Thường Xuân) chất lượng nhất; mía Đường Trèo (Hà Trung) tiến vua… để so sánh với tình yêu đẹp của các đôi trai tài, gái sắc đang hẹn hò:

Vỏ quế ăn với trầu cay

Đôi ta thấp thoáng đợi ngày xe duyên (17)

Đố em đi đến sông Ngân

Bắt con vịt nước đang ăn giữa trời

Đố anh đi đến chân trời

Bẻ hoa quế đỏ ghẹo người cung trăng (18)

hoặc mượn các đặc sản ấy để so sánh với sự thủy chung, son sắt của các đôi vợ chồng, đó là tình yêu vĩnh cửu, là niềm tin mà họ dành cho nhau trong cuộc đời mình:

Anh với em như mía với gừng

Gừng cay, mía ngọt, ngát lừng mùi hương (19)

Đôi ta như quế trong ngăn

Mở ra thơm ngát băn khoăn dạ sầu (20)

Cũng mượn hình ảnh cây quế – đặc sản của vùng đất xứ Thanh, nhưng lại buông những lời than thân, trách phận của những cô gái kém may mắn… trong cuộc sống:

Em như cây quế giữa đồng

Để cho cú đậu cực lòng quế thay (21)

Em như cây quế nhà quan

Kẻ thì ngắt ngọn, kẻ toan bẻ cành (22)

Có khi là cách nói hài hước, ví von của người dân Thanh Hóa luôn tự hào về câu chuyện Mai An Tiêm đã tìm ra giống dưa quý – dưa hấu qua truyện cổ Sự tích trái dưa đỏ được lưu truyền trong dân gian. Phải chăng từ câu chuyện đó mà vùng đất Nga Sơn là xứ sở của rất nhiều loại dưa: dưa chuột, dưa gang, dưa lê và đặc biệt là dưa hấu – loại dưa vỏ xanh, cùi trắng mỏng và ruột đỏ đậm, nhiều nước, ngọt mát. Người dân trong vùng cũng lưu truyền câu ca dao:

Muốn ăn dưa hấu, dưa hồng

Bỏ chồng Yên Lộc, lấy chồng Yên Ninh (23)

Nguyên nhân ở đây là xã Yên Lộc chuyên trồng dưa chuột, còn Yên Ninh trồng dưa hấu ngọt ngon, người người đều rất thích. Đây là cách điểm tên sản vật một cách rất dí dỏm trong ca dao qua cách nói quá (bỏ chồng để ăn dưa ngon).

Từ chỗ gắn các đặc sản với vùng đất sinh ra nó đến cách mượn các đặc sản rồi so sánh với chủ thể trữ tình để bộc lộ những triết lý, tình cảm tốt đẹp, hay những tâm trạng buồn tủi của những số phận hẩm hiu… đều thể hiện lời khuyên chân thành tới mọi người trong cuộc sống đã tạo nên một sức lan tỏa của sản vật cũng như phương tiện chuyên chở chúng là ca dao, tục ngữ. Đây chính là cách phản ánh sản vật một cách độc đáo của TNCDCT người Việt. Có như vậy, chúng ta mới thấu hiểu được lẽ sống ở đời của cha ông ta trao truyền lại các thế hệ con cháu của mình.

Cùng với biện pháp so sánh, tác giả dân gian đã sử dung biện pháp nói quá, phóng đại để phản ánh đặc điểm của sản vật làm nổi bật chất lượng, sự ưu trội của sản phẩm quê hương:

Cà làng Hạc ăn gãy răng, khoai làng Lăng ăn tắc cổ (24)

Chồng đánh bò lê, vẫn bánh kê, bánh tráng (25)

Đi thì mỏi gối, chối lè, không đi thì nhớ cháo chè Đình Hương (26)

Chúng ta có thể thấy biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong TNCDCT người Việt đã góp phần phản ánh hình ảnh, diện mạo sản vật một cách dí dỏm, ấn tượng giúp chúng ta hình dung sự phong phú, đa dạng của sản vật. Các biện pháp nghệ thuật: so sánh, phóng đại được TNCDCT phản ánh đã thổi hồn để sản vật nông nghiệp xứ Thanh có thêm sức sống, sức lan tỏa góp phần khẳng định giá trị, chất lượng sản vật riêng của vùng đất xứ Thanh.

Bên cạnh đó, TNCDCT người Việt sử dụng biện pháp ẩn dụ, mượn các sản vật nói lên tiếng lòng của con người, hay khuyên nhau nên biết sống chân thành, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Ở vùng Quảng Xương – Thanh Hóa, tác giả dân gian rất khéo léo khi vận dụng cách khuyên bảo mọi người biết sống tốt với nhau qua hình ảnh nhân hóa, hình ảnh nhân hóa lại mang tính ẩn dụ là khoai sọ, khoai lang:

Xin đừng tiếng nhỏ, tiếng to

Đừng có khoai sọ dày vò khoai lang (27)

Cuộc sống của con người không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng, xuôi theo ý muốn, có khi nó yên bình, hạnh phúc, là bến đỗ bình yên; nhưng có khi nổi nênh, dâu bể. Những lời khuyên bằng cách lựa chọn những hình ảnh, những sản vật rất dân dã, gần gũi với cuộc sống con người như chứa đựng cả bầu tâm trạng đã giúp mỗi chúng ta hành xử với nhau đúng mực trong cuộc sống. Mặc dù xuất hiện với rất khiêm tốn trong TNCDCT người Việt phản ánh về sản vật nông nghiệp nhưng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ lại mang một hơi thở riêng thể hiện đầy đủ bản chất của thể loại. Qua đó, các sản vật lại có thêm một phương thức, một cách hóa thân rất ấn tượng trong đời sống nhân dân Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

3. Kết luận

Với hai cách thức phản ánh cơ bản: trực tiếp, gián tiếp, dù không mới mẻ và có điểm gặp gỡ trong cách phản ánh sản vật của vùng khác; song tiêu chí để khu biệt được bức tranh sản vật của vùng đất xứ Thanh là ở chỗ: sản vật gắn liền với địa danh, phương ngữ và chất lượng vượt trội của nó mà khi nhắc đến tên, người ta biết ngay của Thanh Hóa. Đúc kết TNCDCT người Việt về sản vật nông nghiệp xứ Thanh dưới dạng phản ánh trực tiếp qua công thức mẫu đề và các biến thể của nó đã tạo nên nét đặc trưng của thể loại này. Công thức mẫu đề là cơ sở rõ nhất để khu biệt sản vật Thanh Hóa với các vùng miền khác trong cả nước. Bên cạnh đó, nghệ thuật phản ánh gián tiếp bằng các biện pháp: so sánh, phóng đại, ẩn dụ… không chỉ làm cho diện mạo sản vật nông nghiệp xứ Thanh hiện lên một cách đầy đủ mà còn lột tả được cả tâm trạng, tình cảm của con người mộc mạc nơi đây qua các loại cây trồng, vật nuôi, món ăn… Nghệ thuật trong cách phản ánh gián tiếp của TNCDCT đã mang đến cho chúng ta một kho sản vật phong phú mà con người Thanh Hóa đang sở hữu. Chính vì vậy, sản vật trong TNCDCT ngoài là nghĩa của các sản phẩm phục vụ cho ẩm thực còn là nhân vật, chủ thể trữ tình. Có vậy, mới thấy được sự sáng tạo kỳ diệu của những người bình dân và tình cảm họ dành cho các sản phẩm do bàn tay, khối óc con người tạo ra.

___________

1, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 27. Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật đồng chủ biên, Kho tàng ca dao người Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr.92, 1430, 537, 1429, 1196, 1781, 1429, 1431, 927, 224, 2062, 866, 1003, 850, 177, 866, 965, 1432, 2369.

2, 25, 26. Tài liệu tác giả điền dã, sưu tầm.

4, 9, 24. Nguyễn Xuân Kính chủ biên , Kho tàng tục ngữ người Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.343, 555, 326.

16. Lê Tuấn Lộc chủ biên, Minh Hiệu tuyển tập, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2014, tr.830.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 – 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ QUẾ